Người Hoa tại các nước Đông Nam Á

230 (lượt xem) |

Đông Nam Á là một khu vực đặc biệt thuộc thế giới châu Á. Không có sự xuất hiện của các nền văn minh lớn mang tính chất nhân loại hay các tôn giáo lớn thế giới như các khu vực Đông Bắc Á, Nam Á và Tây Á, nhưng bù lại, Đông Nam Á có một sự đa dạng và phức hợp mang tính đặc trưng của nó. Là khu vực nằm giữa hai nền văn minh lớn của nhân loại là văn minh Trung Hoa và văn minh Ấn Độ, Đông Nam Á sớm đã trở thành cầu nối quan trọng trong sự giao lưu văn hóa và kinh tế của cả khu vực.

Tổng số người Hoa trên thế giới là 40 triệu được chia ra như sau: Châu Á (31 triệu), Châu Mỹ (6 triệu), Châu Âu (1.7 triệu) … Người Hoa kiều chủ yếu tập trung ở Đông Nam Á với dân số lên tới trên 24 triệu người, chiếm 60% tổng người Hoa hải ngoại trên toàn thế giới. Ngoại trừ Singapore là nước với dân số gần 6 triệu người mà 80% là người Hoa thì 5 nước có người Hoa kiều tập trung đông nhất tính đến 2010 là Thái Lan (9.5 triệu), Malaysia (7.1 triệu), Indonesia (trên 6 triệu) và Philippines khoảng gần 1 triệu. Những doanh nhân gốc Hoa tại Đông Nam Á thuờng được gọi là Huaren Trong số này, có tới trên 80% người Hoa đã nhập quốc tịch nước sở tại nhưng họ vẫn giữ bản sắc đặc biệt của người Trung Hoa. Trung Quốc không công nhận quốc tịch kép. Do đó, những người Trung Quốc có quốc tịch nước ngoài không còn được Trung Quốc coi là công dân Trung Quốc nữa. Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc nhắc đến sắc tộc và chủng tộc khi nói về người Trung Quốc và liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của dòng dõi và gốc gác. 

Tạp chí The Economist đã phân tích dữ liệu từ tạp chí Forbes, năm ngoái, hơn ba phần tư của 369 tỷ USD tài sản của các tỷ phú Đông Nam Á đã được kiểm soát bởi Hoa kiều (một thuật ngữ tiếng Quan thoại chỉ “người Trung Quốc ở nước ngoài” hiện đang là công dân của các quốc gia khác). Rất nhiều tỷ phú Hoa kiều sống ở Singapore, có thể coi đây là một tiểu bang giàu có của Hoa kiều. Nhưng nhiều tài sản Hoa kiều khác rải khắp từ Đông Dương và Indonesia cho đến Philippines. 

Quốc gia Số tỷ phú Tài sản Tỷ USD Số tỷ phú gốc Hoa Tài sản Tỷ USD
Thái Lan 31 94.8 20 69.3
Singapore 22 71.3 20 66.8
Indonesia 21 78.4 12 59.4
Philippines 17 49.6 15 37.4
Malaysia 13 61,6 11 53,7
Việt Nam 5 13.6 0 0
Myanmar 0 0 0 0
Tổng 109 369.4 78 286.6

Tỷ phú gốc Hoa tại Đông Nam Á – Nguồn: Forbes, The Economist

  • Thái Lan, nơi có cộng đồng Hoa kiều đông đảo nhất thế giới, với 10 triệu người, tuy chỉ chiếm 14% tổng dân số nhưng họ lại kiểm soát đến 65% tài sản ngân hàng, 60% thương mại, 90% tổng đầu tư sản xuất và 50% tổng đầu tư dịch vụ của Thái Lan. Trong số 5 tỷ phú giàu nhất Thái Lan cuối thế kỷ XX, tất cả đều là người Thái gốc Hoa.

Nualphan Lamsam “Madam Pang” sinh năm 1966, là hậu duệ đời thứ năm của gia tộc người Thái gốc Hoa nổi tiếng từ đầu thế kỷ 20 nhờ kinh doanh gỗ và xay xát gạo. Dòng họ của bà phồn thịnh đến mức “Lamsam” trở thành thuật ngữ để chỉ sự giàu sang, phú quý tại xứ Chùa Vàng. Đây chính là gia tộc đã thành lập Kasikorn Bank (KBank) – một trong những ngân hàng lớn nhất Thái Lan có trị giá gần 117 tỷ USD. Nhiều công ty bảo hiểm cũng thuộc quyền sở hữu của gia tộc Lamsam, trong đó có Muang Thai Insurance – nơi Madam Pang giữ vai trò Chủ tịch kiêm CEO. Bà được mệnh danh là người phụ nữ quyền lực nhất bóng đá Thái Lan.

Chinatown tại Bangkok

  • Tuy người Malay gốc Hoa chưa tới 7 triệu người, nhưng họ lại kiểm soát đến 70% nền kinh tế Malaysia. Theo ước tính, có đến 90% người gốc Hoa sống ở thành thị, nếu so với người bản địa thì chênh lệch rất lớn. Các nghiên cứu đã thống kê được rằng cộng đồng Hoa kiều ở Malaysia sở hữu 69.4% các tổ hợp kinh doanh, 71.9% tổng số bất động sản thương mại và công nghiệp, cũng như 69.3% tất cả các khách sạn ở Malaysia.

Người Hoa tại Malaysia

  • Làn sóng Hoa kiều cũng nhấn chìm Philippines, tuy chỉ có 1.35 triệu người gốc Hoa ở quốc đảo này, nhưng thế lực của họ áp đảo 100 triệu người bản địa. Trong 500 công ty bất động sản ở Phillippines thì có 120 công ty được sở hữu bởi người Hoa và họ cũng sở hữu tất cả các hãng hàng không lớn của nước này, từ Philippine Airlines, AirphilExpress cho đến Cebu Pacific… Giới tư sản tài chính gốc Hoa thì kiểm soát 35% cổ phần các ngân hàng lớn khắp quốc đảo này.
  • Tại Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, với hơn 261 triệu người, cộng đồng Hoa kiều chỉ chiếm 2.7% dân số (6 triệu người) nhưng họ lại là tầng lớp giàu có nhất, kiểm soát đến 70% nền kinh tế quốc gia, còn 250 triệu người bản địa tranh nhau 30% tài sản còn lại.

Nuôi dưỡng nhau: Theo phân tích của The Economist dựa trên dữ liệu từ tạp chí Forbes, năm ngoái hơn 3/4 trong số 369 tỷ USD tài sản của các tỷ phú ở Đông Nam Á được kiểm soát bởi Huaren – tức những người gốc Hoa đang là công dân của nước khác. Nhóm này tập trung đông nhất ở Singapore nhưng cũng nằm rải rác trên khắp Đông Nam Á từ Indonesia, Philippines đến các nước nằm trên bán đảo Đông Dương. Mặc dù chiếm chưa đến 10% dân số khoảng 650 triệu người của khu vực Đông Nam Á, nhiều gia tộc gốc Hoa đứng sau những công ty đang thống trị nhiều mảng của nền kinh tế quy mô 3,000 tỷ USD.

Nhiều gia tộc thịnh vượng nhờ có mối quan hệ với Trung Quốc và ngược lại. “Trung Quốc nuôi dưỡng họ và họ cũng nuôi dưỡng Trung Quốc”, George Yeo, cựu Ngoại trưởng Singapore nhận xét. Tất nhiên điều này không hề dễ dàng. “Giấc mộng Trung Hoa” nhằm khôi phục lại sự vĩ đại Trung Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình đòi hỏi lòng trung thành nhiều hơn, trong khi quê hương thứ hai của các Huaren ngày càng hoài nghi về người hàng xóm khổng lồ ở phương Bắc. Để có thể cân bằng giữa hai bên, các Huaren phải phát huy hết sức các kỹ năng chính trị của mình.

Mặc dù những người gốc Hoa đầu tiên đến Đông Nam Á từ thế kỷ 15, rất nhiều trong số các gia tộc Huaren hàng đầu hiện nay di chuyển đến phía Nam để trốn tránh tình trạng nghèo đói và bạo lực thời kỳ đầu những năm 1900. Hầu hết đều đổi họ giống như Chia. Họ giàu lên nhờ kinh doanh, sau đó không ít trường hợp tận dụng mối quan hệ với các chính trị gia để phất lên nhanh chóng. Các tập đoàn do những Huaren sáng lập cũng được hưởng lợi lớn từ quá trình kinh tế Trung Quốc mở cửa. Khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bắt đầu mở cửa vào những năm 1980, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tìm kiếm tiền bạc và kinh nghiệm từ các tỷ phú Huaren. Nguồn vốn từ các Huaren đóng vai trò quan trọng không kém so với vốn từ phương Tây.

Nấc thang mới: Theo John Riady, người có ông nội là nhà sáng lập tập đoàn Lippo (có 20% doanh thu đến từ Trung Quốc), ngày nay Trung Quốc muốn vượt ra khỏi những thứ cơ bản như đã nói ở trên. Đang dẫn dắt mảng bất động sản của Lippo, Riady cho rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và những tập đoàn Huaren đang bước sang một giai đoạn mới. Trung Quốc thèm muốn những khoản đầu tư lớn, đặc biệt là từ những công ty có công nghệ tiên tiến nhất và các tập đoàn Huaren coi mối quan hệ với Trung Quốc là một nguồn ý tưởng mới. Mới đây CP đã xây dựng một nhà máy xử lý thịt gia cầm khổng lồ và tân tiến nhất ở ngoại ô Bắc Kinh, nơi hàng triệu con gà được xử lý bằng những cánh tay robot. CP cũng đã rót khoảng 400 triệu USD vào các startup Trung Quốc trong các mảng công nghệ sinh học, dữ liệu và logistics. Còn Lippo thì mới mua cổ phần của công nghệ Tencent. Trung Quốc càng trở nên giàu có hơn, các Huaren cũng tìm cách mang các khoản đầu tư của Trung Quốc về quê nhà. CP mới đạt được thỏa thuận với các ông lớn như China Mobile và Alibaba để phát triển những mảng liên quan đến công nghệ. Ant Financial của Alibaba còn phối hợp với Emtek, tập đoàn truyền thông của một Huaren khác là Eddy Sariaatmadja, để đầu tư vào mảng thanh toán qua di động và thương mại điện tử. Tiền Trung Quốc đang đổ vào thế hệ Huaren mới. Grab và Sea Group, hai “kỳ lân” công nghệ có trụ sở ở Singapore đều được thành lập bởi những doanh nhân trẻ gốc Hoa và nhận được sự hậu thuẫn của Didi Chuxing cùng với Tencent.

Trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai con đường (BRI) của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc cũng đang đầu tư tiền của vào cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á. Hầu hết các dự án BRI đều được thực hiện bởi các tập đoàn nhà nước Trung Quốc nhưng vẫn có cơ hội dành cho các công ty nhanh nhẹn ở địa phương. Ở Indonesia, nhà Riadys đang làm việc với các đối tác Trung Quốc để phát triển dự án township (khu trung chuyển) trị giá 18 tỷ USD bên ngoài Jakarta.

Chinatown tại Singapore là điểm đến hấp dẫn khách du lịch

Con dao hai lưỡi: Những sáng kiến như vậy – và rộng hơn là những mối quan hệ thương mại với Trung Quốc – đang ngày càng thu hút được nhiều sự chú ý của dư luận trong nước và không phải tất cả đều là tích cực. Từ lâu, những người gốc Hoa ở Đông Nam Á đã bị chỉ trích vì không trung thành với quốc gia nơi họ ở. Năm ngoái, cộng đồng Hồi giáo ở Malaysia đã triển khai chiến dịch “mua hàng của người Hồi giáo” để tẩy chay các doanh nghiệp của người gốc Hoa. Ở Indonesia, nơi virus Corona chủng mới khiến nền kinh tế lún sâu vào suy thoái, cộng đồng người gốc Hoa có thể dễ dàng trở thành mục tiêu chỉ trích.

Bên cạnh đó, các tỷ phú Huaren còn phải cư xử khéo léo để không khiến Bắc Kinh mếch lòng. Năm ngoái First Pacific, công ty tài chính có một phần thuộc sở hữu của Salim Group, đã có bài học xương máu khi Albert Del Rosario, cựu quan chức ngoại giao Phillipines, bay tới Hong Kong tham dự cuộc họp cổ đông. Vì là người phê phán hệ thống chính trị của Trung Quốc, Del Rosario bị từ chối nhập cảnh và ông đã ngay lập tức rời khỏi hội đồng quản trị.

Trong tình trạng bất ổn chính trị giữa Bắc Kinh và Hong Kong vào năm ngoái, bố già của CP (và cha của ông Suphachai), Dhanin Chearavanont, đã bất thường đăng quảng cáo trên trang nhất trong 3 tờ báo Hong Kong lên án các tuần “bạo lực và hỗn loạn” mà người biểu tình gây ra. Nhiều nhà tài phiệt Hong Kong đã bị thúc giục phải đưa ra các tuyên bố tương tự. Những việc làm đó của ông Dhanin, một người kín tiếng và gần như đã rút khỏi thương trường, là bằng chứng cho thấy sự nhạy cảm trong đối phó với Đại lục.

Tạo ra sự cân bằng hợp lý giữa các quốc gia sở tại và vùng đất tổ tiên (Trung Quốc) đã trở nên phức tạp hơn bởi điều mà quê hương đặt cho Hoa kiều. Một số lãnh đạo doanh nghiệp Hoa kiều được giao vai trò, vị trí tại các cơ quan nhà nước Trung Quốc, chẳng hạn như Hội nghị Tư vấn chính trị nhân dân Trung Quốc. Các chính trị gia ở Đông Nam Á lo lắng về các “hoạt động gây ảnh hưởng” từ Bắc Kinh.

Trên thực tế, mối quan hệ giữa nhà nước Trung Quốc và doanh nghiệp Hoa kiều chủ yếu là kết quả phát triển tự nhiên, không phải là một mưu đồ lớn từ trước. Nhiều ông trùm có nguồn gốc ở tỉnh phía Nam của Phúc Kiến. Là trung tâm của tinh thần khởi nghiệp, đây là vị trí hoàn hảo để nuôi dưỡng mối quan hệ với các nhà môi giới chính trị và kinh doanh của Trung Quốc. Và đối với mỗi thế hệ Chearavanont yêu quê hương, luôn có một con người chỉ trích Trung Quốc, vì họ có tổ tiên chạy trốn trong thời kỳ trước. Một số nghĩ rằng mối kết nối với Trung Quốc giúp cho cuộc sống dễ thở hơn. “Tất nhiên điều đó hữu ích. Các tập đoàn gốc Hoa đã được hưởng lợi lớn từ đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc”, Yeo – người đang làm việc cho Kerry Logistics (thuộc đế chế của tỷ phú Quách Hạc Niên) nói. Tuy nhiên, không ít người bác bỏ việc gốc gác Trung Quốc tạo ra lợi thế kinh doanh. “Gốc gác Trung Quốc” hiếm khi là lý do chính để một công ty nước ngoài tìm kiếm cơ hội kiếm tiền ở Trung Quốc, Marleen Dieleman, học giả chuyên nghiên cứu về công ty gia đình tại Đại học Quốc gia Singapore nói.

Trên thực tế, hầu hết các Huaren là những người theo chủ nghĩa thực dụng. Họ coi lịch sử gia tộc là thứ hữu ích nhưng không phải là điều quyết định. Nhiều người cho rằng tập đoàn của họ hội nhập với kinh tế toàn cầu chứ không phải riêng Trung Quốc. Tập đoàn C.P. (Charoen Pokphand Group) được thành lập năm 1925 tại Bangkok, Thái Lan. Nay là một tập đoàn sản xuất kinh doanh đa ngành nghề và là một trong những tập đoàn mạnh nhất của Thái Lan trong lĩnh vực công – nông nghiệp và chế biến thực phẩm. CP hiện sử dụng tổng cộng 325,000 lao động tại 21 quốc gia và tập đoàn không còn tuyển dụng người chủ yếu từ Chinatown (phố Tàu) như trước mà là từ các trường đại học danh giá ở Mỹ và Trung Quốc. Suphachai cũng hào hứng kể về những mối quan hệ với các đối tác trên khắp thế giới, từ Nhật Bản đến Anh. Và CP cũng đang mở rộng hoạt động ở ngay tại Thái Lan. Hồi tháng 3, CP mua đứt các siêu thị của Tesco ở Thái Lan và Malaysia với giá 10.6 tỷ USD. Trong khi đó Riady cho rằng, ngày nay Lippo giống với các tập đoàn đa quốc gia như Ford hay Goldman Sachs – những ông lớn nước ngoài phát triển tốt tại thị trường Trung Quốc dù không có bất cứ mối quan hệ nào về văn hóa. Điều quan trọng hơn là nhiều tập đoàn đang bước vào giai đoạn chuyển giao quyền lực cho thế hệ tiếp theo. Những người trẻ tuổi hầu hết đi du học Mỹ và nói thứ tiếng Mandarin chắp vá có lẽ sẽ khó thích nghi với gốc gác hơn.

Dẫu vậy, chắc chắn họ vẫn thừa hưởng những mối quan hệ, sự nhạy bén và cả sự thận trọng của gia đình. Giống như nhà sáng lập đã qua đời năm 2012 của Salim Group từng nói “cây to thì thường hút gió lớn”, trong bối cảnh tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á ngày càng tăng lên như hiện nay, sự thận trọng không bao giờ thừa.

NGƯỜI HOA TẠI VIỆT NAM

Tại Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia độc nhất mà người Hoa không chi phối được kinh tế quốc gia. Người Hoa là một trong 54 dân tộc được công nhận tại Việt Nam. Thông thường,người Hoa ở Việt Nam được gọi là người Việt gốc Hoa để tránh trường hợp gây tranh cãi về thuật ngữ và thái độ kỳ thị.Sau khi Việt Nam thống nhất về mặt lãnh thổ vào năm 1975, khoảng 4% dân số Việt Nam là người Việt gốc Hoa, trong đó có hơn 1.5 triệu Hoa kiều sinh sống chủ yếu ở khu vực Chợ Lớn, Sài Gòn, và chỉ có khoảng 300,000 người Việt gốc Hoa sống ở miền Bắc. Theo thống kê của cuộc điều tra dân số năm 1999, tổng số người Hoa ở Việt Nam hiện là 862,371 (1.13% dân số ở Việt Nam).

Đối với cộng đồng người Hoa ở TP.HCM đa phần giao tiếp bằng tiếng Quảng Đông. Nhiều ngôi đền và nhà cửa của người Hoa ở khu Chợ Lớn và cảng thương mại Hội An từ thế kỷ XVII đã được khôi phục và xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia và quốc tế, giờ đây mỗi năm đón hàng triệu lượt khách du lịch. Số người Hoa còn lại sinh sống ở các tỉnh toàn quốc, mà hầu hết là ở nhiều tỉnh miền Tây Việt Nam, Bình Thuận, Đồng Nai. Cộng đồng người Hoa ở Sóc Trăng, Trà Vinh và Bạc Liêu phần lớn là người Triều Châu. Cộng đồng người Hoa tại miền Bắc Việt Nam tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh,

Trong những khía cạnh quan trọng, người Việt gốc Hoa đã trở nên không thể phân biệt được khi sinh sống trong cộng đồng, và họ đã thành công đến mức, mặc dù các đám đông có thể phản đối những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng không ai nghĩ đến việc trả thù nhằm vào các gia đình người gốc Hoa sống cạnh nhà mình.

Một đặc điểm phổ biến của các cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á là tính biệt lập của họ. Người Hoa tạo nên những “xã hội” nhỏ, những “khu tự trị” trong quốc gia mà họ cư trú. Người Hoa sống tập trung lại với nhau thành từng khu (như là khu Chợ Lớn ở miền Nam), mỗi địa phương có bang trưởng được cử ra trong số người giàu có, thạo việc làm ăn để thay mặt cộng đồng giao thiệp với bên ngoài, hoặc giải quyết tranh chấp không qua sự can thiệp của chính quyền sở tại. Người Hoa cũng nổi tiếng là biết dùng tiền để mua chuộc quan chức trong chính quyền sở tại. Ý thức biệt lập dựa trên sự nuôi dưỡng tinh thần nước lớn, tổ chức nội bộ chặt chẽ, cơ sở kinh tế mạnh, có nhiều mưu mẹo, thêm vào đó là hậu thuẫn mạnh mẽ của tư sản Hoa kiều ở các nước khác, đó là những đặc điểm và cũng là điều kiện cho phép tư sản gốc Hoa thao túng hầu như toàn bộ nền kinh tế miền Nam trước năm 1975.

Ở miền Nam, từ năm 1956, chính phủ Ngô Đình Diệm đề ra chính sách buộc tất cả người Hoa phải nhập quốc tịch Việt Nam hoặc bị trục xuất. Một sắc luật bổ túc (Số 52) ban hành ngày 29 tháng 8/1956 đòi hỏi tất cả người Hoa phải lấy tên tiếng Việt trong thời hạn 6 tháng nếu không sẽ bị phạt. Ngày 6 tháng 9 lại ban hành sắc luật Số 53 cấm người nước ngoài hoạt động trong 11 ngành nghề, kể cả buôn gạo và bán hàng tạp hóa, những ngành mà người Hoa chiếm ưu thế. Những người Hoa đang hoạt động trong khu vực kinh tế này có 6 tháng đến 1 năm để bán hay sang nhượng lại thương nghiệp cho công dân Việt Nam, nếu không sẽ có thể bị trục xuất hay phạt 5 triệu đồng. Chính phủ Ngô Đình Diệm cũng bắt các trường học của người Hoa trong vùng Sài Gòn − Chợ Lớn phải dùng tiếng Việt trong giảng dạy và bổ nhiệm Hiệu trưởng người Việt Nam. Đây là những chính sách nhằm thẳng vào khối 1 triệu người Hoa sinh sống ở miền Nam. Tháng 5 năm 1957, Bắc Kinh phản đối rằng đây là “sự xâm phạm tàn nhẫn các quyền hợp pháp của người Hoa”.

Người Hoa xuống đường gây bạo động, phản đối chính sách của Ngô Đình Diệm. Đến mùa hè 1957, người Hoa đóng cửa gần hết trường học, hoạt động thương mại, và rút tiền ra khỏi ngân hàng. Khoảng 800 triệu đến 1.5 tỷ đồng − gần 17% tiền tệ đang lưu hành ở miền Nam − biến mất khỏi thị trường, thương mại bất chợt ngưng trệ. Đến khoảng giữa tháng 5/1957, có khoảng 6,000 cửa hàng của người Hoa đã đóng cửa, 200,000 người mất công ăn việc làm. Hoa kiều còn phản đối bằng việc ngừng vận tải hàng hóa (các hãng vận tải lớn đều do họ nắm giữ). Với sự hỗ trợ của giới buôn lớn, chủ ngân hàng Hoa kiều ở Đông Nam Á và chính quyền Đài Loan, người Hoa nhất loạt đình chỉ hoạt động, tẩy chay không bốc dỡ gạo Việt Nam đã cập bến cảng nước ngoài. Do ngừng mọi vận chuyển, nông sản ứ đọng ở vùng quê, trong khi Sài Gòn – Chợ Lớn lại rất khan hiếm. Nền kinh tế miền Nam Việt Nam gần như sụp đổ.

Nhận thấy ảnh hưởng không thể thay thế của người Hoa trong nền kinh tế, chính phủ Ngô Đình Diệm nhượng bộ. Cuối tháng 7/1957, người Hoa được quyền ghi danh cửa hàng bằng tên của bà con sinh tại Việt Nam, hoặc nhập tịch Việt Nam theo thủ tục đơn giản. Hiệu trưởng các trường học chỉ cần là người Hoa sinh tại Việt Nam. Tiếng Hoa được sử dụng lại trong trường học trừ các môn lịch sử, địa lý và văn học. Người Hoa cũng được đối xử mềm mỏng khi áp dụng luật thi hành quân dịch. Đến năm 1961, theo một báo cáo của Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa, hơn 1 triệu người Hoa sống ở miền Nam chỉ còn chừng 2.000 người là không chịu đổi quốc tịch, phần lớn là những người đã già.

Trong 15 năm tiếp theo, người Hoa ít khi bị động tới, tự trị tự quản về nhiều mặt, các khu người Hoa giống như vùng tự trị ngay trên đất nước Việt Nam. Cùng lúc chiến tranh leo thang, người Hoa đã góp phần không nhỏ vào tình trạng tham nhũng, hối lộ, trốn thuế, trốn quân dịch, gây bất ổn định chính trị trong xã hội miền Nam thời đó.

Tuyệt đại bộ phận lượng thóc gạo lưu thông ở miền Nam về cơ bản nằm trong tay tư sản Hoa kiều hoặc người Việt gốc Hoa. Chế độ Sài Gòn có lần định trực tiếp nắm việc phân phối lương thực, ít nhất là trong khu vực bán buôn, nhưng mọi cố gắng đều không đưa lại kết quả. Sau một thời gian, đầu năm 1970, chính quyền Sài Gòn tuyên bố “trao trả việc phân phối lúa gạo lại cho tư nhân”, nhà nước chỉ đóng vai trò “kiểm soát về giá cả và tham gia vận chuyển”. Thực tế đây là một sự đầu hàng trước tư sản người Hoa. Tháng 3 năm 1971, trả lời phỏng vấn của một tờ báo, chủ tịch Nghiệp đoàn Mễ cốc Việt Nam (Sài Gòn) đổ lỗi sở dĩ phải làm vậy là vì “bảy thương gia hoạt động mạnh nhất và coi như đã nắm gần trọn hệ thống thu mua phân phối lúa gạo”, hầu hết đều là người Hoa.

Cuối năm 1973, kiểm kê cho biết, trong số gần 10,000 xí nghiệp lớn nhỏ được kiểm kê, 80% là tài sản của tư sản gốc Hoa. Hai công ty nhập khẩu và chế biến bột mì lớn nhất là Sakybomi và Viflomico cung ứng 60% nhu cầu bột mì cho toàn miền, thì tư sản người Hoa làm chủ cả hai, ngoài ra họ còn làm chủ luôn 10 công ty nhỏ khác thuộc ngành này. Họ chiếm 90% số vốn của năm công ty và 182 cơ sở sản xuất mì gói. Công ty sản xuất mạch nha duy nhất với số vốn 200 triệu đồng là của tư sản người Hoa. Với sự góp vốn của Đài Loan, họ kiểm soát hoàn toàn 4 công ty sản xuất bột ngọt (mì chính). 30 trong tổng số 40 cơ sở sản xuất rượu ở miền Nam là của người Hoa. Ngoài ra, họ giữ 60% vốn của 14 công ty khai thác hải sản. Sài Gòn có 4 công ty dệt lớn là Sicovina, Vimytex, Vinatexco và Vinatefinco, thì ba công ty sau là của tư sản người Hoa, chiếm khoảng 70% sản lượng toàn ngành.

Người Hoa có có kỹ năng kinh doanh tốt, có truyền thống kinh doanh, khéo lợi dụng quan hệ huyết thống và tinh thần nước lớn (con dân nước Trung Hoa vĩ đại), cộng vào đó là những mưu mẹo, tính thích ứng với mọi hoàn cảnh, sự nhẫn nhục và cần cù. Người Hoa cũng giỏi móc ngoặc với tư bản quốc tế và lợi dụng guồng máy chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Có đủ căn cứ để cho rằng tổng số các nghiệp vụ tín dụng công khai hoặc ngấm ngầm của giới tư sản ngân hàng Hoa Kiều ở miền Nam trước năm 1975 là không dưới 150 tỷ đồng Sài Gòn cũ, trong đó khoảng 100 tỷ được dùng vào việc thu mua lúa gạo. Số tiền đó bằng 1/3 tổng số tiền lưu hành ở miền Nam thời đó, nên rất dễ hiểu tại sao một nhóm nhỏ người Hoa giàu có lại có thể thao túng nền kinh tế.

Trong khi ở miền Bắc, Hoa kiều không đóng vai trò đặc biệt trong nền kinh tế nhà nước quản lý tập trung, thì ở miền Nam, Hoa kiều kiểm soát gần như toàn bộ các vị trí kinh tế quan trọng, và đặc biệt nắm chắc 3 lĩnh vực quan trọng: sản xuất, phân phối, và tín dụng. Đến cuối năm 1974, họ kiểm soát hơn 80% các cơ sở sản xuất của các ngành công nghiệp thực phẩm, dệt may, hóa chất, luyện kim, điện… và gần như đạt được độc quyền thương mại: 100% bán buôn, hơn 50% bán lẻ, và 90% xuất nhập khẩu. Hoa kiều ở miền Nam gần như hoàn toàn kiểm soát giá cả thị trường.

Sau 1975, vấn đề về người Hoa càng thêm phần trầm trọng khi họ treo Quốc kỳ Trung Quốc và ảnh Mao Trạch Đông trong vùng Chợ Lớn. Tháng 1 năm 1976, chính phủ ra lệnh cho người Hoa ở miền Nam đăng ký quốc tịch. Đa số đăng ký là quốc tịch Trung Quốc mặc dù họ đã chuyển sang quốc tịch Việt Nam từ những năm 1956 – 1957. Tháng 2 năm đó, người Hoa được lệnh đăng ký lại theo quốc tịch đã nhận thời VNCH. Những người vẫn tiếp tục đăng ký là quốc tịch Trung Quốc sau đó bị mất việc và giảm tiêu chuẩn lương thực. Cuối năm đó, tất cả các tờ báo tiếng Trung bị đóng cửa, tiếp theo là các trường học của người Hoa. Với những hành động này, chính phủ Việt Nam đã lờ đi thỏa thuận rằng sau khi thống nhất sẽ tham khảo ý kiến của Trung Quốc về vấn đề người Hoa ở Việt Nam. Chính sách của Việt Nam năm 1976 (đánh tư sản những người Hoa và tịch thu tài sản của họ) đã bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nhanh chóng của mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, với nỗi e ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng Hoa kiều để ép Việt Nam theo các chính sách của mình. Vấn đề Hoa kiều được chính phủ Việt Nam xem là một thử thách đối với chủ quyền quốc gia hơn là một vấn đề nội bộ đơn giản.

Năm 1977, lạm phát 80% cùng với vấn đề tiếp diễn của sự thiếu thốn và nạn đầu cơ lương thực, Chính phủ Việt Nam sợ rằng Hoa kiều có thể bị lôi kéo theo các mục tiêu của Trung Quốc. Kèm theo đó là sự ngừng trệ nghiêm trọng của các vùng kinh tế phía Tây Nam do các xung đột tại biên giới với Campuchia. Người Hoa ở Chợ Lớn tổ chức biểu tình đòi giữ quốc tịch Trung Quốc. Những điều này làm cho chính phủ Việt Nam lo lắng về nguy cơ đất nước bị rối loạn cả từ bên trong lẫn từ bên ngoài và coi Hoa kiều là một lực lượng ở Việt Nam và sẵn sàng tiếp tay với Trung Quốc để phá hoại. Mặc dù không có bằng chứng cụ thể về các hoạt động phá hoại, nhưng sự giàu có của cộng đồng Hoa kiều bị xem là mối đe dọa đối với chính quyền Việt Nam. Trong các tháng 3, 4 năm 1978, khoảng 30,000 doanh nghiệp lớn nhỏ của Hoa kiều bị quốc hữu hóa. Vị thế kinh tế của đa số tư sản Hoa kiều bị hủy bỏ, nhà nước thắt chặt kiểm soát nền kinh tế. Chính quyền cũng tiếp quản cơ sở tổng hội quán người Hoa, bệnh viện Sùng Chính (đầu năm 1976) và 5 bệnh viện khác của 5 bang vào tháng Giêng 1978, đóng cửa 11 tờ báo Hoa ngữ. Khối lãnh đạo người Hoa ở Việt Nam xem như không còn hiện hữu, và việc người Hoa kiểm soát nhiều ngành công nghiệp bị xóa bỏ.

Quan hệ ngày càng xấu đi giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng làm tăng thêm số người Hoa rời Việt Nam. Phía Trung Quốc tố cáo Việt Nam đã xua đuổi người Hoa sống ở phía Bắc về Trung Quốc. Đầu tiên là những vụ di cư nhỏ lẻ, sau đó là trào lưu ồ ạt người di tản đi đến những bờ biển của các nước láng giềng. Kết quả là số người di tản từ Việt Nam tăng gấp đôi trong 6 tháng đầu năm 1979, trong những người di tản trong những năm 1978 – 1979, Hoa kiều chiếm đa số. Cộng thêm vào đó là khoảng 250,000 Hoa kiều sang Trung Quốc qua biên giới phía Bắc từ tháng 4 năm 1978 đến mùa hè năm 1979. Trung Quốc đã gọi đây là vấn đề “nạn kiều”. Đến năm 1982, do khó khăn kinh tế và quan hệ chính trị thù địch giữa Việt Nam với Trung Quốc, người Hoa ở miền Nam đã vượt biên qua đường biển, đường bộ để trốn qua nước thứ ba. Khoảng 2/3 trong số nửa triệu người vượt biên từ Việt Nam là người gốc Hoa.

Đến năm 1989, số người gốc Hoa tại Việt Nam đã giảm từ 1.8 triệu năm 1975 xuống còn 900,000. Người Việt đã làm được những điều mà các quốc gia trong vùng không làm được. Người gốc Hoa không còn là thế lực kiểm soát nền kinh tế Việt Nam như trước nữa, và các phong tục, ngôn ngữ gốc Hoa của họ về mặt hình thức không còn phổ biến như trước. Đây là một ngoại lệ hiếm hoi so với những nước Đông Nam Á khác: người gốc Hoa về mặt cư trú, ngôn ngữ, giáo dục … đã gần như bị đồng hóa bởi người Việt Nam. Và cũng khó phân biệt giữa một người gốc Hoa và một người Việt về mặt hình thức dù họ vẫn giữ một số phong tục tập quán của tổ tiên mình. Mặc dù người Việt có thể phản đối hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông hoặc các chính sách của chính quyền Trung Quốc, nhưng không ai nghĩ đến việc trả thù những gia đình người gốc Hoa ở địa phương họ sinh sống.

Ngôi chùa người Hoa tại Chợ Lớn

ẢNH HƯỞNG NGƯỜI HOA TẠI THÁI LAN

Tại Thái Lan, người Hoa chiếm 10% dân số, nhưng chiếm trên 90% vốn của các doanh nghiệp và trên 50% vốn của ngành ngân hàng. Những ngân hàng quy mô lớn của người Hoa ở Thái Lan như Ngân hàng Thái Kinh có vốn tới 6.9 tỷ USD, Ngân hàng Nông dân Thái Hoa trên 6.7 tỷ USD, Ngân hàng điện tín Châu Á khoảng 5 tỷ USD, Ngân hàng Băng Cốc 6.2 tỷ USD, Ngân hàng Hoa Thái 6.7 tỷ USD, Ngân hàng thương mại Viễn La 4.6 tỷ USD. Ngân hàng và công ty tài chính của người Hoa ở Thái Lan có tài sản tới trên 22.2 tỷ USD lớn hơn tài sản 21.8 tỷ USD của Chính phủ và Hoàng gia Thái Lan cộng lại. Chính vì vậy mà địa vị người Hoa ở Thái rất cao, nhiều người gốc Hoa từng làm thủ tướng Thái Lan như Thủ tướng bị lật đổ Thaksin. Người gốc Hoa cũng chiếm một tỉ lệ đáng kể trong Chính phủ Thái Lan.

  • Năm 1919, Chia Ek Chor chuyển tới Bangkok, Thailand và mở một cửa hàng nhỏ bán các loại hạt giống nhập khẩu từ quê nhà Quảng Đông (Trung Quốc). Sau 2 thế hệ, Charoen Pokphand (CP) Group hiện là tập đoàn hàng đầu Thái Lan, bán mọi thứ từ thịt gà, thịt lợn đến xe ô tô và điện thoại. Ông tổ của tập đoàn, người qua đời năm 1983, đã chuyển họ sang tiếng Thái Lan là Chearavanont. Nhưng ông vẫn luôn hướng đến quê cha đất tổ. Khi dịch sang tiếng Mandarin, những chữ cái đầu trong tên của 4 người con trai của ông – Zhengmin, Daimin, Zhongmin, Guomin – có ý nghĩa là “Trung Quốc vĩ đại, tươi đẹp”. Tập đoàn CP hiện sử dụng tổng cộng 325,000 lao động tại 21 quốc gia và tập đoàn không còn tuyển dụng người chủ yếu từ Chinatown (phố Tàu) như trước mà là từ các trường đại học danh giá ở Mỹ và Trung Quốc.
  • CP sẽ sớm bắt đầu triển khai dự án đường sắt mới ở Thái Lan, hợp tác với tập đoàn xây dựng đường sắt Trung Quốc.

ẢNH HƯỞNG NGƯỜI HOA TẠI INDONESIA

Người Hoa Indonesia, chỉ gọi đơn thuần là Trung Hoa là sắc tộc có nguồn gốc từ những người nhập cư trực tiếp từ Trung Quốc hoặc gián tiếp từ các quốc gia khác. Dân số người Indonesia gốc Hoa tăng trưởng nhanh chóng trong thời kỳ thuộc địa, khi các lao công ký giao kèo đến từ quê hương của mình tại Hoa Nam. Dưới chính sách phân loại dân tộc của người Hà Lan, người Indonesia gốc Hoa bị cho là “người phương Đông ngoại quốc”, do đó họ phải đấu tranh để tham gia đời sống xã hội-chính trị của thuộc địa và quốc gia, song thành công trong các nỗ lực kinh tế. Bằng chứng về phân biệt đối xử chống người Indonesia gốc Hoa tồn tại trong suốt lịch sử đảo quốc, song các chính sách của chính phủ được thi hành từ năm 1998 đã nỗ lực để khắc phục tình trạng này.

Sự phát triển của xã hội và văn hóa người Hoa địa phương dựa trên ba trụ cột: liên kết dòng tộc, truyền thông dân tộc, và trường học Hoa văn. Chúng phát triển mạnh trong thời kỳ dân tộc chủ nghĩa vào những năm cuối triều Thanh và trong Chiến tranh Trung – Nhật; tuy nhiên các khác biệt về mục tiêu của tình cảm dân tộc chủ nghĩa khiến cộng đồng bị chia rẽ, một nhóm ủng hộ các cải cách chính trị tại Trung Quốc đại lục, trong khi những người khác hành động nhằm cải thiện thân phận trong chính trị Indonesia. Chính phủ Trật tự Mới (1967–1998) phá hủy các trụ cột của bản sắc Trung Hoa nhằm ủng hộ các chính sách đồng hóa. Những dấu hiệu về đồng hóa và tương tác dân tộc có thể nhận thấy trong văn chương, kiến trúc, và ẩm thực.

Gần một nửa số người Indonesia gốc Hoa cư trú trên đảo Java. Mặc dù người Hoa thường đô thị hóa hơn cư dân bản địa của Indonesia, song tồn tại các cộng đồng nông thôn và nông nghiệp đáng kể trên toàn quốc. Tỷ suất sinh giảm khiến tháp dân số của người Hoa Indonesia hướng lên trên khi độ tuổi trung bình tăng. Tình trạng di cư cũng góp phần khiến dân số người Hoa Indonesia suy giảm, và có nhiều cộng đồng nổi lên tại các quốc gia công nghiệp hóa hơn trong nửa cuối của thế kỷ 20. Một số người tham gia các chương trình hồi hương về Trung Quốc, trong khi những người khác di cư sang các quốc gia phương Tây để thoát khỏi tình cảm bài Hoa. Trong số các cư dân hải ngoại, đặc tính Indonesia của họ đáng kể hơn đặc tính Trung Quốc.

Người Hoa tại Indonesia

Tại Indonesia, người Hoa chiếm 2.5% trong số 200 triệu dân, nhưng lại kiểm soát tới trên 70% kinh tế nước này – trong đó kiểm soát trên 75% ngành sản xuất bánh mì, miến, kiểm soát 80% ngành may mặc, 65% ngành nhuộm và 80% ngành lâm sản. Cuối năm 1993, 68% doanh nghiệp quy mô lớn của Indonesia do người Hoa kiểm soát.

Ông Nasir khẳng định đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nguồn vốn và nguồn lực từ Trung Quốc, “về cơ bản không giúp được gì nhiều cho người dân Indonesia”.

  • Ở Indonesia, tập đoàn Lippo Group của gia tộc Riady hoạt động sôi nổi trong các ngành ngân hàng, bất động sản và y tế.
  • Liem Sioe Liong, ông chủ của Salim Group đặc biệt thân thiết với cựu Tổng thống Indonesia Suharto và đã có được vị trí độc quyền trong nhiều ngành.

ẢNH HƯỞNG NGƯỜI HOA TẠI PHILIPPINES

Philippines, với khoảng 1.3 triệu người Hoa, chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong tổng số 100 triệu dân ở đây. Trong 500 doanh nghiệp bất động sản, người Hoa ở Philippines chiếm đến 120 doanh nghiệp, khủng khiếp hơn, tất cả các hãng hàng không ở Philippines đều do người Hoa nắm giữ, người Hoa kiểm soát 35% tài sản trong các ngân hàng lớn. Trong 17 người giàu nhất Philippines thì có đến 15 người gốc Hoa. Thời gian qua, cũng có người gốc Hoa làm Tổng thống Philippines như bà Tổng thống Acquino.

  • Năm 2019, 15 trong số 17 tỷ phú Philippines là người gốc Hoa. SM Group – điều hành bởi gia tộc Sy – cũng có những trung tâm thương mại cao cấp trên khắp Trung Quốc.

ẢNH HƯỞNG NGƯỜI HOA TẠI MALAYSIA

Malaysia, với tỷ lệ người Hoa là 7 triệu trên tổng số 32 triệu dân, tuy nhiên người Hoa lại kiểm soát đến trên 70% nền kinh tế, sở hữu gần 70% các cơ sở, tổ hợp kinh doanh, sở hữu 73% trong các ngành bất động sản, công – thương nghiệp, 70% các khách sạn. Phần lớn người gốc Hoa (trên 90%) sống ở các thành thị của Malaysia.

  • Ở Malaysia, tỷ phú Quách Hạc Niên (Robert Kuok) “cai quản” đế chế bao trùm mọi thứ từ đường tinh luyện đến hệ thống khách sạn Shangri-La.
  • Trong khi đó Genting Group, một tập đoàn Huaren khác đến từ Malaysia, đang xây dựng khách sạn hạng sang phục vụ thế vận hội mùa đông sẽ được tổ chức tại Trung Quốc vào năm 2022. Trung Quốc vẫn mua lượng lớn các mặt hàng như cao su và dầu cọ từ các tập đoàn Huaren Đông Nam Á. Sinar Mas, tập đoàn của Indonesia được điều hành bởi gia tộc Widjaja, là một trong những nhà cung cấp giấy lớn nhất cho Trung Quốc.

ẢNH HƯỞNG NGƯỜI HOA TẠI MYANMAR

Myanmar chưa có tỷ phú USD gốc Hoa nhưng rất nhiều doanh nhân hàng đầu là người gốc Hoa như Serge Pun (ông chủ tập đoàn bất động sản và ngân hàng Yoma) hay Aik Htun (ông chủ tập đoàn Shwe Taung chuyên về cơ sở hạ tầng và bất động sản).

  • Ở Myanmar, tập đoàn Yoma đứng sau dự án xây dựng thành phố mới nằm cạnh thủ đô Yangon với sự giúp đỡ của Trung Quốc.

ẢNH HƯỞNG NGƯỜI HOA TẠI LÀO VÀ CAMPUCHIA

Hai anh hàng xóm của chúng ta là Lào và Campuchia, một nước đang được coi là sân sau của Trung Quốc, thay đổi đến chóng mặt nhờ những đồng vốn từ Trung Quốc, 75% nguồn vốn đầu tư vào Campuchia đến từ Trung Quốc, người Trung Quốc đã làm gì trên đất nước Campuchia có lẽ không cần nói nhiều nữa. Đối với Lào, đầu tư của Trung Quốc vào Lào tăng 1,552 lần chỉ sau 16 năm, giá trị đầu tư của Trung Quốc đạt 10 tỷ USD, chiếm 42.7% tổng giá trị đầu tư nước ngoài vào Lào. Nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định, việc Lào và Campuchia rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc chỉ là điều sớm muộn.

Casino Trung Quốc tại Sianoukville

KẾT LUẬN

Người Hoa là một cộng đồng có tiềm lực kinh tế lớn và chi phối nền thương mại trong khu vực, lại có quan hệ với nền văn hóa Trung Quốc. Nên người Hoa là một yếu tố ảnh hưởng đến giải quyết vấn đề quan hệ với Trung Quốc của các quốc gia Đông Nam Á. Việt Nam có rất nhiều khó khăn khi phối hợp với các quốc gia Ấn Độ – Thái Bình Dương để có một chính sách cứng rắn với Trung Quốc.

THAM KHẢO

  1. Người Hoa (Việt Nam) – Bách khoa Toàn thư mở Wikidedia
  2. Bài viết “Nền kinh tế 3,000 tỷ USD của người Hoa ở Đông Nam Á” đăng trên mạng Công An Nhân Dân ngày 26/8/2020.
  3. Tại sao người Hoa kiểm soát Đông Nam Á ngoại trừ Việt Nam đăng trên mạng Bing Bong. VN ngày
  4. Bài viết “Một cách lý giải về quyền lực kinh tế của người Hoa ở Đông Nam Á” đăng trên mạng Reds.VN ngày 30/5/2020.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *