Sức chiến đấu mãnh liệt của quân dân Ukraine

236 (lượt xem) |

SỨC CHIẾN ĐẤU MÃNH LIỆT CỦA QUÂN DÂN UKRAINE

Khi Nga Sô bắt đầu tấn công Ukraine ngày 24/2, Hoa Kỳ và các nước Liên Âu đã bất ngờ trước sự kháng cự của Ukraine. Ngay trong những ngày đầu của cuộc chiến, Hoa Kỳ đã nghĩ đến việc di tản chính phủ của Tổng thống Zelensky để thành lập chính phủ lưu vong, ông Zelensky đã trả lời sứ quán Mỹ rằng: “Chúng tôi cần vũ khí chớ không cần giúp di tản”.

Lập tức ngay sau đó, Mỹ và nhiều nước phương Tây đã tăng cường hỗ trợ vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Ukraine. Kể từ ngày 24/2, Hoa Kỳ đã cung cấp cho Kiev 7.6 tỷ Euro (8.2 tỷ USD) dưới hình thức hỗ trợ nhân đạo với viện trợ quân sự là 3 tỷ USD, theo kết quả từ Viện Kiel, một cơ quan nghiên cứu kinh tế của Đức. Ba Lan và Vương quốc Anh là những nhà cung cấp viện trợ tài chính, nhân đạo và quân sự lớn tiếp theo. Tất cả các nước Liên minh châu Âu đã cung cấp tổng cộng 2.9 tỷ Euro (3.13 tỷ USD), Bộ theo dõi hỗ trợ Ukraine nhấn mạnh. Các tổ chức EU và ngân hàng đầu tư châu Âu lần lượt cung cấp 1.4 tỷ Euro (1.51 tỷ USD) và 2 tỷ Euro (2.16 tỷ USD).

Các tập đoàn công nghệ kỹ thuật số của Hoa Kỳ giờ đây là một yếu tố không thể tách rời trong xung đột Ukraine và đây là một điểu hết sức mới … giờ đây phải nói là các tập đoàn như Google, Facebook hay Twitter “lên tuyến đầu” để trở thành chiến tuyến mới của phương Tây.

VAI TRÒ CỦA HOA KỲ VÀ LIÊN ÂU

Phiên bản tiếng Thụy Sĩ của Le Temps cho biết, ngay từ năm 2015, thao trường Yavoriv (của Liên Xô trước đây) ở miền tây Ukraine đã được chuyên gia Mỹ bí mật chuyển đổi công dụng, chức năng, để thích nghi với việc huấn luyện binh lính và sĩ quan quân đội Ukraine. Trong ba năm, căn cứ cũ của Liên Xô đã trở thành nơi thường trú cho khoảng 200 quân nhân Mỹ và 250 quân nhân Canada, các doanh trại, phòng ăn và phòng tập thể thao đã được xây dựng cho họ. Le Temps dẫn nguồn tin “đáng tin cậy” cho biết, tổng cộng từ năm 2015, đã có khoảng 6,000 quân nhân Ukraine đã được đào tạo tại đây, trong số đó có không ít các binh sĩ thuộc các lực lượng đặc biệt. Theo giới truyền thông, những binh sĩ Ukraine sau khi được lực lượng cố vấn Mỹ – NATO huấn luyện sẽ giữ vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến NATO – Nga và cuộc nội chiến với các chính quyền ly khai Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR). Ngoài ra, trong những thời gian qua, chính quyền Kiev cũng đã tung nhiều nhóm biệt kích luồn sâu hoạt động trong khu vực kiểm soát của lực lượng ly khai Donbass, phá hoại các cơ sở kinh tế trọng điểm, các công trình công cộng và quân sự; ám sát các lãnh đạo chính quyền thân Nga.

In Ukraine, the US Trains an Army in the West to Fight in the East -  Defense One

Vị trí Trung tâm Huấn luyện Yavoriv

Trong đợt viện trợ quân sự đầu tiên, Mỹ đã hỗ trợ Ukraine 600 hệ thống phòng không Stinger, gần 2,600 hệ thống tên lửa Javelin và một số vũ khí, đạn dược cần thiết. Vào ngày 16/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo viện trợ thêm 800 triệu USD cho Ukraine, nâng tổng viện trợ của Mỹ dành cho nước này lên 2 tỉ USD kể từ khi ông nhậm chức. Ngày 19/4 dẫn lời một quan chức Lầu Năm Góc cho biết những chuyến hàng của gói viện trợ vũ khí Mỹ đã đến biên giới, chuẩn bị chi viện cho lực lượng vũ trang nước này, trong bối cảnh Nga muốn đẩy mạnh chiến dịch ở Donbass. Gói hỗ trợ mới gồm 800 hệ thống phòng không Stinger, 2,000 tên lửa Javelin, 1,000 vũ khí chống tăng hạng nhẹ, 6.000 hệ thống chống tăng AT-4, 100 hệ thống UAV chiến thuật. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 21/4 đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 800 triệu USD cho Ukraine gồm 72 khẩu lựu pháo 155 mm, 144,000 quả đạn pháo và hơn 120 UAV. Lô vũ khí này nâng tổng giá trị viện trợ an ninh của Mỹ cho Ukraine từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào ngày 24.2 lên đến 3.4 tỷ USD.

Javelin, một loại vũ khí chống tăng vác vai bắn tên lửa tầm nhiệt tới các mục tiêu cách xa tới 4km (2.5 dặm), có thể được điều khiển bằng một thiết bị di động trông không khác mấy so với máy chơi trò chơi điện tử – nhưng có thể xuyên phá bê tông, lô cốt và bắn nát tháp pháo của xe tăng. Tính đến ngày 16/03, họ tuyên bố đã phá hủy hơn 400 xe tăng và hơn 2.000 phương tiện cơ giới của Nga. Chính sự xuất hiện của các loại vũ khí do Mỹ sản xuất “gây hoang mang” trong quân đội Nga, quân đội Ukraine tuyên bố – và họ sắp có thêm 2,000 vũ khí nữa. Ngoài tên lửa Javenlin, các vũ khí mạnh nhất bao gồm 800 hệ thống phòng không Stinger, từng nổi tiếng được sử dụng để bắn hạ máy bay Liên Xô ở Afghanistan.

Giải mã những chiếc lồng sắt trên tháp pháo xe tăng Nga ở Ukraine - 3

T-72B3 của Nga với giáp lồng trên nóc tháp pháo bị bắn hạ ở Ukraine

Đài RT của Nga dẫn thông tin Lầu Năm Góc ngày 2/5 cho biết quân đội Mỹ đã chuyển khoảng 80% lựu pháo M777 cùng với một nửa số đạn cỡ nòng 155 mm mà chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết cung cấp cho Kiev hồi tháng trước. Ngoài ra, Mỹ cũng cung cấp gần như toàn bộ radar phòng không, chống pháo kích và 5,000 tên lửa chống tăng Javelin. Ban đầu, chính quyền Tổng thống Biden hứa cung cấp cho Ukraine 18 lựu pháo, sau đó cam kết thêm 72 lựu pháo nữa cùng với 140,000 đạn cỡ nòng 155 mm, 10 radar chống pháo kích, 2 radar phòng không, 200 xe thiết giáp chở quân, 100 xe quân sự Humvee và 11 trực thăng Mi-17.

KHẢ NĂNG CHIẾN ĐẤU CỦA QUÂN ĐỘI NGA

Từng được coi là một lực lượng quân sự đáng sợ, có thể đè bẹp đối thủ Ukraine trong vỏn vẹn vài ngày, thế nhưng sau 3 tháng hiện diện trên chiến trường, kể từ ngày 24/2 cho đến hôm nay 10/5/2022, quân đội Nga bị cho là đã thất bại trong chiến dịch xâm chiếm chớp nhoáng nước láng giềng với những tổn thất nặng nề về cả nhân lực lẫn vũ khí. Về phía Nga, trong bài phân tích ngày 2/4/2022 mang tựa đề: “Quân đội Nga tại Ukraine: Sáu tuần thảm bại”, tuần báo Pháp L’Express đã nhấn mạnh trên các thiệt hại mà Nga đã phải gánh chịu trên chiến trường, và tìm cách giải thích lý do vì sao một đạo quân thuộc loại hùng mạnh nhất nhì trên thế giới lại có thể bị vỡ mặt trước một đối thủ nhỏ bé như Ukraine.  

Đối với L’Express, chỉ sau không đầy 6 tuần lễ, quân đội Nga được cho là đã phải chịu những tổn thất còn cao hơn cả cuộc chiến 10 năm (1979 – 1989) của Hồng Quân Liên Xô tại Afghanistan. Tuần báo Pháp đã nêu lên ước tính của bộ Quốc Phòng Ukraine theo đó Nga đã bị mất từ ​​7,500 đến 17,000 quân trong tổng số 190.000 người được huy động vào cuộc xâm lược. Theo L’Express, nếu ước tính cao của phía Ukraine chính xác, điều đó có nghĩa là số lính Nga thiệt mạng trong một tháng rưỡi vừa qua tại Ukraina đã cao hơn nhiều so với con số 14,400 lính của Hồng Quân Liên Xô bị tử trận tại Afghanistan trong 10 năm, từ năm 1979 đến năm 1989.  

Câu hỏi mà giới phân tích đặt ra là do đâu mà quân đội Nga tại Ukraine lại thất bại như vậy. Theo nhà nghiên cứu Phần Lan Tomas Ries thuộc học viện chiến tranh Försvarhögskolan ở Stockholm (Thụy Điển), năng lực của quân đội, dựa trên ba yếu tố: ý chí, kỹ năng và trang bị được sử dụng và trên cả ba điểm này, Matxcơva đều thất bại.  

Về tinh thần chiến đấu của quân đội Nga, chuyên gia Tomas Ries ghi nhận là ý chí của binh sĩ Nga rất thấp, thể hiện qua các vụ đào ngũ, và các lời khai của các tù binh Nga mà tinh thần rất sa sút.  Về xã hội Nga, hiện đang rất ủng hộ Putin, tinh thần sẽ xuống trong vòng từ 6 tuần lễ đến hai tháng “khi họ phát hiện ra thực tế là Ukraine không gây ra mối đe dọa nào đối với Nga, rằng tổn thất của Nga rất cao và cuộc chiến không cần thiết này đang làm suy yếu đất nước của họ”. Còn trên bình diện năng lực, quân đội Nga dường như rất thiếu. Từ ngày 24/2 đến nay, họ hầu như không gặt hái thành công nào. Cuộc chiến tranh thần tốc dự trù đã gặp thất bại do thiếu sự phối hợp giữa bộ binh và lực lượng kỵ binh cơ giới. Theo một quy tắc quân sự cơ bản, xe tăng và bộ binh phải cùng tiến vào các thị trấn và ngôi làng, thế nhưng, thiết giáp Nga lại tiến một mình, và bị bộ binh đối phương ngăn cản với các loại tên lửa chống tăng. Mảng hậu cần thậm chí còn tệ hại hơn: Đoàn xe dài 62 km bị chặn ở phía bắc thủ đô Kiev trong nhiều tuần lễ là một trường hợp điển hình về việc bộ tham mưu Nga đã không điều phối nguồn cung cấp nhiên liệu và thực phẩm cho lực lượng của mình một cách hợp lý!  

Một vấn đề khác là cơ chế chỉ huy theo hàng dọc và cứng nhắc của bộ chỉ huy Nga, hầu như không có cấp hạ sĩ quan, những người, trong tất cả các quân đội trên thế giới, tạo thành vành đai truyền lực thiết yếu giữa bộ tham mưu và quân đội. Chính sự thiếu vắng này là một trong những lý do đã khiến các tướng chỉ huy Nga phải trực tiếp ra trận để điều động quân lính của mình và do đó làm mồi cho đối phương. Đối với L’Express, không phải là ngẫu nhiên mà cho đến đầu tháng 5/2022, đã có 15 viên tướng và đại tá Nga bị tử trận. Điều đáng ngạc nhiên là quân đội Ukraine áp dụng chiến thuật tập trung vào tướng lĩnh cấp cao của đối thủ. Nguồn tin thân cận Tổng thống Zelensky của Ukraine nói với WSJ (Wall Street Journal) rằng có đội đặc biệt của Ukraine chịu trách nhiệm xác định vị trí cụ thể các cấp chỉ huy của quân đội Nga và thực hiện các cuộc tấn công. Quân đội Ukraine có “thông tin chi tiết, tên và số hiệu” của những tướng lĩnh Nga, những người đó sẽ bị các tay súng bắn tỉa hoặc pháo binh xử lý. Nhóm chuyên trách của Ukraine khi xác định vị trí của các tướng lĩnh Nga, họ nhận thấy rằng các sĩ quan Nga này thường sử dụng thiết bị vô tuyến không mã hóa, thông tin dễ bị chặn và có thể được sử dụng để định vị chính xác trên bản đồ. Tờ báo The New York Times ngày 4/5 loan tin Hoa Kỳ đã “cung cấp thông tin tình báo” giúp các lực lượng Ukraine tiêu diệt nhiều tướng lĩnh Nga. Lầu Năm Góc và Nhà Trắng không thừa nhận thông tin của bài báo. Tuy vậy, John F. Kirby, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, nói Hoa Kỳ cung cấp cho “Ukraine thông tin và tình báo mà họ có thể sử dụng để tự vệ”. Dưới đây là danh sách các chỉ huy quân sự hàng đầu khác của Nga được cho là đã thiệt mạng trong cuộc xung đột, theo tờ Newsweek tổng hợp:

  1. Thiếu tướng Andrei Sukhovetsky, Phó chỉ huy Quân đoàn vũ trang liên hợp 41 (28/2).
  2. Thiếu tướng Vitaly Gerasimov, Tham mưu trưởng Quân đoàn bộ binh 41 (7/3).
  3. Thiếu tướng Oleg Mityaev, chỉ huy Sư đoàn Súng trường Cơ giới số 150 (16/3).
  4. Trung tướng Andrei Mordvichev, Tư lệnh Quân đoàn hỗn hợp số 8 (20/3).
  5. Thiếu tướng Andrei Kolesnikov, chỉ huy Tập đoàn quân vũ trang Liên hợp 29 (11/3).
  6. Thiếu tướng Magomed Tushaev, Tư lệnh Lực lượng Đặc biệt Chechnya.
  7. Tướng Magomed Tushaev, Tư lệnh Lực lượng đặc biệt Chechnya.
  8. Đại tá Andrei Paliy, người sắp được thăng cấp tướng, phó chỉ huy Hạm đội Biển Đen (24/2).
  9. Đại tá Alexei Sharov, chỉ huy Đội Biệt động 810 của Lữ đoàn Zhukov (22/3).
  10. Đại tá Andrei Zakharov, chỉ huy Trung đoàn xe tăng 6 của Sư đoàn xe tăng 90.
  11. Đại tá Sergei Porokhnya, chỉ huy Lữ đoàn Công binh độc lập số 12.
  12. Đại tá Sergey Sukharev, Lữ đoàn trưởng Dù 331.
  13. Đại tá Konstantin Zizevsky, chỉ huy Trung đoàn Nhảy dù Cận vệ 331.
  14. Đại tá Vladimir Zhoga, chỉ huy Tiểu đoàn Trinh sát Biệt động Sparta.
  15. Đại tá Nikolay Ovcharenko, chỉ huy Trung đoàn Công binh 45.

Bên cạnh các tướng tử trận, quân đội Nga còn “mất tướng” vì bị tổng thống Putin sa thải hoặc bắt giữ. Các tin tuần trước nói có tám sĩ quan cao cấp, mang hàm tướng đã bị sa thải. Gần đây nhất, trung tướng Roman Gavrilov, 45 tuổi, bị Kremlin bắt vì “tiết lộ tin tức chiến sự”, theo một số báo châu Âu nhưng nguồn tin Nga chỉ nói tướng Gavrilov, Phó tư lệnh Cận vệ Quốc gia (Rosgvardia) “bị sa thải”. Trước đó, hai nhân vật lãnh đạo ngành an ninh FSB khét tiếng cũng bị TT Putin bắt. Ông Sergei Beseda, Cục trưởng Cục V, tình báo ngoại tuyến của FSB và người phó, bị bắt vì thu thập thông tin sai lạc về tình hình Ukraine.

SỨC KHÁNG CỰ MÃNH LIỆT CỦA NGƯỜI UKRAINE

Khi quyết định tấn công Ukraine, người Nga nghĩ rằng đây chỉ là cuộc chiến thần tốc quân sự nhưng họ đã lầm. Mariupol là một thí dụ đầu tiên. Bị quân đội Nga bao vây từ đầu tháng 3, Mariupol đã chứng kiến một số cuộc giao tranh gay gắt nhất kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Binh lính Nga vây hãm khắp thành phố, cắt đứt gần như hoàn toàn mọi liên lạc giữa Mariupol với thế giới bên ngoài. Những người binh lính còn lại thuộc Lữ đoàn 36 của Thủy quân lục chiến Ukraine vẫn chiến đấu cho đến người cuối cùng. Thành phố Kharkiv ở miền Đông Bắc, cách nơi hàng chục nghìn lính Nga tập trung gần biên giới Ukraine chỉ 40 km là thí dụ thứ hai. Dù rằng đây là thành phố của sự chia rẽ: Giữa những người nói tiếng Ukraine và người nói tiếng Nga, giữa những người tình nguyện phản kháng bước tiến của Nga và những người chỉ muốn được yên thân. Nếu Nga tấn công, một bộ phận trong số hơn một triệu dân của Kharkiv cho biết họ sẵn sàng từ bỏ cuộc sống đời thường và thực hiện chiến tranh du kích để chống lại một trong những đội quân hùng mạnh nhất thế giới. “Nếu có thể và chính phủ cấp vũ khí cho chúng tôi, chúng tôi sẽ nhận lấy chúng và bảo vệ thành phố”, Putilina, người mẹ ba con với ba người cháu, cho biết. Nếu không, Putilina ít nhất cũng có thể dùng một trong những vũ khí mà chồng bà được cấp ở nhà. Theo các nhà phân tích và quan chức tình báo Mỹ, một cuộc chiến du kích do dân thường thực hiện sẽ là cơn ác mộng đối với các nhà hoạch định quân sự của Nga. Một nhóm thanh niên theo chủ nghĩa dân tộc gặp nhau tại một công trường bỏ hoang để tập luyện tác chiến. Những người tham gia nhóm này hay những đơn vị do chính phủ lập ra đã thể hiện họ sẵn sàng cho những thách thức sắp tới. Kharkiv là nhà của họ và là thành phố quan trọng nhất họ cần bảo vệ. Nhiều người trong thành phố “sẵn sàng bảo vệ người thân đến chết”, cũng như nhiều người Ukraine. Tâm lý ấy xuất hiện trong số những người Ukraine tại thủ đô Kiev và tại thành phố Lviv ở miền Tây. “Cả thế hệ tôi và con tôi đã sẵn sàng bảo vệ chính mình. Đây sẽ không phải cuộc chiến dễ dàng”, Maryna Tseluiko, một người làm bánh 40 tuổi tại Kiev, nói. Bà Tseluiko cùng con gái 18 tuổi đều đã đăng ký làm quân nhân dự bị. “Ukraine rất giàu truyền thống đánh du kích. Chúng tôi không muốn đánh với người Nga. Chính người Nga đang đánh chúng tôi”, bà nói.

Mykhailo Fedorov, chỉ mới 31 tuổi, Bộ trưởng trẻ nhất của Ukraine, đã sử dụng mạng xã hội làm công cụ lôi kéo các hãng công nghệ lớn nhất thế giới về phía nước mình trong cuộc chiến với Nga.  Ông Fedorov đã thuyết phục được 50 công ty Hoa Kỳ, trong khi ở hậu trường, nhân viên của ông hợp tác cùng mạng lưới các chuyên gia, nhà chức trách Ukraine tại nước ngoài để khiến các công ty hành động. Nó đã chứng minh hiệu quả: Kể từ khi ông Fedorov đăng tweet, Facebook và YouTube đã chặn các cơ quan truyền thông nhà nước của Nga, còn Google vô hiệu hóa vài tính năng trên bản đồ Google Maps để bảo đảm an toàn cho người dân tại Ukraine. Apple cũng thông báo dừng bán sản phẩm tại Nga và gỡ ứng dụng của hai hãng thông tấn Nga, RT và Sputnik News, khỏi chợ App Store trên toàn cầu, trừ Nga.

Fedorov's Pictures and Photos - Getty Images

Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine Mykhailo Fedorov – Ảnh: Getty Images

Trên chiến trường thực tế cho thấy tinh thần chiến đấu của Ukraine. Ví dụ, đoàn quân xa Nga dài 64 km bị chặn ở cửa ngõ thủ đô Kiev là do sự phá hoại của 30 chuyên gia về tin học của Ukraine. Đội chiến binh trẻ này điều khiển những chiếc drone mang vật nổ để đánh vào các điểm yếu khiến đoàn quân xa Nga bị bất động trong nhiều tuần.

Ukraine đã thành công trong chiến thuật tiêu thổ kháng chiến. Bộ trưởng Cơ sở Hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov cho biết đến nay, hơn 300 cây cầu đã bị phá hủy trên khắp đất nước. Khi lực lượng Nga cố chiếm một sân bay quan trọng ở ngoại ô Kiev vào ngày đầu tiên của chiến dịch, quân đội Ukraine đã nã pháo vào đường băng, tạo ra nhiều hố sâu, khiến máy bay chở đặc nhiệm Nga không thể hạ cánh. Những gì Ukraine làm được giới chuyên gia quân sự đặt tên là chiến thuật “tiêu thổ”, thường được áp dụng khi đối phương có sức tấn công áp đảo. Họ tự phá hủy nhà cửa, đường sá, cầu cống, công trình kiên cố, kho tàng, cơ sở vật chất … nhằm ngăn chặn bước tiến và không cho đối phương sử dụng làm căn cứ. Binh sĩ Ukraine không do dự khi cho nổ tung những cây cầu lớn, gài mìn các con đường huyết mạch hay vô hiệu hóa nhiều tuyến đường sắt, sân bay. Mục tiêu cao nhất của họ là làm chậm bước tiến của Nga, ngăn cản đối phương chiếm các vị trí chiến lược và đẩy đoàn xe tăng Nga vào những địa hình kém thuận lợi hơn.

Ngày 25/2, một ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự, quân đội Ukraine đã quyết định phá con đập gần làng Demydiv. Nước sông Dnepr gần đó lập tức tràn vào, nhấn chìm làng Demydiv cùng những cánh đồng và bãi bồi xung quanh. Động thái này của quân đội Ukraine đã biến làng Demydiv, nằm án ngữ tuyến đường P02 hướng thẳng đến thủ đô Kiev, thành một vùng đầm lầy khổng lồ. Cư dân Demydiv đã phải chứng kiến cảnh nước lũ nhấn chìm nhiều ngôi nhà, nhưng họ vui vì điều đó. Vùng đất ngập nước lầy lội này đã cản trở đà tiến công của đoàn xe tăng Nga hướng về Kiev, giúp quân đội Ukraine có thêm thời gian quý giá để bố trí phòng thủ.

Một góc làng Demydiv vẫn bị ngập sau khi con đập gần đó bị phá – Ảnh: NY Times

VAI TRÒ CỦA CÔNG NGHỆ CAO

Internet và đội quân Cyber (IT Army) làm tiêu tan hy vọng của Nga bắt Ukraine nhanh chóng đầu hàng. Kiev trực tiếp cầu cứu các tập đoàn “Digital” của Mỹ hỗ trợ. Lần đầu tiên ngành công nghệ cao trực tiếp “lên tuyến đầu” trong chiến tranh. Công nghệ mới thời đại kỹ thuật số là một bước ngoặt trong chiến thuật quân sự của các bên. Chuyên gia trường quân sự Saint Cyr của Pháp, Julien Nocetti phân tích về vai trò của các công nghệ kết nối trong chiến tranh Ukraine.

Ukraine là cuộc chiến đầu tiên Internet trở thành một “mặt trận nóng”. Cả Kiev lẫn Matxcơva cùng sử dụng internet như một “vũ khí” tấn công và giới chuyên gia về tin học cũng như là quân sự đồng loạt lo ngại trước các đòn tấn công “dồn dập hơn, nguy hiểm hơn”. Khả năng kháng cự của Kiev trước vòng vây của quân đội Nga từ gần một tháng nay cho thấy, Ukraina làm chủ khá tốt các công nghệ mới, kể cả trong mục tiêu quân sự, bởi lẽ “Ukraine là một trong những mắt xích quan trọng của các tập đoàn tin học, điện tử” trên thế giới. Nhân viên Ukraine có tay nghề cao, lương phải trả cho họ chỉ bằng “một nửa, thậm chí là một phần ba so với tại các nước Tây Âu” như ghi nhận của báo Le Monde (số ngày 8/3/2022). Nhiều hãng lớn trong ngành, từ Ubisoft ông vua trên thị trường video games, đến Akka Technologies, hay Capgemini, Teleperformance …  chuyên cung cấp dịch vụ tin học đều đã hoạt động tại Ukraine từ nhiều năm qua.

Với 36,000 kỹ sư tin học tốt nghiệp hàng năm, tại Châu Âu, Ukraine được xem là 1 trong 5 nước được đánh giá cao nhất trong lĩnh vực này. Năm 2021 Ukraine “xuất khẩu” đến 6 tỷ Euro các dịch vụ tin học cho các quốc gia khác trên thế giới! Ngay những ngày đầu chiến tranh, Phó thủ tướng Ukraine, Mikhailo Fedorov kiêm bộ trưởng bộ trưởng bộ công nghệ mới đã nói đến “mặt trận Cyber”, đến việc thành lập một “đội quân kháng chiến Cyber” với nhiệm vụ “bảo vệ những cơ sở hạ tầng kỹ thuật” của Ukraine trước các đòn tấn công mạng từ phía Nga. Fedorov quả quyết “công nghệ có thể là một giải pháp chống xe tăng của Nga.

Kiev không chỉ trong thế thủ mà còn tung đòn tấn công nhằm “gây rối loạn các trang mạng chính thức của nga, từ Website của các cơ quan chính phủ, đến ngân hàng Nga và kể cả mạng xã hội của các quan chức hay truyền thông Nga”. Những phương tiện công nghệ mới bao gồm từ drones, tức là thiết bị bay tự hành. Ukraine đã có một sự chuẩn bị khi mua drones của Thổ Nhĩ Kỳ. Kế tới là các mạng xã hội đã giúp cho Ukraine nhiều về mặt chiến lược. Thí dụ đã có những nhóm phân tích hình ảnh vệ tinh và hệ định vị để xác định được vị trí, xác định được đường đi nước bước của quân Nga. Điều này giúp cho Ukraine thông báo kịp thời cho dân đi trú bom, đồng thời đây cũng là phương tiện để Kiev báo động với cộng đồng quốc tế về những gì đang xảy ra trên lãnh thổ Ukraine. Phải nói đây là lần đầu tiên trong chiến tranh, đường đi nước bước của bên địch gần như là được biết rõ gần như là trực tiếp. Rõ ràng là các công nghệ mới đã trở thành một yếu tố trong những tính toán về chiến thuật nhất là của phía Ukraine.

Một bài học khác nữa là Ukraine đã chuẩn bị từ trước, tăng cường hợp tác với phương Tây để đối phó với các kịch bản bị tấn công về tin học, hay hệ thống viễn thông bị hư hại. Chính điều này cho phép Ukraine cầm cự được trong những tuần qua, thậm chí là theo dõi sát mỗi lần đội quân Nga di chuyển. Thế rồi trong những ngày đầu cuộc chiến, hình ảnh cả đoàn xe tăng, xe tải của quân Nga dậm chân tại chỗ, không tiến được sâu hơn vào Ukraine, đó cũng rất có thể do hệ thống liên lạc của Nga bị phá hoại. Đây sẽ là một trong những thách thức lớn nhất với tất cả những cuộc xung đột trong tương lai, đặc biệt là nếu như các đòn tấn công vượt ra ngoài phạm vi lãnh thổ Ukraine và nhắm đến một số cơ sở của Mỹ hay Châu Âu hoặc là ở bất kỳ nơi nào khoác trên thế giới. Cục diện chiến tranh khi đó sẽ thay đổi hoàn toàn”. 

Các tập đoàn công nghệ kỹ thuật số giờ đây là một yếu tố không thể tách rời trong xung đột Ukraine lần này và đây là một điểu hết sức mới … giờ đây phải nói là các tập đoàn như Google, Facebook hay Twitter “lên tuyến đầu”trong việc giúp Ukraine. Chỉ mất 2 ngày sau lời hứa của ông Elon Musk, dịch vụ internet vệ tinh của Starlink đã được triển khai tại Ukraine dù rằng công ty này không có thương vụ tại đây. Lực lượng Ukraine đang được hỗ trợ bởi hình ảnh từ các vệ tinh do thám thương mại với số lượng ngày càng nhiều, cho phép Kiev tiếp cận thông tin tình báo từng là “địa bàn” của chỉ một vài chính phủ, theo một bài viết trên báo The Wall Street Journal (WSJ). Lãnh đạo các công ty tư nhân cho biết hàng trăm vệ tinh do thám thương mại đang truyền dữ liệu tới chính phủ Mỹ và các nước đồng minh, đôi khi gửi trực tiếp cho chính quyền Ukraine để hỗ trợ họ trong việc đẩy lùi lực lượng Nga. Ukraine đã có một sự chuẩn bị khá tốt để đối phó với các đợt tấn công Cyber.  Các công ty công nghệ cao sẽ là tai mắt của nền quân sự Hoa Kỳ trong những cuộc chiến tương lai. 

Vai trò của các công ty công nghệ cao Hoa Kỳ tại Ukraine

KHUYẾT ĐIỂM CỦA LỰC LƯỢNG CƠ GIỚI NGA

Khuyết điểm thiết kế của xe tăng T-72:  Trong cuộc chiến Nga – Ukraine đang diễn ra, các bức ảnh của các hãng thông tấn quốc tế cho thấy nhiều mẫu xe tăng bị thổi bay tháp pháo. Bộ trưởng Quốc phòng Anh mới đây cũng cho biết, hàng trăm xe tăng Nga đã bị phá hủy trong cuộc chiến này. Giới chuyên gia cho rằng xe tăng Nga đang hứng chịu thiệt hại do một khiếm khuyết mà quân đội các nước phương Tây đã phát hiện ra trong nhiều thập kỷ qua. Khiếm khuyết này được họ gọi là hiệu ứng “hộp đồ chơi có lò xo bật ra”.

Điểm yếu trong thiết kế của xe tăng Nga khiến nhiều kíp xe có nguy cơ tử trận ở Ukraine 2

Một chiếc xe tăng được cho là của Nga bị bắn cháy trên chiến trường Ukraine. Xe cháy rụi, tháp pháo bung ra – Ảnh: Savilov

Vấn đề ở đây liên quan đến cách cất trữ đạn dược của xe tăng. Khác với các xe tăng hiện đại của phương Tây, xe tăng Nga chứa nhiều đạn pháo ngay bên trong tháp pháo. Điều này khiến các cỗ xe của Nga dễ bị tổn thương ngay cả khi trúng phải một phát đạn gián tiếp của đối phương. Phát đạn có thể khởi động một phản ứng dây chuyền bên trong xe, khiến toàn bộ đạn dược tích trong xe (khoảng 40 quả đạn pháo) phát nổ đồng loạt. Sóng nhiệt từ vụ nổ đồng loạt này đủ mạnh để thổi bay tháp pháo xe tăng lên cao ngang với tòa nhà 2 tầng. Nicholas Drummond – một nhà phân tích công nghiệp quốc phòng chuyên về tác chiến trên bộ, nói rằng khiếm khuyết này khiến kíp xe (thường gồm 2 người trong tháp pháo và 1 lái xe) trở thành mục tiêu dễ bị tấn công. “Nếu anh không kịp thoát khỏi xe trong giây đầu tiên, anh sẽ bị thiêu cháy”. Drummond, cũng từng là sĩ quan Lục quân Anh, cho biết: Tình trạng đạn trong xe phát nổ là vấn đề đối với hầu hết các xe thiết giáp mà Nga đang sử dụng ở Ukraine. Ông lấy ví dụ là chiếc xe chiến đấu bộ binh BMD-4. Xe này có 3 – 4 thành viên trong kíp lái, ngoài ra xe chở thêm 5 binh sĩ nữa. Theo Drummond, BMD-4 chẳng khác nào “cỗ quan tài di động” sẽ bị thiêu cháy hoàn toàn khi trúng phải một quả rocket.

Quân đội phương Tây đã nhận ra hiện tượng này trong cuộc Chiến tranh Iraq lần 1 (năm 1991) và Chiến tranh Iraq lần 2(năm 2003), khi lượng lớn các xe tăng T-72 do Nga sản xuất hứng chịu chung số phận – tháp pháo bị thổi bay khỏi thân xe sau khi trúng tên lửa chống tăng. Drummond cho rằng Nga chưa rút ra bài học từ các cuộc chiến ở Iraq và điều này dẫn tới thực tế là nhiều xe tăng của họ ở Ukraine ngày nay vẫn mang các khiếm khuyết tương tự trong thiết kế của hệ thống nạp đạn tự động.

Khi dòng xe T-90 (kế thừa dòng T-72) được đưa vào hoạt động trong năm 1992, lớp giáp của loại xe này đã được nâng cấp nhưng hệ thống nạp đạn vẫn tương tự như xe tiền nhiệm, khiến xe vẫn dễ bị tổn thương như thường, theo Drummond. Xe T-80 – một phiên bản tăng khác của Nga có tham chiến ở Ukraine hiện nay, cũng có hệ thống nạp đạn tương tự.

Hệ thống nạp đạn của Nga như trên thực ra cũng có một số ích lợi. Chuyên gia Bendett tại Trung tâm An ninh Tân Mỹ cho rằng Nga đã lựa chọn hệ thống này để tiết kiệm không gian và khiến xe tăng có thiết diện nhỏ ở bên ngoài nên khó bị đối phương bắn trúng khi xung trận.

Số phận của xe tăng T-72 ở Iraq đã hối thúc quân đội các nước phương Tây tìm cách cải tiến. Drummond nói tiếp: “Quân đội các nước phương Tây đều rút ra bài học từ các cuộc chiến tranh ở vùng Vịnh. Từ việc chứng kiến các xe tăng bị bắn cháy, họ nhận định phải tạo khoang riêng cho đạn dược trong xe tăng”. Drummond nêu thí dụ với xe chiến đấu bộ binh Stryker của quân đội Mỹ được phát triển trong cuộc Chiến tranh Iraq lần 1. “Xe đó có một tháp pháo ở trên nóc, và tháp đó không ăn vào khoang của kíp lái. Nó nằm thuần túy ở phía trên và toàn bộ đạn dược nằm trong tháp. Vì vậy, nếu tháp trúng đạn và phát nổ, kíp lái ở bên dưới vẫn an toàn. Đây là một thiết kế thông minh”.

Các xe tăng khác của phương Tây, như M1 Abrams có trong biên chế quân đội Mỹ và một số đồng minh, có kích cỡ lớn hơn và không có tháp quay. Trong xe Abrams, một thành viên thứ 4 của kíp xe lấy đạn pháo từ một khoang tách biệt và chuyển số đạn đó cho pháo thủ. Khoang đạn pháo này có một cửa để thành viên kíp xe mở và đóng giữa các lần bắn của xe tăng. Như vậy, nếu xe tăng trúng hỏa lực đối phương, chỉ có một quả đạn pháo của xe tăng ở trong tháp là bị ảnh hưởng. Bendett cho biết, “một phát đạn chính xác của đối phương có thể làm hư hỏng xe tăng nhưng không nhất định giết chết toàn bộ kíp xe”. Ngoài ra, theo Drummond, các đạn pháo dùng trong xe tăng phương Tây đôi khi chỉ bị cháy do nhiệt độ cao tạo ra từ tên lửa chống tăng nhưng không phát nổ.

Xe tăng T-90M mới nhất của Nga bị bắn cháy tại Ukraine

Vỏ xe giá rẻ của Trung Quốc trang bị cho xe thiết giáp Nga: Xe tải và xe bọc thép của quân đội Nga xâm lược Ukraine thường bị mắc kẹt trong bùn lầy. Quan chức phương Tây từng chỉ ra, trong quân đội Nga tồn tại tham nhũng, do đó trang bị lốp xe giá rẻ của Trung Quốc là một trong những nhân tố chính khiến quân Nga trì trệ không tiến được. Lốp kém chất lượng khiến các phương tiện của Nga sa vào địa hình lầy lội ở Ukraine, cùng với thời tiết trở nên ẩm thấp, khiến tốc độ tiến quân của quân Nga cũng bị ảnh hưởng. Xe NATO sử dụng lốp Michelin XZL. Trong khi các công ty Trung Quốc thường xuyên sao chép tài sản trí tuệ của các công ty phương Tây để sản xuất hàng loạt các bản sao rẻ hơn. Một nguồn tin tình báo nói với New Zealand Times: “Các tướng lĩnh Nga khét tiếng tham nhũng. Ngân sách quốc phòng của Nga vào khoảng 60 tỷ bảng Anh mỗi năm, nhưng hầu hết trong số đó đang bị bòn rút ở mọi cấp độ. Ảnh hưởng của việc này chính là người Nga bị buộc phải mua lốp xe giá rẻ để lắp vào xe bọc thép đắt tiền, nhưng về cơ bản chúng không có tác dụng. Ông Karl Muth, một học giả tại Đại học Chicago, và là một “chuyên gia về lốp” cho biết, loại lốp phiên bản Trung Quốc là Yellow Sea YS20 có chất lượng kém hơn đáng kể.

https://trithucvn.org/wp-content/uploads/2022/05/Xe-qua%CC%82n-su%CC%9B%CC%A3-Nga-ke%CC%A3t-trong-bu%CC%80n-o%CC%9B%CC%89-Ukraine.jpg

Cơ giới Nga sa vào địa hình lầy lội ở Ukraine

UAV BAYRAKTAR TB2 CỦA THỖ NHĨ KỲ

Máy bay trinh sát – tấn công không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất là phương tiện tác chiến đường không có thể gọi là “làm mưa làm gió” trên chiến trường Ukraine, nó mang lại những ưu thế nhất định cho quân đội Ukraine. Bayraktar TB2 (trong tiếng Thổ nghĩa là “Người cầm cờ”), do tập đoàn Baykar Makina của Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, có thể bay tự động hoặc được điều khiển từ xa bởi trạm kiểm soát mặt đất. Với giá khoảng 5 triệu USD/chiếc, UAV này có sải cánh 12 m, dài 6.5 m và trọng tải bay tối đa lên tới 650kg. UAV này có thể đạt vận tốc tối đa 222km/h, trần bay 8,200 m, thời gian bay 24 giờ và bán kính điều khiển từ trạm mặt đất 150 km.

Nhờ thành công của chiếc UAV này, tiếng tăm của Baykar Technologies tiếp tục bay xa. Ngoài việc bán 86 chiếc TB2 cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, công ty này liên tục thu được nhiều hợp đồng xuất khẩu tới nhiều quốc gia khác. Năm 2019, Baykar thông báo đã giành được hợp đồng trị giá 69 triệu USD để bán sáu chiếc máy bay không người lái tấn công Bayraktar TB2 cho Ukraine. Tháng 12/2021, Bloomberg từng đưa tin Ukraine đặt hàng Thổ Nhĩ Kỳ thêm 20 chiếc TB2. Tháng 5/2021, Ba Lan trở thành quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên bổ sung TB2 vào kho vũ khí của mình, khi nước này mua bốn hệ thống với tổng cộng 24 máy bay không người lái.

Tuy nhiên, chính Ukraine đã chứng tỏ là khách hàng đầu tiên nhận ra giá trị của TB2 và nhanh tay nhập khẩu số lượng chúng. Các lực lượng Ukraine đã sử dụng chiếc UAV này để tấn công các tay súng ly khai ở miền Đông (còn gọi là vùng Donbass). Hơn nữa, TB2 đang chứng minh được khả năng vượt trội trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Trên chiến trường này, quân đội Ukraine sử dụng TB2 cho một số nhiệm vụ, bao gồm trinh sát và giám sát, chế áp hệ thống phòng không của đối phương (SEAD), phá hủy hệ thống phòng không của đối phương (DEAD) và hỗ trợ bộ binh.

Bayraktar TB2: UAV ‘sát thủ’ của Thổ Nhĩ Kỳ

Bayraktar TB2: UAV ‘sát thủ’ của Thổ Nhĩ Kỳ

Nikkei dẫn nguồn tin từ quan chức Ukraine và các chuyên gia quốc phòng cho hay, các máy bay không người lái (UAV) TB2 của Ukraine dường như đóng vai trò trong vụ soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen Nga bị chìm hôm 14/4. Trong khi Nga nói con tàu bị hỏa hoạn dẫn tới nổ kho đạn và chìm trong thời tiết bão khi được kéo về cảng, một quan chức Ukraine ẩn danh tuyên bố, Kiev đã dùng 2 tên lửa Neptune với sự hỗ trợ của “thiết bị khác” để phá hủy soái hạm Moskva. Theo Nikkei, quan chức trên dường như ngầm thừa nhận sự tham gia của TB2 trong vụ Moskva bị chìm. Trong khi đó, Nikkei dẫn một nguồn tin khác cho biết, hệ thống phòng thủ của Moskva có thể đã chuyển hướng qua chiếc TB2 khi phía Ukraine phóng tên lửa chống hạm vào con tàu. Ngoài ra, các nhà phân tích cho rằng, TB2 có thể đã được sử dụng để định vị trí chính xác của tàu Moskva tại Biển Đen.

Trong thời gian qua, các UAV TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất đã trở thành một trong những vũ khí được các chuyên gia quân sự nhắc tới nhiều vì nó đã gây ra những thiệt hại nhất định cho phía Nga. Ukraine sử dụng TB2 để trinh sát, giám sát, ngăn chặn các hoạt động phòng không của đối phương và phá hủy mục tiêu. Riêng tại Ukraine, hiệu quả của TB2 được chứng minh qua việc vào đầu tháng 4 Nga đã phải gửi văn bản cho Thổ Nhĩ Kỳ, than phiền về việc Ankara tiếp tục bán loại UAV quân sự này cho Kiev. Một quan chức hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp thông tin trên cho báo giới, và nói rằng đây là một thương vụ của công ty tư nhân, không liên quan gì đến nhà nước.

KẾT LUẬN

Khi bài viết này lên mạng, không có số liệu đáng tin cậy về quy mô tổn thất của Nga và Ukraine. Nhưng Nga đã mất khoảng 10% lực lượng. Ukraine tuyên bố đã giết 14,000 quân Nga, mặc dù Mỹ ước tính con số đó có lẽ chỉ bằng một nửa.

Cuộc chiến đã kéo dài được 8 tuần, dài hơn nhiều so với dự đoán của hai bên – và thực sự có khả năng hai quốc gia sẽ không đạt được những gì họ mong muốn. Dù cuộc chiến này là một sai lầm chiến lược đối với Nga, nhưng Putin có thể sẽ tự gây thiệt hại về mặt chính trị cho bản thân, nếu ông thừa nhận sai lầm của mình. Ukraine cũng có nhiều lý do để không kết thúc chiến tranh bằng một thỏa thuận ngừng bắn vội vã theo điều kiện của Nga. Quân đội của nước này đã hoạt động cực kỳ hiệu quả. Đối mặt với cuộc tấn công vô cớ từ một trong những cường quốc quân sự lớn trên thế giới, lực lượng Ukraine đã thành công trong việc đẩy lùi kẻ thù ở miền Bắc và Đông Bắc đất nước. Người Nga đã thua trong trận chiến giành Kiev, và họ đã không thể vượt qua thành phố miền nam Mykolaiv, về phía Odessa. Ukraine đã chứng minh rằng tính kiên cường và tinh thần chiến đấu, có thể củng cố năng lực phòng thủ của quân đội. Nga vẫn có khả năng sẽ không thắng được trong cuộc chiến này, và vì vậy, Ukraine có lợi thế để kết thúc chiến tranh cùng những thỏa thuận tốt hơn so với những nhượng bộ lớn, không thể chấp nhận được mà Moscow hiện đang muốn từ Kiev. Bất kỳ nhượng bộ nào của Kyiv cũng cần được người dân Ukraine tán thành. Ukraine đang phải trả giá bằng máu cho cuộc chiến khủng khiếp này. Một thỏa thuận với quỷ có thể bị xem là tệ hơn cả khi không có thỏa thuận nào. Zelensky đã thành công trong việc thống nhất nhân dân Ukraine và thu hút sự ủng hộ trên toàn thế giới cho Ukraine. Mục tiêu cuối cùng của Ukraine rất rõ ràng. Đó là bảo tồn nền độc lập và chủ quyền của mình. Đó là những gì họ xứng đáng được nhận – và là những gì Châu Âu cần cho an ninh của chính mình. Kiev sẽ phải trải qua nhiều khó khăn trong một cuộc chiến vốn sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng về mặt chiến lược, chính trị, và nhân đạo.

Cho đến bây giờ, Ukraine vẫn đứng vững dù rằng thiệt hại nặng nề về nhân mạng và tài sản cũng như mất thêm một số vùng. Sau 9/5, Nga Sô có 2 chọn lựa: hoặc giữ nguyên trạng với những khu vực chiếm được trong cuộc chiến, chiến tranh vẫn tiếp diễn cho đến khi tình trạng những vùng đã mất được giải quyết hoặc có thể sắp sang một bước ngoặt nguy hiểm mới và không loại trừ kịch bản Moscow chính thức tuyên bố chiến tranh với Ukraine. Mỹ và các đồng minh phải chuẩn bị để hỗ trợ Ukraine trong suốt hành trình dài đó. Cũng cần để ý đến thái độ của Hoa Kỳ, từ chỗ chỉ giúp đỡ Ukraine phòng thủ, chuyển sang mục tiêu làm suy yếu sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Nga. “Chúng tôi muốn thấy Nga suy yếu tới mức không còn làm được những điều mà họ đã làm ở Ukraine”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố sau chuyến thăm bất ngờ tới Kiev hôm 25/4.

THAM KHẢO

  1. Bài viết “Dân Ukraine chuẩn bị chiến tranh du kíchđăng trên mạng Zing News ngày 3/2/2022.
  2. Bài viết “Lốp xe giá rẻ Trung Quốc khiến xe của quân Nga dễ bị kẹt trong bùn” đăng trên mạng Tri Thức Việt Nam ngày 3/5/2022.
  3. Bài viết “UAV Thổ Nhĩ Kỳ Bayraktar TB2 giúp gì cho Ukraine?” đăng trên mạng Tri Thức Việt Nam ngày 3/5/2022.
  4. Bài viết “Đánh giá về nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân thời nay đăng trên mạng BBC News ngày 24/4/2022.
  5. Bài viết “Công nghệ mới phục vụ chiến tranh Ukraine” đăng trên mạng RFI ngày 22/3/2022.
  6. Bài viết “Email của Tesla tiết lộ dịch vụ Internet vệ tinh Starlink được triển khai siêu tốc ở Ukraine như thế nào?” đăng trên mạng GenK ngày 12/3/2022.
  7. Bài viết “Điều gì sẽ xảy ra nếu Chiến tranh Ukraine kéo dài?” đăng trên mạng Nghiên Cứu Quốc Tế ngày 29/4/2022.
  8. Bài viết “Chuyên gia dự đoán bước đi tiếp theo của Nga ở Ukraine sau ngày 9/5” đăng trên mạng Dân Trí ngày 4/5/2022.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *