Ông Nguyễn Khoa Điềm – Bên ni bên nớ

489 (lượt xem) |

Nguyễn Mạnh Trí – 6/2022

Trong thời gian gần đây, tác giả nhận được khá nhiều lời hỏi về liên hệ của một số người trong dòng họ Nguyễn Khoa với tướng Nam, liên hệ của nhánh cụ Nguyễn Khoa Văn – ông Nguyễn Khoa Điềm (Bộ chính trị – đảng Cộng Sản Việt Nam) với nhánh của tướng Nam. Nguyễn Khoa là 1 dòng họ rất lớn tại Huế nên trong khuôn khổ của bài này, tác giả chỉ tập trung vào 2 nhánh của ông Nguyễn Khoa Điềm và nhánh của tướng Nam.

Trong cuộc chiến Việt Nam, chuyện những người thân thuộc ở 2 bên chiến tuyến cũng là chuyện thường. Tướng Dương Văn Minh, quốc trưởng cuối cùng của miền Nam có người em là Dương Văn Nhựt, quân hàm trung tá (sau này về hưu mới có hàm đại tá). Trong gia tộc Nguyễn Khoa, Tướng Nam là Tư lệnh QĐ4/QK4 của miềm Nam trong khi đó ông Nguyễn Khoa Điềm là Uỷ viên Bộ chính trị Bắc Việt trước khi về hưu năm 2006.

Rồi cả bà Nguyễn Khoa Bội Lan (1912 – 2014), cựu nữ sinh Đồng Khánh (Huế) là một thành viên tích cực, là những người cầm đầu phong trào bãi khóa khi các trường học ở Huế sôi nổi hưởng ứng phong trào đòi ân xá cho Phan Bội Châu và để tang Phan Chu Trinh từ năm 1927. Từ chuyện các bậc tiền bối của họ Nguyễn Khoa, bà nhắc đến bố con Hải Triều – Nguyễn Khoa Điềm và cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp nữa. Riêng bà, hồi bị mổ tưởng chết, mấy em sinh viên đến chơi hỏi vì sao bà vẫn vui, bà liền đọc: “Khi trên sân khấu không làm bậy/ Lúc hạ vai tuồng chẳng ăn năn”. Bà Bội Lan mượn hai câu thơ của cụ Ưng Bình (sau khi “cải biên” vài từ) để tổng kết cuộc đời mình. Cũng có thể đó là lời bà nhắn gửi lớp người đi sau …

Theo chổ tôi biết thì ngoài ông Nguyễn Khoa Điềm, cựu thành viên Bộ chính trị ở Việt Nam ra thì có ông Nguyễn Khoa Điềm, cựu Đại tá Không quân QLVNCH hiện ở Hoa Kỳ. Ngoài ra, hình như còn có một ông Nguyễn Khoa Điềm là giáo sư tại Việt Nam.

Trực hệ với tướng Nguyễn Khoa Nam bắt đầu từ cụ Nguyễn Khoa Luận – Viên Giác Đại Sư (đời thứ 9). Cụ Nguyễn Khoa Luận có 2 bà chánh thất là Công Tôn Nữ Thị Thứ và thứ thất là Công Tôn Nữ Thị Xuân là 2 chị em cùng cha khác mẹ với 10 con trai và 5 con gái. Cụ Nguyễn Khoa Hoằng là con trai thứ hai còn cụ Nguyễn Khoa Tùng là con thứ 6 (đời thứ 10). Đúng ra 2 cụ là con thứ 3 và thứ 7 nhưng người con đầu là NK Ty mất sớm nên đôn lên thành thứ 2 và 6.

Đến đời thứ 11, cụ Nguyễn Khoa Túc, thân phụ Tướng Nguyễn Khoa Nam là con cụ Nguyễn Khoa Hoằng, còn cụ Nguyễn Khoa Văn, là thân phụ ông Nguyễn Khoa Điềm, là con của cụ Nguyễn Khoa Tùng. Như vậy, ông nội của Tướng Nam và ông Điềm là 2 anh em ruột. Cụ Nguyễn Khoa Văn tự Hải Triều là con của cụ Nguyễn Khoa Tùng và bà Đạm Phương có 3 trai 4 gái (NK Sơn, NK Diệu Hương, NK Diệu Thọ, NK Diệu Thắng, NK Điềm, NK Thiềm, NK Diệu Khánh).

Ông Nguyễn Khoa Điềm được thừa hưởng cội nguồn từ bà nội, nữ sĩ Đạm Phương, con gái vị hoàng tử con vua Minh Mạng. Những năm hai mươi của thế kỷ XX, bà được biết đến như một phụ nữ có học thức uyên thâm, có tinh thần dân tộc, ý thức xã hội, một nhà giáo dục có uy tín. Bà từng là chỗ tâm giao tin cẩn của chí sĩ Phan Bội Châu. Bà được cụ Phan tin tưởng thay mặt cụ đọc bài văn tế Phan Chu Trinh trong lễ truy điệu tổ chức tại Huế năm 1926. Từng viết báo Nam Phong, Hữu Thanh, làm thơ, viết tiểu thuyết và nhiều công trình về giáo dục phụ nữ, trẻ em. Can trường trước Chánh mật thám Trung Kỳ lần bà bị bắt giam hơn hai tháng. Thừa hưởng tâm hồn và tính cách của bà, con cái bà đều trưởng thành. Người con gái đầu là Nguyễn Khoa Diệu Nhơn là một trong những phụ nữ đậu cao đẳng tiểu học đầu tiên ở Huế. Người con trai vừa dạy học ở Quốc học Huế vừa tham gia Cứu tế đỏ, tổ chức quần chúng của Đảng bị phát hiện rồi bị thực dân Pháp tra tấn đến chết. Người con trai thứ là Nguyễn Khoa Văn (tức Hải Triều) tham gia cách mạng chống Pháp từ năm 1930 và trở thành lý thuyết gia của đảng Cộng Sản. Ông Nguyễn Khoa Điềm được đảng Cộng Sản bố trí đưa ra Bắc năm 1954 lúc mới 11 tuổi trong khi các anh chị em trong gia đình vẫn ở lại Huế.

Như vậy trực hệ với tướng Nam hiện nay chỉ còn gia đình người em trai là ông bà Nguyễn Khoa Phước hiện ở Virginia – Hoa Kỳ. Tác giả gọi 2 ông bằng Cậu.

Về tiểu sử của ộng Nguyễn Khoa Điềm có thể kể như sau:

  • Nguyễn Khoa Điềm (tên khác là Nguyễn Hải Dương; sinh 15 tháng 4 năm 1943) tại thôn Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
  • Năm 1955 ông ra miền Bắc học tại trường học sinh miền Nam. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964.
  • Sau đó, ông vào miền Nam hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên Huế; tham gia quân đội, xây dựng cơ sở của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, viết báo, làm thơ,… cho đến năm 1975. Nguyễn Khoa Điềm từng bị giam tại nhà lao Thừa Phủ. Đến chiến dịch Mậu Thân 1968, ông được giải thoát, tiếp tục trở lại hoạt động. Vào thời điểm này, Nguyễn Khoa Điềm mới bắt đầu làm thơ.
  • Năm 1996, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ VIII, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Ông là đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khoá X.
  • Từ tháng 11 năm 1996, là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin.
  • Năm 2001, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ IX, Nguyễn Khoa Điềm trở thành ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (2001 – 2006).
  • Năm 2006, ông Điềm được cho là ứng cử vào chức vụ Tổng bí thư nhưng không thành công. Ông Nông Đức Mạnh, Tổng bí thư 2001 – 2006, dù rằng bị nghi dính líu vào vụ tham nhũng PMU18, vẫn đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 từ 2006 – 2011.
  • Nghỉ hưu, sống tại Thành phố Huế kể từ 2006.
Bên ông Nguyễn Khoa Điềm ảnh 2

Ông Nguyễn Khoa Điềm thời còn làm việc tại Hà Nội – Không rỏ vị tướng bên cạnh ông là ai

THƠ VĂN NGUYỄN KHOA ĐIỀM

Bên ông Nguyễn Khoa Điềm ảnh 1

Nguyễn Khoa Điềm – Giấc mộng không thành

Con đường trở lại với thơ của Nguyễn Khoa Điềm thật nhanh, giống như con đường trở lại làm dân, tuy chưa thật thanh thản, còn lắm nỗi niềm nhưng niềm tin thì sáng rõ: “Rồi một sáng mặt trời xanh trở lại”. Từ ngày nghỉ hưu, ông có thói quen đi xe đạp và trở lại làm thơ với giọng lạ hơn. Những bài thơ là lạ ấy tập hợp trong tập Cõi lặng, xuất bản cuối năm 2007.

Cõi lặng nhưng có những lúc gờn gợn như sóng ở đáy sông bởi ông vẫn như người hát rong trò chuyện, với nhân vật trữ tình và tự bạch với cõi lòng mình, thỉnh thoảng loé lên chút nỗi niềm nhân thế – như Thanh Thảo từng tâm sự với ông, có một dòng “văn học sám hối”, một “thời kỳ bùng nổ” trong mỗi nhà thơ. Tự bạch trước những vấn đề của thời cuộc, nhân sinh để có cái nhìn rộng hơn, sâu sắc hơn, khái quát cao hơn hình như là ý tưởng đeo đuổi suốt đời thơ của Nguyễn Khoa Điềm trong quá khứ cũng như hiện tại.

https://1.bp.blogspot.com/-_PZLvUxmjak/TzOiWipg6iI/AAAAAAAABUg/UgdiI-SAF7w/s1600/cla.jpg

“Và cứ thế chàng trai đã đi qua cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác, để ngày hòa bình cắm cây sắn trên sườn đồi sỏi đá”

Ăn một bát cơm dưới ngôi nhà tổ phụ,
Đặt hai chân trần lên nền nhà cũ
Trên môi chàng luôn phảng phất một điệu Boléro
Chàng sẽ huýt lên khi bước vào cõi chết…”.


Đó là những câu cuối cùng, được viết ngày 6/6/2007, trong tập thơ mới nhất của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm “Cõi lặng” vừa được NXB Văn học xuất bản.

Vài suy nghĩ sau khi đọc tập thơ “Cõi lặng” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

Có quá nhiều xao động, đến xáo động và náo động trong tâm trạng của người đàn ông tuổi Quý Mùi, sinh ra tại làng Ưu Điềm, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế, đã đi nhiều và thấy nhiều trong cuộc đời và về lại cùng Vĩ Dạ quê hương.

“Cõi lặng” tập hợp chủ yếu là những bài thơ được sáng tác trong vài ba năm gần đây nên khá thống nhất về tâm trạng. Trong số 56 bài trong tập thì chỉ có 5 bài được viết từ năm 2000 trở về trước. Nhưng những bài thơ đó cũng ít nhiều đều mơ hồ đồng điệu với những bỡ ngỡ nhân sinh của một người lẽ ra đã phải thấu hiểu hết mọi gừng cay muối mặn trên cõi thế nhưng vì sao đấy vẫn còn giữ được trong lòng những khoảnh khắc mắt xanh non nên mới bật ra được câu hỏi đôi khi vẫn rất ngỡ ngàng.

“Cõi lặng” nhìn trên một góc độ nào đó có thể coi như một cuộc trở về của nhà thơ với những cội nguồn sâu kín và thiết thân nhất của lòng mình. Ông lại thêm một lần vin vào những tín điều thời trai trẻ để cố gắng nhìn nhận những tín hiệu mới của thế kỷ mới, thời đại mới một cách đúng đắn hơn, điềm đạm hơn, tri thiên mệnh hơn.

Tập thơ được sắp xếp với nhiều ẩn ý, theo mạch ý tưởng và cảm xúc đôi khi mang tính thời sự. “Cõi lặng” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm ở đây không phải là nơi ngồi thiền mà vẫn dậy sóng quá nhiều trăn trở. Trái tim người con đã từng “về với quê hương chiến đấu” giữa những tháng ngày gian khổ, ác liệt nhất, và may mắn trở lại được với hòa bình sau những câu thơ:

“Không ai biết cuộc chiến đấu dữ dội nhường kia,
Không ai biết máu chảy đến nhường kia
Những làng đã cháy
Những đồng đội ngã xuống như thân chuối
Những xác người xếp dọc đường hành quân
Những thành phố đổ nát
Chất da cam mù mịt cánh rừng…


(“40 năm gặp lại…”, ngày 25/12/2004)

Dường như đã là một trái tim vĩnh viễn bị thương và rất dễ sưng tấy lên bởi những bạc bẽo nhân tình dù nhỏ nhoi hay là không đáng kể đối với người khác đến đâu. Và Nguyễn Khoa Điềm đã phải dồn công lực để tuyên ngôn:

“Chúng ta nói chỉ có cái chết mới bắt ta nằm xuống,
Cho dù tù đầy, khảo tra,
Chỉ có nỗi nhục mới bắt ta vắng mặt
Cho dù sự cay đắng đuổi sau lưng ta
Chỉ có nước mắt người thân mới bắt ta quỳ gối
Cho dù bệnh tật ngấm vào xương tủy …”

Cuộc sống của một nhà thơ, ngay cả người tưởng như đã cực kỳ công thành danh toại luôn nhoi nhói những nỗi niềm, những chờ đợi, dù lắm khi cũng chẳng rõ đợi gì và lắm khi đầy rẫy những hồ nghi:

“Anh đi tìm em
Mây chiều bạc tóc.
Thương nhớ lao lung
Một thời trận mạc…

Còn chăng điều tốt
Trong cuộc đời này?
Còn bao nồng mặn
Em dành hai ta?..”

(“Anh đợi”, ngày 27/9/2006)

Nhưng dù thế nào thì cũng phải hy vọng. Hy vọng chỉ mất khi chúng ta không thể trụ lại được nữa. Hay nói theo cách người Nga vẫn nói: Hy vọng chết sau cùng. Với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, dù đã cùng đường cạn lối rồi thì vẫn:

“Không cách nào khác
Dẫu bị chặn hết mọi nẻo về
Anh vẫn hy vọng vào lòng tốt –
Lòng tốt của anh, lòng tốt mọi người –
Để đứng cao hơn cái chết…”


(“Hy vọng 2”, ngày 26/7/2006)

Chắc khi viết nên những dòng thơ rớm máu đó, người thơ đã phải ở trong một cảnh huống khó khăn và bất trắc đến tột cùng. Nhưng dẫu thế nào thì chúng ta vẫn cần phải tin vào những điều tốt đẹp hơn sẽ tới ở tương lai.

“Cõi lặng” chứa đựng nhiều câu tự vấn của người dẫu đã đi đến đỉnh cao của con đường tận hiến nhưng vẫn còn trăn trở về không ít lẽ trên đời:

“Giữa thế giới không nhiều may mắn
Ta học cách vừa lòng với mình
Chia sẻ sự bình yên của cỏ

Mãi khi giữa đêm chợt thức
Bập bềnh ý nghĩ xót xa:
Anh còn có thể, không thể?”


(“Hy vọng”, ngày 2/12/2004)

“Vì sao không thể yêu mến hơn?
Vì sao không thể xanh tươi hơn?
Vì sao không trong sạch hơn?”


(“Trong những buổi chiều”, tháng 7/2004)

Thi sĩ chiến đấu bằng ngôn từ, lớn lên bằng những trang sách. Ấy vậy mà có lúc tác giả của “Cõi lặng” đã cứ vân vi:

“Sách vở nuôi niềm hy vọng mới
Hay cũng trôi đi
Như dòng nước đen?

Mắt mũi ngày càng kém
Chữ nghĩa rậm rịt điều cao xa
Bao giờ, nơi nào, anh đọc được mình
Qua nỗi đau nhân loại?”


(“Những quyển sách”, ngày 15/1/2007)

Nhưng rồi ông cũng bình tâm lại mà rút ra kết luận:

“Vô ngôn
Hư tự
Sự sống sẽ cất lời”

Ấy là khi nhà thơ đã tĩnh tâm lại trong “Cõi lặng” của mình chăng? Thực khó đoán định được. Trong bất luận cảnh huống nào, tác giả của “Cõi lặng” không phải là người chịu lặng yên ngay cả trong phút bước chân vào thế giới khác. Còn mãi đó điệu Boléro mà người thơ đã nhập tâm từ thời trai trẻ, nhập tâm cùng với những tri thức Việt Nam thuần chất mà ông cha đã để lại cho, như từng viết trong trường ca “Mặt đường khát vọng”:

“…Nhân dân thông minh
Không hề lừa ta dù ca dao cổ tích
Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật
Biết bao nhiêu hạnh phúc có trên đời
Dẫu phải khi cay đắng dập vùi
Rằng cô Tấm cũng về làm hoàng hậu
Cây khế chua có đại bàng đến đậu
Chim ăn rồi trả ngon ngọt cho ta
Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa
Hoa của đất người trồng cây dựng cửa

Khi ta đến gõ lên từng cánh cửa
Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào…”

Chắc rồi cũng sẽ như ba bốn thập niên trước, gặp gỡ tốt lành ấy, tác giả của “Cõi lặng” sẽ nghẹn ngào mà thốt lên: “Tổ quốc Việt Nam ơi!”. Đất nước này không quên những nỗi buồn đâu, nhất là khi đó là nỗi buồn của “Ngày cỏ non còn run rẩy trong vườn. Những chân mây đầy gió lạ, Những cánh rừng dày mưa tuôn…”.

Lặng đi chút thôi, rồi chúng ta lại bắt đầu cuộc sống này như mới, như lần đầu tiên mới nhìn vào cõi sống bằng con mắt xanh non. Hoặc giả nếu không phải là ta thì là những thế hệ tiếp ngay sau ta. Cuộc sống không bao giờ ngừng tiếp diễn, không bao giờ ngưng đọng, không bao giờ vĩnh viễn chìm lặng. Đó cũng là quy luật của muôn đời.

THAM KHẢO

  1. Bài viết “Trực hệ của Tướng Nam” của tác giả ngày 15/1/2019.
  2. Nguyễn Khoa Điềm – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  3. Bài viết “Bên ông Nguyễn Khoa Điềm” đăng trên mạng Tiền Phong ngày 13/2/2021.
  4. Bài viết “Nguyễn Khoa Bội Lan: Người làm chứng gần một thế kỷ”
  5. Tập thơ “Cõi lặng” của Nguyễn Khoa Điềm
  6. Tập thơ “Nguyễn Khoa Điềm và chuyến ngược dòng về “cõi lặng” đăng trên mạng Hợp lưu ngày 12/5/2011.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *