Cá ngừ đại dương

145 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Ở vùng biển duyên hải Nam Trung Bộ, nghề khai thác hải sản đã gắn bó lâu đời với ngư dân ven biển. Trong đời sống của người Việt Nam nói chung của người dân các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng, từ xa xưa hoạt động đánh bắt cá dường như là hoạt động quan trọng, chỉ xếp sau canh tác nông nghiệp. Nghề khai thác cá biển xuất hiện sớm nhất ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định từ thời phong kiến nổi tiếng bởi phương tiện đánh bắt bằng các ghe bầu. Phú Yên là cái nôi đầu tiên của nghề câu cá ngừ đại dương (CNĐD) vào năm đầu thập niên 90 và đã trở thành nghề khai thác chủ lực của ngư dân vùng biển Nam Trung Bộ.

Năm 1994, nghề câu CNĐD thật sự mới bắt đầu ở Phú Yên. Trong một chuyến đi đánh lưới chuồn, một ngư dân đã dính vàng câu của một tàu Đài Loan. Khi gỡ lưới ra, tình cờ phát hiện những chú cá ngừ mắc câu, bèn cắt một con để đem về nhà nghiên cứu. Mổ ra thấy cái lưỡi câu khổng lồ, trong bụng con cá ngừ còn nguyên những chú cá chuồn tươi rói. Với dân đi biển, đó là một kinh nghiệm đáng kể. Vậy là ông bàn cùng với thợ thuyền tìm cách sản xuất vàng câu và lưỡi câu giống như của tàu Đài Loan. Đợt đánh thử lần đầu, cách bờ khoảng 10 hải lý, mồi câu là cá chuồn, thời gian câu 3 – 4 ngày, tàu ông bắt được gần chục con cá ngừ đại dương, xem như thắng đậm. Sau đó nhiều nơi như Bình Định, Khánh Hòa … học hỏi kinh nghiệm, lượng tàu câu vàng ngày càng nhiều.

Cuối 2011 đầu 2012 có thể xem là thời kỳ cực thịnh của nghề khai thác CNĐD bằng câu vàng với mức giá 170 – 190 ngàn đồng/kg, bình quân 180,000đ/kg, cao gấp 25 lần so với năm 1994.

http://hoinghecavietnam.org.vn/upload_images/images/thuc%20trang%20nghe%20cau%20ca%20ngu%20dai%20duong%2002(1).jpg

Tàu đánh cá ngừ đại dương

http://hoinghecavietnam.org.vn/upload_images/images/thuc%20trang%20nghe%20cau%20ca%20ngu%20dai%20duong%2003.jpg

Hệ thống câu cá ngừ đại dương truyền thống

Tùy theo mùa vụ mà CNĐD phân bổ ở độ sâu khác nhau, theo kinh nghiệm thuyền trưởng điều chỉnh độ sâu bằng cách thay đổi số lượng phao ganh, nếu ở sâu thì điều chỉnh bằng 3 – 5 đốc câu bố trí 01 phao ganh (tăng độ võng). Cá ngừ mắt to thường bơi ở tầng nước rất sâu, khoảng 200 đến 250 m; cá ngừ vây vàng thì tập trung nhiều ở tầng nước nông hơn, chưa tới 200 m. Trước đây, đánh bắt CNĐD bằng câu vàng ở độ sâu 70 – 100 m. Hiện nay, ngư dân chuyển sang đánh bắt bằng đèn cao áp chiếu sáng, tức là chiếu đèn xuống nước ở độ sâu 30 – 50 m, để CNĐD tập trung đến, rồi dùng câu tay để bắt.

Lợi ích và nguy hiểm đằng sau việc ăn cá ngừ sống

Các loại cá ngừ đại dương

Top Sale 5/2022 # Các Loại Cá Ngừ đại Dương Hiện Nay Có Những Loại Nào? |  Chuyenhaisantuoisong.com

Các loại cá ngừ theo chiều dài

Khoảng thời gian cuối năm trước đến tháng 2 Âm lịch năm sau, CNĐD di chuyển vào vùng biển phía Bắc nước ta khoảng từ Đà Nẵng trở ra rồi dần dần đi về phía Nam. Vào chính vụ, khoảng tháng 3 đến tháng 5 Âm lịch, CNĐD tập trung nhiều ở ngư trường thuộc quần đảo Trường Sa, Côn Đảo, đôi khi đến gần Phú Quốc.

Sản phẩm do các chủ tàu khai thác được các chủ nậu vựa thu mua sau đó chuyển cho các công ty chế biến và xuất khẩu thủy sản có quan hệ làm ăn. Đối với CNĐD, các công ty xuất khẩu và chế biến xuất khẩu thủy sản ở Việt Nam sẽ chuyển cá đạt chất lượng xuất khẩu nguyên con đến các công ty đối tác của họ ở nước ngoài. Phần cá còn lại sẽ được chế biến dạng Filet. Vì tàu nhỏ chỉ khai thác được cá ngừ ở tầng mặt, chưa có điều kiện để tìm hiểu khai thác ở những vùng nước tầng sâu.

HIỆP HỘI CÁ NGỪ VIỆT NAM -

Ngư trường cá ngừ đại dương tại Biển Đông

Ngoài ra, đánh bắt cá ngừ đại dương còn liên quan đến chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông. Bất chấp lệnh đánh bắt cá của Trung Quốc, bất chấp những khó khăn, nguy hiểm, ngư dân Việt Nam vẫn kiên cường vươn khơi, bám biển, nhất là ở các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa. Đó không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

CÔNG NGHIỆP HÓA NGÀNH ĐÁNH CÁ NGỪ ĐẠI DƯƠNG CỦA VIỆT NAM

Bình Định cùng với Phú Yên và Khánh Hòa là 3 tỉnh đánh bắt cá ngừ đại dương chủ yếu của cả nước. Ngoài ra, khu vực hoạt động của ngư dân 3 tỉnh bao gồm 2 khu vực Hoàng Sa và Trường Sa là nơi ngư dân Việt Nam phải thường xuyên đối diện với các lục lượng chấp pháp của Trung Quốc. Năm 2014 đánh dấu sự thay đổi trong việc đánh bắt cá ngừ đại dương của ngư dân miền Trung.

Nghề đánh cá ngừ đại dương của ngư dân Nhật Bản: Nhật Bản được coi là đất nước tiêu thụ thực phẩm thủy hải sản hàng đầu thế giới. Với đặc trưng điều kiện tự nhiên bốn phía đều là biển, nghề đánh bắt cá tại Nhật Bản đã đạt đến mức chuyên nghiệp và công nghiệp hóa cao nhất.

Nói đến cá của người Nhật là nói đến những con cá dù được bảo quản trong thời gian dài nhưng vẫn giữ được độ tươi ngon như vốn có. Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao họ làm được như vậy không? Bí quyết nằm ở khâu giết cá và bảo quản cá trước khi nó đến tận tay người tiêu dùng. Người Nhật họ giết cá theo kiểu Ike-jime hay Iki-jime, nghĩa là kết liễu sống con cá. Phương pháp này giúp thịt cá được giữ được độ tươi ngon lâu hơn thời gian bình thường. Hiện nay phương pháp này đã được nhân rộng trên khắp thế giới. Sau khi giết cá xong, ngư dân Nhật Bản sẽ ngay lập tức thực hiện 3 phương pháp xử lý sau đây:

  • Một là, dùng vật nhọn đâm vào não, giữa hai con mắt để cá chết một cách nhanh chóng.
  • Hai là, lấy hết máu cá ra khỏi cơ thể, máu chính là nguồn gốc của mùi tanh và vi khuẩn. Để loại bỏ máu, người ta cắt vào lớp mang thứ ba, thứ bốn và cắt về miệng cá. Nếu cắt chuẩn xác, máu sẽ chảy rất nhiều. Ngư dân Nhật chia sẻ cách để thịt cá được ngon đó là bỏ cá vào rổ, đầu hướng xuống dưới, đưa rổ ra biển khoảng 15 phút để cơ thể cá lạnh đi sau khi nóng lên vì vùng vẫy, sau đó mới đem đi trữ lạnh.
  • Ba là, cắt đứt tủy sống. Để làm điều này, người ta dùng một đoạn dây thép nhỏ luồn vào chỗ đã cắm vào não cá rồi luồn dây theo dọc sống lưng cá. Lúc này đây cá sẽ bị giật cho đến khi quá trình giết cá kết thúc.
Nghệ thuật bảo quản cá của ngư dân Nhật Bản

Cắt đứt tủy sống cá

Người Nhật họ cho rằng độ mặn của nước ngọt là 0%, của vi sinh vật sống là 0.9% và của nước biển là 3.3%. Đá khi tan ra chính là nước ngọt. Nước ngọt ấy sẽ hút chất trong cơ thể cá ra bên ngoài, chính vì vậy mà cá sũng nước, độ thơm ngon giảm sút và nhanh hỏng hơn. Đó là lý do tại sao người Nhật không bao giờ bảo quản cá bằng nước đá cả. Họ áp dụng công nghệ kho lạnh vào trong việc bảo quản cá được tươi, ngon lâu dài. Họ sẽ giữ nguyên vảy hoặc da cá để bảo quản. Nhiệt độ họ chọn từ 5 – 10º C thời gian đầu, và sau đó là 5º C. Họ không bảo quản nhiệt độ 0º C bởi vì họ cho rằng ở mức nhiệt này cá sẽ bị co lại, đẩy nhanh tiến trình lão hóa và đưa thịt cá vào quá trình phân rã.

Thị trường cá ngừ mắt to đông lạnh Nhật Bản tháng 2/2013

Cá ngừ đông lạnh của Nhật

Ở Nhật Bản, cá ngừ rất đắt đỏ, ít nhất 80 USD/kg (hơn 1.8 triệu đồng). Thậm chí, một con cá ngừ vây xanh ở bờ đông nước Mỹ có giá khoảng 44 – 88 USD/kg, nhưng với 1 kg cá vây xanh từ Nhật Bản, bạn sẽ phải trả khoảng 440 USD. Đặc biệt, tại các phiên đấu giá, cá ngừ thường được bán với giá ngất ngưởng, thậm chí là không tưởng.

Ngư dân “thủ phủ” cá ngừ đại dương Phú Yên cho biết, hiện mỗi kg cá ngừ dao động từ 90,000 – 95,000 đồng/kg (3.9 USD/kg – 4.1 USD/kg). Ngay cả thời “hoàng kim”, tức là những năm 1990, mức giá cao nhất cũng chỉ tầm 200,000 đồng/kg (8.7 USD/kg) thua xa mức giá ở Nhật Bản. Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho hay, những năm gần đây, sản lượng khai thác cá ngừ của ngư dân toàn tỉnh giảm đáng kể, chỉ đạt trung bình khoảng 4,000 tấn/năm. Nguyên nhân chính là do ngư dân không mặn mà với nghề săn bắt, khi giá quá thấp so với giá trị thực.

Cá ngừ đại dương tươi đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thường chỉ được bán tại các đại siêu thị và các cửa hàng thực phẩm cao cấp. Bởi để bảo quản được chất lượng theo đúng tiêu chuẩn, cần sử dụng những tủ lạnh chuyên dụng. Cá ngừ của Việt Nam thường rẻ hơn cá ngừ của Nhật Bản nhập khẩu từ 5 – 8 lần. Nhưng chất lượng cũng không thua kém gì hàng của Nhật Bản.

Giá cá ngừ đại dương xuất khẩu đang bán tại các của hàng tại Hà Nội:

  • Cá ngừ cắt khúc thái Sashimi (phần thịt Akami và Chotoru): 535,000 vnđ/kg (23.3 USD/kg).
  • Cá ngừ Saku cắt Steak (phần thịt Akami và Chotoru): 535,000 vnđ/kg (23.3 USD/kg).
  • Cá ngừ cắt Steak: 495,000 vnđ/kg (21.5 USD/kg).

Việt Nam đóng tàu vỏ thép cho ngư dân: Vào năm 2014, Trung Quốc đã cho hạ đặt trái phép giàn khoan khổng lồ Hải Dương 981 ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Thêm vào đó, các tàu cá giả dạng của dân quân biển Trung Quốc cũng hung hăng đe dọa bằng cách đâm chìm các tàu cá của ngư dân Việt Nam. Tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đa phần là nhỏ và đóng bằng gỗ, trong khi những tàu Trung Quốc đều được đóng bằng thép, cho nên trong lúc va chạm, tàu Trung Quốc luôn giành được lợi thế. Chính phủ Việt Nam được sự tư vấn của các chuyên gia là cần trang bị tàu vỏ thép cho ngư dân để vừa đảm bảo được việc đánh bắt cá lại vừa góp phần bảo vệ chủ quyền của đất nước trên biển. Và từ đó đã dẫn tới việc Chính phủ ban hành Nghị định 67 vào tháng 7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có nội dung hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép.

Cá ngừ đại dương từ A đến Z (9) Giới thiệu một công ty đánh bắt và chế biến cá  ngừ |

Tàu đánh cá ngừ ngoại quốc

Trong những năm đầu tiên, việc đóng tàu sắt cho ngư dân miền Trung bị thất bại thảm hại. Nghị định 67 ra đời có ý đồ rất tốt là tạo cho ngư dân có điều kiện đóng tàu vỏ thép và những loại tàu có công suất lớn … vươn khơi. Tuy nhiên, Nghị định tốt, nhưng chủ trương đóng tàu cá vỏ thép đưa ra khá vội vàng vì chưa được tham khảo ý kiến ngư dân, lại có những áp đặt nhất định của cơ quan quản lý Nhà nước. Thậm chí có sự áp đặt mang ý đồ riêng để phát triển một ngành, một bộ phận của nhà nước … mà chưa thực sự nghĩ đến ngư dân. Điều đầu tiên phải kể đến là Nghị định 67 ra đời chỉ đơn thuần phục vụ cho mục tiêu chính trị của các chuyên gia ngồi trong phòng lạnh ở Hà Nội, mà không tham khảo các ý kiến phản biện khác nhau, đặc biệt từ những người có kinh nghiệm thực tiễn. Việc chuyển từ tàu cá vỏ gỗ sang tàu cá vỏ thép không chỉ đơn thuần thay đổi kết cấu của con tàu, mà còn đòi hỏi thay đổi toàn bộ tư duy về hoạt động đánh bắt cá theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại. Thứ hai, sự tham nhũng, trục lợi chính sách của các nhóm lợi ích đã giết chết chủ trương đúng đắn này. Các chủ tàu phản ánh, hợp đồng đóng tàu bằng vỏ thép Hàn Quốc/Nhật Bản nhưng các công ty đóng tàu đã thay thế bằng thép Trung Quốc không đảm bảo chất lượng; vỏ tàu mới sử dụng đã gỉ sét, máy trục trặc “như cơm bữa”, hầm bảo quản không giữ lạnh … Báo chí chỉ rõ việc chi phí đóng mới cho một tàu vỏ thép ước tính khoảng 17 – 20 tỷ đồng, nhưng bằng cách thay vỏ tàu bằng thép Trung Quốc, sơn và máy không đạt chất lượng, công ty TNHH Nam Triệu có thể bỏ túi từ 6 – 9 tỷ đồng/tàu. Công ty Nam Triệu chính là một công ty trực thuộc Bộ Công an.

Mỗi con tàu vỏ thép đóng mới trị giá từ 14 tỷ đến 20 tỷ đồng nhưng khi vỡ nợ bán đấu giá rẻ mạt – Ảnh: VOV

Phải đến năm 2022, sau gần 8 năm triển khai thực hiện, Nghị định 67 mới chứng minh đây là chủ trương đúng đắn về mục tiêu hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ, hỗ trợ mạnh mẽ và toàn diện để phát triển ngành thủy sản. Bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định với việc hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển sản xuất. Nhiều chủ tàu đánh bắt hiệu quả, trả nợ đúng hạn. Đội tàu cá đánh bắt xa bờ từ 22,000 chiếc (năm 2014) đã tăng lên trên 31,000 tàu (năm 2021) với công suất lớn, trang bị hiện đại về kỹ thuật công nghệ. Trong số hơn 9,000 tàu cá xa bờ tăng thêm có 1,070 tàu cá đóng mới và 146 tàu cá nâng cấp thực hiện theo chính sách tại Nghị định 67.

tàu vỏ thép

Tàu trọng tải 120 – 150 tấn đánh cá ngừ đại dương

Số lượng tàu khai thác gần bờ giảm trên 13%, số lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng trên 20% so với năm 2014. Quy định tàu cá có chiều dài dưới 15 m không được ra vùng biển xa bờ, mà chỉ được phép khai thác trong phạm vi 60 hải lý đang khiến hàng ngàn tàu cá tại các tỉnh phải nằm bờ. Tai nạn tàu cá giảm đáng kể; góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển; nhiều mô hình liên kết sản xuất trên biển đã hình thành và phát triển. Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, đến cuối năm 2021, tổng dư nợ còn 9.520 tỷ đồng của 1.132 tàu, trong đó nợ xấu là 6,397 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 67.2%.

Tàu composite câu cá ngừ đại dương: Theo công nghệ hiện đại Nhật Bản mang tên VIJAS Research & Training Vessel. Tàu có công suất 350 CV, trọng tải 150 tấn, vốn đầu tư hơn 6 tỷ đồng bao gồm ngư cụ, thiết kế và công nghệ khai thác, bảo quản cá ngừ. Tàu dài hơn 18 m; rộng 4.5 m; đạt tốc độ trung bình gần 12 hải lý/giờ và có khả năng hoạt động an toàn trong điều kiện gió cấp 8. Ưu thế của loại tàu này là tiết kiệm nhiên liệu hơn 30% so với tàu gỗ, chi phí bảo dưỡng mỗi năm khoảng 50 triệu đồng, giá cả đóng tàu lại thấp hơn nhiều so với tàu gỗ lẫn tàu sắt.

https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2014/08/03/3-8-Anh-1-Tau-composite-1407027763.jpg?w=1200&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2Ss-1oD_HxBQlZemsQhKsw

Tàu composite câu cá ngừ đại dương

Máy kéo câu tự động: Năm 2014, được sự giúp đỡ của Hội hữu nghị Nhật – Việt, UBND tỉnh tổ chức gửi 4 cán bộ ngành thủy hải sản qua Nhật Bản học cách khai thác, tiếp thu công nghệ, sử dụng công cụ câu cá ngừ đại dương. Sau đó, tỉnh đầu tư 1.5 tỷ đồng, mua 5 bộ thiết bị câu cá của Nhật Bản (200 ngàn đồng/bộ) và cải hoán, sửa chữa hầm cá cho 5 tàu cá của huyện Hoài Nhơn. Bộ thiết bị gồm máy thu câu và máy tạo xung, do Nhật Bản sản xuất. Việc hỗ trợ 5 bộ ngư cụ này là bước khởi đầu giúp ngư dân Bình Định thay đổi phương pháp đánh bắt, đảm bảo được chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Từ đây tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng cho ngư dân, hướng cho người dân tự trang bị và đánh bắt hoàn toàn theo phương pháp hiện đại.

Bình Định: Lắp đặt thiết bị câu cá ngừ đại dương của Nhật Bản cho tàu cá –  Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Máy thu câu MSW-1DR 130, dùng động cơ điện 24 V – 130 W, gồm 5 bộ phận chính: hộp điện điều khiển, thân máy, hộp số, tang thu câu và thanh định hướng. Máy có tốc độ quấn dây nhanh, chậm khác nhau, 22 – 36 m/phút hay 32 – 53 m/phút, theo 2 chế độ thu và giữ dây; tự thả dây khi lực kéo của cá dính câu lớn và tự thu dây khi cá có xu hướng đến gần tàu; khi cần thì giữ chặt dây như bộ thắng của tang quay, với nhiều mức độ khác nhau. Như vậy cũng thỏa mãn với điều kiện như câu tay “mềm nắn, rắn buông”. Máy này có thể sử dụng đến 10 năm.

Máy tạo xung Tuna Shocker, gồm các bộ phận chính: bộ biến đổi điện, từ 24 V – DC thành 100 V – AC, bộ tạo xung, hộp cung ứng điện, công tắc điều khiển, hệ thống đèn và chuông báo, hệ thống dây dẫn và vòng điện. Khi cá mắc câu được máy thu câu kéo gần thuyền khoảng 25 – 35 m, thì vòng xung điện được đưa xuống theo dây câu và khi vòng xung điện chạm vào mỏm đầu cá, thì lập tức bấm nút công tắc điện, giữ trong khoảng 3 – 5 giây, lúc này cá bị ngất, thì ngắt nguồn điện, và đưa cá lên tàu (Tùy khối lượng cá, nếu trọng lượng từ 35 – 100 kg thì điều chỉnh dòng điện ở mức có cường độ 15 A, cá lớn hơn 100 kg thì sử dụng mức 20 A). Lập tức sau đó dùng dao, thiết bị chuyên dụng chọc tiết, chọc não, chọc tủy sống, moi lấy hết ruột, cắt vây đuôi … và đưa vào hầm ngâm lạnh chuyên biệt. Hầm này có tỷ lệ đá lạnh trên nước biển là 80/20. Ngâm lạnh trong vòng 4 tiếng đồng hồ để cá hạ nhiệt, sau đó đưa cá vào hầm đá lạnh thông thường.

Theo tính toán của các chuyên gia khai thác hải sản, nếu sử dụng máy câu, quy trình làm lạnh như vậy, thì từ khi câu được cá đến khi tới tay người tiêu dùng là chỉ trong vòng khoảng 10 ngày. Như vậy chất lượng cá mới đảm bảo theo tiêu chuẩn Nhật Bản, hoặc châu Âu và giá trị kinh tế gấp nhiều lần cá đánh bắt theo cách truyền thống lâu nay

Ông La Phải, 1 trong 5 ngư dân Hoài Nhơn tiếp nhận hệ thống máy câu cá ngừ đại dương cho biết, tàu của ông công suất 450 CV thường câu cá ngừ đại dương ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Lâu nay khi cá câu được vùng vẫy thời gian khá lâu dưới nước, cả trên tàu, chất lượng cá kém, bán ít được giá. Thiết bị câu mới của Nhật Bản này tuy chưa sử dụng nhưng biết rằng nhờ xung điện làm cá bị ngất, và tiến hành các thao tác giết nhanh sau đó, thì chất lượng cá đạt cao hơn, giá bán cũng cao gấp nhiều lần, đó là điều mơ ước của ngư dân. Tháng 6 này tàu ông sẽ vươn khơi, bắt đầu sử dụng máy câu mới trang bị.

Theo ông Lê Hữu Lộc – chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tỉnh đầu tư hệ thống câu cá ngừ của Nhật Bản, thí điểm cho 5 tàu cá, có 2 chuyên gia Nhật trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, cách sử dụng cho ngư dân. Nếu mô hình thành công sẽ nhân rộng trong toàn tỉnh, từ đó nâng cao chất lượng cá xuất khẩu, tăng thu nhập cho ngư dân. Công ty CP thủy sản Bình Định sẽ là đầu mối mua xuất qua Nhật.

Chuyên viên ngư nghiệp Phú Yên đã sáng chế bộ thiết bị nội hóa với giá một bộ thiết bị là 25 triệu đồng, trong khi bộ kích điện tương tự của Nhật Bản có giá hơn 85 triệu đồng.

Nuôi cá ngừ vây xanh tại Nhật Bản: Trại nuôi tại Kinki là nơi đầu tiên trên thế giới nuôi cá ngừ vây xanh. Từ những năm 1970, nơi đây đã bắt đầu thu gom cá ngừ giống ngoài khơi quận Wakayama bằng lưới. Tuy nhiên, cá ngừ rất dễ bị tổn thương nên nhiều cá con bị chết ngay trong lưới, khiến đoàn nghiên cứu thất bại liên tiếp. Tới năm 2012, cá bố mẹ mới sinh sản thành công và trại đã sản xuất được 70,000 – 80,000 cá giống. Các chuyên gia tại đây sử dụng công nghệ nuôi trọn vòng đời, gồm giai đoạn nuôi ấu trùng trong môi trường nhân tạo tới khi trưởng thành.

Hiện, năng suất cá ngừ giống và cá ngừ thương phẩm tại Kinki lần lượt đạt 50,000 -100,000 con/năm và 80 – 100 tấn/năm. Cá bố mẹ được nuôi ít nhất 3 năm tới lúc đạt trọng lượng 80 kg, kích thước 1.5 m. Trại thu gom trứng cá ngừ đã thụ tinh trên bề mặt nước. Thông thường, một con cái có thể đẻ hàng triệu trứng, mỗi trứng có đường kính 1 mm. Trứng được ấp nở thành ấu trùng trong thời gian 32 giờ. Ấu trùng được nuôi trong bể trên đất liền đến khi đạt kích thước 6 – 7 cm và tiếp tục ương thành cá giống trong 40 ngày rồi mới đưa ra các lồng nuôi ngoài đại dương. Hệ thống nuôi tại Kinki được trang bị 10 – 15 lồng hình tròn, đường kính 20 – 40 m, sâu 10 m.

Giáo sư Yoshifumi Sawada, Giám đốc trại nuôi Kinki cho biết lồng hình tròn tạo không gian rộng, thích hợp với cá ngừ vốn có tập tính bơi suốt ngày. Để giảm thiểu phí bảo trì và điện năng, toàn bộ cá giống 52 – 53 ngày tuổi sẽ được nuôi trong lồng chìm dưới mặt nước, tránh ánh sáng và ngăn chặn va đập vào ban đêm do thị lực cá non kém phát triển và nhạy cảm với ánh sáng. Sau 3 tháng, cá đạt kích thước 30 cm, trọng lượng gần 300 g/con. Phải mất 2 năm cá mới dài 1 m và nặng 20 kg/con, kích cỡ chuẩn dành cho cá thương phẩm.

Một trong những quan tâm hàng đầu của trại nuôi Kinki là đảm bảo nguồn thức ăn bền vững bằng đạm thực vật thay vì sử dụng bột cá. Theo giáo sư Sawada, khô đậu, khô bắp và củ cải đường là những sản phẩm tiềm năng có thể thay bột cá. Trại nuôi cũng đang thực hiện các dự án “thức ăn xanh” nhằm tìm kiếm nguồn thức ăn bền vững hơn. Giáo sư Sawada chia sẻ: “Chúng tôi đã sản xuất được thức ăn viên cho ấu trùng và cá non, sử dụng bột cá đã qua xử lý enzime nhưng vẫn phải dùng cá tươi đông lạnh làm thức ăn nuôi cá thương phẩm dù loại cá này dễ khiến cá ngừ bị tăng động và khó kiểm soát”.

Tại Kinki, cá ngừ được nuôi bằng chế độ ăn đặc biệt gồm bột cá, dầu cá, các loại vitamin và khoáng chất đều đặn 2 lần/ngày, 6 ngày/tuần. Cá 2 tuổi được cho ăn bằng cá thu mackerel, rất tốt cho cá ngừ vây xanh vì giàu đạm và dầu mà chi phí ít tốn kém. Cùng đó, các chuyên gia vẫn không ngừng nỗ lực để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát bằng cách làm sạch bể nuôi, duy trì mật độ thích hợp và chế độ ăn hợp lý cho cá. Trại nuôi Kinki cũng sử dụng vaccine để chống virus gây bệnh và thường xuyên khử trùng nước biển trước khi đưa vào bể nuôi.  

Nuôi cá ngừ vây xanh tại Nhật Bản – Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Nuôi cá ngừ vây xanh tại Kinki – Nhật Bản

Liên doanh Ngư dân – Chế biến: Tỉnh Bình Định, trong những năm qua, Bình Định thực hiện Đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi theo Quyết định của Bộ NN-PTNT và kế hoạch hợp tác giữa UBND tỉnh Bình Định và Hội Hữu nghị Nhật – Việt tại Sakai – Nhật Bản. Hai bên đã ký biên bản thực hiện dự án chuyển giao công nghệ, ngư cụ của Nhật để Bình Định tổ chức chuỗi khai thác, bảo quản và xuất khẩu cá ngừ đại dương sang Nhật.

Không chỉ chuyển giao công nghệ và ngư cụ, các chuyên gia Nhật Bản còn trực tiếp đi đánh bắt cùng ngư dân trong 1 chuyến biển để “cầm tay chỉ việc”. Trong chuyến biển này, ngoài 17 thuyền viên trên 3 tàu cá Bình Định trong dự án tham gia, còn có 6 cán bộ kỹ thuật của Sở NN-PTNT Bình Định cùng 4 chuyên gia, kỹ thuật viên đến từ Nhật Bản. “Sau chuyến biển ấy, ngoài ngư dân trực tiếp tham gia, cán bộ ngành thủy sản của Bình Định cũng nắm bắt kinh nghiệm thực tiễn đánh bắt cá ngừ đại dương bằng công nghệ mới để truyền đạt lại cho ngư dân các tàu chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương trong tỉnh”, ông Phúc cho hay.

Thực tế cho thấy, chuỗi khai thác cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản thực hiện từ năm 2015-2017 đã giúp ngư dân làm nghề câu cá ngừ đại dương ở Bình Định thuần thục việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ngư dân Phạm Văn Hát ở xã Hoài Hải (TX Hoài Nhơn), chủ 2 tàu câu cá ngừ đại dương, cho biết: “Hiện nay hầu hết các tàu câu cá ngừ đại dương đều ứng dụng theo kỹ thuật của Nhật Bản. Biết sử dụng máy tạo xung Tuna Shocker để làm ngất cá, bảo quản cá bằng cách xả tiết, lấy nội tạng trước khi đưa vào hầm đá theo quy trình Nhật Bản, chất lượng cá tốt hơn nhờ kỹ thuật này”.

Đầu năm 2021, Sở NN-PTNT Bình Định phối hợp Công ty TNHH Thực phẩm Mãi Tín, doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản có trụ sở tại tỉnh Khánh Hòa, xây dựng Dự án chuỗi liên sản xuất và tiêu thụ cá ngừ đại dương Bình Định. Mục tiêu nhằm tiến tới xây dựng chuỗi liên kết bền vững, sản phẩm cá ngừ đại dương có đầu ra ổn định, giá bán cao. Ngoài làm tăng thu nhập cho ngư dân, mục tiêu còn hướng đến nâng giá trị nhãn hiệu “Cá ngừ đại dương Bình Định”, tạo nguồn nguyên liệu chất lượng ổn định, đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu của doanh nghiệp.

Cũng theo ông Phúc, tham gia dự án có 30 tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân thị xã Hoài Nhơn. Những tàu này được UBND tỉnh Bình Định hỗ trợ về tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí cho ngư dân đầu tư máy móc, thiết bị khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ Nhật Bản. Doanh nghiệp chủ trì liên kết thực hiện dự án sẽ mua toàn bộ sản phẩm cá ngừ đại dương theo hợp đồng ký kết với các chủ tàu. Hiện dự án đã hoàn thiện, Công ty TNHH Thực phẩm Mãi Tín đã xây dựng nhà máy chế biến tại Khu kinh tế Nhơn Hội (TP Quy Nhơn, Bình Định) với công suất 8,000 tấn/năm. Nhưng do còn bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nhà máy chưa hoạt động, doanh nghiệp hiện đang thu mua cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định đưa về chế biến tại nhà máy ở Cam Ranh (Khánh Hòa).

Sản phẩm cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định luôn được doanh nghiệp thu mua cao hơn giá thị trường. Cá ngừ đại dương loại A được thu mua cao hơn 15,000đ/kg, loại B cao hơn 2.000đ/kg. Sản lượng đánh cá ngừ đại dương hàng năm của Bình Định hơn 11,000 tấn, riêng nhà máy chế biến của Công ty TNHH Thực phẩm Mãi Tín đã tiêu thụ 8,000 tấn/năm, đây là cứu cánh cho nghề đánh bắt cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định.

“Trước đây Bình Định xuất khẩu cá ngừ đại dương sang Nhật Bản bằng đường hàng không nên chi phí vận chuyển quá cao, không mang lại hiệu quả. Nay sản phẩm của Công ty TNHH Thực phẩm Mãi Tín được phi lê, cấp đông nhanh và xuất khẩu bằng đường biển nên chất lượng được bảo đảm và hiệu quả cho cao hơn. Trong thời gian tới, Công ty TNHH Thực phẩm Mãi Tín còn xây dựng kế hoạch phát triển mở rộng liên kết với ngư dân”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.

Công ty TNHH Thực phẩm Mãi Tín

Âu tàu tại Trường Sa: Từ bao đời nay, ngư dân đánh bắt thủy hải sản trên ngư trường Trường Sa truyền thống luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn vất vả. Huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa hiện có 4 âu tàu tại các đảo: Song Tử Tây, Đá Tây, Trường Sa và Sinh Tồn. Mỗi âu tàu có sức chứa hàng trăm tàu công suất lớn vào neo đậu nghỉ ngơi, tránh bão. Bên cạnh đó, các âu tàu đều có Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm hỗ trợ ngư dân về sửa chữa tàu thuyền, cung cấp nước ngọt, nhiên liệu … để ngư dân vươn khơi bám biển. Từ khi các âu tàu, làng chài đi vào hoạt động, ngư dân có thể mua nhiên liệu, lương thực, thực phẩm như trong đất liền và được cấp miễn phí nước ngọt. Những khi đau ốm, ngư dân được quân y trên các đảo thăm khám, điều trị và cấp thuốc miễn phí. Khi máy móc, thiết bị trên tàu gặp sự cố, ngư dân được các nhân viên trung tâm hậu cần – kỹ thuật nghề cá tại các đảo hỗ trợ sửa chữa không tính công và vật tư, phụ tùng thay thế được tính theo giá trong đất liền … Thuyền trưởng Võ Văn Dự cho biết thêm: “Từ khi những âu tàu trên quần đảo Trường Sa được xây dựng đã giúp ngư dân tiết kiệm được rất nhiều cả về nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nước ngọt cho mỗi chuyến đánh bắt. Giờ đây, các chuyến đi biển thường kéo dài từ 3 đến 4 tháng hoặc dài hơn nữa. Ngư dân càng yên tâm hơn khi vươn khơi đánh bắt xa bờ”.

Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ hậu cần nghề cá, Trung tâm Dịch vụ Hậu cần – kỹ thuật nghề cá đảo Đá Tây (thuộc Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khai thác tối đa năng suất của nhà máy nước đá để đảm bảo cung cấp cho ngư dân, đưa vào vận hành kho lạnh, kho đông nhằm đáp ứng nhu cầu bảo quản lượng thủy sản thu mua của ngư dân. Kho lạnh của trung tâm có thể dự trữ và cung cấp trên 800 cây đá mỗi ngày; kho đông có thể đáp ứng được 5 tấn/ngày. Ngoài ra, trung tâm còn triển khai dịch vụ cho ngư dân thuê kho để tích trữ thủy sản và triển khai thu mua thủy sản của ngư dân với mức giá bằng với đất liền.

Năm 2020 và quý I/2021, trung tâm đã tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 2,700 lượt tàu của ngư dân khai thác hải sản vào tránh trú; hỗ trợ một lượng lớn nước ngọt, gạo, nhu yếu phẩm khi tàu cá vào âu tàu. Quân y trên đảo đã khám và điều trị cho hơn 1,500 trường hợp, trong đó có hơn 1,200 lượt ngư dân.

https://baohaiquanvietnam.vn/storage/users/user_6/Nam2021/Th%C3%A1ng%2012-2021/18-12/1.%20Nho%20s%E1%BB%91%209.jpg

Âu tàu tại đảo Sinh Tồn – Trường Sa

Trong tháng 1, 2022, hình ảnh của Planet Labs do Đài Á Châu Tự do (RFA) phân tích cho thấy thêm các hoạt động xây dựng đang được tiến hành trên đảo Phan Vinh, Nam Yết và Sơn Ca. Khi hoàn tất, các âu tàu mới có thể tăng gấp đôi số lượng âu tàu trú ẩn tại Trường Sa.

Namyit Island | Asia Maritime Transparency Initiative

Hình ảnh từ vệ tinh đảo Nam Yết 2022

KẾT LUẬN

Việt Nam phải mất 8 năm để đóng tàu vỏ sắt đánh cá ngừ đại dương. Cá ngừ của Việt Nam thường rẻ hơn cá ngừ của Nhật Bản nhập khẩu từ 5 – 8 lần dù rằng chất lượng cũng không thua kém gì hàng của Nhật Bản. Cộng thêm với việc nuôi thương phẩm cá ngừ xanh và liên doanh ngư dân – chế biến, Việt Nam có cơ hội để phát triển để đánh bắt cũng như nuôi cá ngừ đại dương tương tự như cá chẽm đã đề cập trong bài trước.

THAM KHẢO

  1. Bài viết “Công nghệ đánh bắt cá ngừ Nhật Bản” đăng trên mạng Hội Nông dân Việt Nam ngày 29/09/2016.
  2. Bài viết “Trang bị máy câu cá ngừ cho ngư dân” đăng trên mạng Thanh Niên ngày 30/6/2014.
  3. Bài viết “Cá ngừ đại dương: Sản phẩm chiến lược của ngành thủy sản Việt Nam” đăng trên mạng Infonet ngày 04/11/2014. 
  4. Bài viết “Ở làng cá ngừ trăm tuổi” đăng trên mạng Thuỷ sản Việt Nam ngày 13/5/2019. 
  5. Bài viết “Tìm hiểu nghề đánh bắt cá của ngư dân Nhật Bản” đăng trên mạng Du học Nhật Bản ngày 30/6/2014.
  6. Bài viết “Khám phá công nghệ nuôi cá ngừ của Nhật Bản” đăng trên mạng Vietnam Biological Industries ngày 19/3/2019.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *