Vị thế của Campuchia, Lào với Trung Quốc, Hoa Kỳ và Việt Nam

462 (lượt xem) |

Trước khi viết về mối liên hệ giữa Việt Nam và Campuchia và Lào, tưởng cũng cần nói đến vương quốc Phù Nam (Thế kỷ 1 trước Công Nguyên – 672) rồi đến 2 vương quốc Chiêm Thành (877 – 1693) và Chân Lạp (550 – 802) và sự thịnh suy của các vương quốc này.

  • Phù Nam (tiếng Khmer: Phnom) là tên gọi được đặt cho một quốc gia cổ trong lịch sử Đông Nam Á, xuất hiện khoảng thế kỷ 1 trước Công Nguyên, ở khu vực hạ lưu và châu thổ sông Mê Kông. Theo nhiều thư tịch cổ Trung Quốc, thì trong thời kỳ hưng thịnh, vương quốc này về phía Đông, đã kiểm soát cả vùng đất phía Nam Trung Bộ (Việt Nam), về phía Tây đến Thung lũng sông Chao Phraya (Thái Lan), về phía Nam đến phần phía Bắc bán đảo Mã Lai. Quốc gia này tồn tại cho đến khoảng nửa đầu thế kỷ 7 (sau năm 627) thì bị sáp nhập vào lãnh thổ của Chân Lạp (Campuchia).
Nhìn lại lịch sử Phù Nam | Nghiên Cứu Lịch Sử

Vương quốc Phù Nam

  • Chiêm Thành (Champa): Là tên gọi của vương quốc Chăm Pa, trong sử sách Việt Nam từ 877 đến 1693. Trước 859, Việt Nam gọi vương quốc này là Hoàn Vương. Đầu thế kỷ thứ 11, Chiêm Thành bao gồm 4 vùng đất (nhiều nguồn gọi là tiểu quốc) là: Amaravati (vùng Quảng Nam, Đà Nẵng ngày nay và vùng Bình – Trị – Thiên nhưng sau này bị sáp nhập vào Đại Việt), Vijaya (vùng Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay), Kauthara (vùng Phú Yên, Khánh Hòa ngày nay) và Panduranga (vùng Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay).

Tháp Chàm ở Phan Rang

  • Chân Lạp: Là nhà nước của người Khmer tồn tại trong giai đoạn từ khoảng năm 550 tới năm 802 trên phần phía nam của bán đảo Đông Dương gồm cả Campuchia và một số tỉnh phía Nam của Việt Nam hiện đại. Triều đại các vị vua của Chân Lạp theo truyền thuyết có nguồn gốc từ nhân vật thần thoại Campu, lấy nàng Naga (con gái thần nước, biến từ rắn thành thiếu nữ). Từ “Campu” cũng bắt ngồn cho tên gọi của Campuchia sau này. Các vương quốc láng giềng xung quanh vào thời kỳ ban đầu là Chăm Pa ở phía đông, Phù Nam ở phía nam và Dvaravati (thuộc Thái Lan ngày nay) ở về phía Tây Bắc. Các sử liệu Trung Hoa thì cho rằng trong thế kỷ 8, Chân Lạp gồm có hai tiểu quốc là Lục Chân Lạp (với trung tâm của Lục Chân Lạp khi đó là tỉnh Champasak ngày nay của Lào) và Thủy Chân Lạp (tương ứng với khu vực đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam và miền nam Campuchia ngày nay). Vào thế kỷ 11 & 12, Chân Lạp đang trên đà mở mang lãnh thổ, chiếm nhiều đất đai của Chiêm Thành, Thái, Lào, Miến để phát triển thành đế quốc Chân Lạp. Với sự chuyển dịch lịch sữ trong những thế kỷ tiếp đó, đế quốc Chân Lạp cũng theo luật thịnh suy và hiện nay chỉ còn phần lãnh thổ Campuchia, các phần khác thuộc về Thái Lan, Lào và Việt Nam.
daiviet vs khmer (2)

Hai vương quốc Chiêm Thành và Chân Lạp

LỊCH SỮ NAM TIẾN

Lịch sữ Nam tiến bắt đầu từ các đời chúa Nguyễn mà khởi đầu từ khi Nguyễn Hoàng đến trấn thủ vùng Thuận Hóa, Quảng Nam. Phần lãnh địa của chúa Nguyễn khi đó chỉ kéo dài đến Quảng Nam. Thế nhưng các đời chúa Nguyễn thông qua khai khẩn đất đai tiến về phía Nam, đã khiến lãnh thổ Đại Việt dần dần mở rộng. Phần viết về các Chúa Nguyễn dựa theo các bài viết “Các đời chúa Nguyễn mở rộng lãnh thổ” của tác giả Trần Hưng đăng trên mạng Trí Thức VN năm 2021.

Chúa Nguyễn Hoàng: Câu chuyện bắt đầu từ thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Nguyễn Hoàng (tức con thứ của Nguyễn Kim) cảm thấy không ổn với anh rể là Trịnh Kiểm, nên sai người đến tìm gặp cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm xin chỉ dạy. Trạng Trình đáp rằng: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, nghĩa là “Hoành sơn một dãy, dung thân ngàn đời”. Dãy Hoành Sơn thuộc địa phận Thuận Hóa, nên Nguyễn Hoàng liền nhờ chị ruột là Ngọc Bảo (tức vợ Trịnh Kiểm) xin anh rể cho mình được trấn thủ ở Thuận Hóa. Trịnh Kiểm cho rằng Thuận Hóa xa xôi, đất đai cằn cỗi, để Nguyễn Hoàng đi sẽ yên tâm hơn không có ai tranh giành với mình nên đồng ý cho Nguyễn Hoàng đi trấn thủ luôn cả vùng đất cực Nam bấy giờ là Thuận Hóa và Quảng Nam. Tháng 10/1558, Nguyễn Hoàng cùng gia quyến và các binh tướng thân tín đi về phương Nam, dừng chân ở cửa Việt Yên (nay là Cửa Việt).

Năm 1578, Chiêm Thành đưa quân đến tiến đánh, Lương Văn Chánh vâng lệnh chúa Nguyễn cầm quân đánh chặn. Sau khi đánh bại quân Chiêm, Chánh đưa quân tiến vào đánh thành An Nghiệp – Tuy Hòa. Đây là một trong những kinh thành đồ sộ và kiên cố nhất trong lịch sử Chăm Pa. Dù thế quân chúa Nguyễn vẫn hạ được thành, đẩy quân Chăm Pa về phía Nam. Năm 1597, Nguyễn Hoàng cùng 4,000 lưu dân khai khẩn vùng đất mới lấy được từ đèo Cù Mông (bắc Phú Yên) đến đèo Cả (bắc Khánh Hòa), nhờ đó mà hình thành nên những ngôi làng đầu tiên ở sông Đà Diễn, sông Cái. Chúa Nguyễn Hoàng mất, thọ 89 tuổi, ông để lại một vùng đất cho con cháu từ đèo Ngang gần đèo Cả, phía nam Phú Yên.

https://trithucvn.org/wp-content/uploads/2017/08/ban-do-nguyen-hoang.jpg

Khi chúa Nguyễn Hoàng mất, lãnh thổ Đại Việt kéo dài thêm đến cực nam Phú Yên. (Tranh: Luanpt.arc@gmail.com)

Chúa Nguyễn Phúc Nguyên: Sau khi chúa Nguyễn Hoàng mất, con trai thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên lên thay và làm nên một cuộc di dân về phương Nam vô cùng ngoạn mục. Do phải đối phó với sức mạnh từ Xiêm La (Thái Lan ngày nay), Quốc Vương Cao Miên muốn đặt quan hệ thông gia với chúa Nguyễn, từ đó công chúa Ngọc Vạn đã trở thành Hoàng hậu của vua Chey Chettha II. Chúa Nguyễn gửi quân cùng vũ khí sang giúp Cao Miên đẩy lui các cuộc xâm lược của Xiêm La. Quân chúa Nguyễn dùng đại pháo do người Bồ Đào Nha giúp đúc được khiến quân Xiêm La kinh hoàng phải rút lui. Chúa Nguyễn cũng đã thương lượng với vua Chey Chettha II và được nhượng lại 1 dinh điền ở Mô Xoài (gần Bà Rịa ngày nay), đồng thời chúa Nguyễn được phép lập hai thương điểm là Prei Nokor (thuộc khu Chợ Lớn, Sài Gòn sau này) và Kas Krobey (khu vực Bến Nghé, Sài Gòn sau này) để thu thuế. Đồng thời người Việt ở Đàng Trong được phép đến sinh sống ở vùng Thủy Chân Lạp (tức Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam và miền Nam Campuchia ngày nay). Chúa Nguyễn cũng cho quân đến đóng ở vùng Prei Nokor (tức Sài Gòn, Biên Hòa, Bà Rịa) của Chân Lạp nhằm bảo vệ người Việt làm ăn buôn bán sinh sống, đồng thời giúp Cao Miên khi có biến.

Chúa Nguyễn Phúc Tần: Năm 1648 chúa Nguyễn Phúc Lan mất, con thứ là Nguyễn Phúc Tần lên thay, thường được gọi là Chúa Hiền. Chúa Hiền đã có công trong việc mở rộng lãnh thổ Đại Việt hơn nữa. Năm 1653, Chiêm Thành cho quân tấn công quấy nhiễu Đại Việt ở Phú Yên. Chúa Hiền sai Hùng Lộc đưa quân đến Phú Yên đánh bại quân Chiêm Thành, đồng thời vượt đèo Hổ Dương (núi Thạch Bi) đuổi theo quân Chiêm đến tận kinh thành nước Chiêm. Vua Chiêm là Po Nraup chạy trốn khỏi kinh thành rồi sai con là Xác Bà Ân dâng thư xin hàng. Chúa Hiền đồng ý cho hàng, lấy sông Phan Rang làm biên giới, sáp nhập hai Phủ Thái Khang và Diên Ninh (thuộc tỉnh Khánh Hòa ngày nay), mở rộng thêm biên giới lãnh thổ.

Lúc này tại Trung Hoa, nhà Thanh lật đổ nhà Minh lập ra triều đại mới. Năm 1679, một số quan tướng nhà Minh không theo nhà Thanh đem 3,000 người đi trên 50 thuyền đến Đàng Trong, dâng sớ xin được làm dân xứ Việt. Chúa Hiền thấy họ cùng quẫn mà đến, lại tỏ lòng trung thực mong được an cư lạc nghiệp. Ông nhận thấy nhiều vùng đất của Cao Miên ở phía Nam màu mỡ nhưng chưa được khai phá nên giao cho họ khai hoang đất đai để ở, phong cho họ quan tước rồi cho đến vùng Gia Định, Nông Nại (Đồng Nai ngày nay), trấn Định Tường (thuộc Mỹ Tho), Bàn Lân, Lộc Đã (tức Biên Hòa, Đồng Nai ngày nay). Tại những vùng này họ mở mang đất đai, lập phố chợ, giao thông buôn bán. Dần dần các tàu thuyền người Hoa, người phương Tây, Indonesia đến đây buôn bán ngày càng tấp nập.

Chúa Nguyễn Phúc Chu: Năm 1691, Nguyễn Phúc Chu lên ngôi nối tiếp các đời chúa Nguyễn trước đó, mở rộng lãnh thổ hơn về phương Nam. Năm 1708, một người Hoa tên là Mạc Cửu đang khai phá ở vùng Hà Tiên dâng thư lên chúa Nguyễn xin được quy thuận, sáp nhập vùng Hà Tiên, đảo Phú Quốc vào lãnh thổ Đàng Trong. Chúa nhận lời và phong Mạc Cửu làm Thống binh trấn giữ vùng Hà Tiên. Năm 1729, một lãng nhân tên Prea Sot (ở tỉnh Baphum nước Chân Lạp) xách động người dân Chân Lạp nổi dậy tàn sát tất cả người Việt ở trong vùng Banam mà họ gặp, rồi còn tiến sang quấy nhiễu ở Sài Gòn. Bị nhà Nguyễn đem quân trừng trị, năm 1732, vua Cao Miên xin đem Peam Mesar (Mỹ Tho) và Longhôr (Vĩnh Long) dâng chúa Nguyễn để cầu hòa.

Năm 1757 lại xẩy ra lũng cũng trong nội bộ Chân Lạp. Nặc Nhuận muốn ngôi Vương nên tấu lên Chúa Võ phong xin phong tước Vương cho mình. Chúa Võ yêu cầu Nặc Nhuận phải dâng hai vùng đất là Trà Vang (nay là Trà Vinh và Bến Tre), Ba Thắc (nay là Sóc Trăng và Bạc Liêu) mới chuẩn tấu.

điềm lành

Bản đồ Đại Việt năm 1732. Thuận Thành Trấn là vùng tự trị. (Tranh: Luanpt.arc@gmail.com)

Vua Minh mạng: Đúng 200 năm sau, trải qua 8 đời Chúa Nguyễn đến năm 1758, lãnh thổ Đàng Trong đã vô cùng rộng lớn, trải dài hết vùng đất Nam Bộ đến tận vùng cực Nam, định hình cho nước Việt Nam ngày nay. Đó là công lao các đời Chúa Nguyễn tạo thành. Năm 1835, dưới đời vua Minh Mạng, Việt Nam ngày càng hùng mạnh khiến Ai Lao (tức Lào ngày nay) phải thần phục, xin được đặt dưới sự bảo hộ và sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam.

https://trithucvn.org/wp-content/uploads/2017/08/03-11.jpg

Bản đồ Việt Nam năm 1835 dưới thời vua Minh Mạng sau khi sáp nhập các vùng đất của Lào và Campuchia (Tranh: Luanpt.arc@gmail.com)

Lãnh thổ Việt Nam ngày nay: Lãnh thổ Việt Nam ngày nay có hình chữ S chạy dài theo hướng Đông Nam của bán đảo Đông Dương, từ Hà Giang tới Cà Mau.

  • Diện tích khoảng 331,231 km²
  • Khoảng cách từ bắc tới nam là khoảng 1,650 km
  • Đường bờ biển dài 3,444 km (không kể các đảo)

Lãnh hải rộng lớn (Việt Nam tuyên bố 12 hải lý (22,2 km) ranh giới lãnh hải, thêm 12 hải lý tiếp giáp nữa theo thông lệ và vùng an ninh, và 200 hải lý (370.4 km) làm vùng đặc quyền kinh tế). Hai quần đảo lớn là Trường Sa, Hoàng Sa. Đảo lớn nhất là Phú Quốc và rất nhiều các hòn đảo nhỏ khác. Hiện tại Quần đảo Trường Sa đang bị nhiều quốc gia trong khu vực tranh chấp do có tiềm năng lớn về dầu khí và nguồn cá dồi dào. Việt Nam là quốc gia nắm giữ nhiều đảo nhất. Các quốc gia đang tranh chấp chủ quyền gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei.

Bản đồ Việt Nam | Cập nhật mới nhất Quý 1/2021

Bản đồ Việt Nam và 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

TRUNG QUỐC VÀ CAMPUCHIA – LÀO

Nếu nhìn vào lịch sữ cận đại, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được lý do tại sao Campuchia lại dùng Trung Quốc để kềm chế Việt Nam. Như các tuyên bố ngoại giao của họ khẳng định, hai nước láng giềng này vẫn còn duy trì “tình anh em khắng khít”, tăng cường trao đổi ngày càng sâu sắc trên mọi phương diện. Ví dụ, một hiệp định thương mại tự do Trung Quốc – Campuchia vừa mới có hiệu lực, chắc chắn sẽ nâng tầm quan hệ thương mại của hai bên. Thêm nữa, các dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh cũng giúp phát triển kinh tế, dù rằng chỉ có lợi cho Trung Quốc.

Hun Sen, một đồng minh trung thành của Chủ tịch Tập Cận Bình, đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài duy nhất đến thăm ông Tập kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19. Bất chấp các hoạt động xây dựng gần đây của Trung Quốc tại Ream, cả hai bên đều bác bỏ ý tưởng rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ đóng quân tại đây. Nhưng thật khó để tin rằng lời phủ nhận này là sự thật, nếu xét đến các chi tiết đã được hé lộ về dự án này, cũng như dự án mở rộng đường băng của sân bay Dara Sakor gần đó do Trung Quốc tiến hành, vốn dường như nhằm trang bị cho sân bay khả năng tiếp nhận các máy bay quân sự.

Tình đồng chí giữa Campuchia – Trung Quốc: Trong khuôn khổ chuyến công du của ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc, đến Campuchia năm 2020 thì hai nước đã ký hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương. Đây là FTA đầu tiên mà Campuchia ký kết với một quốc gia khác.

Thời gian qua, quan hệ thương mại Trung Quốc – Campuchia ngày càng được thắt chặt. The South China Morning Post dẫn một thống kê cho thấy Bắc Kinh là nhà đầu tư lớn nhất của Phnom Penh với con số lên đến 5.3 tỉ USD từ năm 2013 – 2017. Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Campuchia (MoC), kim ngạch thương mại giữa Campuchia và Trung Quốc trong năm 2020 đạt hơn 8 tỷ USD. Tính đến năm 2017, Trung Quốc đã cho Campuchia vay khoảng hai tỷ USD kể từ năm 2004. Cùng giai đoạn, Trung Quốc đã xây dựng 70% các tuyến quốc lộ và cầu ở Campuchia. Cụ thể hơn, tổng chiều dài các con đường ở Campuchia do Trung Quốc xây dựng lên đến hơn 2,000 km, bên cạnh đó còn có bảy cây cầu lớn.

Trung Quốc đã đầu tư xây dựng hàng loạt dự án ở Campuchia. Trong đó có cả dự án thủy điện như Hạ Sesan 2 với công suất lên đến 400 MW. Hay Tập đoàn phát triển Liên Hiệp (UDG), một doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, đã đầu tư dự án Dara Sakor tại tỉnh Koh Kong (Campuchia). Theo Reuters, tổng đầu tư của UDG ở đây lên đến 3.8 tỷ USD. Dự án Dara Sakor có cả một sân bay với đường băng dài khoảng 3,400 m. Đây là đường băng dài nhất Campuchia. Từ nhiều năm trước, UDG đạt thỏa thuận thuê 45,000 ha đất ở Campuchia với thời gian lên đến 99 năm.

Nhìn từ góc độ kinh tế thì Trung Quốc đang tích cực thực hiện “Chiến lược phát triển miền Tây” để thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh miền Tây và Tây Nam Trung Quốc, nhằm giảm bớt khoảng cách phát triển giữa miền Tây với các tỉnh duyên hải miền Đông và “Sáng kiến Vành đai, Con đường” sau Đại hội 19. Để thực hiện chiến lược này, Trung Quốc hướng việc hợp tác của các tỉnh miền Tây với các nước trong khu vực có nguồn tài nguyên dồi dào, chưa được khai phá như Myanmar, Lào, Campuchia. Trong khi đó, Campuchia có nguồn tài nguyên khoáng sản, thủy điện, đất đai rất phong phú, hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Trung Quốc đang thiết lập căn cứ quân sự ở Campuchia: Kể từ năm 2019, các quan chức Mỹ đã nhiều lần bày tỏ lo ngại rằng hai dự án do Trung Quốc tài trợ ở Campuchia được thiết kế nhằm mang lại một chỗ đứng vững chắc cho quân đội Trung Quốc ở Đông Nam Á. Trung Quốc và Campuchia có thể thu được gì từ một thỏa thuận như vậy?

Hai căn cứ tạo ra mối lo ngại đều nằm dọc theo bờ biển phía Tây Nam của Campuchia. Đầu tiên là căn cứ Hải quân Ream ở tỉnh Preah Sihanouk, hiện là nơi đóng quân của một số tàu tuần tra cỡ nhỏ thuộc Hải quân Hoàng gia Campuchia. Căn cứ này đang được tu sửa lớn với nguồn kinh phí do Trung Quốc chi trả. Cơ sở hạ tầng bao gồm nhiều tòa nhà nhỏ, một trong số đó được Mỹ tài trợ xây dựng từ năm 2012 và là trung tâm an ninh hàng hải.

Tháng 1/2020, Campuchia đã hỏi Mỹ liệu họ có trả tiền để nâng cấp tòa nhà hay không. Mỹ đã đồng ý, nhưng chỉ trong vài tháng, Campuchia đã thay đổi quyết định và nói rằng họ không cần sự giúp đỡ của Mỹ nữa. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ chi trả tiền nâng cấp. Đến tháng 9/2020, trung tâm an ninh hàng hải đã được di dời và tòa nhà bị phá bỏ.

Địa điểm thứ hai nằm xa hơn, trên bờ biển tại Dara Sakor thuộc tỉnh Koh Kong. Năm 2008, một nhóm các công ty xây dựng Trung Quốc do Tập đoàn Phát triển Liên minh (UDG) đứng đầu đã đàm phán hợp đồng 99 năm với Chính phủ Campuchia thuê 36.000 hectares (360 triệu m2) bất động sản đắc địa bên bờ biển tại Dara Sakor. Khu vực này chiếm 20% đường bờ biển của Campuchia. Dự án khu công nghiệp, nhà ở và du lịch trị giá 3.8 tỷ USD bao gồm một cảng nước sâu và một đường băng sân bay dài 3,2 km có thể chứa hầu hết các loại máy bay quân sự. Kể từ đó, dự án này đã trở thành một trong những dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

Theo Chính phủ Mỹ, Căn cứ Hải quân Ream và khu nghỉ dưỡng tại Dara Sakor có thể được Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sử dụng làm cơ sở hậu cần quân sự.

Trung Quốc và các dự án hạ tầng cơ sở tại Lào: Trong khi đó, Trung Quốc đang xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng vô cùng cần thiết, và đầu tư vào các lĩnh vực hứa hẹn tăng trưởng mạnh nhất của nền kinh tế Lào.

Một tuyến đường sắt Trung Quốc – Lào chuyên chở hành khách và hàng hóa đã được hoàn thành vào cuối năm 2021. Tuyến đường sắt cao tốc nối thủ đô Vientiane của Lào tới biên giới Trung Quốc, tổng chiều dài 426.5 km, tổng vốn đầu tư gần 6 tỷ USD, được xây dựng theo cơ chế hợp tác công tư; xây dựng, vận hành và chuyển giao (BOT) và cơ chế hợp tác giữa chính phủ với chính phủ. Theo mô hình đầu tư này, chính phủ Lào và Trung Quốc đã thành lập Công ty liên doanh đường sắt Lào – Trung với tỷ lệ cổ phần 30 – 70%. Bắc Kinh khoe rằng du lịch từ Trung Quốc đến Lào, quốc gia không giáp biển duy nhất ở Đông Nam Á, đang gia tăng bất chấp đại dịch. Lào cũng được cho là đang hưởng lợi từ các chuỗi cung ứng mới nhờ đường sắt. Trung Quốc còn xây dựng nhiều đập cho Lào trên sông Mekong, nhằm giúp nước này tạo ra lượng thủy điện lớn, và trở thành “bình ắc quy của châu Á”. Bắc Kinh khẳng định rằng không có dự án nào trong số này đi kèm với các ràng buộc chính trị – tất nhiên, đó vẫn còn là điều gây tranh cãi. Mà dù điều đó có là sự thật đi chăng nữa, thì ràng buộc bằng tiền bạc và tham nhũng vẫn có thể mạnh hơn bất kỳ trao đổi ‘có qua có lại’ chính thức nào.

Điều mà Campuchia và Lào cần để ý là vay thì dễ nhưng lấy tiền đâu để trả mấy món nợ. Các nước châu Phi cũng như Sri Lanka đã phải cầm cố các hải cảng, phi trường để thanh toán các món nợ.

HOA KỲ VÀ LÀO VÀ CAMPUCHIA

Cho đến bây giờ, Hoa Kỳ tỏ ra ít quan tâm đến 2 quốc gia này. Vấn đề đầu tư thì giao cho các công ty con tại Singapore lo. Chính quyền Biden vẫn chưa cử một quan chức cấp cao nào đến đây. Dưới thời chính quyền Obama đã cử các Ngoại trưởng đến thăm Lào tận ba lần — Hillary Clinton một lần vào năm 2012, và John Kerry hai lần vào năm 2016. Đệ nhất Phu nhân đương nhiệm Jill Biden cũng đã đến thăm chính thức Lào vào năm 2015 khi chồng bà đang là Phó Tổng thống.

Quan trọng nhất, Tổng thống Barack Obama đã từng thăm Lào vào năm 2016, đánh dấu lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đương nhiệm đến thăm nước này. (Obama, hồi năm 2012, cũng trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên và duy nhất từng đến thăm Campuchia). Tuy nhiên, chuyến thăm của ông không nằm trong một toan tính chiến lược nào cả; đúng hơn, nó phát xuất từ “nghĩa vụ đạo đức”, như lời Obama, nhằm giải quyết hậu quả của việc Mỹ ném bom xuống Lào trong Chiến tranh Việt Nam, khiến nước này phải hứng chịu lượng bom tính trên đầu người cao nhất từng được ném xuống một quốc gia. Dù thế, trong chuyến thăm, Obama cũng đã tuyên bố nâng tầm quan hệ với Viêng Chăn lên đối tác toàn diện. Mối quan hệ này gồm nhiều khía cạnh khác nhau của trao đổi song phương, và còn đi kèm 90 triệu đô la trong ba năm, để giúp Lào rà phá bom mìn. Trong vòng 20 năm trước đó, tổng cộng hỗ trợ của Washington cho Lào chỉ ở mức 100 triệu USD.

Cả chính quyền Trump và Biden đều không tỏ ra quan tâm đến việc tận dụng chuyến thăm lịch sử của Obama. May mắn thay, nhiều chương trình dưới thời Obama vẫn được tiếp tục phát triển, bao gồm thúc đẩy kinh tế, hỗ trợ pháp lý, phòng chống buôn người, và dạy tiếng Anh – theo phát biểu gần đây của Đại sứ Mỹ tại Lào. Quan trọng nhất, các mức tài trợ cho hoạt động rà phá bom mìn vẫn ở mức cao dưới thời chính quyền Trump và Biden.

Căn cứ hải quân Ream:  Đã trở thành tâm điểm căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Campuchia từ vài năm nay, sau khi báo Wall Street Journal hồi năm 2019 đưa tin về sự tồn tại một thỏa thuận bí mật, trong đó Campuchia đồng ý tiếp nhận các quân nhân Trung Quốc tại căn cứ vùng duyên hải này. Sau đó, việc Campuchia bất ngờ phá hủy những cơ sở hải quân do Mỹ hỗ trợ xây dựng đã gây khó chịu cho Washington cho dù Campuchia một mực khẳng định không thiên vị bất cứ quốc gia nào.

Hồi đầu tháng 6/2021, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã bày tỏ quan ngại về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Campuchia, đồng thời muốn chính quyền Phnom Penh giải thích về việc phá bỏ những cơ sở quân sự do Mỹ tài trợ tại Campuchia. Là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới thăm Campuchia trong nhiều năm qua, bà Sherman đã bày tỏ quan ngại và đưa ra đề nghị nói trên trong khuôn khổ cuộc gặp Thủ tướng Hun Sen hôm 1/6.

Vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố lệnh trừng phạt nhằm vào UDG với cáo buộc các dự án do tập đoàn này tham gia ở Koh Kong bao hàm cả mục đích quân sự, dẫn đến nguy cơ đe dọa an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là Hoa Kỳ để cho ASEAN và Việt Nam lo vấn đề Campuchia. Lào thì tương đối tự chế trong mối giao hảo với Trung Quốc và các quốc gia lân bang. Hun Sen thì đóng vai trò phá thối nhất là các vấn đề liên quan đến Biển Đông.

QUAN HỆ VIỆT NAM VỚI CAMPUCHIA – LÀO

Trong lịch sữ cận đại của bán đảo Đông Dương, quan hệ giữa Việt Nam với Campuchia và Lào rất là phức tạp với lịch sữ Nam Tiến của dân tộc Việt trong suốt 5 thế kỷ. Từ xa xưa, một dải giang sơn mênh mông từ Nam sông Dương Tử trở về Nam là nơi các tộc dân Việt sinh sống và phát triển nền văn minh lúa nước rực rỡ. Thế rồi ngày nay, hầu hết đều trở thành lãnh thổ và giang sơn của người Hán, dùng Hán ngữ và văn hóa Hán. Quá trình đó người ta quen gọi là Hán hóa. Nhiều bộ tộc Việt bị người phương Bắc đánh bại, bị đồng hóa trở thành người Hán. Chỉ còn lại hai bộ tộc Lạc Việt và Âu Việt không bị đồng hóa, di dân về phía Nam, lập nên nhà nước Âu Lạc tức là Việt Nam ngày nay. Người Hán đã không đồng hóa nổi dân tộc Việt:

  • Nếu một dân tộc có sức sống sinh học và xã hội mãnh liệt thì sự đồng hóa chủng tộc khó thành công, ví dụ điển hình là dân tộc Do Thái.
  • Đồng hóa về văn hóa, tín ngưỡng phụ thuộc vào trình độ văn minh của mổi dân tộc. Một dân tộc mạnh về chinh chiến, có thể chiến thắng trong cuộc chinh phục, nhưng nếu trình độ văn minh thấp hơn thì sẽ bị kẻ bại trận đồng hóa, điển hình như tộc Hung Nô, Nữ Chân, Mãn Châu … đều chiến thắng người Hán nhưng lại bị Hán hóa.
  • Khi một cộng đồng dân tộc có tổ chức tốt, cố kết các thành viên bền chặt, thì dân tộc đó rất khó bị đồng hóa.

Nhìn lại thì thấy người Việt (người Kinh) có đủ cả ba yếu tố này: Người Kinh hiện nay là nơi tập hợp các thành phần ưu tú nhất của Bách Việt, bởi lẽ khi Bách Việt bị Hán hóa, các thành phần ưu tú, tinh hoa trong xã hội Việt là mục tiêu tàn sát của người Hán, do đó các thành phần này phải tháo chạy, và nơi dung nạp họ là mảnh đất cuối trời Bách Việt, tức Việt Nam ngày nay.

Tinh hoa của văn minh Bách Việt được cô đọng lại ở người Kinh, chắc chắn không kém nền văn minh Hoa Hạ. Người Việt dù không có văn tự riêng (hay có mà bị xóa sạch sau ngàn năm nô lệ) nhưng vẫn phát triển và bảo tồn được ngôn ngữ dân tộc, dù phải mượn Hán Ngữ để ghi chép rồi sau này nhờ các giám mục Tây Phương chuyển qua chữ quốc ngữ thì thật là một kỳ tích, chẳng kém gì người Do Thái vẫn giữ được tiếng Do Thái dù bị diệt chủng và xua đuổi hai ngàn năm.

Tổ chức xã hội của tộc Việt, điển hình là làng xã đã cố kết cộng đồng rất chặt. Tổ chức nhà nước cũng có rất sớm, từ thời Chiến quốc, do đó rất khó phá vỡ, nó tồn tại dấu tích sau khi khi đã độc lập. Hãy nhớ đến Hội Nghị Diên Hồng thời Trần để thấy tinh thần của tổ chức xã hội gắn kết người dân với triều đình chặt chẽ đến mức nào. Ngay cả một vương triều thất thế, bị truy đuổi như Triều Mạc, cũng không bán rẻ đất nước cho ngoại bang.

Quan hệ Việt Nam – Campuchia:  Là mối quan hệ song phương giữa 2 nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia. Nó đã trở nên căng thẳng kéo dài trong suốt chiến tranh Việt Nam – Campuchia (1976 – 1990). Sau đó, cả 2 nước đã có những bước tiến trong việc tạo dựng mối quan hệ hữu nghị bền chặt. Đến năm 2012 bắt đầu xuất hiện những rạn nứt trong quan hệ Việt Nam – Campuchia với việc Campuchia gây chia rẽ các quốc gia ASEAN tại hội nghị AMM-45.

Việt Nam có chung đường biên giới dài 1,137 km với Campuchia. Trong lịch sử, đặc biệt là thời kỳ Nam tiến của các chúa Nguyễn, Campuchia đã bị mất đất về tay Việt Nam và phải triều cống cho Việt Nam. Vào thế kỷ XIX, cả 2 đều trở thành thuộc địa của thực dân Pháp và cùng với Lào tạo thành Đông Dương thuộc Pháp. Những nhà yêu nước của cả Việt Nam và Campuchia đã cùng cộng tác để chống Pháp trong chiến tranh Đông Dương (1945 – 1954) nhằm mục đích dành độc lập cho mỗi dân tộc, song lại bị những nhà dân tộc chủ nghĩa đối lập ở Campuchia, bao gồm vua tương lai Norodom Sihanouk, nghi ngờ là ý đồ thuộc địa hóa Campuchia của Việt Nam.

Trong Chiến tranh Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã sử dụng lãnh thổ của Campuchia – một nước trung lập, để phát động các cuộc tấn công vào miền Nam Việt Nam, cùng lúc với lực lượng Khmer Đỏ vốn đang là đồng minh Việt Cộng bấy giờ. Điều này là cái cớ cho Mỹ ném bom vào lãnh thổ Campuchia với lý do tiêu diệt Việt Cộng ẩn núp ở Campuchia, tuy nhiên cùng lúc đó lại làm chết 150,000 người Campuchia. Với sự rút lui của quân Mỹ và việc Cộng Sản thắng lợi ở Việt Nam và Campuchia năm 1975, cả 3 nước Đông Dương đều đi theo chế độ Cộng Sản rồi đổi qua toàn trị.

Chiến tranh biên giới Tây Nam: Là cuộc xung đột quân sự giữa Việt Nam và Campuchia. Cuộc chiến bắt đầu từ các hoạt động quân sự của quân Khmer Đỏ tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, giết chóc người dân và đốt phá làng mạc Việt Nam trong những năm 1975 – 1978.

Tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam (Viet Nam War) - Chiến tranh biên giới Tây  Nam: VIỆT NAM 30 NĂM - MỘT NỖI OAN Tính từ khi quân Pol Pot gây

Chiến tranh biên giới Tây – Nam

Cuộc chiến có thể chia làm 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1 (Từ giữa năm 1975 đến cuối năm 1978): Khmer Đỏ tổ chức nhiều cuộc tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, phá hủy nhiều ngôi làng và giết hại hàng ngàn thường dân Việt Nam. Phía Việt Nam chỉ tổ chức phòng ngự và cố đàm phán tìm giải pháp hòa bình, nhưng Khmer Đỏ bác bỏ.
  • Giai đoạn 2 (Từ tháng 12 năm 1978 đến tháng 5 năm 1979): Khmer Đỏ tổ chức cuộc tấn công lớn nhất vào lãnh thổ Việt Nam với 19 sư đoàn nhưng bị phía Việt Nam bẻ gãy. Sau cuộc tấn công, Việt Nam thấy không có cơ hội để đàm phán hòa bình nên đã quyết định tấn công lớn vào Campuchia, lật đổ Khmer Đỏ và lập nên chế độ mới do Heng Samrin đứng đầu. Tàn quân Khmer Đỏ chạy sang ẩn náu bên kia biên giới Thái Lan.
  • Giai đoạn 3 (Từ giữa năm 1979 đến cuối năm 1985): Khmer Đỏ với sự trợ giúp về lương thực, vũ khí của Thái Lan, Trung Quốc đã tổ chức đánh du kích và đe dọa sự tồn tại của chế độ Cộng hòa Nhân dân Campuchia. Năm 1982, Việt Nam rút bớt quân khỏi Campuchia, ngay sau đó Khmer Đỏ hoạt động mạnh trở lại và chiếm một số khu vực. Nhận thấy quân đội Cộng hòa Nhân dân Campuchia còn rất yếu ớt nên không thể tự chống cự được, Việt Nam buộc phải tiếp tục đóng quân tại Campuchia để bảo vệ chế độ Hun Sen và truy quét Khmer Đỏ. Mùa khô 1984 – 1985, cuộc tấn công quyết định của Việt Nam đã phá hủy các căn cứ chính của Khmer Đỏ, khiến Khmer Đỏ suy yếu đi nhiều và không còn đủ sức đe dọa chế độ mới của Campuchia.
  • Giai đoạn 4 (Từ 1986 tới 1989): Sau chiến dịch mùa khô năm 1985, nhận thấy chế độ Cộng hòa Nhân dân Campuchia đã tự đứng vững được, từ năm 1986, Việt Nam rút dần quân khỏi Campuchia và đến năm 1989 thì rút hết. Nhân việc Việt Nam rút quân, các lực lượng tàn quân của Khmer Đỏ định tái hoạt động, nhưng bị quân đội Hun Sen đánh bại. Khmer Đỏ dần tan rã, các lãnh đạo bị bắt và bị đưa ra xét xử ở tòa án quốc tế.

Gia đình trị tại Campuchia: Thủ tướng Hun Sen có 3 người con:

  • Ông Hun Manet, sinh năm 1977, từng theo học Học viện Quân sự Mỹ ở West Point, tốt nghiệp năm 1999 và trở thành người Campuchia đầu tiên tốt nghiệp học viện quân sự danh giá này. Ông tiếp tục lấy bằng thạc sỹ tại Đại học New York (Mỹ) năm 2002 và bằng tiến sĩ tại Đại học Bristol (Anh) năm 2008. Tất cả bằng cấp đều về kinh tế học. Ông Hun Manet đã nhanh chóng thăng tiến trong sự nghiệp chỉ trong vài năm. Ông trở thành tướng 2 sao vào năm 2011, tướng 3 sao vào năm 2013 và 4 sao vào năm 2018. Ông Hun Manet hiện là Phó tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia và tư lệnh lực lượng Lục quân, tư lệnh lực lượng chống khủng bố và phó tư lệnh lực lượng vệ binh của Thủ tướng Hun Sen.
  • Hun Manith (em trai) Thủ tướng Campuchia Hun Sen vừa bổ nhiệm con trai thứ của mình, Hun Manith, vào vị trí phụ trách tình báo quân đội.
  • Hun Many (em trai) Người con út của Hun Sen, Hun Many, năm nay 33 tuổi, cũng đi theo nghiệp chính trị với vị trí dân biểu tỉnh Kampong Speu.

Tại lễ khánh thành trụ sở hành chính mới của Bộ Quốc phòng Campuchia, Thủ tướng Hun Sen kể lại rằng, trong một bữa ăn tại một cuộc đoàn tụ gia đình, ông đã nói với một người cháu rằng 20 năm sau, người cháu ấy cần phải cạnh tranh với các chính trị gia khác để trở thành thủ tướng Campuchia. Muốn vậy, người đó cần phải học tập chăm chỉ và lấy bằng tiến sĩ ở nước ngoài. Trước đó, ông Hun Sen cũng bày tỏ ủng hộ con trai Hun Manet trở thành nhà lãnh đạo tương lai của Campuchia thông qua bầu cử. Đảng Nhân dân cầm quyền Campuchia (CPP) ngày 24/12 cho biết, ủy ban trung ương đảng đã nhất trí ủng hộ ông Hun Manet, 44 tuổi, là “ứng viên thủ tướng trong tương lai”.

Học viện West Point nói gì về bằng cấp của con trai Thủ tướng Hun Sen? - ảnh 1

Ông Hun Sen chụp ảnh cùng con trai cả Hun Manet tại West Point năm 1999 – Reuters

Hun Manet – Bình minh của một triều đại mới tại Campuchia

Quan hệ Việt Nam – Campuchia trong tương lai: Năm 2019 đánh dấu kỷ niệm 40 năm ngày Việt Nam xua quân sang Campuchia, lật đổ chế độ Khmer đỏ và đưa ông Hun Sen, một cựu chỉ huy Khmer đỏ, lên cầm quyền. Đúng bốn mươi năm sau, Campuchia giờ vẫn do Hun Sen lãnh đạo, rõ ràng đang nằm trong quỹ đạo của Bắc Kinh, tác giả David Hutt viết trong một bài báo đăng trên Asia Times, ngày 7 tháng 1 năm 2019. Tuy nhiên bài báo Asia Times nêu lên rằng Việt Nam can thiệp và giải phóng Campuchia khỏi chế độ Khmer đỏ, là do quyền lợi sinh tử chứ không phải vì lòng vị tha, thương xót dành cho nhân dân Campuchia.

Bất chấp những sự hy sinh đó, hiện đang có nhiều dấu hỏi về sự gần gũi trong mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Campuchia, trong bối cảnh Trung Quốc giờ đã trở thành nước viện trợ và đầu tư lớn nhất, cũng như là đồng minh thân cận nhất của Campuchia. Mặc dù Việt Nam và Campuchia vẫn duy trì quan hệ lành mạnh đã xây dựng trong bốn thập kỷ qua, đặc biệt trong quan hệ giữa hai quân đội, và nhiều quan chức cấp cao CPP vẫn có cảm tình với người Việt vì đã từng học ở Việt Nam trong những năm 1980 và 1990, nhưng theo các chuyên gia, với sự ra đi của thế hệ này, những quan hệ đó ngày càng phai nhạt hơn.

Bài phân tích trên Asia Times dẫn lời Giáo sư Paul Chambers, giảng viên Đại học Nghiên cứu Cộng đồng Asean tại Đại học Naresuan, nhận định rằng sau năm 1997, ông Hun Sen đã dần dần đưa Campuchia từ cân bằng giữa Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây đến một nước Campuchia hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế. Trong bối cảnh đó, theo Giáo sư Chambers, cũng là lẽ tự nhiên khi Campuchia có phần lơ là với Việt Nam vì được hưởng nhiều lợi ích hơn từ Trung Quốc. Vẫn theo Asia Times, về mặt lý thuyết, Campuchia tuyên bố vẫn duy trì quan hệ với hai đồng minh một cách ngang hàng. Việt Nam vẫn được hoan nghênh là “đồng minh lịch sử” và là nước đã giải phóng Campuchia khỏi ách Khmer đỏ. Nhưng, trong thực tế, về mặt ngoại giao, Việt Nam bây giờ đóng vai trò thứ yếu so với Trung Quốc.

Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi với dự tính của Hun Sen để cho con trai trưởng Hun Manet ứng cử chức vụ Thủ tướng vào một thời điểm thích hợp. Đây có thể xem như là bình minh của một triều đại mới tại Campuchia. Hun Manet là người đầu tiên tốt nghiệp trường đại học quân sự danh tiếng West Point của Hoa Kỳ và trong nhiều khía cạnh, chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây.

KẾT LUẬN

Trong bài viết này, tác giả nói nhiều về nỗ lực mở mang bờ cõi của các Chúa Nguyễn cũng như trận chiến Tây Nam (1978 – 1985) với Khmer đỏ. Nói cho cùng thì đây là những tiến hóa trong những giai đoạn của lịch sữ. Không có quyết tâm của dòng giống thì ngày nay, Việt Nam đã là một quận huyện của Trung Quốc. Việt Nam rất cẩn trọng mối quan hệ với Trung Quốc nhưng sẽ không bao giờ để mất một tấc đất mà cha ông để lại.

Sau khi thống nhất năm 1975, Việt Nam bước vào giai đoạn vô cùng khó khăn bởi sự kiệt quệ kinh tế, sự cấm vận, cô lập trên trường quốc tế. Cuộc chiến Tây Nam với Khmer Đỏ lại kéo dài thêm gần 10 năm. Những cải cách kinh tế từ năm 1986 kết hợp với những xu hướng toàn cầu thuận lợi đã nhanh chóng giúp Việt Nam phát triển từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp chỉ trong vòng một thế hệ. Sau 35 năm, Việt Nam lại thành một đối tác chính của Hoa Kỳ nhất là phương diện kinh tế. Năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu 95.6 tỷ và 45.8 tỷ USD hàng hóa qua Hoa Kỳ và Liên Âu trong khi phải nhập khẩu 109.9 tỷ USD nguyên liệu từ Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng có thể đối xử với Lào, Campuchia như với Việt Nam.

Cho đến bây giờ, Việt Nam là nước thứ hai đầu tư 5 tỷ USD vào Lào và Campuchia với 3 tỷ USD sau Trung Quốc. Các tập đoàn quan trọng của Việt Nam như Vinamilk, Hoàng Anh Gia Lai đã có mặt tại 2 quốc gia này. Về phương diện kinh tế, Campuchia có thể phát triển như Việt Nam mà không cần dựa vào thế lực của Trung Quốc. Sẽ có một lúc mà Campuchia, Lào cũng như Thái Lan, Myanmar sẽ nhận thức được tâm địa thật sự của Trung Quốc với các quốc gia trong vùng. Tất cả những gì xảy ra với 3 quốc gia Đông Nam Á cũng như sự thịnh suy của những chế độ chỉ là một chuổi dài biến thiên của lịch sữ thế giới.  Sẽ có những lúc mà Việt Nam phải bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ của mình dù bất cứ cái giá phải trả như thế nào.

THAM KHẢO

1.    Phù Nam – Wikipedia tiếng Việt

2. Champa – Wikipedia tiếng Việt

3. Chân Lạp – Wikipedia tiếng Việt

4.    Bài viết “Nhìn lại lịch sử Bách Việt và quá trình Hán hóa Bách Việt – Nghiên Cứu Quốc tế ngày 11/9/2016.

5.    Các bài viết “Các đời chúa Nguyễn mở rộng lãnh thổ” của tác giả Trần Hưng đăng trên mạng Trí Thức Việt Nam ngày 2/11/2021. Quan hệ Campuchia – Việt Nam – Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia

6. Chiến tranh biên giới Tây Nam – Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia

7. Hun Manet – Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia

8. Bài viết “Làm thế nào Việt Nam để Campuchia lọt vào tay Trung Quốc?” đăng trên đài VOA ngày 7/1/2019.

9. Bài viết “Đã đến lúc Mỹ cần phản công vào sân sau Trung Quốc” đăng trên mạng Nghiên Cứu Quốc tế ngày 14/1/2022.

10. Bài viết “Con trai ông Hun Sen được đảng CPP bầu làm thủ tướng Campuchia tương lai” đăng trên mạng Nghiên Cứu Quốc tế ngày 14/1/2022.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *