Hai cuốn phim Trịnh Công Sơn và Em và Trịnh

232 (lượt xem) |

Ra rạp sau hơn một năm hoãn vì dịch, Em và Trịnh (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh) là một trong những dự án điện ảnh được mong chờ nhất năm. Với kinh phí công bố 50 tỷ đồng (2.2 triệu USD), tác phẩm quy tụ dàn diễn viên hùng hậu nhiều thế hệ, từ Trần Lực – vai Trịnh Công Sơn thời trung niên – đến Avin Lu (nhạc sĩ thời trẻ) và các người tình từng đi qua đời ông. Phim ra rạp cùng lúc hai phiên bản với thời lượng khác nhau. Tác phẩm dài 136 phút, tái hiện cuộc đời nhạc sĩ thập niên 1950 – 1990. “Trịnh Công Sơn” (95 phút) mang đến câu chuyện về thời thanh xuân của Trịnh Công Sơn, chứa đựng tinh thần tuổi trẻ thời hoa niên đầy nhiệt huyết, những rung động đầu đời và mối tình sâu sắc nhất của ông. “Em và Trịnh” (136 phút) là phiên bản mở rộng và tập trung vào Trịnh Công Sơn giai đoạn trung niên, trầm lắng đầy tâm tư về tình yêu và âm nhạc trải dài suốt cuộc đời.

Em và Trịnh được bấm máy đầu tháng 11/2020, từng dự kiến ra mắt năm 2021 – dịp 20 năm giỗ Trịnh – nhưng phải hoãn vì dịch. Tác phẩm có kinh phí dự trù 40 tỷ đồng, sau khi quay là 50 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư ở bối cảnh từ thập niên 1960 đến 1990. Phim gồm 40 diễn viên chủ chốt, 3,000 vai quần chúng, cùng nhiều cảnh trải dài từ Huế đến TP.HCM. Khoảng 1,000 bộ trang phục được sử dụng trong hơn hai tháng quay. Ngoài Avin Lu và Trần Lực đóng Trịnh Công Sơn thời trẻ và trung niên, phim còn sự góp mặt của các nữ diễn viên: Bùi Lan Hương- vai danh ca Khánh Ly, Nhật Linh – vai danh ca Thanh Thúy, Hoàng Hà – vai Dao Ánh, Lan Thy – vai Bích Diễm …

“Em và Trịnh” – phim điện ảnh về Trịnh Công Sơn và các nàng thơ – vượt mốc một triệu vé sau 10 ngày công chiếu. Đại diện Galaxy – nhà phát hành – cho biết tác phẩm là phim Việt vượt mốc này nhanh nhất tính từ đầu năm đến nay. Phim hiện thu về hơn 70 tỷ đồng – theo Box Office Việt Nam, đơn vị quan sát phòng vé độc lập. Nhà sản xuất ước tính sau tuần thứ ba công chiếu, phim sẽ đạt 100 tỷ đồng (4.4 triệu USD), trở thành phim điện ảnh Việt đầu tiên trong năm chinh phục mốc này.

Hai nàng thơ đầu tiên: Bích Diễm và Dao Ánh

Trong “Em và Trịnh”, chuyện tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cô gái Ngô Vũ Dao Ánh được tái hiện mãnh liệt, dai dẳng và sâu sắc. NSND Trọng Trinh gây dấu ấn trong phân cảnh ngăn cản con gái Dao Ánh lên tàu vào Sài Gòn tìm Trịnh Công Sơn. Câu thoại “Yêu nhau chỉ cần một khoảnh khắc nhưng để sống được với nhau phải nỗ lực cả đời” được chia sẻ khắp mạng xã hội. Cũng chính vì những lời khuyên nhủ từ tận tâm can của cha, Dao Ánh đã không lên tàu vào Sài Gòn, bỏ lại cuộc tình dang dở.

NSND Trọng Trinh chia sẻ: “Câu nói đó là chân lý. Tình yêu ban mai lúc nào cũng đẹp, nhưng khi sống với nhau, sinh hoạt, công việc, rất nhiều thứ, sẽ cần sự nỗ lực của mỗi người, sẽ phải dẹp bỏ điểm yếu để hòa hợp với nhau. Ông ấy đã trải qua điều đó, thấu hiểu điều đó, nên mới muốn nói với con gái của mình. Lúc đó con gái chỉ muốn chạy theo tình yêu của mình mà không biết đằng sau đó là gì, không lường được hết những gian nan gập ghềnh sẽ phải cùng nhau vượt qua”. Nam nghệ sĩ 65 tuổi cũng dành lời khen cho hai nhân vật và Bích Diễm (Lan Thy thủ vai). Truyền tải tình yêu nồng cháy, đong đầy qua hàng trăm bức thư, Hoàng Hà khẳng định: “Chúng tôi không diễn, mà đang sống một cuộc đời khác”.

Cảnh Trịnh Công Sơn (Avin Lu) theo chân Bích Diễm (Lan Thy) về tận nhà khi lần đầu gặp. Ảnh: Thanh Huyền

Cảnh Trịnh Công Sơn (Avin Lu) theo chân Bích Diễm (Lan Thy) về tận nhà khi lần đầu gặp. Ảnh: Thanh Huyền

 

Vào vai Dao Ánh thời trẻ, vẻ đẹp mộc mạc, rạng ngời của Hoàng Hà nhận được phản ứng tích cực từ khán giả. Ảnh: ĐPCC.

“Mỗi cô con gái có một màu sắc riêng. Các bạn trẻ, hiện đại nhưng vẫn toát được nét con gái xưa, nhất là con gái Huế, rất dịu dàng đằm thắm. Họ thể hiện vai diễn ổn. Tôi cho rằng đó đã là sự cố gắng rất nhiều”, NSND Trọng Trinh nói.

Avin Lu (trái) - vai Trịnh Công Sơn thời trẻ và Hoàng Hà - vai Dao Ánh. Ảnh: Thanh Huyền

Avin Lu (trái) – vai Trịnh Công Sơn thời trẻ và Hoàng Hà – vai Dao Ánh. Ảnh: Thanh Huyền

Trịnh Công Sơn & Thanh Thúy: Sinh thời, Trịnh Công Sơn từng cho biết, ông gặp Thanh Thúy năm 1958, khi cùng bạn đến phòng trà Mỹ Cảnh ở Sài Gòn để uống rượu, nghe nhạc. Tình cờ, ông được nghe tiếng hát của một ca sĩ người Huế – Thanh Thúy. Giọng ca trầm buồn của bà khiến Trịnh Công Sơn ấn tượng. Nhạc sĩ viết một mảnh giấy nhỏ đề nghị Thanh Thúy hát bài “Giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong. Bà nhỏ nhẹ cảm ơn, rồi cất tiếng hát. Sau đó, ông sáng tác tiếp ca khúc “Ướt mi” dành riêng cho Thanh Thúy.

“Những giọt nước mắt ấy như một cơn mưa nhỏ trên tâm hồn mỏng manh của tôi đã khiến tôi phải lùi xa hơn nữa về một cõi đời nào còn xa xôi hơn đã từng làm tôi nhỏ lệ“.

Nhật Linh trong vai ca sĩ Thanh Thúy

Trịnh Công Sơn & Khánh Ly: Sau những suất chiếu đầu, phim nhận phản hồi trái ngược về nội dung cũng như cách xây dựng chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trong khi đó, phần thể hiện của Bùi Lan Hương với vai Khánh Ly lại nhận nhiều lời khen từ người xem. Lần chạm ngõ điện ảnh, nữ ca sĩ gốc Hà thành đã chinh phục khán giả nhờ lối diễn tự nhiên, giàu cảm xúc.

Phiên bản trẻ" Khánh Ly trong phim "Em và Trịnh" » Báo Phụ Nữ Việt Nam

Khánh Ly và Bùi Lan Hương

Trong phim, nếu như Bích Diễm lạnh lùng, xa cách như cơn mưa rào bất chợt; Dao Ánh ngọt ngào, tỏa nắng ban mai; Thanh Thúy liêu trai, đầy say đắm; thì Khánh Ly giống như cơn gió xào xạc cuối mùa thu, xốn xang để bất kỳ ai lạc bước vào mùa thu ấy đều không tìm được đường về. “Nhìn những mùa thu đi, em nghe sầu lên trong nắng, và lá rụng ngoài song, nghe tên mình vào quên lãng. Nghe tháng ngày chết trong thu vàng…” – Trịnh Công Sơn đã dành Nhìn những mùa thu đi cho Khánh Ly trong quán cà phê Tùng cổ kính bậc nhất ở Đà Lạt, bắt đầu mối duyên kỳ lạ không dễ để cắt nghĩa mà chỉ có thể cảm nhận qua từng nốt nhạc. 

Về tình yêu dành cho Khánh Ly, Trịnh Công Sơn nói: “Gặp gỡ Khánh Ly là một may mắn tình cờ, không phải cho tôi, mà còn cho cả cô ấy. Tôi và Khánh Ly là hai người bạn, thương nhau vô cùng”. Với chiếc đàn thùng đơn giản, Trịnh Công Sơn đã cùng Khánh Ly say sưa biểu diễn những bài tự tình quê hương. Ngay buổi biểu diễn đầu tiên tại Đại học Văn khoa ở Sài Gòn, họ đã trở thành hiện tượng. Khánh Ly và Trịnh Công Sơn sau đó đã đi biểu diễn ở rất nhiều nơi, trước rất nhiều người và không nhận thù lao. 

Khánh Ly từ nữ ca sĩ Mai chuyên hát ở các hộp đêm Đà Lạt đã trở thành một Khánh Ly, một tri kỷ của những bản Trịnh ca. Giọng hát của Khánh Ly như được sinh ra để thể hiện những tình khúc của Trịnh Công Sơn. Có vô số ca sĩ nổi tiếng khi hát nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn nhưng để nói đến sự chất chứa cảm xúc và thấu cảm về lời ca, nốt nhạc của Trịnh thì có lẽ chỉ mình Khánh Ly – người chắt chiu từng chữ, nắn nót từng câu từ như thể trái tim mách bảo rằng lần nào cũng sẽ là lần cuối được hát ca khúc của “người tình âm nhạc”. 

Uyên Linh khen Bùi Lan Hương là người trẻ hát nhạc Trịnh hay nhất sau Hồng  Nhung

Trịnh Công Sơn (Avin Lu) và Khánh Ly (Bùi Lan Hương) trong phim Em và Trịnh

Nàng thơ Michiko Yoshii: Sau khi công bố hàng loạt nhân vật chính, ekip Em Và Trịnh cuối cùng cũng tiết lộ tạo hình của nàng thơ kín tiếng nhất cũng là người ngoại quốc duy nhất trong phim. Nàng thơ này là cô gái Nhật Bản Nakatani Akari, đảm nhận vai Michiko Yoshii, người từng có một chuyện tình được coi là giai thoại xôn xao làng nhạc với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nakatani Akari là vlogger Nhật Bản sinh năm 1993, hiện sở hữu kênh YouTube với hơn 100,000 người theo dõi. Cô thường ghi lại hành trình sống tại Việt Nam trong hơn 5 năm của một cô gái Nhật Bản trót đem lòng yêu mến đất nước này. Tình yêu của cô dành cho Việt Nam rất giống với Michiko Yoshii năm nào.

Cô gái xứ Phù Tang vào vai nàng thơ cuối cùng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Nàng thơ Michiko Yoshii

Mối tình của nhạc sĩ và Michiko là một trong những tuyến truyện chính của phim. Cuối thập niên 1980, khi đang là sinh viên đại học tại Paris (Pháp), Michiko Yoshii dành tình yêu lớn với văn hóa, ngôn ngữ và con người Việt – trong đó có nhạc Trịnh. Dù có bằng cao học về văn hóa Nhật Bản, bà vẫn tiếp tục theo đuổi đề tài cao học nghiên cứu về âm nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn. Michiko đến Việt Nam để gặp gỡ tác giả mình ngưỡng mộ. Luận án cao học và âm nhạc Trịnh Công Sơn là cầu nối cho cuộc tình của họ. Tình cảm sâu đậm hơn, cả hai quyết định làm đám cưới. Tuy vậy, sau đó, nhạc sĩ rút lui. Đám cưới sau đó bị hủy nhưng cả hai vẫn giữ tình bạn. Tháng 7/1991, tại Paris, Michiko Yoshii bảo vệ thành công luận án – được giám khảo của Đại học Paris VII xếp loại tối ưu. Sau ngày Trịnh Công Sơn mất, Michiko thường về thắp hương cho ông.

Những bài hát hay: Bốn bài hát được phối trí hoàn toàn mới và các giọng hát rất lạ. Các bản phối trong dự án “Gen Z và Trịnh” được thể hiện theo 2 phong cách chủ đạo là Jazz swing và R&B, kết hợp với chút nhạc Lofi làm cho các ca khúc mang nét xưa, hoài niệm. Qua dự án này, sẽ là khập khiễng nếu so sánh giọng ca thế hệ Gen Z với các giọng ca tiền bối khi thể hiện dòng nhạc Trịnh. Chỉ có điều, người nghe ghi nhận sự mới mẻ, trẻ trung và mạnh dạn phá cách trong âm nhạc của thế hệ ca sĩ trẻ. Từ đó, nhạc Trịnh được mở ra không gian mới. Phần âm nhạc của “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” được Đức Trí phối lại với nhịp vui tươi, trẻ trung và phù hợp hơn với thị hiếu của giới trẻ ngày nay.

  1. “Nắng Thủy Tinh” do Avin Lu – Sunni Hạ Linh hát.
  2. “Diễm Xưa” do Avin Lu hát.
  3. “Mổi ngày tôi chọn một niềm vui” do Bùi Lan Hương và Avin Lu hát.
  4. “Tuổi Đá Buồn” do Juky San hát.

Những câu nói đi vào lòng người:

Em chỉ là một dòng sông nhỏ, tưởng rằng mình sẽ phẳng lặng trôi qua cuộc đời anh … mà không biết rằng có những con sóng vô hình xô em ngã ra xa anh.

Michiko

Khi người ta còn trẻ, người ta có thể dễ dàng từ bỏ một mối tình. Nhưng người ta đâu biết rằng những gì ta mong muốn và cần nhất chỉ đến một lần trong đời.

Trịnh Công Sơn

Tôi luôn luôn nhớ thương tuổi trẻ, tuổi của tình yêu nồng nàn. Khi tôi yêu thương cái tuổi đời ngào ngạt hương hoa này thì đồng thời tôi cũng yêu một cõi đời tôi đã mất.

Trịnh Công Sơn

Yêu nhau chỉ cần một khoảnh khắc, nhưng để sống với nhau thì cần nỗ lực cả đời.

Ông Đốc Khánh – Thân phụ Dao Ánh

NHỮNG PHẢN ỨNG TRÁI CHIỀU

Phim “Em và Trịnh” cũng bắt đầu nhận được những phản ứng trái chiều:

Gia đình Trịnh Công Sơn: Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh – em gái Trịnh Công Sơn – khóc khi xem tạo hình nhạc sĩ thời trẻ trong phim “Em và Trịnh”. Trịnh Vĩnh Trinh gặp gỡ dàn diễn viên ở buổi ra mắt tác phẩm ngày 18/5. Bà xúc động khi trailer được chiếu, tái hiện thời trẻ của Trịnh Công Sơn và các người tình âm nhạc. Phát biểu cảm nghĩ, ca sĩ mất một lúc nghẹn ngào. Bà cho biết gia đình đã được đoàn phim sắp xem phim một buổi trước đó và các con cháu đều khóc vì “nhớ cậu Sơn”. “Xem Avin Lu đóng thời thanh xuân của anh Sơn, hay Trần Lực đóng anh thuở trung niên, bao kỷ niệm tuổi thơ ùa về trong tôi”, em gái cố nhạc sĩ nói.

Em và Trịnh dành một phần thời lượng xây dựng câu chuyện gia đình Trịnh Công Sơn. Trịnh Vĩnh Trinh được mời góp ý khâu kịch bản. Năm Trịnh Công Sơn 18 tuổi, cha ông mất, nhà chỉ còn mẹ và bảy người em. Từ đó, ông học cách trưởng thành để sớm bao bọc gia đình. Có lần, giữa trời nắng, ông lên mộ cha ngồi cả ngày rồi lâm bệnh. Sau khi khỏi, ông nhờ mẹ mua một cây đàn để viết nhạc. Những sáng tác đầu tiên của nhạc sĩ ra đời trong giai đoạn đó. Trịnh Vĩnh Trinh khắc ghi những lời dạy của anh. Ông từng mua rất nhiều sách để đọc và dạy các em. Ông bắt năm em gái tập đi mỗi sáng với một quyển sách được đặt trên đầu, phải bước đi sao cho duyên dáng, khoan thai. Nhạc sĩ luôn coi trọng lễ nghi, hay dặn dò các em giữ những khuôn phép, chuẩn mực trong cư xử hàng ngày. Trịnh Công Sơn giữ lối sống giản dị. Trong nhà, ông có thể ngồi bất cứ góc nào, ngồi đàn vu vơ rồi viết nhạc. Những ký ức đó được bà góp nhặt, trở thành tư liệu cho diễn viên Avin Lu vào vai nhạc sĩ.

Ca sĩ Khánh Ly: Khánh Ly nói sẽ không xem “Em và Trịnh” của Phan Gia Nhật Linh vì không hứng thú thưởng thức hình tượng hư cấu về Trịnh Công Sơn. Danh ca Khánh Ly nhiều lần lên tiếng về những tình tiết không đúng sự thật trên phim. Bà cho biết: “Tôi đã có một Trịnh Công Sơn thật ngoài đời, vậy cần gì phải xem thêm một hình tượng hư cấu. Tôi nghe nói phim quay đẹp, nhạc hay nhưng cũng có nhiều ý kiến chê. Mọi người xem một phim hư cấu thì phải chấp nhận thôi”. Bà nói: ” Họ muốn dựng một Trịnh Công Sơn khác với Trịnh Công Sơn của chúng ta”. Tuy nhiên bà không ngăn cản mọi người xem phim, coi như một hành động ủng hộ phim Việt. Những chia sẻ của danh ca Khánh Ly tạo luồng tranh cãi lớn. Những người bênh vực phim cho rằng phim ảnh là một tác phẩm nghệ thuật, được quyền đan xen tình tiết hư cấu phục vụ cho câu chuyện, thông điệp chứ không phải phim tư liệu. Vì điều đó, chia sẻ của bà bị đánh giá là quá khắt khe, không hiểu bản chất của điện ảnh. Nói cho cùng thì Khánh Ly nên có nhận xét nhẹ nhàng hơn về bộ phim. Đang về trình diễn tại Việt Nam mà không hài lòng về bộ phim đang là nguồn cảm hứng của giới trẻ Việt Nam là điều đáng tiếc. Khánh Ly có lý do để phê bình nhưng nếu bà có thái độ tích cực hơn với cuốn phim thì đó là điều đáng trân trọng.

KẾT LUẬN

Dường như chỉ cần phim về Trịnh Công Sơn là đủ để khán giả nô nức đi xem, kệ cho mức độ hư cấu đến đâu. Càng gây tranh cãi, Em và Trịnh càng hút khách. Theo mô tả của báo chí trong nước thì nhiều rạp phải mở thêm buổi chiếu lúc nửa khuya, khán giả thủ đô đội cả mưa đến xem.

Dù vậy, nhiều người cho rằng biên độ sáng tạo của kịch bản Em và Trịnh có thể chấp nhận được, do phim là sản phẩm hư cấu, không tuân theo tuyệt đối cuộc đời nhân vật. Nghệ sĩ Bạch Tuyết – từng nhiều lần tiếp xúc với cố nhạc sĩ – nói xem phim, bà thêm thương Trịnh Công Sơn, hiểu hơn những phụ nữ đi qua đời ông. Một trong những phân cảnh bà thích nhất phim là khi nhạc sĩ hát ca khúc Huyền thoại mẹ. “Ông hát trong bóng tối vì cúp điện nhưng ánh sáng tâm hồn ông đã thắp và thức dậy cả khán phòng, hay chính những người nghe nhạc đã, vẫn luôn yêu Trịnh Công Sơn”, Bạch Tuyết cho biết.

CÁC BÀI HÁT TRÊN YOU TUBE

THAM KHẢO

1)    Bài viết “Tranh cãi quanh việc Khánh Ly chê phim Em và Trịnh” đăng trên mạng Lao Động ngày 23/6/2022.

2)    Bài viết “Khánh Ly chưa kiện là may” đăng trên mạng Tiền Phong ngày 25/6/2022.

3)    Bài viết “Lý giải phản ứng của Khánh Ly, Dao Ánh về phim Em và Trịnh” đăng trên mạng Lao Động ngày 25/6/2022.

4)    Bài viết “Câu nói của ông bố khiến Dao Ánh từ bỏ Trịnh Công Sơn gây bão mạng” đăng trên mạng Lao Động ngày 21/6/2022.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *