Cảng quân sự Cam Ranh

398 (lượt xem) |

Ở Cam Ranh, biển ăn sâu vào đất liền và được bao lại bởi bán đảo Cam Ranh với những dãy núi cao khoảng 300 – 400 m, tạo ra vùng nước rộng bên trong. Theo tính toán, diện tích mặt nước của Vịnh Cam Ranh khoảng hơn 100 km2, chiều rộng 5 – 6 km, chiều dài 15 km và độ sâu trong Vịnh trung bình từ 16 – 25 m (sâu nhất là 32 m), tại cửa Vịnh đạt độ sâu khoảng 15 – 20 m. Trong năm 2016, tác giả có viết bài về vịnh Cam Ranh; tuy nhiên, cảng quốc tế Cam Ranh chỉ mới xây dựng trong giai đoạn I. Tài liệu mới nhất mà tác giả có được là từ Cục Hàng hải Cam Ranh năm 2021 với cầu cảng chính giai đoạn 2 đã được hoàn tất cho tàu đậu 2 bên dài 640 m (cầu số 3 và 4). Như vậy, Cam Ranh có 3 hệ thống cảng: Cảng dân sự Ba Ngòi – cảng Hải quân Cam Ranh và cảng quốc tế Cam Ranh. Trong bài viết này, tác giả chỉ nói về cảng quân sự Cam Ranh.

Cảng quân sự nằm về phía Đông Nam vịnh Cam Ranh

CẢNG DÂN SỰ CAM RANH

Cảng Cam Ranh (tên cũ Cảng Ba Ngòi) là cảng thương mại quốc tế nằm trong vịnh Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa, nơi hội tụ những điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển dịch vụ cảng biển như mực nước sâu, kín gió, diện tích lớn, nằm gần đường hàng hải quốc tế và sân bay Cam Ranh, cách quốc lộ 1A khoảng 1.5 km và tuyến đường sắt Bắc – Nam 3 km nên từ lâu cảng đã là đầu mối giao thông đường biển quan trọng cho khu vực Nam Khánh Hòa và các tỉnh lân cận.

Ngày 14 tháng 5 năm 2009, cảng Ba Ngòi đã chính thức hoạt động theo mô hình mới với tên gọi Công ty TNHH một thành viên Cảng Cam Ranh, sau hơn một năm được ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa bàn giao cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).  

Từ những lợi thế vốn có, cảng không ngừng được đầu tư nâng cấp cả về nhân lực và cơ sở hạ tầng để thúc đẩy phát triển và hội nhập quốc tế. Từ một Phân cảng của cảng Nha Trang – Ba Ngòi trực thuộc Cục Hàng Hải, năm 1991, cảng được tách thành một đơn vị kinh doanh cảng biển độc lập. Qua 15 năm hoạt động, cảng Ba Ngòi chỉ mới vượt trên 1 triệu tấn, các dịch vụ hậu cần cảng biển ngày càng phát triển. Với tổng chiều dài khai thác cầu cảng là 308 m, độ sâu trước bến 11.6 m, độ sâu luồng -10.2 m, cảng đã tiếp nhận được các loại tàu có trọng tải đến 30,000 DWT. Cơ sở hạ tầng trong cảng không ngừng được hoàn thiện, trang thiết bị phục vụ xếp dỡ tiếp tục được đầu tư, quy trình công nghệ liên tục được cải tiến đã đưa năng suất xếp dỡ hàng rời đạt từ 4,000 – 5,000 tấn/ngày, hàng bao từ 2,000 – 2,500 tấn/ngày, đảm bảo giải phóng tàu nhanh. Mọi công đoạn bốc dỡ từ tàu lên xe, hoặc nhập kho, lưu bãi và ngược lại được thực hiện theo quy trình khép kín.

Nói chung, về phương diện kinh tế thì cảng Ba Ngòi, có thể về lý do quân sự, không được phát triển mạnh như cảng Cái Mép – Thị Vãi, được quy hoạch để trở thành trung tâm kinh doanh cảng biển và logistics lớn ngang tầm khu vực vào năm 2030, cạnh tranh ngang hàng với Singapore và trở thành một đầu mối cảng biển đẳng cấp thế giới vào năm 2045.

Vị trí cảng Ba Ngòi

KHU VỰC QUÂN SỰ CẢNG CAM RANH

Hiện nay, khu vực quân sự cảng Cam Ranh là một bán đảo phía Nam cảng hàng không quốc tế Cam Ranh gồm có Vùng 4 Hải quân Việt Nam, khu vực dành cho tàu ngầm, cảng quốc tế Cam Ranh và các khu vực đồi núi bảo vệ lối vào cảng và đảo Bình Ba:

Vùng 4 Hải quân: Hiện nay, Căn cứ Hải quân Cam Ranh đặt bộ chỉ huy của Vùng 4 Hải quân là vùng trách nhiệm quan trọng nhất của Hải quân Việt Nam, quản lý quần đảo Trường Sa, đảo Phú Quý và vùng biển phía nam miền Trung từ Phú Yên đến Bắc Bình Thuận gồm các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và phía Bắc của Bình Thuận. Yễm trợ cho Vùng 4 Hải Quân gồm có: Lữ đoàn 147 (Hải quân đánh bộ), Lữ đoàn 146 (Công Binh Hải quân), Lữ đoàn 162 (Tàu hộ vệ tên lửa: HQ 375 – HQ 376 – HQ 11 – HQ 12 – HQ 15 – HQ 16, Lữ đoàn 954 (Hải-Không quân), Lữ đoàn 681 (Tên lửa bờ) và Trung đoàn Radar 451. Lữ đoàn 125 (Vận tải biển) đồn trú tại Cát Lái. Lữ đoàn 682 (Tên lửa bờ mới nhất) đồn trú tại Phú Yên. Ngoài ra, tại phi trường Biên Hòa có Trung đoàn Tiêm kích 935 Su-30MK2V, Trung đoàn trực thăng 917 trực thuộc Sư đoàn 370 cũng có trách nhiệm bảo vệ Trường Sa.

Hình ảnh mới nhất của căn cứ Hải quân Việt Nam tại Cam Ranh 2016

Căn cứ tàu ngầm: Khu vực Mủi Hời phía Nam Vùng 4 Hải quân dành cho Lữ đoàn 189 Tàu ngầm gồm có HQ 182 – HQ 183 – HQ 184 – HQ 185 – HQ 186 – HQ 187.

Khu vực Mủi Hời

Cầu cảng tàu ngầm

Ngoài ra, cảng Vân Phong phía Bắc của Cam Ranh cũng nên được nghiên cứu như là căn cứ dự trữ đào sâu trong núi cho tàu ngầm.

Cảng Vân Phong

Cảng quốc tế Cam Ranh: Hiện nay, các Hàng Không Mẫu Hạm lớn nhất trên thế giới là lớp Gerald R. Ford của Hải Quân Hoa Kỳ có kích thước như sau:

  • Trọng tải choán nước tối đa: Khoảng 100,000 tấn
  • Chiều dài tối đa: 337 m.
  • Mớm nước: 12.5 m tối đa

Cho đến năm 2021, với toàn bộ các hạng mục công trình thủy, cảng quốc tế Cam Ranh là cảng lớn nhất Việt Nam hiện nay, với tổng chiều dài bến cập tàu là 2,147 m có thể tiếp nhận 40 tàu quân sự, tàu du lịch trong và ngoài nước cùng lúc vào cập bến, neo đậu, trọng tải tàu tối đa đến 110,000 DWT.

Cầu cảng số 2
        + Tàu vào cảng lớn nhất (DWT) 19,774
        + Kích thước chiều dài cầu cảng (m) 240
Cầu cảng số 2A
        + Tàu vào cảng lớn nhất (DWT) 7,103
        + Kích thước chiều dài cầu cảng (m) 100
Cầu cảng số 3
        + Tàu vào cảng lớn nhất (DWT) 700,000
        + Kích thước chiều dài cầu cảng (m) 640
Cầu cảng số 4
        + Tàu vào cảng lớn nhất (DWT) 19,774
        + Kích thước chiều dài cầu cảng (m) 640
Cầu cảng số 5
        + Tàu vào cảng lớn nhất (DWT) 7,570
        + Kích thước chiều dài cầu cảng (m) 557

Hình số 1 – Cầu cảng 2 bến số 3 và 4 dài 640 m – Bến số 2 và 2A dài 240 m và 100 m ở dưới

Tàu sân bay trực thăng JDS Izumo (DDH-183) thuộc Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) cập cảng quốc tế Cam Ranh ngày 21/ 5/2017. Tàu này dài 248 m với lượng giãn nước 27,000 tấn.

Cho đến nay, đã có 3 lớp tàu đổ bộ chở trực thăng cập cảng Cam Ranh:

  • Tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga của Nhật (trọng tải 19,000 tấn) thăm viếng Cam Ranh vào tháng 4, 2015.
  • Tàu chỉ huy và đổ bộ Tonnerre (trọng tải 21,500 tấn) của Hải quân Pháp vào tháng 5, 2016.
  • Chiến hạm chở trực thăng lớp Canberra của Úc với trọng tải khoảng 20,000 tấn đã viếng thăm Cam Ranh vào tháng 5, 2019.

Tàu đổ bộ Canberra của Hải quân Úc tại cảng Cam Ranh, Khánh Hòa, ngày 7/5/2019. Photo Chinhphu.VN

Tương lai của cầu cảng quốc tế Cam Ranh: Cảng quân sự Cam Ranh, nếu được tận dụng đúng khả năng, sẽ có sức chứa 40 chiến hạm hạng lớn. Hiện nay, cảng quốc tế Cam Ranh chỉ thỉnh thoảng đón 3, 4 chiến hạm đồng minh. Ngoài ra, đảo Bình Ba phía Nam cảng quân sự với dân số khoảng 5,000 dân vẫn là khu dân sự. Đảo này cũng phải được giải tỏa để xây dựng các căn cứ phòng thủ và hậu cần, bảo vệ vòng ngoài cho khu quân sự. Tháng 4/2022, giới hữu trách Việt Nam vừa ra quyết định cấm hoạt động du lịch ở đảo Bình Ba và Bình Hưng với lý do đảm bảo an ninh cho căn cứ quân sự tại Cam Ranh.

Đảo Bình Ba và cảng quốc tế

Để có một cái nhìn rỏ ràng về tương lai của cầu cảng quốc tế Cam Ranh, tác giả nêu ra 3 căn cứ:

  • Căn cứ hải quân mới Jeju của Hàn Quốc: Căn cứ hải quân này nằm ở phía nam đảo Jeju, giúp rút ngắn thời gian triển khai tàu chiến khi có khiêu khích từ phía Triều Tiên, đưa vào hoạt động năm 2016. Căn cứ hải quân này có cảng biển phục vụ cho cả mục tiêu dân sự được xây dựng trên diện tích 500,000 m² với những bến cảng kéo dài 5 km dọc theo biển Hoa Đông. Căn cứ hải quân này có kinh phí xây dựng hơn 880 triệu USD gồm những bến cảng dành cho tàu chiến và tàu du lịch, có cả khu phức hợp gồm văn phòng và khu nhà ở của hải quân. Căn cứ với 2 chức năng quân sự và dân sự này có thể chứa đến 20 tàu chiến và 2 tàu du lịch loại lớn hơn 150,000 tấn nhưng theo hình thì đây không phải là một căn cứ hải quân đầy đủ.

Căn cứ hải quân Jeju của Hàn Quốc

  • Căn cứ hải quân Subic Bay: Nếu so sánh cầu cảng quốc tế Cam Ranh và Subic Bay thì cơ sở hạ tầng của Cam Ranh chưa nghĩa lý gì so với Subic. Subic có 12 bến tàu đủ chổ cặp cho cả một hạm đội của Hoa Kỳ và đầy đủ cơ sở yểm trợ trên bờ trong khi đó Cam Ranh chỉ có 2 cầu tàu dài 640 m và 557 m. Điều cần để ý là Cam Ranh chỉ cách tuyến hàng hải quốc tế vài chục hải lý trong khi Subic Bay ở xa tận phía Đông. Tuy nhiên, Subic Bay và khu vực vịnh Oyster trên đảo Palawan lại gần quần đảo Trường Sa hơn Việt Nam.

Cầu cảng Subic Bay

Khu vực vịnh Oyster trên đảo Palawan

  • Căn cứ hải quân Du Lâm của Trung Quốc: Một sự so sánh thêm là căn cứ Du Lâm của hạm đội Nam Hải của Trung Quốc. Theo phối trí thì phía Tây dành cho các tàu mặt nước và phía Đông dành cho các tàu ngầm. Tuy nhiên ở phía Đông cũng có 2 cầu tàu dài 900 m dành cho tàu mặt nước. Các cầu tàu này và các căn cứ yểm trợ trên bờ cung cấp đủ tiện nghi cho 2 cụm tác chiến tàu sân bay và các chiến hạm hộ tống. Đó là chưa kể các cầu tàu riêng cũng như các hầm trú ẩn dành cho các tàu ngầm. Mặc dù đã có từ lâu, căn cứ tàu ngầm Du Lâm trên đảo Hải Nam chỉ đến cuối thập niên 2000 qua tin tình báo và vệ tinh do thám người ta mới biết Trung Quốc đã xây dựng thêm những sơ sở dưới mặt đất đào sâu vào trong lòng núi, dùng cho các tàu ngầm nguyên tử. Theo Bộ quốc phòng Hoa Kỳ, từ năm 2010, Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đã có 4 tàu ngầm nguyên tử chiến lược hạng 094, mỗi chiếc mang 12 hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa JL-2 có tầm bắn xa 8,000 km. Ngoài ra, còn có khoảng 20 tàu ngầm tấn công. Tác giả không nắm vững số tiền chi tiêu cho việc xây dựng căn cứ Du Lâm nhưng cũng có thể lên đến hàng chục tỷ USD.

Tuyến hàng hải quốc tế và 3 cảng Du Lâm (Á Long) – Cam Ranh và Subic Bay

Không ảnh căn cứ Du lâm

KẾT LUẬN

Từ khi đi vào hoạt động (tháng 3/2016) đến nay, cảng quốc tế Cam Ranh liên tục đón tiếp nhiều tàu quân sự nước ngoài của Nhật Bản, Singapore, Pháp, Úc … Riêng với Hoa Kỳ, các chiến hạm cũng như các tàu hậu cần thường xuyên thăm viếng Cam Ranh. Chỉ còn vấn đề lớn là khi nào các Hàng Không Mẫu Hạm 100,000 tấn hay các tàu đổ bộ LHA lớp America 46,000 tấn sẽ thăm viếng Cam Ranh là vấn đề còn bỏ ngỏ. Bỏ qua những khoa trương của chính phủ Việt Nam về vị thế của cảng quốc tế Cam Ranh thì còn một khoảng cách khá xa để phát triển khu vực này thành một căn cứ hải quân tầm cỡ quốc tế.

Thật sự, đây chỉ là mặt nổi về vị trí chiến lược của cảng Cam Ranh. Chủ trương 3 không, 4 không của Việt Nam chỉ là ngoài mặt. Nga Sô thì không có quyền lợi nhiều về quân sự và kinh tế tại Biển Đông. Trung Quốc thì căn cứ Tam Á trên đảo Hải Nam khá xa Biển Đông và eo biển Malacca. Hai căn cứ Subic Bay của Philippines và Cam Ranh của Việt Nam, lúc cần thiết, sẽ trở thành 2 gọng kềm siết chặc thủy lộ của Trung Quốc từ Malacca lên eo biển Đài Loan và bán đảo Hoa Đông. Subic Bay đã được phát triển hoàn toàn cho một cụm tác chiến tàu sân bay như đã nói ở trên. Cảng quốc tế Cam Ranh cần ít nhất khoảng 5 – 15 tỷ USD để trở thành một căn cứ hải quân có đẳng cấp. Hoa Kỳ chắc chắn không muốn một mình cáng đáng việc này. Nhật Bản, Úc Đại Lợi có thể phối hợp để giảm bớt gánh nặng. Liên Âu cũng có thể đóng góp nếu vấn đề hoàn lại vốn đầu tư tỏ ra khả thi.

Việt Nam có thể thay đổi cán cân sức mạnh trên vùng biển châu Á – Thái Bình Dương bằng cách cho phép hải quân Mỹ, Nhật Bản, Liên Âu … hay bất kỳ quốc gia nào có thiện chí có mặt tại Cam Ranh. Đặc biệt, sự ra đời của cảng quốc tế Cam Ranh chỉ là khởi đầu cho những đóng góp to lớn cho hòa bình và ổn định trên Biển Đông nói riêng cũng như trong khu vực và thế giới nói chung trong tương lai. Tuy nhiên, phát triển Cam Ranh để có đủ tiện nghi cho một hạm đội tân tiến nhất là các tàu ngầm hạt nhân thì hiện nay chưa ai có thể nói thẳng những gì sẽ xảy ra. Trong 10 năm nữa, Việt Nam sẽ có được vị thế chiến lược của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Việt Nam sẽ phải chứng tỏ sự đóng góp để phù hợp với vai trò của mình.

THAM KHẢO

  1. Cảng Cam Ranh (Ba Ngòi) – Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia.
  2. You Tube – Toàn cảnh vịnh Cam Ranh – Khánh Hòa 2020.
  3. Bài viết “Quan hệ đối tác chiến lược Việt – Mỹ” đăng trên mạng Tranhchapbiendong.net ngày 20/9/2121.
  4. Bài viết “Bến cảng Quốc tế Cam Ranh” của Cục Hàng hải Việt Nam ngày 23/5/2021.
  5. Bài viết “Tàu Hải quân Nga cập Cảng quốc tế Cam Ranh” đăng trên mạng Hải quân Việt Nam Online ngày 15/5/2021.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *