Dòng sông Mekong

224 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Trong những năm trước, tác giả có viết vài bài về sông Mekong. Đây là bài viết năm 2022 với những cập nhật mới nhất về chủ đề này. Sông Mekong là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới với chiều dài 4,350 km, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng thuộc tỉnh Thanh Hải, chảy qua Vân Nam Trung Quốc, qua các nước Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và đổ ra Biển Đông ở Việt Nam. Tính theo độ dài đứng thứ 12 (thứ 7 tại châu Á), còn tính theo lưu lượng nước đứng thứ 10 trên thế giới (lưu lượng hàng năm đạt khoảng 475 tỷ m³). 

https://cvdvn.files.wordpress.com/2018/11/mk-4.jpg?w=656

Cao nguyên Tây Tạng nơi đầu nguồn nhiều con sông quốc tế
(Bản đồ được tạo ra sử dụng Generic Mapping Tools, GMT, version 5.1.2, Wikipedia)

Sông Lan Thương và sông Mekong là một con sông mang hai tên gọi, là dòng chảy xuyên quốc gia quan trọng giữa Trung Quốc với Bán đảo Đông Dương. Con sông này khởi nguồn từ cao nguyên Thanh Tạng Trung Quốc, đầu nguồn của nó nằm trong địa phận Ngọc Thụ, Thanh Hải Trung Quốc với tên gọi là sông Lan Thương. Tổng chiều dài con sông là 4,880 km, diện tích lưu vực rộng 795,000 km². Tổng dân cư sinh sống trong lưu vực sông là 326 triệu người. Thượng nguồn lưu vực, hay còn gọi là lưu vực Lan Thương – nằm ở Trung Quốc chiếm 21% với 96 triệu người. Năm nước tiểu vùng sông Mekong có tổng dân số 230 triệu người, GDP hơn 600 tỷ USD. Phần hạ nguồn của lưu vực Mekong nằm ở các quốc gia Đông Nam Á chiếm tổng số 79% lưu vực với tỷ lệ tại các quốc gia lần lượt là Lào (25%), Thái Lan (23%), Campuchia (20%), Việt Nam (8%) và Myanmar (3%).

Với lượng nước phòng phú và địa hình tạo nên thế năng lớn cho dòng chảy, lưu vực sông Mekong có tiềm năng rất lớn về thủy điện với tổng năng lượng kỹ thuật khoảng 53,900 MW, trong đó riêng Trung Quốc là 23,000 MW. Phần còn lại ở Hạ Lưu vực Mekong thì dòng chính có tiềm năng thủy điện là 13,000 MW và của dòng nhánh là 17,900 MW. Tuy nhiên, nguồn năng lượng thủy điện của vùng Hạ lưu vực chỉ tập trung chủ yếu là ở Lào với 21,000 MW (chiếm tới 70%).

https://i0.wp.com/ashui.com/mag/images/stories/200810/mekong_map.gif

Lưu vực sông Lan Thương – Mekong

Khi ra khỏi địa phận Vân Nam, các nước hạ nguồn gọi đó là sông Mekong, lần lượt chảy qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Đầu tiên, đoạn sông Mekong dài khoảng 200 km tạo thành biên giới giữa hai nước Myanmar và Lào. Tại điểm cuối của biên giới ở Tam giác Vàng, sông này hợp lưu với sông Ruak. Điểm này cũng là điểm phân chia phần Thượng và phần Hạ của Mekong. Sông Mekong sau đó tạo thành biên giới của Lào và Thái Lan, trước khi dòng chảy chạy vào đất Lào ở tỉnh Bokeo. Khoảng sông Mekong ở Lào đặc trưng bởi các hẻm núi sâu, các dòng chảy xiết và những vũng nước nông khoảng nửa mét vào mùa khô. Sau khi tiếp nhận dòng Nam Ou từ Phongsaly chảy đến ở Pak Ou phía trên Luang Prabang dòng sông mở rộng ra, ở đó nó có thể rộng tới 4 km và sâu tới 100 mét, mặc dù dòng chảy của nó vẫn rất trái ngược nhau.

Sau đó Mekong lại tạo thành biên giới của Lào và Thái Lan trong đoạn chảy qua Viêng Chăn đến tỉnh Champasack. Từ phía đông thì có dòng Se Bangfai đổ vào sông Mekong ở ranh giới tỉnh Savannakhet với Khammouan, và dòng Se Banghiang đổ vào ở Muang Songkhone, Savannakhet. Từ phía Thái Lan thì có phụ lưu bên bờ phải là Mènam Mun dài 750 km, đổ vào tại Khong Chiam thuộc Ubon Ratchathani, Thái Lan.

Sau đó lại là một đoạn ngắn chảy trên đất Lào, với một phụ lưu bờ trái là dòng Xe Don đổ vào ở Pakse.

Tại Campuchia, con sông này có tên là sông Mekong(theo tiếng thiểu số gốc Lào ở đây) hay Tonle Thom (sông lớn, theo tiếng Khmer). Tại khu vực tỉnh lỵ Stung Treng là nơi dòng Tonle San đổ vào. Tonle San là hợp lưu của các dòng Se Kong từ Nam Lào, và sông Sê San (Tonle San) và sông Serepok (Tonle Srepok) bắt nguồn từ Tây Nguyên ở Việt Nam chảy đến. Vùng nước chảy xiết (ghềnh) Sambor phía trên Kratie là cản trở giao thông cuối cùng. Ở phía trên Phnom Penh nó hợp lưu với Tonle Sap, con sông nhánh chính của nó ở Campuchia. Vào mùa lũ, nước chảy ngược từ sông Mekong vào Tonle Sap. Đặc điểm thủy năng nổi bật của sông Mekong là vai trò điều lượng dòng nước bởi hồ Tonle Sap – hồ thiên nhiên lớn nhất Đông Nam Á – người Việt thường gọi là “Biển Hồ”.

Bắt đầu từ Phnom Penh, nó chia thành hai nhánh: bên phải là sông Bassac (sang Việt Nam gọi là Hậu Giang hay sông Hậu) và bên trái là Mekong (sang Việt Nam gọi là Tiền Giang hay sông Tiền), cả hai đều chảy vào khu vực đồng bằng châu thổ rộng lớn ở Nam Bộ Việt Nam, dài chừng 220 – 250 km mỗi sông. Tập hợp của cả chín nhánh sông lớn tại Việt Nam được gọi chung là sông Cửu Long.

https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2016/03/16/map-mekong-dams-lg2_1458100820.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=i5C3rSlfZI3OkcJQTzJvVQ

Các đập trên sông Lan Thương – Mekong

CÁC ĐẬP THỦY ĐIỆN TRÊN SÔNG MEKONG

Là nước thượng nguồn, sở hữu gần một nửa chiều dài trong tổng số 4,880 km của sông Mekong, Trung Quốc có lợi thế tuyệt đối trong việc quyết định vận mệnh của dòng sông và khống chế khả năng tiếp cận nguồn nước bền vững của các quốc gia hạ nguồn. Từ năm 1992 đến năm 2016, Trung Quốc đã xây dựng và đưa vào sử dụng 7 đập thủy điện và đang triển khai thêm khoảng 20 dự án xây đập khác, tạo nên một chuỗi hồ chứa liên hoàn trên thượng nguồn sông Mekong. Trong đó, các bậc thang thủy điện Nọa Trát Độ (Nuozhadu), Tiểu Loan (Xiaowan), Cảnh Hồng (Jinghong), Mạn Loan (Manwan) và Đại Triều Sơn (Dachaosan) có công suất thiết kế và quy mô hồ chứa lớn nhất.

Một nghiên cứu trước đây ước tính dòng chảy từ Trung Quốc đóng góp tới 40% dòng chảy ở hạ lưu vào mùa khô. Eyes on Earth Inc cho biết hệ thống đập đang tích trữ hơn 47 tỷ m³ nước. Mỗi năm, các nước hạ lưu và ĐBSCL cần khoảng 450 – 475 tỷ m³ nước và khoảng 160 triệu tấn phù sa.  Trung Quốc không có hiệp ước chính thức với các nước khu vực hạ lưu sông Mekong, nhưng hứa sẽ hợp tác quản lý dòng sông, cũng như điều tra nguyên nhân của đợt hạn hán kỷ lục vào năm 2016.

dap thuy dien Trung Quoc giu nuoc anh 11

Số đập thủy điện của các nước, thuộc các nhóm “đã hoàn thành”, “đang xây dựng”, và “lên kế hoạch” (từ trên xuống). Ảnh: Viện Stimson.

CÁC ĐẬP TRÊN SÔNG LAN THƯƠNG – TRUNG QUỐC

Những dữ kiện liên quan đến nhánh Lan Thương:

  • Thượng lưu vực 185,000 km2 bằng 23.3% tổng lưu vực và tổng lưu lượng năm là 475 km3, trên thượng lưu vực là 16%.
  • 6 đập đang hoạt động của Trung Quốc có công suất 15,800 MW. Ông Brian Eyler – trưởng dự án Theo dõi đập Mekong do Mỹ bảo trợ – các đập Trung Quốc đã giữ lại khoảng 985 triệu mnước – phù hợp với mực nước quan sát ở trạm Chiang Saen. Tổng hợp số liệu về dung tích các hồ chứa, có thể thấy 7 đập thủy điện trên đã giữ lại gần 42 tỷ m3 nước, tức khoảng 40% lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về đến biên giới Thái Lan. Nghiêm trọng hơn, sụt giảm phù sa và trầm tích sau khi đi qua các hồ thủy điện còn đe dọa sự tồn tại của nhiều hệ sinh thái ngập nước ven sông Mê Kông và gây tác động sụt lún, thoái hóa đất và sạt lở ở vùng đồng bằng hạ lưu.
  • Các đập của Trung Quốc trên thượng nguồn sông làm giảm phân bố trầm tích xuống các vùng hạ lưu, ảnh hưởng với sự ổn định của ĐBSCL và sẽ dẫn đến việc mất các chất dinh dưỡng quan trọng cho nghề cá của lưu vực. Trầm tích suy giảm cũng dẫn đến sự suy thoái đất đai vốn rất mầu mỡ ở vùng ngập nước trên lưu vực, đặc biệt là khu vực Biển Hồ của Campuchia và ĐBSCL. Điều này tác động đến các nhóm nông dân nghèo ở toàn lưu vực, những người mà sinh kế vốn phụ thuộc vào dòng sông.
STT TÊN ĐẬP CÔNG SUẤT CAO ĐỘ HIỆN TRẠNG
1 Miaowei Miêu Vĩ  Cao Cao 140 m 1,400 MW Dung tích 660 triệu m³   1,300 m Đã vận hành
2 Gongguoqiao Công Quả Kiều   Cao 105 m Hồ chứa nước Vận hành từ 2016  
3 Xiaowan Tiểu Loan Cao 292 m 4,200 MW Dung tích 15 tỷ m³   Vận hành từ 2009
4 Manwan Mạn Loan  Cao 132m 1,500MW Dung tích 920 triệu m³   1,000 m Vận hành từ 1993
5 Dachaoshan Đại Triều Sơn Cao 118m, 1,350 MW Dung tích 940 triệu m³   Vận hành từ 2003
6 Nuozhadu Nọa Trát Độ   Cao 262m, 5.850MW Dung tích 21,749 tỷ m³   812m Vận hành từ 2014
7 Jinghong Cánh Hồng   Cao 107m; 1,500 MW Dung tích 249 triệu m³   Vận hành từ 2003
8 Ganlanba Cam Lâm       Quy hoạch

Đập Tiểu Loan

CÁC ĐẬP TRÊN SÔNG MEKONG TẠI LÀO

Những dữ kiện liên quan đến nhánh Mekong tại Lào:

  • Hạ lưu vực 610,000 km² bằng 76.7% tổng lưu vực.
  • Những năm gần đây, dòng đầu tư và viện trợ của Trung Quốc vào Lào, Campuchia liên tục tăng mạnh và hiện đã vượt qua Việt Nam để trở thành nhà đầu tư số lớn nhất ở 2 nước này. Tại Lào, các tập đoàn Trung Quốc đã đầu tư và sở hữu 6 dự án đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Trung Quốc cũng đang xây dựng mạng lưới đường sắt 6 tỷ USD (tương đương 50% GDP của Lào) kết nối Lào với các tỉnh phía Nam Trung Quốc. Quy mô đầu tư khổng lồ đã cho thấy viễn cảnh lệ thuộc kinh tế vào quỹ đạo của Trung Quốc là khó tránh khỏi.
  • Theo Ủy hội sông Mê Công (MRC) khi cả chuỗi thủy điện trên dòng chính sông Mê Công gồm 8 của Trung Quốc và 3 của Lào cùng đi vào vận hành thì tổng lượng nước Mekong sẽ giảm 27%/ tháng và xâm nhập mặn trên sông Tiền và sông Hậu vào sâu thêm 10 – 18 km (vượt quá Mỹ Tho và Cần Thơ) so với hiện nay.
  • Phối hợp với các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, Úc, Pháp và Nhật Bản nhằm tiến hành đánh giá an toàn đập cho 55 đập tại Cộng hòa DCND Lào. Trung tâm nghiên cứu Stimson có trụ sở tại Mỹ vừa công bố báo cáo “Lời kêu gọi cho một quy hoạch năng lượng chiến lược toàn lưu vực tại Lào” trong đó Thái Lan, Việt Nam, Campuchia phối hợp với Lào để có một kế hoạch năng lượng cho toàn thể khu vực.
  • Theo dự kiến, dự án xây dựng thủy điện Xayaburi được Thái Lan đầu tư 3.5 tỷ USD với cam kết Lào bán điện cho nước này 95% sản lượng điện sản xuất ra được. Với công suất thiết kế đạt 1,260 MW/năm, Lào sẽ thu được khoảng gần 1 tỉ USD từ việc xuất khẩu điện. Đối với một đất nước 6,3 triệu dân và tổng thu nhập quốc dân chỉ hơn 6 tỷ USD (năm 2010) thì đó là một lợi nhuận không nhỏ.
  • Trong năm 2022, Việt Nam và Lào đã có những buổi họp liên quan đến việc sử dụng bền vững và hiệu quả nguồn nước sông Mekong. Việt Nam đang giúp Lào triển khai các dự án phát triển kinh tế khác để giảm nhẹ các dự án thủy điện: Tuyến đường sắt Vientiane – Vũng Áng, tổng vốn khoảng 5 tỷ USD được Chính phủ Lào và Việt Nam đồng ý phát triển, cho phép Lào tiếp cận cảng nước sâu Vũng Áng – cảng biển gần nhất với thủ đô Vientiane. Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai – HAGL Agrico cũng đã phát triển dự án trồng chuối tại biên giới Lào – Việt. Nông dân Việt tại Quảng Trị cũng đã thuê đất ở biên giới Lào – Việt để trồng chuối.
STT TÊN ĐẬP CÔNG SUẤT QUỐC GIA HIỆN TRẠNG
1 Pak Beng   1,320 MW   Lào Khởi động XD
2 Luang Prabang     1,410 MW   Lào VNNC Tiền khả thi  
3 Xayabouri   1,260 MW   Lào Hoàn thành 2019  
4 Pak Lay   1,320 MW   Lào Quy hoạch
5 Sanakham   1,000 MW Lào Quy hoạch
6 Pak Chom     1,079 MW Lào + Thái Lan Quy hoạch
7 Ban Koum   2,330 MW   Lào + Thái Lan Quy hoạch
8 Lat Sua   800 MW   Lào Quy hoạch
9 Don Sahong   260 MW   Lào Sắp hoàn thành
10 Stung Treng   980 MW   Campuchia VNNC Tiền khả thi  
11 Sambor   2,600 MW   Campuchia Quy hoạch  

VIỆT NAM VÀ SÔNG KÊ KÔNG

Sông Mekong khi chảy xuống hạ lưu Phnom Penh vào Việt Nam được chia thành 2 nhánh chính là sông Tiền và sông Hậu từ đó chia ra nhiều nhánh nhỏ đổ ra biển Đông, tạo nên Đồng bằng sông Cửu Long. Lưu vực sông Mekong ở Việt Nam có diện tích khoảng 71,000 km chiếm hơn 8% diện tích toàn lưu vực và 20% diện tích Việt Nam. Từ năm 2010 đến nay, số trận lũ lớn giảm so với trước kia, chủ yếu xuất hiện các lũ vừa và lũ nhỏ (chiếm đến khoảng 90%), lũ đầu vụ (tháng 8) cũng suy giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, nếu như trước đây, tổng lượng lũ vào ĐBSCL từ 380 – 420 tỉ m³ và kéo dài 5 – 6 tháng, thì nay chỉ còn khoảng 330 – 350 tỉ m³ (lũ năm 2015 khoảng 220 tỉ m³) và kéo dài trong 3 – 4 tháng. Cùng với đó, gần 50% vùng ngập trung bình và 30% vùng ngập sâu đã được các tỉnh kiểm soát lũ để sản xuất vụ hè thu và thu đông (khoảng 700,000 ha), khiến khả năng trữ lũ của toàn ĐBSCL giảm chỉ còn hơn một nửa so với trước đây (từ 5 – 7 tỉ m³ xuống 3 – 4 tỉ m³). Giữa năm 2016 hạn hán lớn ở ĐBSCL, ruộng đồng khô nứt nẻ, Chính phủ Việt Nam đã phải cầu cứu Trung Quốc xả nước hồ đập thủy điện Cánh Hồng để chống hạn cứu lúa ở ĐBSCL.

  • Cống ngăn mặn:  Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa gạo và trái cây lớn nhất Việt Nam – cung cấp đến 90% lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng trái cây và 70% hàng hóa nuôi trồng thủy sản hàng năm. Tuy nhiên, trong vòng 5 năm gần đây, khu vực này liên tục chịu ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn, tác động nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng lương thực cũng như sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh. Độ mặn tăng cao do nhiều yếu tố – lòng sông ngày càng sâu và thiếu nước ngọt từ hạ lưu vào đồng bằng. Mặt khác, độ mặn cao xảy ra do tác động của biến đổi khí hậu. Hằng năm, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra ngập lụt vào mùa mưa. Nước ngọt từ thượng nguồn tràn qua đồng bằng và đổ ra biển. Đến tháng 3, nước sẽ cạn kiệt, làm độ mặn tăng cao. Tuy nhiên, tình trạng này thường sẽ diễn ra trong một tháng cho đến khi gió mùa xuất hiện và lưu vực sông Cửu Long sẽ ngập lụt trở lại. Thế nhưng, vào năm 2020, khu vực này đã không được lấp đầy trong nhiều tháng liền. Năng suất ruộng lúa và vườn cây ăn quả giảm 30 – 70%. Nông dân bị ảnh hưởng do thiếu nước ngọt sinh hoạt. Trước tình trạng đó, các Bộ, Ban, Ngành đã triển khai nhiều biện pháp để giải quyết những khó khăn. Trong đó, xây dựng cống ngăn mặn được đánh giá là một trong những giải pháp bền vững để ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn. Với giải pháp này, vào mùa khô, tất cả cửa cống đóng lại để ngăn mặn vào nội đồng và trữ nước ngọt cho các kênh. Cửa cống sẽ được mở để thoát nước và tàu thuyền lưu thông khi cần thiết. Vào mùa mưa, tất cả cửa cống đều mở và được di chuyển tùy thuộc vào mực nước chênh lệch giữa mặt sông và mặt kênh. Trong trường hợp mực nước dâng cao do mưa bão, các cống sẽ được mở để giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra.
Cánh cống thủy lợi: phân loại, nguyên tắc, nguyên lý vận hành -

Cống ngăn mặn tại địa phương

  •  Công trình thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé: Theo dự báo của các ngành chức năng, diễn biến hạn, mặn năm nay hết sức khó lường. Rút kinh nghiệm từ đợt hạn, mặn những năm trước, gần đây, nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thực hiện hàng loạt giải pháp nhằm ứng phó với thời tiết xấu vào mùa khô, góp phần đẩy lùi mặn và chủ động nguồn nước tưới tiêu. Mới đây, công trình thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé (tỉnh Tiền Giang) đã được khánh thành. Công trình cách cửa biển hơn 10 km, như một bức tường thành khổng lồ chắn ngang con sông Cái Lớn. Siêu dự án hoàn thành góp phần hỗ trợ tích cực cho người dân ở 5 tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng sản xuất thuận lợi trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang diễn ra ngày càng khốc liệt.
https://thiennhienmoitruong.vn/upload/images/btv/cong-trinh.jpg

Siêu dự án cống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé hoàn thành giúp nhiều địa phương sản xuất thuận lợi trước tác động biến đổi khí hậu 

  • Dừa chịu mặn: Năm 2016, Bến Tre chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi mặn xâm nhập. Gần như toàn bộ “đảo dừa” Bến Tre chìm trong nước mặn, trung tâm này mô tả. Ở cửa sông Hàm Luông nước mặn vào đến sâu đến 50 km. Nước mặn vào cả các vườn trái cây đặc sản, hoa kiểng, cây giống. Trà Vinh là địa phương có hơn 50% diện tích đất bị nhiễm mặn 4 tháng trở lên với độ mặn trên 4%, trong đó có huyện Cầu Kè, quê hương của cây dừa sáp. Những năm gần đây, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng gay gắt, việc bà con nông dân chuyển đổi giống dừa là một xu thế. Do đó, nông dân cũng rất lo lắng chọn giống để thích nghi với điều kiện hạn mặn. TS. Phương cho biết theo cứu bước đầu, đã đánh giá sức chịu đựng mặn của cây dừa sáp với các nghiệm thức độ mặn từ 0% đến 15%. Kết quả cho thấy, dừa sáp có thể chịu đựng được độ mặn từ 12% – 15%, thậm chí có những cây sinh trưởng tốt hơn những cây ở nghiệm thức độ mặn 0%. Điều đó khẳng định về mặt khoa học, cây dừa sáp thích ứng rất tốt với biến đổi khí hậu, nhất là xâm nhập mặn. Vì vậy, rất kỳ vọng ở môi trường tự nhiên, cây dừa sáp có thể chịu đựng được độ mặn 15%. Cũng theo TS. Phạm Thị Phương Thuý, sắp tới, ĐH Trà Vinh sẽ tiếp tục nghiên cứu các kỹ thuật canh tác để cho cây dừa sáp vừa có thể chịu được mặn nhưng vẫn cho năng suất chất lượng ổn định.
Giá dừa xiêm đỏ - Đại Lý Mua Bán Dừa Sáp Cầu Kè Trà Vinh

Dừa lửa chịu mặn đến 15%

  • Khu tứ giác Long Xuyên: Đầu những năm 1980, nhiều đoàn cán bộ kỹ thuật từ Trung ương đã được điều động vào miền Nam và có những nghiên cứu bước đầu về các vùng sinh thái đặc thù ở ĐBSCL. Họ đã đặt nền móng cơ sở khoa học cho những giải pháp thủy lợi nhằm khai phá nhiều vùng đất còn hoang hóa nơi đây. Nhờ được đầu tư bài, đồng bộ với hàng chục công trình thủy lợi lớn trong suốt thời gian dài, đã biến Tứ giác Long Xuyên (TGLX) từ hoang hóa, nhiễm phèn nặng thành vùng sản xuất trù phú. Bắt đầu từ việc đào thêm các hệ thống kênh trục để dẫn lũ, cải tạo đồng ruộng. Các ô đê bao nội đồng phục vụ sản xuất cũng được đầu tư xây dựng, mở rộng. Nhiều năm sau đó, các công trình thủy lợi tiếp tục được đầu tư phục vụ phát triển nông nghiệp, như: nạo vét một số kênh trục để tăng cường cấp, tiêu nước, cải tạo đất, củng cố hệ thống đê biển và đê sông, hệ thống bờ bao … Quan điểm “sống chung với lũ”, thoát lũ ra biển Tây cũng được đề xuất và đã có nhiều công trình thủy lợi được đầu tư theo hướng này. Hàng loạt công trình được xây dựng, hoàn thiện giải pháp thoát lũ ra biển Tây: nạo vét, mở rộng các trục kênh thoát lũ, xây dựng đập tràn Xuân Tô, đập cao su Tha La, Trà Sư… để điều khiển lũ. Các cầu giao thông trên quốc lộ 80, nạo vét các kênh thoát lũ ra biển. Đầu tư nâng cấp hệ thống đê biển và các cống dưới đê để kiểm soát mặn. Các hệ thống thủy lợi nội đồng được đầu tư hoàn chỉnh, đưa vùng Tứ giác Long Xuyên thành khu vực trọng điểm sản xuất lương thực của ĐBSCL.
Biện pháp thích ứng cho hệ thống canh tác dựa trên lúa gạo tại các tỉnh Đồng  bằng Sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu: Báo cáo đánh giá

Khu tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười

  • Trữ nước trong các vùng trũng: ĐBSCL có những vùng trũng thuận lợi cho việc trữ nước mưa hay nước lũ để sử dụng trong mùa khô. Đây không phải là một ý tưởng mới mẽ vì nó đã được đề nghị từ hơn một thập niên trước qua kinh nghiệm của việc bảo tồn nước trong vùng Everglades ở miền nam Florida. Như một phần của Dự án Trung tâm và Nam Florida năm 1948, 3 khu bảo tồn nước (water conservation areas – WCAs) được thành lập ở phía bắc của Công viên Quốc gia Everglades trong các quận Palm Beach, Broward, và Dade. Các khu bảo tồn nước, tên là WCA-1, WCA-2 và WCA-3, có diện tích tổng cộng khoảng 3,640 km² đầm lầy mà phần lớn là Everglades (sông cỏ) nguyên thủy. Các WCAs có nhiệm vụ trữ nước để ngừa lụt, dẫn tưới nông nghiệp và bổ sung nước cho các giếng nước uống. Nước mưa là nguồn nước chính của các WCAs. Vì thế, nước có thể được trữ trong những vùng trũng của ĐBSCL – như Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên – mà không làm xáo trộn nhiều đến hệ sinh thái, nếu dựa theo kinh nghiệm của các khu bảo tồn nước ở Florida. Với diện tích khoảng 6,970 km2 của Đồng Tháp Mười và 4,890 km2 của Tứ giác Long Xuyên, những khu bảo tồn nước tương tự như các WCAs ở Florida có thể được thực hiện để trữ hàng tỉ m3 nước lũ hay nước mưa trong mùa mưa. Điều cần để ý là rừng ngập mặn tại Florida rộng gấp 5 lần so với khu tứ giác Đồng Tháp Mười. Các khu bảo tồn nước này có các đặc điểm khác với những hồ chứa nước thông thường. Thứ nhất, chúng nằm trên mặt đất tự nhiên. Thứ hai, chỉ có đê giữ nước ở 3 phía, phía còn lại để trống cho nước có thể chảy vào khu bảo tồn. Thứ ba, chiều sâu của nước trong khu bảo tồn nước rất cạn, thay đổi từ 0.3 đến 0.8 m. Với chiều sâu này, trữ lượng của các WCAs được ước tính khoảng 1.8 tỷ m3. Nhưng hiện nay, hầu hết đất tự nhiên đã được khai khẩn, chỉ còn một số ít như Tràm Chim, Láng Sen, Trà Sư, Tà Đảnh. Nếu các vùng đất tự nhiên này được dùng để trữ nước, trữ lượng có thể được vài trăm triệu m3. Nếu muốn có trữ lượng lớn hơn thì phải sử dụng đến những vùng đất đã được khai khẩn, nhưng phải có nhiều vấn đề phải giải quyết.

Rừng ngập mặn Everglades

VAI TRÒ CỦA HOA KỲ VÀ TRUNG QUỐC

Từ Hội nghị ASEAN năm 2009, theo yêu cầu của Mỹ đã có thêm một cuộc họp bên lề của Ngoại trưởng 5 nước: Hoa Kỳ và ngoại trưởng 4 nước vùng Hạ Lưu Sông Mekong bao gồm có Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam tại Phuket. Hoa Kỳ đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của vùng Hạ Lưu Sông Mekong (Lower Mekong Basin) và mỗi quốc gia đối với Hoa Kỳ, cùng với cam kết hỗ trợ nhằm thăng tiến hòa bình và thịnh vượng cho khu vực ASEAN như một toàn thể. Ngoại trưởng 4 nước Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam hoan nghênh sự hợp tác chặt chẽ hơn của Hoa Kỳ với các quốc gia Hạ Lưu trong những lãnh vực có ý nghĩa hỗ tương nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững trong vùng.

Trong một thập niên vừa qua, các chương trình của LMI đã giúp các nước khu vực Mekong ứng phó tốt hơn với các thách thức xuyên biên giới liên quan đến an ninh nước, thủy điện thông minh, năng lượng và quy hoạch hạ tầng, cũng như giáo dục STEM. Các dự án trong khuôn khổ LMI đã mang lại những cải thiện rõ rệt đối với đời sống của người dân trong khu vực Mekong. Hoa Kỳ cũng đang phối hợp các nỗ lực của mình cùng với Nhóm “Bạn hữu Hạ nguồn Mekong” nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các nhà tài trợ cùng với Ngân hàng Phát triển Châu Á, Úc, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Ngân hàng Thế giới. Cùng với các nước trong LMI, Hoa Kỳ đang hợp tác thực hiện các chương trình dựa trên những giá trị, nguyên tắc và tầm nhìn chung cho khu vực này. Dự án Giám sát Đập Mekong (Mekong Dam Monitor: Giám sát Đập Mekong), sử dụng dữ liệu vệ tinh để theo dõi mực nước tại các đập Trung Quốc trên sông Mekong, chính thức được khởi động vào ngày 16/12/2019 tại buổi công bố trực tuyến do Trung tâm Stimson tổ chức. Ông Brian Eyler, nhà nghiên cứu của Trung tâm Stimson, trụ sở tại Washington DC, và là đồng trưởng dự án tuyên bố Giám sát Đập Mekong đã bắt đầu hoạt động. Giám sát Đập Mekong được xây dựng trên những kết luận của bản báo cáo do Eyes on Earth, một cơ sở nghiên cứu về nguồn nước, công bố vào tháng 4/2022. Báo cáo nhận định rằng các đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong ảnh hưởng và thậm chí là nguyên nhân gây ra hạn hán ở lưu vực sông.

Dự án MDM (Mekong Dam Monitoring) theo dõi hoạt động của các đập thủy điện trên sông Lan Thương cho biết: Tháng 4/2022, các đập thủy điện thượng nguồn xả một lượng nước nhiều kỷ lục, đến 2.4 tỷ m³ khiến mực nước sông Mekong đột ngột dâng cao 2 m tại biên giới Thái Lan. Trong tuần từ 18 – 24/4/2022, có 18/45 đập đã xả nước, trong đó 80% lượng nước đến từ đập Nọa Trát Độ và đập Tiểu Loan (Trung Quốc). Riêng đập Nọa Trát Độ đã xả khoảng 1.2 tỷ m³ khối nước. Tổng lượng nước mà 18 con đập xả ra khoảng 2.4 tỉ m³, lập kỷ lục kể từ khi bắt đầu mùa khô vào tháng 12/2021. Mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu và trên sông Hậu tại Châu Đốc từ đầu tháng 4 đến nay thường xuyên duy trì ở mức cao hơn trung bình nhiều năm 0.3 – 0.4 m.

Thủy điện Trung Quốc xả nước kỷ lục, nước sông Mê Kông đột ngột cao 2 mét

Đập thủy điện Trung Quốc xả nước kỷ lục tháng 4/2022

  • Hội nghị Ngoại trưởng Hợp tác Mekong – Lan Thương (MLC) lần thứ 7 diễn ra tại Myanmar hôm 4/7, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao. Hội nghị có sự tham dự của Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề xuất 4 nhóm biện pháp chính, gồm lấy hợp tác phục hồi kinh tế và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế làm trọng điểm, hỗ trợ các nước thành viên thích ứng biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, đẩy mạnh hợp tác quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước, tăng cường kết nối nhân dân. Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc thì chỉ đưa ra những câu nói đầu môi như thường lệ.

KẾT LUẬN

Ngày càng rõ nét rằng Việt Nam đang trong tình cảnh bị sức ép rất to lớn từ 2 phía:  Phía Đông là nguy cơ chiến tranh nóng với bàn đạp là Biển Đông vẫn luôn luôn căng thẳng; Phía Tây là chiến tranh nguội với bàn đạp là dòng Mekong và vũ khí chiến lược là nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới ngày nay, chiến tranh nóng rất ít khả năng xảy ra.  Ngược lại, chiến tranh nguội từ dòng nước Lan Thương phía Tây có khả năng diễn ra với xác suất lớn, vì rằng đây là cuộc chiến âm thầm, lặng lẽ, gây ra thiệt hại dần dần, nhưng hệ lụy sẽ là thảm họa về xã hội và môi trường đối với các quốc gia hạ lưu. Dù đối mặt với sự chỉ trích đáng kể từ quốc tế, nhưng rõ ràng “vũ khí nước” mà Trung Quốc nắm giữ đang đặt Việt Nam vào tình thế bất lợi trên diễn đàn ngoại giao Mekong, nhất là khi Trung Quốc phủ quyết tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Nguồn nước (UNWC). Là nước cuối nguồn sông Mekong, Việt Nam hoàn toàn gánh chịu những tác động tiêu cực về mặt môi trường lẫn ngoại giao do các quyết sách phát triển mang tính “dân tộc vị kỷ” mà các nước thượng nguồn theo đuổi. Các bước đi của Trung Quốc trên sông Mekong một mặt tạo ra các nguy cơ mất an ninh nguồn nước, cùng những hệ lụy môi trường và xã hội cho Việt Nam, mặt khác còn tạo ra một “gọng kìm” thứ 2 uy hiếp lợi ích quốc gia của nước ta từ phía Tây. Chính vì vậy, vấn đề tranh chấp nguồn nước sông Mekong cần phải được nhìn nhận đầy đủ hơn ở khía cạnh địa chính trị để có đối sách ứng phó kịp thời, nhất là trong bối cảnh căng thẳng ở các vùng nước tranh chấp trên Biển Đông đang phức tạp trở lại.

THAM KHẢO

  1. Mekong – Bách khoa toàn thư mở wikidedia
  2. Bài viết “Mekong, dòng sông của 60 triệu người” đăng trên mạng BBC Travel ngày 6/1/2017.
  3. Bài viết “Nguồn nước ngọt và hệ thống thủy điện trên sông Lan Thương-Mê Công đang trở thành vũ khí chiến lược” đăng trên mạng ngày
  4. Bài viết “Suy giảm trầm tích sông Mekong nhanh và nhiều hơn dự kiến” đăng trên mạng Môi Trường ngày 05/12/2017.
  5. Bài viết “Tăng cường quan hệ đối tác Hoa kỳ – Mekong” đăng trên mạng Môi Trường ngày 05/12/2017.
  6. Bài viết “Chuyên gia Mỹ kêu gọi Lào lên kế hoạch năng lượng chiến lược toàn lưu vực” đăng trên mạng Pan Nature ngày 17/11/2016.
  7. Bài viết “Cuộc chiến nguồn nước”trên dòng Mekong và nguy cơ Việt Nam” đăng trên mạng Năng Lượng ngày 28/8/2017.
  8. Bài viết “Tìm cách trữ nước cho Đồng bằng sông Cửu Long” đăng trên mạng Thanh Niên ngày 20/5/2020.
  9. Bài viết “Bối cảnh phát triển lưu vực sông Mê Kông và giải pháp ứng phó cho Việt Nam” của 2 tác giả Trịnh Lê Nguyên và Trần Thị Thanh Thủy.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *