Việt Nam và 2 hệ thống tài chánh

155 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Trong những năm gần đây, khi hàng năm viết về báo cáo Kinh tế & Chính trị của Việt Nam thì tác giả có viết 1 phần về tham nhũng tại Việt Nam dù rằng đây là một đề tài không lấy gì làm thích thú lắm. Trong bài viết này, tác giả đi sâu vào 2 hệ thống tài chánh của việt Nam với sự hiểu biết trung bình của một người không nắm vững những mấu chốt về vấn đề này.

KINH TẾ VIỆT NAM (1986 – 2022)

Trong quá khứ đã từng có gần 100 quốc gia (tính cả các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ) tự nhận là theo xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, chỉ còn 4 quốc gia là: Trung Quốc (ngoại trừ Hồng Kông và Ma Cao), Việt Nam, Cuba và Lào vẫn còn chính thức công nhận là nhà nước xã hội chủ nghĩa. Tại Trung Quốc, bên cạnh tư tưởng Marx – Engels – Lenin còn có thêm tư tưởng Mao Trạch Đông và tư tưởng Tập Cận Bình, tại Việt Nam có thêm tư tưởng Hồ Chí Minh, tại Cuba có Đường lối chính trị của Fidel Castro còn với trường hợp của Bắc Triều Tiên, mặc dù xuất phát điểm là một nhà nước Cộng Sản thuần túy nhưng chính đảng duy nhất được phép cầm quyền tại nước này hiện nay đã không còn được coi là một “đảng Cộng Sản” nữa. Ngoài ra, tại Campuchia, Myanmar, Sri Lanka, Đông Timor,… có các nhóm lãnh đạo cánh tả theo xu hướng xã hội chủ nghĩa nhưng chỉ tạm thời lãnh đạo theo từng nhiệm kỳ.

Trung Quốc và Việt Nam là 2 nước mà về phương diện kinh tài có 2 hệ thống Đảng và Nhà nước đi song hành với nhau. Dưới áp lực của quốc tế, cả 2 nước bắt buộc giảm vai trò của đảng nhưng cho đến bây giờ, ngân sách của đảng vẫn là một bí ẩn mà ít nước ngoài biết rõ chính xác. Trung Quốc và Việt Nam dùng ngân sách của đảng cho những dự án mà họ không muốn cho nước ngoài biết được, nhất là trong lãnh vực quốc phòng.

Kể từ khi bắt đầu kế hoạch đổi mới 1986, quan điểm Đổi mới về kinh tế đã được hoàn thiện dần trong quá trình thực hiện. Ngày nay, đổi mới về kinh tế được Nhà nước Việt Nam định nghĩa là: Quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tính đến 2022, kinh tế Việt Nam dựa vào 4 nhóm:

Các công ty FDI hoặc liên doanh với nước ngoài: Hiện có 136 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Theo số liệu tháng 4/2020, 11 quốc gia và khu vực có vốn đầu tư cao nhất bao gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan và Hồng Kông.  Trong năm 2021, tổng số xuất nhập khẩu của các công ty FDI chiếm 70% kinh tế cả nước. Có 2 điều cần để ý:

  • Hồng Kông và Đài Loan là 2 nền kinh tế riêng biệt, không tính vào Trung Quốc.
  • Đầu tư thực sự của Hoa Kỳ vào Việt Nam chưa được tính chính xác vì rất nhiều công ty Hoa Kỳ ghi danh vào các nước khác. Ngay những cường quốc Á Châu như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có những công ty liên doanh với Hoa Kỳ.

ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM THEO ĐỐI TÁC

(Lũy kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 20/04/2020)

STT Đối tác Số dự án  Tổng vốn đầu tư đăng ký
1 Hàn Quốc 8,751             69 tỷ
2 Nhật Bản 4,517             60 tỷ
3 Singapore 2,493             55 tỷ
4 Đài Loan 2,739             33 tỷ
5 Hồng Kông 1,838             24 tỷ
6 British Virgin Islands    851             22 tỷ
7 Trung Quốc 2,952             17 tỷ
8 Malaysia    628             13 tỷ
9 Thái Lan    567             12 tỷ
10 Hà Lan    353             10 tỷ
11 Hoa Kỳ 1,025               9 tỷ

     Tổng                                       31,682                           373 tỷ

Công ty vốn nhà nước: Dưới áp lực của quốc tế, số doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước ở Việt Nam từ chỗ có hơn 12,000, đến năm 2001 giảm xuống còn 5,655 doanh nghiệp, và đến thời điểm tháng 10 năm 2016 chỉ còn 718 doanh nghiệp. Theo kế hoạch của chính phủ Việt Nam, đến năm 2020, Việt Nam chỉ còn 103 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước chủ yếu ở các ngành công nghiệp quốc phòng, xuất bản, thủy lợi, dịch vụ công cộng và một số tập đoàn lớn quan trọng đối với nền kinh tế chủ yếu thuộc các ngành độc quyền tự nhiên như Dầu khí, Điện lực và Viễn thông. Điều cần để ý là vai trò của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (tên giao dịch tiếng Anh: State Capital and Investment Corporation, viết tắt SCIC) là một Tổng Công ty, doanh nghiệp nhà nước xếp hạng đặc biệt của Việt Nam được thành lập vào năm 2005 và bắt đầu chính thức hoạt động từ tháng 8 năm 2006 trong việc góp vốn cho các công ty tư nhân. SCIC là chủ đại diện của Chính phủ Việt Nam tại các doanh nghiệp mà chính phủ góp vốn. Kết quả kinh doanh cho thấy, lũy kế từ khi thành lập đến hết năm 2019, vốn hóa thị trường đạt 146,512 tỷ đồng (khoảng 6.2 tỷ USD). 

Công ty tư nhân: Năm 2020, Forbes Châu Á vừa công bố danh sách các tập đoàn kinh tế tại Châu Á có doanh thu trên 1 tỷ USD trong đó có 7 công ty từ Việt Nam. Năm nay Việt Nam đóng góp 7 cái tên trong danh sách này, gồm Masan Group, Thế Giới Di Động, Sabeco, Vietjet Air, Vinamilk, Techcombank và Vingroup. Theo số liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến thời điểm 31/12/2020, cả nước có 811,538 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 7.0% so với cùng thời điểm năm 2019. Tại thời điểm 31/12/2020, nếu tính theo khu vực kinh tế, có 541,709 doanh nghiệp đang hoạt động trong khu vực dịch vụ, chiếm 66.8% trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp của cả nước. Khu vực công nghiệp và xây dựng có 258,431 doanh nghiệp, chiếm 31.8%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 11,398 doanh nghiệp, chiếm 1.4%.

Quy mô của nền kinh tế Việt Nam: Theo công bố của IMF, GDP toàn cầu năm 2020 tính theo “danh nghĩa” là 83,844 tỷ USD, tính theo “sức mua” là 130,186 tỷ USD. Tỷ số giữa GDP sức mua với GDP danh nghĩa trên đây của toàn cầu là 1.52. Điển hình, năm 2020 của Việt Nam, trong khi tổng trị giá xuất nhập khẩu lên tới 543 tỷ USD, thì GDP được tính chỉ là 340 tỷ USD, tỷ số xuất nhập khẩu/GDP là 1.59. Ngoài ra, có 4 phương pháp để tính GDP thực sự của Việt Nam:

  • Theo Đại học Fulbright, GDP Việt Nam được tính lại có thể cao hơn so với hiện tại trong khoảng 25 – 30%. Từ đó, GDP Việt Nam năm 2020 là 340 x 1.25 = 425 tỷ USD, hoặc là 340 x 1.30 = 442 tỷ USD, mức trung bình là 433 tỷ USD.
  • Theo tỷ số bình quân của thế giới về GDP sức mua/GDP danh nghĩa là 1.56 thì GDP Việt Nam năm 2020 là 340 x 1.56 = 530 tỷ USD.
  • Theo quan hệ giữa GDP/kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020 vào loại cao nhất thế giới là 0.81, thì GDP sẽ là 543:0.81 = 670 tỷ USD.
  • Theo ước đoán về kinh tế phi chính thức có thể lớn bằng 50% kinh tế được công bố, thì GDP năm 2020 sẽ là 340 x 1.5 = 510 tỷ USD.
  • Nếu không thể chấp nhận, hoặc bác bỏ tất cả các tính toán trên, thì đơn giản nhất là chấp nhận mức bình quân của các tính toán này. Theo đó, GDP năm 2020 sẽ là (433 + 530 + 670 + 510) : 4 = 535 tỷ USD. Như vậy GDP thực sự của Việt Nam năm 2021 là 572.5 tỷ USD và năm 2022 là 612 tỷ USD, chỉ còn thua Indonesia.

Điều quan trọng là GDP của các nước ASEAN cũng phải được điều chỉnh để có sự chính xác giữa các quốc gia trong vùng. Dù rằng các quốc gia khác chưa có sự điều chỉnh thì trong năm 2020, Việt Nam với 535 tỷ đã vượt qua Thái Lan với 509 tỷ lên đứng thứ nhì sau Indonesia với 1,089 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu tính GDP trên bình quân đầu người thì Việt Nam vẫn còn thấp hơn Thái Lan nhiều. Năm 2021, theo thống kê của IMF thì của Thái Lan là 7,809 USD, Indonesia là 4,225 USD và Việt Nam là 3,743 USD. Theo dự đoán của IHS Market, GDP đầu người của Việt Nam sẽ tăng rất nhanh, từ mức 2,785 USD trong năm 2020 lên 4,280 USD vào năm 2025 và 6,600 USD vào năm 2030.

Tin Tức Cao Niên Thế Kỷ XXI: Nơi nào giàu nhất thế giới?

Các nước thịnh vượng trên thế giới

Trung Quốc và Việt Nam có thể xem là 2 quốc gia có hệ thống chính trị và điều hành kinh tế giống nhau. Tuy nhiên, Trung Quốc đi trước Việt Nam khá xa. Nhìn vào biểu đồ trên, ta có thể thấy trong giai đoạn 1960 – 2020 GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đạt: đỉnh cao nhất vào năm 2020 với 10,500 USD/người, thấp nhất vào năm 1962 với 71 USD/người. GDP bình quân đầu người (GDP/người) của Việt Nam là 2,786 USD/người vào năm 2020. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 1.98% trong năm 2020, giảm 71 USD/người so với con số 2,715 USD/người của năm 2019. GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2021 dự kiến sẽ đạt 2,859 USD/người nếu nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ nguyên tốc độ tăng trưởng GDP và mức dân số như năm vừa rồi.

Mỹ vẫn giàu hơn Trung Quốc trong 50 năm tới' - VnExpress Kinh doanh

(Nguồn: https://solieukinhte.com/gdp-binh-quan-dau-nguoi-cua-trung-quoc/)

(Nguồn: https://solieukinhte.com/gdp-binh-quan-dau-nguoi-cua-viet-nam/)

See the source image

Tăng trưởng GDP của Việt Nam

QUỐC TẾ NHÌN VỂ THAM NHŨNG TẠI VIỆT NAM

Khi nhìn vào chỉ số tham nhũng của bất cứ quốc gia nào trên thế giới, cần nhìn đến 2 yếu tố:

  • Tham nhũng ở cấp thấp. Tình trạng này tùy thuộc tình trạng kinh tế của mổi quốc gia, sẽ khá đi khi kinh tế phát triển.
  • Tham nhũng cấp quốc gia mang tính hệ thống đòi hỏi sự thay đổi toàn diện hệ thống kinh tế vào thời điểm thích hợp.

Tình trạng kinh tế của quốc gia:

  • GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2018 là 2,540 USD, thấp hơn 4.5 lần so với mức GDP bình quân đầu người chung của thế giới (11,370 USD); trong khu vực ASEAN thì thấp hơn Lào (2,690 USD), Indonesia: (3,790 USD), Philippines: (3,100 USD) và thấp hơn 4 lần so với Malaysia (10,700 USD) và gần 3 lần so với Thái Lan (7,080 USD). Năm 2019, sau khi tính toán lại, GDP đầu người của Việt Nam là 2,985 USD vào năm 2017 và khoảng 3,200 USD vào năm 2018, cao hơn Lào và Philippines, nhưng vẫn thấp hơn 20% so với Indonesia, chỉ bằng 30% so với Malaysia và 46% so với Thái Lan.
  • Việt Nam khá tự hào về những thành quả kinh tế trong 2, 3 năm gần đây. Việt Nam vẫn bị bỏ quá xa bởi các nước khác trong khu vực, cho dù đã đạt được thành tựu tăng trưởng kinh tế cao trong một thời gian dài, theo tính toán của các chuyên gia quốc tế. Giai đoạn 1991 – 2020, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam đạt 7.14% trong khi Hàn Quốc, trong giai đoạn từ 1961 – 2000, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8%/năm; còn Nhật Bản trong giai đoạn 1955 – 1973 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 9.4%/năm. Giáo sư kinh tế Trần Thọ Đạt cho rằng “Nhìn chung, so sánh giữa hai nước Hàn Quốc và Malaysia, Việt Nam đang tụt hậu khoảng 30 – 35 năm, với Trung Quốc chúng ta tụt hậu khoảng 20 năm“. Do nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào vốn đầu tư nước ngoài nên thu nhập quốc dân phản ánh nội lực của Việt Nam luôn thấp hơn mức GDP mà nước này đạt được. Trong những nước có nền kinh tế thị trường và cùng chịu ảnh hưởng của Nho giáo thì Việt Nam có thu nhập bình quân đầu người và trình độ kinh tế – xã hội thấp nhất. Nền tảng kinh tế – kỹ thuật cũng như chất lượng con người của Việt Nam đều yếu hơn các nước còn lại. Tuy nhiên tâm lý thỏa mãn với những thành tựu đã đạt được trong dân chúng và giới cầm quyền khá phổ biến. Việt Nam có khát vọng, quyết tâm và tầm nhìn để trở thành cường quốc kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan nhưng không có một lộ trình rõ ràng để thực hiện. Ông Vũ Minh Khương cho rằng Trung Quốc tiến rất nhanh vì vậy Việt Nam không thể có sự lựa chọn nào khác là phải tự trỗi dậy để tồn tại. Theo ông “họ ở ngay bên cạnh mình mà họ làm được mà mình không làm được là tính chính danh của Đảng bị giảm sút. Cho nên chính Đảng cũng phải cải cách để ngang bằng trong một chừng mực nào đó.
Chỉ số tham nhũng của Việt Nam
điểm 1-10, sau năm 2011 là 0-100 điểm
(điểm càng nhỏ tham nhũng càng cao)
Năm Chỉ số Hạng
2001 2.6 75/91
2002 2.4 85/102
2003 2.4 100/133
2004 2.6 102/145
2005 2.6 107/158
2006 2.6 111/163
2007 2.6 123/179
2008 2.7 121/180
2009 2.7 120/180
2010 2.7 116/178
2011 2.9 112/182
2012 31 123/176
2013 31 116/176
2014 31 119/175
2015 31 112/168
2016 33 113/176
2017 35 107/180
2018 33 117/180
2019 37 96/180
2020 36 104/180

Các hình thức tham nhũng: Trong cuộc điều tra năm 2005, Ban Nội chính Trung ương công bố danh sách liệt kê 10 cơ quan tham nhũng phổ biến nhất Việt Nam. Trong đó ba cơ quan dẫn đầu là:

  1. Địa chính nhà đất.
  2. Hải quan/quản lý xuất nhập khẩu.
  3. Cảnh sát giao thông.

Trước khi phân tích, tưởng cũng nói đến lương bổng của công nhân tại Việt Nam, Thái Lan, Mã Lai Á và Trung Quốc:

Trung Quốc: Lương công nhân là 700 – 968 USD/tháng tùy theo ngành công nghiệp. Trong quân đội, lương của một trung úy quân đội hiện nay là khoảng 3,000 nhân dân tệ (465 USD) một tháng, trong khi lương của trung tá là 5,000 – 6000 tệ (773 – 935 USD).

Mã Lai Á: Lương công nhân Mã Lai Á là 766 USD/tháng.

Thái Lan: Từ tháng 4/2012, chính phủ Thái Lan đã phải áp dụng chính sách tăng mức lương tối thiểu 365 baht (9.79 USD)/ngày, 293 USD/tháng.

Việt Nam: Trong quân đội, lương Hạ sĩ: 4,768,000 (207 USD), Thiếu Uý: 6,258 (272 USD), Thượng Uý: 8,493,000 (369 USD). Người công nhân may mặc ở những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn lãnh lương căn bản là hơn 4.9 triệu/tháng VND cộng với phụ cấp về tay nghề và điều kiện làm việc, tổng cộng là hơn 6.1 triệu/tháng VND (265 USD). Với số giờ làm 48 tiếng/tuần, tính ra tiền USD là 1.374 USD/giờ. Lương của nhân công Việt Nam bằng 78% lương của nhân công Thái, 1/3 lương công nhân Mã Lai Á và 1/4 lương công nhân Trung Quốc.

Như vậy, lương bổng tại Việt Nam còn thấp hơn Thái Lan, Trung Quốc nhiều. Việt Nam cũng có điểm tích cực khi giá cả lương thực tương đối rẽ và chính quyền yêu cầu các công ty đầu tư xây chung cư giá rẽ cho nhân công.

Nếu nhìn vấn đề trên phương diện tổng thể thì vấn đề tham nhũng cảnh sát giao thông, công chức cấp thấp có thể xem như là để sống còn của một quốc gia nghèo trong khi đó chuyện địa lý nhà đất, hải quan lại được xem như tham nhũng mang tính hệ thống.

HẬU QUẢ CỦA THAM NHŨNG

Theo báo Vietnam Investment Review thì tham nhũng tại Việt Nam đã gây “thiệt hại cho nguồn ngân sách chính phủ… ước lượng 30% đầu tư hạ tầng“.

Từ năm 1995, Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã công bố chỉ số CPI hàng năm. Đây là chỉ số toàn cầu hàng đầu về tham nhũng trong khu vực công, cung cấp một cái nhìn tổng thể hàng năm về mức độ tham nhũng tương đối ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điểm số càng cao có nghĩa là càng minh bạch và ít tham nhũng hơn. Chỉ số cho điểm 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới dựa trên nhận thức về tham nhũng trong khu vực công, sử dụng dữ liệu từ 13 nguồn bên ngoài, bao gồm Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, rủi ro tư nhân, các công ty tư vấn và các tổ chức khác. Điểm số phản ánh quan điểm của các chuyên gia và giới kinh doanh.

Chỉ số nhận thức tham nhũng của Việt Nam trong giai đoạn 2012-2021. Ảnh chụp màn hình

Chỉ số tiến bộ trong bài trừ tham nhũng vẫn ở cấp thấp

Chỉ số CPI của Việt Nam trong năm 2021 là 39/100 điểm, tăng 3 điểm từ mức 36/100 điểm năm 2020, xếp thứ 87/180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây cũng chỉ số CPI cao nhất của Việt Nam trong giai đoạn từ 2012 – 2021. Trong 10 năm này, nhìn chung chỉ số CPI của Việt Nam được cải thiện từ mức thấp nhất là 30 điểm trong năm 2012 lên 39 điểm trong năm 2021. Chỉ số CPI xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ theo mức độ nhận thức của họ về tham nhũng trong khu vực công trên thang điểm từ 0 (tham nhũng cao) đến 100 (rất minh bạch). Chỉ số CPI trung bình toàn cầu không thay đổi ở mức 43 trong năm thứ 10 liên tiếp và 2/3 số quốc gia và vùng lãnh thổ đạt điểm dưới 50.

Theo thông tấn xã Reuters, tham nhũng là một yếu tố làm giảm hiệu năng hoạt động của chính quyền Việt Nam, bên cạnh các vấn đề như thiếu giải trình, thiếu minh bạch, và guồng máy hành chính quan liêu cồng kềnh. Hiện nay, tiến trình cải tổ kinh tế Việt Nam có nguy cơ bị các nhóm bảo thủ và đặc quyền đặc lợi phá hoại nhất là khi chính quyền đặt trọng tâm nhiều hơn đến khía cạnh an ninh và phát triển kinh tế.

Nhiều người nghĩ rằng chỉ còn các vụ án tham nhũng ở cấp độ thấp hơn vì các vụ án lớn đã được khui ra trong năm 2020. Thật ra, hầu hết các vụ tham nhũng được khui ra trong năm 2020 đã xảy ra cách đây 10 -15 năm mà phần lớn liên quan đến nhà đất. Theo đó, thường trực BCĐ cho rằng công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) có nhiều chuyển biến tích cực. Đáng kể đến là đã hoàn thành xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại dự án xây dựng Nhà máy Ethanol Phú Thọ và tại Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (VN) diễn ra hôm 15/3. Tại vụ án này, cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng bị tuyên 11 năm tù và phải bồi thường 200 tỷ đồng. Ngoài vụ án trên, một số vụ án trọng điểm khác cũng đã bị truy tố như Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi gây thiệt hại ngân sách nhà nước hơn 422 tỷ đồng; vụ án gây thất thoát lãng phí, tham ô 13 tỷ đồng xảy ra tại SAGRI liên quan đến em trai cựu Bí thư thành uỷ TP.HCM Lê Thanh Hải và hàng loạt quan chức tại TPHCM; vụ án Công ty Gang thép Thái Nguyên; Vụ buôn lậu xảy ra tại Công ty Nhật Cường liên quan đến cựu Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung … Tuy nhiên, 2 biến chuyển vào đầu năm 2022 liên quan đến công ty Việt Á và Bộ Ngoại Giao liên quan đến việc đưa người Việt nước ngoài về nước cho thấy tệ nạn tham nhũng đã lan tràn đến các cấp bậc thấp hơn.

Số liệu nêu ra tại diễn đàn Quốc hội Việt Nam khi thảo luận báo cáo của chính phủ hôm 23/10/2021 cho thấy tổng số tiền “phải thu hồi” từ các vụ án tham nhũng ở quốc gia này là 72 nghìn tỷ VND, tương đương 3.2 tỷ USD. Nhưng ngân sách nhà nước chỉ thu được 5% con số đó, bằng 176.5 triệu USD. Tạp chí Forbes hôm 13/3/2021 đăng bài của cộng tác viên Tanvi Gupta dựa trên phúc trình về tình trạng tham nhũng ở Á châu của tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) đặt Việt Nam vào vị trí số hai trong danh sách 5 nước tham nhũng nhất châu lục, chỉ sau Ấn Độ:

  1. Ấn Độ: GDP bình quân đầu người 2,030 USD, tỷ lệ hối lộ 69%
  2. Việt Nam: GDP bình quân đầu người 3,743 USD, tỷ lệ hối lộ 65%
  3. Thái Lan: GDP bình quân đầu người 7,809 USD, tỷ lệ hối lộ 41%
  4. Myanmar: GDP bình quân đầu người 1,400 USD tỷ lệ hối lộ 40%
  5. Campuchia: GDP bình quân đầu người 1,771 USD, tỷ lệ hối lộ 40%
  6. Indonesia: GDP bình quân đầu người 3,870 USD, tỷ lệ hối lộ 32%
  7. Malaysia: GDP bình quân đầu người 11,484 USD, tỷ lệ hối lộ 23%
https://img.vietnamfinance.vn/upload/news/homai/2017/3/10/hoi%20lo.png

Tỷ lệ hối lộ tại Châu Á –Thái Bình Dương

PHƯƠNG CÁCH GIẢM THAM NHŨNG CHO VIỆT NAM

Theo mô hình Trung Quốc, chế độ toàn trị ở Việt Nam được duy trì với sự tăng trưởng về kinh tế nhờ chính sách đổi mới năm 1986. Tuy nhiên, như đã biết, nó đã và đang rơi vào bất ổn trong những năm gần đây. Hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng CS 12 năm 2016 và ĐH 13 năm 2021 “các trường hợp đặc biệt” đã được viện dẫn cho sự phá bỏ các nguyên tắc và quy định kiểm soát tha hoá quyền lực đảng. Chế độ đảng Cộng sản toàn trị ở cả Trung Quốc và Việt Nam đang rơi vào vòng xoáy của tha hóa tuyệt đối quyền lực dưới những hình thức đặc thù.

Tính đến tháng 7/2022, Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 180 vụ án, 133 vụ việc, các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra, truy tố, xét sơ thẩm 120 vụ án/1,083 bị cáo với mức án rất nghiêm khắc gồm tuyên phạt 10 bị cáo với 11 án tử hình, 25 bị cáo với 26 án tù chung thân, 13 bị cáo 30 năm tù, 28 bị cáo từ 20 đến dưới 30 năm tù … Trong số này có 37 bị can, bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện trung ương quản lý. Cụ thể, nhiệm kỳ XII có 18 cán bộ, từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay là 21 cán bộ (có 2 trường hợp đã xử lý hình sự trong nhiệm kỳ XII, bị khởi tố thêm tội danh mới trong nhiệm kỳ XIII). Bao gồm 1 cựu ủy viên Bộ Chính trị, 10 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng. Về chức vụ trong Đảng, chính quyền có 6 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng; 2 bí thư tỉnh ủy, thành ủy; 8 chủ tịch, nguyên chủ tịch tỉnh, thành phố; 11 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng; 2 phó bí thư, nguyên phó bí thư tỉnh ủy; 13 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (có 3 sĩ quan cấp tướng nguyên là thứ trưởng). Vấn đề thất thoát bao nhiêu và tỷ lệ thu hồi được bao nhiêu thì không ai nói rỏ.

Chính quyền và đảng Cộng Sản Việt Nam đang đối diện một thế lưỡng nan “đối nghịch” trong việc chống tham nhũng, theo một ý kiến bình luận trong hội luận trực tuyến của BBC News Tiếng Việt hôm 05/9/2019. Đó là thế đối nghịch giữa chống tham nhũng và quan ngại thay đổi thể chế chính trị, xã hội theo hướng dân chủ hóa vốn hữu hiệu hơn cho công cuộc này, một blogger và là nhà báo tự do từ Hà Nội nói. Nhưng ngược lại họ vẫn cứ sợ là nếu thay đổi dân chủ hơn, dân chủ hóa và nới rộng ra chỉ cần một chút thôi, họ lại sợ là nới ra rồi lại phanh phui những điều, những cái tệ hại hơn ở trong hệ thống mà họ đang cố hoặc là giữ, hoặc là để cố từ từ giải quyết. Thứ hai nữa là nó động đến địa vị lãnh đạo của đảng Cộng Sản. “Đây là mâu thuẫn có thể nói là gần như họ không thể giải quyết được. Nhóm lãnh đạo cao cấp tại Việt Nam không đủ uy lực như ông Tập Cận Bình ở Trung Quốc. Các nhóm quyền lực khác nhau tại Việt Nam vẫn đặt quyền lợi phe nhóm lên trên sự sống còn của quốc gia.

KẾT LUẬN

Năng lực chính trị của đảng Cộng Sản Việt Nam và nhà nước Việt Nam hiện đại là một đối tượng hóc búa để nghiên cứu. Từ một quốc gia sống dựa vào viện trợ thực phẩm quốc tế hồi thập niên 1980, Việt Nam chuyển hóa trở thành một quốc gia có tốc độ phát triển ấn tượng nhất khu vực châu Á cũng như thế giới, giúp tăng hàng chục lần thu nhập bình quân đầu người. Việt Nam thường được nhắc đến như là một hình mẫu của một quốc gia vượt khó thành công. Cũng trong dòng đánh giá tích cực đó, nhiều học giả cho rằng nhà nước Việt Nam đã xây dựng được một chính thể tinh vi và lão luyện, với sự chính danh dựa trên năng lực (performance-based legitimacy).

Theo mô hình Trung Quốc, chế độ toàn trị ở Việt Nam được duy trì với sự tăng trưởng về kinh tế nhờ chính sách đổi mới năm 1986. Tuy nhiên, như đã biết, nó đã và đang rơi vào bất ổn trong mấy năm gần đây dù rằng kinh tế phát triển. Hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng CS 12 năm 2016 và ĐH 13 năm 2021 “các trường hợp đặc biệt” đã được viện dẫn cho sự phá bỏ các nguyên tắc và quy định kiểm soát tha hóa quyền lực đảng. Chế độ đảng Cộng Sản toàn trị ở cả Trung Quốc và Việt Nam đang rơi vào vòng xoáy của tha hóa tuyệt đối quyền lực dưới những hình thức đặc thù.

Đặt cược vào công tác cán bộ và chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng nhưng các chính sách cải cách được Đảng quyết định tiến hành đang không mang lại kết quả như mong muốn khiến các rủi ro đang lớn dần đối với chế độ. Trong bối cảnh như vậy, gần đây, xuất hiện tin đồn về sự chuyển giao quyền lực Tổng Bí thư Đảng sắp diễn ra. Đây có thể chỉ là thuyết âm mưu, nhưng câu hỏi đâu là lối thoát khỏi vòng xoáy tha hóa quyền lực – nguyên nhân thực sự của tình hình tham nhũng trầm trọng hiện nay – đang là vấn đề thực tế cấp thiết mà hiện chưa có câu trả lời thỏa đáng. Hy vọng rằng đảng Cộng Sản Việt Nam chấp nhận những quan điểm độc lập hơn để vấn đề sự trong sáng của nhà cầm quyền để có thể đi song song với phát triển kinh tế.

Câu chuyện công ty Việt Á nhập lậu bộ test – kit của Trung Quốc giá chỉ 21,500 đồng (95 cent) nhưng được độc quyền bán lại cho các cơ sở y tế trong cả nước giá 470,000 đồng ($20), lợi nhuận hơn 2,000%. Một vé máy bay từ Mỹ về Việt Nam, bình thường dao động trong mức $500 – $700, chính quyền Việt Nam cấm các hãng máy bay nước ngoài để độc quyền đặt ra cái gọi là “chuyến bay giải cứu” với đủ thứ thủ tục nhiêu khê, bán vé giá $2,000 – $5,000 thu lợi khoảng 400 – 800%. Nếu xem đây là những hoạt động kinh tài cho Đảng thì chính danh của Đảng đối với dân chúng không còn có ý nghĩa gì nữa.

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/09/VN-Hinh-ran-ngam-phong-bi-1.jpg

Hình logo “cải biên” của Bộ Y Tế CSVN với con rắn ngậm phong bì được cho là một biếm họa của họa sĩ Babui đăng trên báo Đàn Chim Việt từ năm 2013 – Hình: VNExpress

Tiếp theo vụ Việt Á thì ngày 4/8, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã có quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Phạm Hồng Hà, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long, kiêm Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long (giai đoạn 2016 – 2020). Thông tin cho biết ông Phạm Hồng Hà đã nghỉ hưu từ tháng 9 năm 2020. Báo Người lao động ngày 16/5 có bài đặt câu hỏi: “Việc một quan chức đứng đầu đơn vị hành chính cấp huyện nhưng có khối tài sản trăm tỷ là chuyện động trời. Bởi lẽ, với một cán bộ công chức làm công ăn lương, phấn đấu có được một căn nhà khang trang là điều không dễ, chứ nói gì đến những chiếc xe sang vài tỉ đồng.” Trang VTC ngày 15/5 nói “theo nguồn tin từ một chủ doanh nghiệp từng nhiều lần tới nhà nguyên Chủ tịch UBND TP Hạ Long, khu đất ông Hà ở có vị trí đẹp, nằm trên đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, giá đất thời điểm hiện tại dao động 300 – 350 triệu đồng/m²; diện tích dao động từ 315 – 400 m². Chỉ tính riêng đất, thời điểm này có thể lên tới 100 tỷ đồng. Giờ ở đó không có đất mà mua vì không ai muốn bán. Ngôi nhà đó không dưới 70 tỷ khi hoàn thiện, được xây dựng kiểu biệt thự, sử dụng nhiều hệ thống tự động”, chủ doanh nghiệp này nói với VTC. Trong khi đó, báo chí còn quan tâm bốn chiếc ô tô bị tạm giữ để phục vụ công tác điều tra, được cho là có tổng trị giá hàng chục tỷ đồng gồm: 1 xe Lexus 570, 1 xe Lexus ES 350, 1 xe Vinfast Lux SA và 1 xe Mercedes E300. Đó là chưa kể của chìm của nổi mà ông Hà và gia đình thủ đắc chưa kể đến tiền chia các cho cấp trên và cấp dưới. Quảng Ninh là tỉnh giàu nhất Việt Nam nên số tiền tham nhũng cao nhất Việt Nam cũng không có gì lạ.

Thật sự, duy trì 2 hệ thống kinh tài đảng và nhà nước cũng không phải là điều xấu. Hiện nay, không biết đảng có nắm được ngân quỷ quốc gia thất thoát bao nhiêu vì các cán bộ cao cấp vượt quá giới hạn cho phép. Số liệu nêu ra tại diễn đàn Quốc hội Việt Nam khi thảo luận báo cáo của chính phủ hôm 23/10/2021 cho thấy tổng số tiền “phải thu hồi” từ các vụ án tham nhũng ở quốc gia này là 72 nghìn tỷ VND, tương đương 3.2 tỷ USD. Nhưng ngân sách nhà nước chỉ thu được 5% con số đó, bằng 176.5 triệu USD. Trung Quốc có thể dùng như là khuôn mẫu trong vấn đề này. Năm 2015, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin chính phủ nước này đã thu hồi được 6.2 tỉ USD tiền tham nhũng, trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục cuộc chiến này. Như vậy, cách đây 7 năm, hiệu năng chống tham nhũng của Trung Quốc đã cao gấp 2.6 lần so với Việt Nam. Là một nước nhỏ sát cạnh Trung Quốc, để sống còn thì Việt Nam phải làm tốt hơn Trung Quốc trong những lãnh vực hệ trọng. Câu chuyện đội tuyển bóng tròn Việt Nam thắng Trung Quốc 3/1 trong ngày đầu năm Nhâm Dần giống như một chuyện cổ tích với các tuyển thủ quyết lòng đem chiến thắng dưới sự lãnh đạo của huấn luyện viên Park Hang Seo. Ông là người Hàn Quốc nhưng xem Việt Nam như quê hương của mình. Dù rằng đây chỉ là một trận bóng đá nhưng tác giả liên tưởng đến chiến thắng Kỷ Dậu 1789 trong trận Ngọc Hồi – Đống Đa do vua Quang Trung thống lĩnh.  Cấp lãnh đạo Việt Nam còn có nhiều điều phải suy nghĩ về vai trò của mình.

THAM KHẢO

  1. Tham nhũng tại Việt Nam – Bách khoa Toàn thư mở Wikidedia
  2. Sách trắng (White book) về doanh nghiệp Việt Nam 2021 –
  3. Danh sách các quốc gia theo GDP (danh nghĩa) Bình quân đầu người Nam – Bách khoa Toàn thư mở Wikidedia
  4. Bài viết “VN: ĐCS đang gặp khó xử nào trong việc chống tham nhũng?” đăng trên mạng BBC News Tiếng Việt ngày 7/9/2019.
  5. Bài viết “Nhà nước của những phe nhóm quyền lực, không phải nhà nước của dân” của tác giả Phạm Đình Trọng đăng trên mạng Tiếng Dân ngày 27/4/2021.
  6. Bài viết “Nhà Đảng Cộng sản Việt Nam: Có quyền lực, nhưng không có quyền uy” của tác giả Bùi Công Trực ngày 02/02/2020.
  7. Bài viết “Xếp hạng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư” năm 2020.
  8. Bài viết “10 năm phòng chống tham nhũng: 37 cán bộ diện trung ương quản lý bị xử lý hình sự là ai?” đăng trên mạng Tuổi Trẻ Online ngày 31/7/2022.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *