Thế hệ nối tiếp – Phiên bản 10 – 2022

223 (lượt xem) |

Kể từ 2016, trong mục đích hướng về tương lai, tác giả bắt đầu sưu tập tài liệu để viết về những khuôn mặt trong thế hệ nối tiếp từ quốc nội đến hải ngoại đang đóng góp để xây dựng một đất nước Việt Nam độc lập, phú cường và dân chủ. Các bài viết sẽ được đưa lên mạng khi có cập nhật những tin tức mới.

TU CHỈNH

  • 18/5/2016: Hoàn tất Phiên bản 1.
  • 15/8/2016: Hoàn tất Phiên bản 2.
  • 15/8/2018: Hoàn tất Phiên bản 3.
  • 15/2/2019: Hoàn tất Phiên bản 4.
  • 10/1/2019: Hoàn tất Phiên bản 5.
  • 29/2/2020: Hoàn tất Phiên bản 6.
  • 20/9/2020: Hoàn tất Phiên bản 7.
  • 19/3/2021: Hoàn tất Phiên bản 8.
  • 10/8/2021: Hoàn tất Phiên bản 9.
  • 10/6/2022: Hoàn tất Phiên bản 10.
  1. Học sinh Việt Nam dành học bổng Hoa Kỳ.
  2. Teresa Mai “Sangeeta Kaur”, nữ ca sĩ gốc việt đầu tiên đoạt giải thưởng Grammy danh giá.
  3. Se Sẻ nguyễn,’ cô sinh viên gốc Việt được học bổng tiến sĩ khi mới 18 tuổi.
  4. Sinh viên nhỏ tuổi nhất của trường ĐH Công nghệ Auckland (AUT).
  5. Trung tá Y sĩ Hải quân Josephine Nguyen (Nguyễn Cẩm Vân) vừa được thăng cấp Đại tá.
  6. Nữ sinh viên gốc Việt thuộc Học Viện Hải Quân đoạt giải ‘Cầu Thủ Xuất Sắc’.

—–

HỌC SINH VIỆT NAM DÀNH HỌC BỔNG HOA KỲ

Bài luận về sự tử tế, tình yêu thương, sự sẻ chia để hồ sơ du học ấn tượng hơn, giành học bổng trị giá 7 tỷ đồng. Hà Hải Dương (18 tuổi, Hà Nội), cựu học sinh Trường trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) xuất sắc chinh phục học bổng trị giá gần 7 tỷ đồng của Đại học Georgetown (Mỹ). Dự kiến vào giữa tháng 8, Hải Dương sẽ bắt đầu hành trình du học tại Washington.DC (Mỹ). Nộp hồ sơ vào 40 trường đại học tại Mỹ; Hải Dương nhận lời mời và trúng tuyển vào 12 trường đại học. Trong đó, nam sinh 10X được Đại học Georgetown (top 23 tại Mỹ) cấp học bổng 295.000 USD (gần 7 tỷ đồng) trong bốn năm, gồm học phí, tiền sinh hoạt, bảo hiểm, vé máy bay và quần áo mùa đông. Ngoài ra, Hải Dương còn trúng tuyển trường Hóa học của Đại học California tại Berkeley, Đại học California tại Los Angeles. Theo Times Higher Education, hai trường này lần lượt đứng thứ 7 và 15 trong top đại học tốt nhất thế giới 2021.

Hà Hải Dương – Học sinh trường Trung học phổ thông Hà Nội

Bài luận với ba yếu tố Smart, Ambition và Inspire: Nộp hồ sơ vào 11 trường đại học tại Mỹ, nữ sinh được 9 trường mời gọi với mức học bổng cao gồm: Dickinson College, Northeastern University, Syracuse University, University of Miami – Florida, Fordham University, University of Minnesota – Twin Cities, Temple University, Emerson College, Depauw University. Sau khi cân nhắc, Thảo Nguyên chọn đại học Dickinson vì em rất mong muốn được trải nghiệm chương trình giáo dục khai phóng tại trường.

Hồ Xuân Thảo Nguyên, cựu sinh Trường trung học phổ thông chuyên Quốc học Huế. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

CA SĨ OPERA GỐC VIỆT

Lần đầu tiên giải âm nhạc Grammy danh giá của Mỹ đề cử một nữ ca sĩ sĩ gốc Việt, tạo nên một cột mốc lịch sử cho nghệ sĩ gốc Á. Đó là ca sĩ opera Teresa Mai (Sangeeta Kaur). Album “Mythologies” của cô hát cùng nữ ca sĩ Hila Plitmann được đề cử trong hạng mục “Album Thanh Nhạc Cổ Điển Xuất Sắc Nhất” cho giải Grammy lần thứ 64.

Giải thưởng Grammy được trao lần đầu tiên vào năm 1959, để công nhận thành tựu mà các nghệ sĩ đạt được trong năm. Những ca sĩ tên tuổi thế giới từng thắng giải Grammy có thể kể đến là Beyonce, Taylor Swift, Lady Gaga, Bruce Springsteen, Stevie Wonder, Adele … Lễ trao giải Grammy lần này sẽ được tổ chức ngày 31 Tháng Giêng, 2022.

Ca sĩ Teresa Mai, tên khai sinh là Mai Xuân Loan, sinh ra ở Montclair, California.

Teresa là tên Thánh và cũng là tên gắn liền với thời thanh xuân cho đến khi cô đổi nghệ danh thành “Sangeeta Kaur.” Cô lớn lên ở Manhattan Beach và vùng Little Saigon. Cô cũng là cựu học sinh trường La Quinta High School, Westminster, và trường Los Amigos High School, Fountain Valley. Cô Teresa bén duyên với âm nhạc từ rất sớm nhưng chỉ dừng ở mức đam mê. Cô cũng chơi violine và hát trong ban hợp xướng của trường học.

Và từ đó “Giai Điệu Hạnh Phúc” đã đánh thức đam mê nghệ thuật của cô bé 4 tuổi. Tuy nhiên, như bao gia đình gốc Á khác, cô nghe lời cha mẹ chọn ngành Sinh Học ở đại học Santa Ana College. Cô tâm sự rằng chưa bao giờ nghĩ mình trở thành ca sĩ hát opera. Giáo sư thanh nhạc nhận ra tố chất của cô sinh viên Teresa Mai nên khuyến khích cô theo đuổi âm nhạc. Sau một năm, cô chuyển sang chuyên ngành Âm Nhạc.

Tiếp theo, cô tốt nghiệp cử nhân ngành Biểu Diễn Opera tại nhạc viện Bob Cole Conservatory of Music, thuộc đại học Cal State Long Beach, California.

Sau đó, cô tốt nghiệp cao học ngành Biểu Diễn Thanh Nhạc ở nhạc viện Boston Conservatory of Music, Massachusetts. Ngoài ra, cô còn học luyện giọng hai năm ở Venice, Ý. Với tông giọng soprano đầy nội lực nhưng không kém phần da diết, có khi lại trong trẻo, pha chút thanh cao, nữ ca sĩ lay động đông đảo khán giả khi trình diễn opera khắp Hoa Kỳ và Châu Âu.

“Luyện thanh opera thay đổi con người tôi,” cô bộc bạch. “Càng luyện tập âm vực của tôi càng phát triển, quãng giọng cao hơn, ngân lâu hơn. Không chỉ tông giọng, hơi thở, mà cơ thể và tâm trí tôi cũng thay đổi theo opera.” “Sự đổi thay ấy thay đổi tôi một cách tự nhiên theo chiều hướng rất tích cực,” cô bày tỏ. Không chỉ âm nhạc, năm 1999, Teresa Mai bắt đầu hứng thú với môn yoga và thiền. Khi sống và làm việc ở New York, cô gặp những người hướng dẫn về tâm linh, dẫn bước cô đến với Phật Giáo Tây Tạng cùng các trường phái thiền yoga như Kundalini Yoga, Yoga of Lady Niguma, và The Yoga of Sound and Mantra. “Sangeeta Kaur” chính là tên mà “sư phụ” yoga đặt cho cô ca sĩ và được cô dùng làm nghệ danh. “Sangeeta Kaur” nghĩa là ‘nữ hoàng của âm thanh và giai điệu,’” cô Teresa giải thích.

Cô kể, lúc đầu cũng hơi phân vân với cái tên mới mẻ này nhưng khi càng hòa mình với thiền yoga cô càng trân trọng “Sangeeta Kaur” và quyết định dùng nghệ danh này năm 2010. Cô khuyến khích thế hệ trẻ nên đi theo “tiếng gọi” của đam mê. “Các bạn trẻ hãy mạnh dạn theo đuổi mơ ước mơ để được sống với nghệ thuật, làm nghệ thuật và lan tỏa niềm vui ấy,” ca sĩ Teresa Mai bày tỏ.

Teresa Mai, nữ ca sĩ gốc Việt

Ca sĩ gốc Việt đoạt giải Grammy: Ca sĩ người Mỹ gốc Việt Sangeeta Kaur – tên thật là Mai Xuân Loan – thắng “Album giọng ca độc tấu cổ điển xuất sắc” tại Grammy 2022.

Sangeeta Kaur được vinh danh cùng Hilla Plitmann – giọng ca người Isarel – với album Mythologies, tại lễ trao giải sáng 4/4 (giờ Hà Nội). Cả hai vượt qua nhiều tên tuổi trong giới nhạc cổ điển như Will Liverman, Joyce DiDonato, Jamie Barton và Laura Strickling. Trên sân khấu nhận giải, Sangeeta Kaur cảm ơn êkíp, gia đình và những khán giả yêu mến âm nhạc của cô. Ca sĩ nói: “Album này được tạo ra từ tình bạn, tình yêu. Nó là minh chứng cho việc con người có thể tạo nên phép màu từ tình yêu. Hãy đưa tình yêu vào âm nhạc của chúng ta”.

Sangeeta Kaur (váy đỏ) phát biểu nhận giải. Ảnh: AFP

Theo Operawire, Sangeeta Kaur là ca sĩ gốc Việt đầu tiên giành chiến thắng hạng mục này. Album Mythologies do nhà soạn nhạc Danea Xantha Vlasse sáng tác dựa trên thần thoại Hy Lạp dành riêng cho hai giọng nữ nội lực Sangeeta Kaur và Hilla Plitmann.

Sangeeta Kaur tên thật là Mai Xuân Loan, có cha mẹ là người Việt Nam, sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Cô tốt nghiệp ngành Trình diễn Opera tại Nhạc viện Bob Cole thuộc Đại học Bang California và có bằng thạc sĩ tại Nhạc viện Boston ở Berklee. Ca sĩ từng phát hành năm album – Niguma, Ascension, Mirrors, Compassion  Illuminance. Cô chịu ảnh hưởng từ triết học Ấn Độ, chủ yếu theo đuổi dòng nhạc Opera và thiền. Từ năm 2009, cô lấy nghệ danh Sangeeta Kaur theo tiếng Ấn Độ, nghĩa là Công chúa của âm nhạc và sự hài hòa.

Trên Sangeetakaurmusic, ca sĩ nói: “Sứ mệnh của cuộc đời tôi là sáng tạo và chia sẻ âm nhạc, mang lại niềm vui và năng lượng tích cực cho người nghe”. Shiva Baum – Giám đốc lễ hội âm nhạc Bhakti Fest – từng nhận xét: “Giọng hát của Sangeeta Kaur có trí tuệ và sự thanh lịch. Tôi xúc động về chiều sâu trong những màn trình diễn của cô ấy. Sangeeta Kaur sẽ mang đến cho khán giả những trải nghiệm mà họ không bao giờ có thể ngờ tới”.

‘SE SẺ NGUYỄN,’ CÔ SINH VIÊN GỐC VIỆT ĐƯỢC HỌC BỔNG TIẾN SĨ KHI MỚI 18 TUỔI

Học nhảy lớp năm bậc tiểu học, học trung học năm 12 tuổi, học đại học lúc vừa tròn 16, và mới nhận học bổng chương trình tiến sĩ khi mới 18 tuổi … đó là câu chuyện của “Se Sẻ Nguyễn,” cô sinh viên gốc Việt đam mê toán số.

“Se Sẻ Nguyễn” tên thật là Nguyễn Nam Huyên, sinh ra ở Việt Nam, theo cha mẹ qua Nhật năm 2 tuổi khi hai người hoàn thành chương trình cao học. Sau đó, cô bé nhỏ, lúc đó 4 tuổi, theo cha mình qua Mỹ khi ông nhận được học bổng tiến sĩ tài chánh.

Em kể rằng từng sống ở tiểu bang Rhode Island và New Jersey, trước khi chuyển về Connecticut, nơi em tốt nghiệp thủ khoa trường trung học Avon High School, và được học bổng toàn phần bốn năm tại đại học University of Connecticut.

“Se Sẻ Nguyễn” đang chuẩn bị hoàn tất chương trình đại học chỉ trong ba năm với hai ngành chính là Kinh Tế và Xác Suất Thống Kê, với ngành phụ là Toán. Em cũng giữ điểm học GPA xuất sắc 4.0.

Se Sẻ Nguyễn

Mới đây, cô nữ sinh cũng vừa nhận được thư mời nhập học chương trình Tiến Sĩ Tài Chánh của đại học Rochester University, New York, ngôi trường nổi tiếng về nghiên cứu, đứng hạng 34 trong danh mục trường đại học tốt nhất toàn quốc.

Theo Se Sẻ, nếu muốn hạnh phúc thì nên theo đuổi đam mê, làm điều mà mình thích và thoải mái chứ đừng nghe theo sự áp đặt của người khác vì hạnh phúc bản thân là trên hết. “Nếu chúng ta có ý chí và đam mê thì chuyện gì cũng có thể làm được,” Se Sẻ Nguyễn chia sẻ.

SINH VIÊN NHỎ TUỔI NHẤT CỦA TRƯỜNG ĐH CÔNG NGHỆ AUCKLAND (AUT) – NEW ZEALAND

Mới đây, cô bé thiên tài nhí Alisa Phạm (12 tuổi) đã trở thành sinh viên nhỏ tuổi nhất của trường ĐH Công nghệ Auckland (AUT) – trường nằm trong Top 1% các trường đại học toàn cầu. Theo tạp chí THE (tổ chức xếp hạng đại học có uy tín và ảnh hưởng bậc nhất thế giới), AUT nằm trong nhóm 201 – 250 trường tốt nhất thế giới và đứng thứ hai ở New Zealand. Được biết, Alisa Phạm cũng là sinh viên trẻ tuổi nhất trong lịch sử của trường đại học danh giá này.

Kết quả học tập của Alisa Phạm đã vượt kỷ lục của chị gái mình lập ra – “thần đồng” Vicky Ngô. Cô bạn Vicky Ngô trở thành sinh viên trường đại học này khi mới 13 tuổi (trẻ nhất ở thời điểm đó). Cô bạn cũng nổi tiếng vì từng có nguy cơ bị trục xuất khỏi New Zealand do quá thông minh. Năm 2017, Alisa và chị gái của mình Vicky đã từ Việt Nam đến New Zealand cùng mẹ mình. Em bắt đầu là học sinh lớp 4 của Trường ST Thomas vào năm 2018, hoàn thành xuất sắc chương trình trung học của mình trong vòng 10 tháng và nhanh chóng vào học tại Selwyn College năm ngoái.

Với độ tuổi còn nhỏ như vậy, thiên tài nhí đã nổi bật lên tài năng của mình. Văn phòng Tuyển sinh Đại học của Đại học Stanford cũng muốn phỏng vấn cô bé với tư cách là một ứng cử viên tiềm năng khi mới là sinh viên năm nhất. AUT đã phải đặt ra những hệ thống hỗ trợ tương tự mà họ đã thiết lập cho chị gái của Alisa. “Hệ thống này bao gồm sắp xếp an ninh đặc biệt, một đại diện đi cùng em đến các lớp học trong kỳ đầu tiên và các cuộc họp thường xuyên với nhân viên hỗ trợ”.

Năm 12 tuổi, Alisa Phạm đang theo học ngành truyền thông và chuyên ngành kép

NGÀNH TÁC CHIẾN – QUÂN LỰC HOA KỲ

Hải quân y sĩ Trung tá (Commander) Josephine Nguyễn Cẩm Vân đã được vinh thăng Đại tá (Navy Captain) vào ngày 29/9/2021. Bộ trưởng bộ Hải Quân Hoa Kỳ nhận lời tuyên thệ của đại tá Josephine Nguyễn.

Tháng 4, 1975, trong dòng người di tản, có một sĩ quan hải quân trẻ, tên là Nguyễn Văn Huấn. Anh rời Việt Nam trên một con tàu, mang theo cô con gái nhỏ tên là Minh Tú vừa mới tròn thôi nôi và bỏ lại đàng sau giấc mộng hải hồ của người sĩ quan hải quân thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) … Sang định cư tại Hoa Kỳ, tại vùng phía bắc tiểu bang Virginia, sát cạnh thủ đô Hoa Thịnh Đốn, gia đình ông Huấn sinh hạ thêm một cháu gái vào năm 1977 với tên Việt là Cẩm Vân và tên Mỹ là Josephine Nguyễn. Nay thành Hải quân Đại Tá Quân Y Phi Hành Nguyễn Cẩm Vân (U.S Navy Commander Flight Surgeon).

Hai cô gái nhỏ Minh Tú và Cẩm Vân lớn lên nơi vùng đất lạ, tiểu bang Virginia và không ít lần thắc mắc về cuộc đời của bậc sinh thành, nguồn gốc của mình. Ông Huấn nhiều khi kể cho con nghe về quá khứ của mình, về hình ảnh anh dũng của người lính QLVNCH, về cuộc chiến Việt Nam, về quê hương bỏ lại nghìn trùng xa cách bên kia bờ Thái Bình Dương…

Vào năm 1995, Minh Tú chính thức được nhận vào Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ và cũng vào năm này, một niềm vui lớn cũng đến với cô là người em gái Cẩm Vân được nhận ngay vào Học Viện Hải Quân. Cả hai chị em, một sinh năm 1974 và một sinh năm 1977, đều vào quân ngũ cùng một khóa. Hai chị em Minh Tú và Cẩm Vân tốt nghiệp Học Viện Hải Quân khóa 1999. Riêng Cẩm Vân tốt nghiệp Á khoa (hạng nhì) trong một khóa ra trường trên 900 tân sĩ quan và cô cũng lãnh đạo 2,000 sinh viên sĩ quan. Vị thủ khoa chỉ huy toàn thể 4,000 sinh viên sĩ quan trong Học Viện Hải Quân.

Những câu chuyện kể về người lính hải quân QLVNCH ngày nào từ người sĩ quan trẻ Nguyễn Văn Huấn đã được chính hai cô con gái của anh viết tiếp trong trang sử quân nhân trên đất nước Hoa Kỳ. Vào năm 1999, sau khi ra trường, Minh Tú trở thành sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ.

Sau thời gian 6 năm trong hạm đội ở lực lượng ứng chiến tiền phương tại Nhật Bản (Forward-deployment naval forces), vị bác sĩ này tu nghiệp chuyên môn 2 năm tại University of Pennsylvania Medical Center, một trong các trường thuộc Ivy League, bác sĩ Nguyễn Cẩm Vân có cấp bậc trung tá, phục vụ tổng y viện quốc gia của Quân Lực Hoa Kỳ (Walter Reed National Military Medical Center) tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Lênh đênh trong hạm đội ứng chiến trên Thái Bình Dương, khi một mình trong văn phòng y khoa trên hàng không mẫu hạm luôn trong tình trạng ứng chiến tại phía bắc Thái Bình Dương, nhiệm vụ chính của bác sĩ phi hành Nguyễn Cẩm Vân là phụ trách lo liệu y tế cho các phi công trong phi hành đoàn của đủ loại phi cơ, Cẩm Vân tự nhủ: Chúng ta còn quá nhỏ bé so với tiền nhân! Và mỗi lần nghĩ về đất nước, mỗi lần mệt mỏi gần gục ngã, hình ảnh Bà Triệu, tấm gương Bà Triệu như là nguồn sinh khí cho cô đứng dậy và vươn lên…

Trung tá Y sĩ Hải quân Josephine Nguyen (Nguyễn Cẩm Vân) ngày 29/9/2021 vừa được thăng cấp Đại tá tại Ngũ Giác Đài.

NỮ SINH VIÊN GỐC VIỆT THUỘC HỌC VIỆN HẢI QUÂN ĐOẠT GIẢI ‘CẦU THỦ XUẤT SẮC’

Cô Victoria Trần, sinh viên Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ, Annapolis, Maryland, vừa vinh dự nhận giải thưởng là một trong hai nữ cầu thủ bóng đá xuất sắc trong năm của Academic All-Patriot League Team, theo tạp chí thể thao của Hải Quân Mỹ hôm 2/11/2021. Patriot League là một cuộc thi đấu thể thao bao gồm 10 trường đại học vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, bao gồm hai học viện danh tiếng của quân đội Mỹ, Học Viện Lục Quân ở Westpoint và Học Viện Hải Quân Annapolis.

Cô Victoria Trần, cư dân Clarksville, Maryland, và cô Chloe Dawson, là hai cầu thủ của đội bóng đá nữ Học Viện Hải Quân được chọn là cầu thủ xuất sắc trong năm của Academic All-Patriot League Team 2021. Đây là năm thứ năm liên tiếp đội bóng đá nữ Học Viện Hải Quân có nhiều cầu thủ được chọn vào Academic All-Patriot League Team. Học Viện Hải Quân là một trong những nơi có nhiều cầu thủ giỏi nhất và sáng giá nhất từ trong lớp học ra đến ngoài sân cỏ.

Được chọn vào đội hình tiêu biểu của giải bóng đá nữ toàn năng, Victoria Trần là cầu thủ của đội bóng đá nữ Học Viện Hải Quân được bốn lần vào danh sách Academic All-Patriot League Team và là người liên tiếp nhận giải thưởng cầu thủ xuất sắc trong năm.

Trong ba mùa giải thi đấu ở đội tuyển, Victoria chơi 61 trận, ghi được bảy bàn thắng, và ba lần chuyền bóng cho đồng đội ghi bàn. Trong mùa giải năm nay, Victoria ra sân 16 trận, thực hiện 16 cú sút, ghi một bàn thắng. Ngoài thể thao, Victoria Trần cũng học giỏi. Cô đang học chuyên ngành kỹ thuật điều khiển và chế tạo người máy, với điểm trung bình GPA 3.97.

Nhờ những thành tích đạt được cả trong học tập lẫn thể thao, năm 2019, cô sinh viên gốc Việt được chọn vào CoSIDA Academic All-American khi mới học năm thứ hai.

CoSIDA (College Sports Information Director of America) thuộc Hiệp Hội Quan Hệ Công Chúng Đại Học Hoa Kỳ, được thành lập năm 1957, có hơn 3,200 thành viên xuất sắc trong các lĩnh vực quan hệ công chúng và quan hệ truyền thông. Ngoài ra, Victoria Trần còn được chọn vào đội hình cầu thủ sinh viên xuất sắc do các huấn luyện viên chọn toàn Hoa Kỳ 2020-2021. Đây là lần thứ 11 một sinh viên Học Viện Hải Quân được giải thưởng cao quý này.

Victoria Trần (trái) trong màu áo Học Viện Hải Quân – US Naval Academy (Hình: Patriotleague.org)

THAM KHẢO

  1. Bài viết “Giành học bổng 7 tỷ đồng bằng bài luận về sự tử tế và tình yêu thương” đăng trên mạng Giáo dục Việt Nam ngày 8/8/2021.
  2. Bài viết “Nữ sinh chuyên Anh “ẵm” học bổng toàn phần danh giá đại học Mỹ” đăng trên mạng Giáo dục Việt Nam ngày 15/5/2021.
  3. Bài viết “Nữ sinh viên gốc Việt thuộc Học Viện Hải Quân đoạt giải ‘Cầu Thủ Xuất Sắc” đăng trên mạng Người Việt Online ngày 10/11/2021.
  4. Bài viết “Teresa Mai, nữ ca sĩ gốc Việt đầu tiên được đề cử giải thưởng Grammy danh giá” đăng trên mạng Người Việt Online ngày 12/16/2021.
  5. Bài viết “Mẹ đơn thân nuôi 2 con, thần đồng gốc Việt 12 tuổi đỗ trường ĐH top 1% thế giới, xuất sắc đến mức trường phải cử đội an ninh riêng bảo vệ” đăng trên mạng Cafef.VN ngày 20/3/2022.

*****

 

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *