Cuộc chiến chất bán dẫn 2022

117 (lượt xem) |

Công nghiệp bán dẫn là tập hợp toàn bộ các công ty tham gia vào lĩnh vực thiết kế và chế tạo chất bán dẫn. Ngành công nghiệp này hình thành vào khoảng năm 1960, ngay khi lĩnh vực chế tạo linh kiện bán dẫn trở thành một ngành kinh doanh có thể phát triển và tồn tại độc lập. Kể từ đó, doanh thu hàng năm của ngành này đã tăng lên đến trên 481 tỷ USD, tính đến năm 2018. Nói cách khác, ngành công nghiệp bán dẫn là động lực phía sau cả một ngành công nghiệp điện tử rộng lớn hơn, với doanh số thường niên của mảng điện tử công suất là 216 tỷ USD Mỹ tính đến 2011, doanh số điện tử tiêu dùng được kỳ vọng đạt mức 2.9 nghìn tỷ USD vào năm 2020, doanh số mảng công nghệ được kỳ vọng ở mức 5 nghìn tỷ USD Mỹ năm 2019 và mảng thương mại điện tử với trên 29 nghìn tỷ USD vào năm 2017.

Linh kiện bán dẫn được sử dụng nhiều nhất là MOSFET (transistor hiệu ứng trường kim loại-oxit bán dẫn, hay transistor MOS), được phát minh bởi hai kỹ sư người Mỹ là Mohamed M. Atalla và Dawon Kahng tại Phòng thí nghiệm Bell năm 1959. Thang tỷ lệ MOSFET và tiểu hình hóa vẫn luôn là nhân tố cơ bản đứng đằng sau sự gia tăng nhanh chóng theo cấp số mũ của công nghệ bán dẫn kể từ thập niên 1960. Chiếc MOSFET, vốn chiếm đến 99.9% tất cả các transistor, chính là động lực phía sau ngành công nghiệp bán dẫn và là linh kiện được chế tạo số lượng lớn nhất trong lịch sử, với tổng cộng ước tính là 13 ngàn mũ 7 (1,3 × 10²²) chiếc MOSFET được sản xuất ra trong giai đoạn từ 1960 – 2018.

Sơ lược thị trường ngành công nghiệp bán dẫn – Kì 1: từ máy móc đến phần  mềm thiết kế – Semiconductorian

Thị trường công nghệ chất bán dẫn

Thị trường sản xuất và ứng dụng chất bán dẫn được chia phần cho mấy gã khổng lồ:

  • Intel thống trị thị trường CPU máy tính để bàn và máy tính xách tay.
  • Qualcomm là công ty dẫn đầu trong thị trường điện thoại thông minh chạy trên hệ thống một chip.
  • TSMC ở Đài Loan là nhà sản xuất chip hàng đầu các chip từ 10 nm trở xuống.
  • ASML, một công ty của Hà Lan, sản xuất hầu hết các thiết bị in thạch bản, đặc biệt là các sản phẩm tiên tiến hàng đầu.
  • Samsung tại Hàn Quốc dẫn đầu thị trường bộ nhớ.
  • NVIDIA tại Hoa Kỳ thống trị thị trường card đồ họa.
  • Nhật Bản là nơi sản xuất hầu hết tất cả các hóa chất đặc biệt được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn.
  • Các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc sản xuất phần lớn các loại wafer (đĩa rất mỏng được sử dụng như một cơ sở để chế tạo mạch điện tử tích hợp (IC) và các tế bào quang điện silicon).

Chuỗi giá trị của sản xuất chip có thể chia thành 4 nhóm: (1) R&D, (2) thiết kế (design), (3) chế tạo (manufacture), (4) lắp ráp và đóng gói (assembly and packaging). Còn chia nhỏ hơn nữa, chuỗi giá trị ấy có thể chia thành 9 công đoạn.

https://vietnambusinessinsider.vn/uploads/images/2022/08/17/chuoi-gia-tri-san-xuat-chip-vietnambusinessinsider-1660723332.jpg

Khi nói về kỹ nghệ bán dẫn, cần phân biệt 3 loại công ty:

Công ty Fabless: Đây các công ty có thiết kế bán dẫn nhưng không tự sản xuất. Các công ty Fabless lớn hiện nay có AMD, Apple, Broadcom, Marvell, MediaTek, thậm chí là NVIDIA, Qualcomm. Điều này có nghĩa là các công ty Fabless sẽ chỉ thiết kế kiến trúc, phát triển chức năng, lo việc marketing và thương mại (bán hàng). Lý do đơn giản là giá nhân công và hiệu năng tại Hoa Kỳ quá đắt. Khi cần sản xuất, họ sẽ ký hợp đồng với các công ty như TSMC. Ngay cả HiSilicon, công ty bán dẫn của Huawei, cũng có đặt hàng TSMC sản xuất một vài sản phẩm của họ. Thậm chí có công ty còn đem tấm wafer bán dẫn của TSMC đi bán lại cho bên thứ ba nữa.

Công ty Foundry: Tức có dây chuyền, nhà máy sản xuất bán dẫn. Việc sản xuất bán dẫn chưa bao giờ là chuyện đơn giản từ đó đến nay, nên nó cần có chuyên môn cao, cần phải quản lý nguyên vật liệu và chất lượng thành phẩm cực kì khắt khe. Một số công ty như Intel, Samsung vừa thiết kế chip vừa có năng lực sản xuất, nhưng không phải công ty nào cũng đủ lực (hoặc mong muốn) làm điều này. TSMC là công ty Foundry lớn nhất thế giới.

Các công ty phụ trợ: Các công ty sản xuất Chip trên thế giới đều nhờ vào công nghệ của Mỹ trong hai lãnh vực. Thứ nhất là các thiết bị sản xuất, viết tắt là SME (Semiconductor Manufacturing Equipment). Thứ hai là “phần mềm,” EDA (Electronic Design Automation) là những chương trình tự động thiết kế các con chíp. Ngoài các công ty Fabless và Foundry còn có những công ty phụ trợ như là:

  • Synopsys: Là một công ty thuộc S&P 500, đối tác lớn của các công ty sáng tạo đang phát triển các sản phẩm điện tử và ứng dụng phần mềm. Công ty chuyên về tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) và IP bán dẫn, đồng thời cung cấp danh mục dịch vụ và công cụ kiểm tra bảo mật ứng dụng rộng nhất trong ngành.
  • Công ty ASML: của Hà Lan có giá 150 triệu USD và là thành phần quan trọng nhất trong quá trình chế tạo chip bán dẫn hàng đầu thế giới. Quang khắc là quá trình in sơ đồ mạch lên bề mặt cảm quang của tấm silicon bằng cách chiếu tia sáng về phía tấm nền silicon (wafer) qua một đĩa thủy tinh được vẽ sẵn sơ đồ mạch. Mạch càng nhỏ càng cần những đèn chiếu tia sáng có bước sóng ngắn hơn, trong đó, tia siêu cực tím (EUV) là bước phát triển hiện đại nhất hiện nay. Sản phẩm của ASML đóng vai trò trung tâm trong cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, khi Washington đang tìm mọi cách ngăn Bắc Kinh tiếp cận được những máy quang khắc này. Chính phủ Mỹ gây áp lực với Hà Lan nhằm ngăn nước này cấp giấy phép xuất khẩu cần thiết để ASML chuyển giao máy quang khắc cho khách hàng Trung Quốc. “Không thể chế tạo chip tối tân nếu thiếu máy của ASML. Phần lớn quá trình này là kết quả của nhiều năm thử nghiệm công nghệ và không dễ tiếp cận chúng. Mỗi linh kiện trong EUV đều cực kỳ phức tạp”, Will Hunt, nhà phân tích tại Đại học Georgetown của Mỹ, cho hay. Thế hệ máy EUV hiện nay của ASML có thể tạo ra những chip có độ phân giải 13 nanomet, trong khi thế hệ tiếp theo có thể khắc những chi tiết với kích thước chỉ 8 nanomet. Khách hàng nổi bật nhất của ASML hiện nay là TSMC, nhà cung cấp chip cho hàng loạt tập đoàn lớn như Apple, Nvidia và Intel. Bản thân Intel đã chậm trễ trong ứng dụng EUV và bị các đối thủ vượt mặt, buộc họ chuyển một phần hoạt động sản xuất cho TSMC.
  • Mạch bán dẫn Wafer: Mạch bán dẫn đắt nhất phải mất 3 tháng để các máy móc thiết bị vô cùng đắt tiền ước tính 10 tỷ USD xử lý xong khoảng 700 bước chế tạo phức tạp tạo nên hàng nghìn/chục nghìn con chip mà mỗi con chip có hàng tỷ linh kiện hoạt động như hàng tỷ các công tắc bật tắt theo một cách nào đỏ để thực hiện một chức năng nhất định trên các đĩa wafer sáng loáng như chiếc gương có đường kính 12 inch (khoảng 300 mm) 700 bước xử lý này để hình thành lên 60 – 70 lớp khác nhau giống như quá trình tạo ra một chiếc bánh có nhiều lớp vậy. Một wafer là một mảnh mỏng của vật liệu bán dẫn, thường là silicon tinh thể, trong hình dạng của một đĩa rất mỏng được sử dụng như một cơ sở để chế tạo mạch điện tử tích hợp (IC) và các tế bào quang điện silicon. Wafer phục vụ như là chất nền cho hầu hết các mạch vi điện tử và trải qua nhiều quá trình, chẳng hạn như doping, cấy và khắc, trước khi sản phẩm cuối cùng của một mạch tích hợp được hoàn tất. Các wafer có kích thước trung bình từ 25.4 mm (1 inch) – 200 mm (7.9 inch). Với sự phát triển của ngành công nghệ vi mạch hiện nay, các hãng sản xuất vi mạch nổi tiếng trên thế giới như Intel, TSMC hay Samsung đã nâng kích thước của wafer lên 300 mm (12 inch), thậm chí lên 450 mm (18 inch).
Sơ lược về quy trình sản xuất thiết bị bán dẫn – Kì 1 – Semiconductorian

Cấu trúc của một Wafer

Tờ Washington Post mới đây đã đăng tải bài viết “Three months, 700 steps: Why it takes so long to produce a computer chip” (Tạm dịch: Ba tháng, 700 bước và hành trình để tạo ra chip vi mạch) của tác giả Jeanne Whalen trên chuyên mục về các chính sách dành cho công nghệ kỹ thuật. Phần thú vị nhất của bài báo có lẽ là giải thích một cách rất súc tích tại sao chế tạo chip lại mất thời gian đến thế. Mất 3 tháng để các máy móc thiết bị vô cùng đắt tiền ước tính 10 tỷ USD xử lý xong khoảng 700 bước chế tạo phức tạp tạo nên hàng nghìn/chục nghìn con chip mà mỗi con chip có hàng tỷ linh kiện hoạt động như hàng tỷ các công tắc bật tắt theo một cách nào đó để thực hiện một chức năng nhất định trên các đĩa wafer sáng loáng như chiếc gương có đường kính 12 inch (khoảng 300 mm) 700 bước xử lý này để hình thành lên 60 – 70 lớp khác nhau giống như quá trình tạo ra một chiếc bánh có nhiều lớp vậy.

Trong nỗ lực kéo các nhà máy sản xuất chip về Mỹ, theo SEMI – Hiệp hội công nghiệp bán dẫn, có 6 trong tổng số 29 nhà máy sản xuất chip mới được khởi công xây dựng trong năm 2023 là ở Mỹ. Số nhà máy còn lại được phân bố như sau: Trung Quốc và Đài Loan – mỗi nơi 8 nhà máy, 3 nhà máy ở Châu Âu và Trung Đông, còn Nhật Bản và Hàn Quốc mỗi nước một nhà máy. Tuy nhiên, việc này là không đơn giản vì theo các chuyên gia các nhà sản xuất Mỹ sẽ gặp khó khăn trong việc giải bài toán chi phí thấp và sự am hiểu sâu sắc của các đối thủ châu Á. Làm thế nào để Mỹ có thể xây dựng lại ngành sản xuất bán dẫn của mình nhưng cũng phải mang lại những lợi ích và hiệu quả to lớn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu khi mà Đài Loan và Hàn Quốc hiện đang là những nơi tốt nhất thế giới về giá cả và chất lượng. Trong một diễn biến đáng chú ý khác, cả hai nhà máy sản xuất chip đang giữ công nghệ tiên tiến nhất là TSMC và Samsung đều đã công bố kế hoạch xây dựng các nhà máy mới ở Mỹ và đủ điều kiện để nhận các khoản hỗ trợ từ liên bang nếu luật về nó được ban hành.

Vào ngày 8/2, Uỷ Ban Châu Âu đã trình bày đạo luật “Chips Act”, cho phép châu Âu bảo đảm nguồn cung cấp chip điện tử, giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp châu Á (lên đến 80%) và tăng gấp đôi thị phần hiện tại, với mục tiêu đạt 20% vào năm 2030. (…) Kế hoạch của châu Âu có thể so sánh với chương trình phát triển sản xuất hàng bán dẫn của Hoa Kỳ, dự trù đầu tư 53 tỷ đô la đến năm 2026; hay khoản đầu tư của Trung Quốc: 150 tỷ đô la từ 2015 – 2025; Nhật Bản thì thông báo đầu tư 8 tỷ đô la; Riêng Hàn Quốc đầu tư 450 tỷ đô la vào nghiên cứu, phát triển sản xuất bán dẫn từ nay đến 2030. Trong số 5 công ty được đánh giá là hàng đầu thế giới về khuôn chế tạo wafer là Rodel – Eminess, PR Hoffman, Universal, Samsung và Zeromicron. Zeromicron là công ty nhỏ nhất nhưng đang có ưu thế phát triển vì chủ tịch của công ty – ông Nguyễn Văn Phương (Francis Nguyen) sở hữu tới 28 bằng sáng chế (patent) do Cơ quan quản lý bằng sáng chế Hoa Kỳ (USPTO) cấp trong khi các bằng sáng chế của Rodel/Budinger đã hết hạn bảo hộ bản quyền từ năm 2002.

Ba tháng, 700 bước và hành trình để tạo ra chip vi mạch - Ảnh 4.

Các container chứa các wafer silicon được được tập kết ở cổng trước khi được chuyển đến một khu vực khác tại nhà máy GlobalFoundries. (Ảnh: Cindy Schultz/ The Washington Post)

Danh sách các công ty sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới với doanh thu 2021:  Linh kiện bán dẫn hiện diện ở khắp mọi nơi: Trí tuệ nhân tạo, 5G, xe cộ, điện thoại, máy tính, các máy chủ, bệnh viện, và các ứng dụng trong quân sự, cũng như bộ nhớ đám mây và các thiết bị điện tử kết nối thông minh, hoặc đơn giản là Internet và kỹ thuật số. Biết bao thiết bị và ngành công nghiệp, đại diện cho cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba, đã diễn ra từ cuối thế kỷ XX và sẽ tiếp diễn trong những thập kỷ tới. Nhà sản xuất chíp bán dẫn TSMC hiện cung cấp cho khoảng 52% thị trường toàn cầu, tỷ lệ này lên đến 90% đối với loại chíp hiện đại nhất, có độ dày 5 nanomet. Tập đoàn này có thể sẽ đầu tư tổng cộng 100 tỷ USD trong 3 năm tới. Lợi nhuận của doanh nghiệp Đài Loan tăng 20% trong năm 2022 và tăng ít nhất 15% trong những năm tới. (…)    

TSMC và Intel cùng Samsung là 3 tập đoàn duy nhất có khả năng cạnh tranh trực tiếp với nhau trong việc sản xuất các linh kiện bán dẫn. TSMC dù dẫn đầu về thị phần nhưng chỉ làm chip cho đối tác. Trong khi đó, Intel và Samsung vừa sản xuất chip dưới thương hiệu của mình, vừa sẵn sàng gia công cho các đối tác. Theo dữ liệu của TrendForce, vị trí giữa ba tập đoàn này sẽ chỉ được quyết định trong cuộc đua mạng di động 5G, ôtô tự lái và trí tuệ nhân tạo.

  1. TSMC (Đài Loan: 417 tỷ USD): Là công ty Foundry lớn nhất thế giới hiện nay. TSMC là hãng đầu tiên triển khai được quy trình sản xuất bán dẫn 7nm (gọi là N7+) sử dụng quy trình khắc bằng tia cực tím. TSMC làm được điều này trước cả Intel – một trong những cái tên thường đi đầu trong công nghệ sản xuất bán dẫn. Trong quý đầu tiên của năm 2022, công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) nắm giữ 55% thị trường toàn cầu. Nikkei Asia tháng 12/2022 đưa tin, sẽ tăng hơn gấp 3 lần khoản đầu tư vào Mỹ, đưa con số này lên 40 tỷ USD. Đồng thời, công ty này dự kiến đưa công nghệ sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới đến Mỹ vào năm 2026. Động thái này xảy ra sau khi Mỹ lên kế hoạch thúc đẩy ngành công nghiệp chất bán dẫn. Tại đây, TSMC có kế hoạch xây dựng thêm một nhà máy sản xuất, hiện đại hơn nhà máy đầu tiên. Thông báo được đưa ra trước buổi lễ lắp đặt thiết bị tại nhà máy đầu tiên hồi đầu tuần trước, với sự tham dự của Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhiều giám đốc điều hành các công ty công nghệ. Nhà máy thứ 2 sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2026 và sẽ là nhà máy đầu tiên ở Mỹ sản xuất chip 3nm – loại chip tiên tiến nhất tính đến thời điểm này, một quan chức Nhà Trắng cho biết. Cùng với việc mở rộng nhà máy, TSMC sẽ tăng lực lượng lao động tại Arizona lên 4,500 nhân viên, từ kế hoạch ban đầu là 1,600 nhân viên, công ty này cho hay.
  2. Samsung (Hàn Quốc: 236 tỷ USD): Theo thông tin từ IC Insights, Samsung đã vượt qua Intel để trở thành trở thành nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới vào quý 2 năm 2021. Về sự đầu tư của Samsung tại Việt Nam, yêu cầu đọc bài: “Samsung: Từ điện thoại di động qua chất bán dẫn” của tác giả đưa lên mạng ngày 8/8/2022. Samsung của Hàn Quốc chiếm 17% đứng thứ hai sau TSMC.
  3. Intel (Hoa Kỳ: 77.87 tỷ USD): Intel làm ra các sản phẩm motherboard chipsets (chip mạch chủ), network cards (Card mạng lưới) and ICs (mạch tổ hợp), flash memory (bộ nhớ Flash), graphic chips (con chip đồ họa), embedded processors (bộ xử lý nhúng), và các thiết bị khác có liên quan đến tin học và sự truyền thông. Tháng 11/2006, Intel đã chính thức khai trương nhà máy sản xuất, lắp ráp chíp và các sản phẩm khác của Intel tại khu công nghệ cao TP.HCM. Intel đầu tư 1 tỷ đô la Mỹ để xây dựng nhà máy này. 
  4. SK Hynix hay Hyundai Electronics (Hàn Quốc: 25.27 tỷ USD): SK Hynix Inc. là một công ty bán dẫn lớn của Hàn Quốc, đây là nhà cung cấp chip nhớ lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Samsung Electronics. SK Hynix còn là nhà cung cấp DRAM và bộ nhớ flash.
  5. Broadcom (Hoa Kỳ: 23.89 tỷ USD): Broadcom Corporation là một công ty sản xuất chip bán dẫn của Hoa Kỳ về mạng không dây và mạng băng thông rộng. Hiện tại, Broadcom đang có mặt tại 15 quốc gia với 11,750 nhân viên trên toàn thế giới.
  6. Qualcomm (Hoa Kỳ: 23.53 tỷ USD): Qualcomm Incorporated là một công ty bán dẫn toàn cầu của Mỹ chuyên thiết kế và tiếp thị các sản phẩm và dịch vụ viễn thông không dây, có trụ sở tại San Diego, California, Mỹ, với có 157 văn phòng trên toàn thế giới. Qualcomm đã đặt văn phòng tại Việt Nam từ năm 2003. Năm 2020 Qualcomm xây dựng trung tâm R&D đầu tiên tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á để mở rộng sản xuất chipset 5G…
  7. USD Micron Technology (Hoa Kỳ: 21.43 tỷ USD).
  8. Applied Materials (Hoa Kỳ: 17.2 tỷ USD).
  9. Nvidia (Hoa Kỳ: 14.78 tỷ USD).
  10. Texas Instruments (Hoa Kỳ: 14.46 tỷ USD).
10 công ty sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới

Mạch bán dẫn của Intel

CÁC CÔNG ĐOẠN SẢN XUẤT CHẤT BÁN DẪN

Trong năm 2022, tác giả có viết bài “Samsung: Từ Điện Thoại Di Động Qua Chất Bán Dẫn”. Quá trình sản xuất chip được chia làm 3 công đoạn (lĩnh vực) chính gồm: Thứ nhất là thiết kế (gồm nghiên cứu và phát triển), sở hữu trí tuệ và phần mềm; những công ty như Nvidia (Mỹ) chuyên về lĩnh vực này. Thứ hai là nhận thiết kế và sản xuất chip, với tên tuổi dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này là Công ty Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC) của Đài Loan. Thứ ba là lắp ráp, thử nghiệm đóng gói và hoàn thiện các vật liệu để chip có thể sẵn sàng lắp đặt, sử dụng trong các thiết bị điện tử. Cuộc chiến chất bán dẫn hiện nay bao gồm cả 3 lãnh vực trên.

Ít tháng gần đây, truyền thông quốc tế nói nhiều đến Liên minh bán dẫn Mỹ – Nhật – Đài – Hàn, gọi là tắt là ‘‘Chip 4’’ hay ‘‘Lab 4’’. Đối với nhiều nhà quan sát, Liên minh bán dẫn bốn bên này, nếu hình thành, sẽ trở thành một cản lực vô cùng lớn đối với tham vọng của Bắc Kinh vươn lên vị trí siêu cường, bởi đa số các ngành công nghệ mũi nhọn giờ đây phụ thuộc rất nhiều vào ngành sản xuất chíp điện tử. Nói đến sáng kiến Liên minh bán dẫn Chip 4 cần nhấn mạnh đến vai trò của Liên minh các nhà sản xuất, sử dụng chất bán dẫn tại Mỹ – Semiconductors in America Coalition (SIAC). Liên minh các nhà sản xuất, sử dụng chất bán dẫn bao gồm 64 đại công ty công nghệ cao như Amazon, Apple, AT&T, Cisco, General Electric, Google, Verizon, AMD, Analog Devices, Broadcom, NVIDIA, Qualcomm… (thuộc Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và một số quốc gia khác).

Sau khi chính phủ Mỹ tung ra sáng kiến Liên minh Chip 4. Nhật Bản và Đài Loan đã hưởng ứng mạnh. Cuối tháng 7 vừa qua, hai chính phủ Nhật – Mỹ đã khởi sự đối thoại cấp cao, trong đó hợp tác về chất bán dẫn là một nội dung căn bản. Về phía Đài Loan, ngay sau khi Mỹ ra luật Chips and Science Act, bộ Kinh Tế Đài Loan ra thông báo hoan nghênh, và coi đây là một yếu tố thuận lợi lớn, cho phép gia tăng hợp tác Mỹ – Đài về sản xuất chíp điện tử tại Hoa Kỳ (theo Focus Taiwan, 30/07). Riêng Hàn Quốc hiện tại tỏ ra khá dè dặt. Hàn Quốc đã rất thành công trong lĩnh vực kinh doanh bộ nhớ bán dẫn, nhưng nước này phụ thuộc vào Mỹ trong việc thiết kế và vào thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc. Giờ đây, sự cân bằng này không còn có thể duy trì khi cả hai nước đều cố gắng kéo Hàn Quốc về phía mình. Washington đề xuất Seoul cho ý kiến cuối cùng vào cuối tháng 8 này. Theo nhiều chuyên gia, cụ thể như trong lĩnh vực chíp bộ nhớ, tham vọng của Trung Quốc giảm phụ thuộc 30% vào năm 2025 không thể có được nếu không có đóng góp của Samsung Electronics và SK Hynix, hai tập đoàn sản xuất chíp điện tử lớn nhất của Hàn Quốc tại Trung Quốc. 

VAI TRÒ CỦA HOA KỲ

Tổng thống Biden vừa mới thông qua Đạo luật Khoa học và CHIPS, với tổng số tiền được phân bổ là 280 tỷ USD, đánh dấu sự đồng thuận hiếm hoi của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ, khi các nghị sĩ thuộc cả hai đảng đều đánh giá luật này là cần thiết để giúp Mỹ cạnh trạnh kinh tế với Trung Quốc cũng như tăng cường an ninh quốc gia. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 9/8 ký thông qua đạo luật cấp 52.7 tỷ USD trợ cấp cho việc sản xuất và nghiên cứu hàng bán dẫn của Mỹ, đồng thời thúc đẩy các nỗ lực giúp Mỹ cạnh tranh tốt hơn trước các nỗ lực phát triển khoa học và công nghệ của Trung Quốc. 38 tỷ sẽ được phân phối để các công ty Hoa Kỳ tăng gia khả năng sản xuất. Nhà Trắng đang đề cao các khoản đầu tư mà các công ty chip đang tiến hành mặc dù vẫn chưa rõ khi nào Bộ Thương mại sẽ soạn các quy định cụ thể về việc xét duyệt cấp tiền tài trợ và sẽ mất bao lâu để bảo lãnh các dự án. Các giám đốc điều hành của Micron, Intel, Lockheed Martin, và Advanced Micro Devices sẽ dự lễ ký của ông Biden, dự kiến diễn ra lúc 10 giờ sáng ngày 9/8, cùng với các quan chức chính phủ, lãnh đạo ngành ô tô và công đoàn, bao gồm ông Ray Curry, Chủ tịch United Auto Workers, Nhà Trắng cho biết. Cũng có mặt trong lễ ký là thống đốc các bang Pennsylvania và Illinois, thị trưởng các thành phố Detroit, Cleveland và Salt Lake City, và các nhà lập pháp.

Do đó, ngay cả khi các nhà sản xuất toàn cầu không chống lại được sự cám dỗ kiếm tiền từ trợ cấp, họ cũng khó có thể từ bỏ thị trường Trung Quốc. Đầu tư của Mỹ sẽ không giúp họ giành lại vị trí dẫn đầu toàn cầu về chip, mà ngược lại, nó sẽ tạo ra sự phân mảnh thị trường. Và các công ty từ các nước thứ ba sẽ xây dựng năng lực của họ, bởi vì họ sẽ làm việc không chỉ cho Hoa Kỳ, mà còn cho Trung Quốc, quốc gia đang phát triển lĩnh vực công nghệ, cũng dự định chi hơn 1 nghìn tỷ USD trong 5 năm tới.

  • Nhà thiết kế chip Nvidia Corp cho biết hôm 31/8 rằng các quan chức Mỹ đã yêu cầu họ ngừng xuất khẩu hai chip máy tính hàng đầu cho công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sang Trung Quốc. Công ty Advanced Micro Devices cũng cho biết họ đã nhận được các yêu cầu mới về cấp giấy phép, theo đó sẽ chặn việc xuất khẩu chip AI tiên tiến có tên MI-250 sang Trung Quốc.

VAI TRÒ CỦA TRUNG QUỐC

Một số nhà quan sát cho rằng sáng kiến Liên minh bán dẫn Chíp 4, nếu thành công, sẽ là một cú sốc với Trung Quốc, bởi Bắc Kinh đang tham vọng trở thành một thế lực dẫn đầu trong lĩnh vực chất bán dẫn trước năm 2030.  Hiện tại tham vọng của Bắc Kinh là có thể tự chủ được hai phần ba nhu cầu chíp điện tử vào năm 2025, theo truyền thông Nhà nước Trung Quốc. Bắc Kinh có kế hoạch xây dựng hơn 30 nhà máy sản xuất vi mạch điện tử từ đây đến 2024. Tham vọng của Trung Quốc rất lớn: gia tăng sản xuất để đáp ứng 75% nhu cầu thế giới, so với khả năng đáp ứng mới chỉ 15% hiện nay. Tuy nhiên, nếu không có được sự hợp tác của các “đại gia” trong lĩnh vực này, Trung Quốc khó lòng đạt được mục tiêu trên.

Các công ty lớn mạnh về chất bán dẫn của Trung Quốc là Huawei và SMIC đều cạnh tranh khốc liệt trên thế giới nhưng lại không lọt vào top 15 toàn cầu về doanh số chất bán dẫn.

Mục tiêu của ông Tập để đạt được khả năng tự cung cấp tại quốc gia ít nhất 70% trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng vào năm 2025 đã bị lu mờ bởi sự yếu kém của Trung Quốc trong chiến lược nhất là trong tất cả các ngành công nghệ này.  Nhưng Trung Quốc lại đi sau Mỹ một quãng xa khi nói đến việc chế tạo bộ vi xử lý tiên tiến, cung cấp năng lượng cho mọi thứ từ các máy chủ khổng lồ đến 5 tỷ điện thoại di động trên thế giới. Cho đến nay, vai trò chính của Trung Quốc trong thế giới bán dẫn chủ yếu chỉ dừng ở mức độ là nhà lắp ráp và đóng gói.

Sự thiếu vắng của một công ty có trụ sở tại Trung Quốc trong hàng ngũ bán dẫn toàn cầu hàng đầu là một lỗ đen chiến lược đối với chính quyền nước này. Trong số 15 công ty bán dẫn hàng đầu thế giới theo doanh số, 8 công ty ở Hoa Kỳ, 2 công ty đều ở Châu Âu, Hàn Quốc và Đài Loan, Nhật Bản với 1 công ty. Vì chất bán dẫn là sản phẩm được giao dịch nhiều thứ tư trên thế giới (tính theo giá trị), sau dầu thô, dầu tinh luyện và ô tô, nên thật khó hiểu tại sao Trung Quốc vẫn chưa lọt vào top 15.

Các công ty lớn mạnh về chất bán dẫn của Trung Quốc là Huawei có trụ sở tại Thâm Quyến chuyên về thiết kế và SMIC trụ sở tại Thượng Hải chuyên về sản xuất theo hợp đồng. Cả hai đều cạnh tranh khốc liệt trên thế giới nhưng lại không lọt vào top 15 toàn cầu về doanh số chất bán dẫn. Tất nhiên, Huawei, giống như Apple, thu được phần lớn doanh thu chủ yếu từ điện thoại di động chứ không phải chip. Huawei là một công ty đẳng cấp thế giới, nhưng khả năng thâm nhập vào các thị trường chiếm lớn trên toàn cầu đã bị hạn chế bởi chính sách từ chính quyền Trump.

SMIC cũng là kẻ tụt hậu của Trung Quốc trong cuộc chạy đua giành độc lập về công nghệ cốt lõi. Tính đến năm 2020, thị phần sản xuất chip theo hợp đồng trên toàn cầu của SMIC chỉ dừng ở con số 4%, so với 18% của Samsung và 50% của TSMC (đối với sản xuất chip tiên tiến thậm chí còn chiếm ưu thế hơn ở mức 80%). Hầu hết các nhà phân tích cho rằng SMIC đi sau công nghệ của TSMC từ ba đến bốn năm. Khoảng cách này đã buộc SMIC phải cạnh tranh nhiều hơn trên bình diện hàng hóa như điện thoại, thiết bị gia dụng, ô tô giá rẻ,…Điều gì có thể đưa SMIC vào đội ngũ hàng đầu? Nói một cách ngắn gọn thì chính là Huawei. Gã khổng lồ công nghệ tại Thâm Quyến cần một đối tác nhà máy hàng đầu kể từ khi hành động của Trump vào năm 2020 đã hạn chế Samsung và TSMC cung cấp đầy đủ cho Huawei.

Trung Quốc cũng sẽ phải phát triển một ngành kinh doanh thiết bị sản xuất chip đẳng cấp thế giới. Điều này không phải là đơn giản. Việc gắn các bóng bán dẫn lên silicon ở quy mô 5 nanomet là một công nghệ vô cùng phức tạp. Rất ít công ty thiết bị làm được.

Khoản đầu tư cần thiết để đạt được ước mơ độc lập về công nghệ cốt lõi của ông Tập, chỉ trong chất bán dẫn, ước tính trị giá từ 1 nghìn tỷ USD đến 3 nghìn tỷ USD. Nhưng đạt được mục tiêu đó sẽ không phải chỉ là tiền. Điều này cần vào sự tham gia của các nhà khoa học, kỹ sư, nhà tư duy táo bạo và những người có tài năng sáng tạo, cùng với những thử nghiệm và sáng tạo cần thiết để biến điều đó thành hiện thực. Trong khi đó, Intel, Samsung, TSMC và các hãng khác cũng không ngồi yên và họ đang ngày càng gia tăng hoạt động của mình để nâng cao khả năng cạnh tranh trong lính vực chất bán dẫn,  

VAI TRÒ CỦA ĐÀI LOAN

Chia sẻ với CNBC, các nhà phân tích khẳng định, khi nói đến chất bán dẫn, Trung Quốc cần Đài Loan nhiều hơn là ngược lại. Bắc Kinh đã ngừng một số hoạt động thương mại liên quan tới Đài Loan trong tháng này sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan. Đáng chú ý, các lệnh cấm không đụng tới vấn đề thiết bị điện tử. Đài Loan là cứ điểm của hơn 90% công suất sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất thế giới, theo báo cáo năm 2021 của Boston Consulting Group.

Mehdi Hosseini, nhà phân tích phần cứng công nghệ cao tại Tập đoàn đầu tư Susquehanna cho biết: “Nếu nhìn vào các yếu tố thúc đẩy nhu cầu đời sống, từ cơ sở hạ tầng đám mây, xe điện, thế hệ tiếp theo của các cơ sở công nghiệp, tất cả đều cần có chip được sản xuất tại TSMC”. Tuy nhiên chỉ 10% doanh thu của TSMC đến từ Trung Quốc, trong khi hơn một nửa doanh thu đến từ Mỹ.

Chip nội địa Trung Quốc ở đâu? Bắc Kinh đã tăng cường nỗ lực xây dựng nền công nghiệp chip trong vài năm gần đây, với các chính sách hỗ trợ thu hút dòng vốn tư nhân vào lĩnh vực này. Một trong những gã khổng lồ chip của Trung Quốc được nhắc đến gần đây là Tập đoàn Sản xuất Bán dẫn quốc tế (SMIC). Tuy nhiên, SMIC đã mất 15 năm để đạt được vị trí của TSMC 10 năm trước, chuyên gia Hosseini nhận định với CNBC.  “Trung Quốc không có khả năng tiếp cận các thiết bị tiên tiến hàng đầu. Sẽ mất một thời gian dài họ gây dựng được bí quyết kỹ thuật”, ông cho biết.

Công việc kinh doanh của TSMC vẫn vững mạnh. Công ty, là nhà cung cấp lớn của Apple, đã báo cáo doanh thu quý II/2022 chạm mốc 18 tỷ USD, tăng hơn 40% so với một năm trước. Điều đó cho thấy TSMC có quy mô lớn hơn nhiều với SMIC – tập đoàn báo cáo doanh thu trong cùng quý là 1.9 tỷ USD – dù mức này đã tăng hơn 40% so với một năm trước. Dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ về cơ bản đã cấm các công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc là Huawei và SMIC sử dụng công nghệ của Mỹ, bao gồm cả thiết bị sản xuất chip của họ.

Điều đó đồng nghĩa, kể từ cuối năm 2020, TSMC đã ngừng sản xuất chất bán dẫn cho Huawei. Theo David Hsu, phó giám đốc tại S&P Global Ratings, doanh thu tại Trung Quốc của TSMC đã tăng từ năm 2018 đến năm 2020 lên gần 20% tổng doanh thu. Tuy nhiên vào năm 2021, tỷ lệ tiếp xúc của TSMC với Trung Quốc giảm trở lại khoảng 10% tổng doanh thu, tương tự như mức đã thấy trong năm 2017.

Mỹ tìm điểm cân bằng: Mỹ cũng đang cố gắng củng cố khả năng tiếp cận với công nghệ bán dẫn quan trọng. Trong tháng 8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký Dự luật CHIPS trong đó cung cấp các khoản trợ cấp cho các nhà sản xuất chip để sản xuất ở Mỹ. Các nhà phân tích của Quỹ Bernstein nhận định, Luật trên sẽ có tác động tích cực với hoạt động của TSMC.

Về mặt chiến lược, TSMC đặt mục tiêu đa dạng hóa cơ sở khách hàng nhằm giảm thiểu rủi ro và tăng quy mô, đồng thời sẽ cố gắng giữ vị trí trung lập trong sự cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc. Với nền tảng đó, TSMC có thể sẽ vẫn tiếp tục mở rộng công suất ra nước ngoài trong vài năm tới ngay cả với sự khuyến khích của Đạo luật CHIPS, báo cáo của Quỹ cho biết. TSMC đang chi 12 tỷ USD để xây dựng một nhà máy ở Arizona. Tại Trung Quốc đại lục, công ty hoạt động ở Thượng Hải và Nam Kinh.

Cuộc chiến chất bán dẫn và vai trò của Đài Loan - Báo Kinh tế đô thị

TSMC tại Đài Loan

VAI TRÒ CỦA HÀN QUỐC

Viễn cảnh Hàn Quốc chuẩn bị tham gia liên minh Chip 4 với Hoa Kỳ, Nhật Bản và đương nhiên là nhà sản xuất bọ điện tử quan trọng nhất của thế giới là Đài Loan vào cuối tháng 8 hay đầu tháng 9/2022, là cái gai mới trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Seoul. Chính quyền Biden đã có sáng kiến tổ chức một cuộc họp giữa 4 quốc gia dân chủ và tự do, 4 nhà sản xuất linh kiện điện tử hàng đầu thế giới và đều là những đồng minh của Hoa Kỳ.

Hàn Quốc đã rất thành công trong lĩnh vực kinh doanh bộ nhớ bán dẫn, nhưng nước này phụ thuộc vào Mỹ trong việc thiết kế và vào thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc. Giờ đây, sự cân bằng này không còn có thể duy trì khi cả hai nước đều cố gắng kéo Hàn Quốc về phía mình.

SK Group là nhà sản xuất chất bán dẫn lớn thứ ba thế giới và đứng thứ hai tại Hàn Quốc. SK có kế hoạch đầu tư 15 tỷ USD vào một hệ sinh thái bán dẫn bao gồm nghiên cứu & phát triển; 5 tỷ USD đầu tư vào năng lượng xanh như là vật liệu pin, và các ngành công nghiệp khác như khoa học sinh học và dược phẩm. Với việc SK đã có những kế hoạch đầu tư khác trước công bố này, Chey Tae-won nói rằng tổng số vốn đầu tư của SK Group vào công nghệ tại Mỹ trong tương lai lên gần 30 tỷ USD. “Thông báo mang tính đột phá này thể hiện bằng chứng rõ ràng rằng Mỹ, Hàn Quốc, và các đồng minh của mình đang trở lại và chiến thắng trong cuộc cạnh tranh công nghệ của thế kỷ 21”, Joe Biden cho biết.

Về phía Hàn Quốc, chính quyền của tổng thống Yoon Suk Yeol không mấy thoải mái trước đề nghị của Washington tổ chức hội nghị Chip 4. Về an ninh, về chiến lược, Seoul lệ thuộc vào Mỹ chủ yếu là trước đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Về đối ngoại, Hàn Quốc đương nhiên gần gũi với Hoa Kỳ hơn với Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc là một thị trường lớn của Hàn Quốc trong nhiều lĩnh vực, kể cả về công nghệ bán dẫn, linh kiện điện tử … Năm ngoái, 60% chip của Hàn Quốc xuất khẩu sang Hoa Lục và Hồng Kông. Tổng trao đổi mậu dịch giữa hai quốc gia đông bắc Á này đã được nhân lên gấp 50 lần so với cách nay 30 năm. Trung Quốc vừa là khách hàng vừa là một nhà đầu tư có trọng lượng trên xứ Hàn.

Trong bối cảnh đó xã luận của báo Nhật Yomiuri Shimbun cho rằng hơn bao giờ hết Nhật Bản và nhất là Mỹ cần thắt chặt thêm nữa quan hệ với Hàn Quốc, cần làm tất cả để Seoul không ngả vào vòng tay của Bắc Kinh.

VAI TRÒ CỦA VIỆT NAM

Tại Việt Nam, công nghiệp bán dẫn được coi là nền tảng hỗ trợ và đẩy mạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế theo chiều sâu. Đây cũng là ngành kinh tế được Chính phủ xác định có sản phẩm nằm trong 9 sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm quốc gia thực hiện từ năm 2012 theo Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ, và là phương thức quan trọng để chuyến hóa các thành tựu khoa học công nghệ thành hàng hóa thương mại có giá trị gia tăng cao.

Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện đang chiếm tỷ trọng 17.8% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và linh kiện. Đây là chặng đầu tiên trong các chính sách được quy hoạch theo ba giai đoạn của chính phủ Việt Nam để đưa đất nước trở thành một trung tâm khu vực về sản xuất công nghệ và chất bán dẫn. Theo quy hoạch công nghiệp điện tử của Việt Nam, được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) phân tích, “trong giai đoạn năm 2020 – 2025 sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm trong lĩnh vực như thiết bị tự động hóa, máy tính, điện thoại. Sau năm 2025, ưu tiên phát triển phần mềm, nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin và điện tử y tế. Một trong những mục tiêu đặt ra là phải đưa sản xuất công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất và chế biến đạt ít nhất 45% vào năm 2030”.

Việt Nam đang cố gắng tăng cường sự hiện hiện trong cả 2 lãnh vực thiết kế và sản xuất. Các đại công ty bán dẫn như Intel, Sysnopsis của Hoa Kỳ, Samsung, Hana Micron của Hàn Quốc, Renesas Electronics của Nhật Bản, USI Electronics, một công ty con của ASE Semiconductor của Đài Loan đã tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam. Một số dự án sẽ vận hành vào nửa cuối năm 2023. Apple không phải là công ty bán dẫn nhưng sự dịch chuyễn các sản phẩm của Apple từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tạo một hiệu ứng tích cực khi một số nhà thầu của Apple và một số đối thủ của hãng đang hướng đến việc sản xuất chip tại Việt Nam. Ngày 16/8/2022, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho đơn vị này được tham gia nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu.

  • Samsung Electronics Samsung đầu tư thêm 3.3 tỷ USD trong năm 2022.
  • Theo danh sách các nhà thầu Apple được hãng này công khai trong năm 2021, số lượng nhà thầu của Apple tại Việt Nam đã tăng nhanh từ con số 14 trong năm 2018 đến cuối tháng 5/2022, Apple có 31 nhà máy đối tác tại Việt Nam với khoảng 160,000 lao động. Các nhà thầu chính của Apple gồm Foxconn, Pegatron, Luxshare và Goertek đã đầu tư lớn vào Việt Nam trong thời gian qua, tập trung nhiều ở các tỉnh phía Bắc. Các nhà máy đối tác của Apple phân bố rải rác từ Bắc vào Nam. Phần lớn tập trung tại cụm công nghiệp Bắc Ninh – Bắc Giang, số còn lại rải ra ở vùng phụ cận như Hải Phòng, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Nghệ An. Apple còn có nhà thầu tại Đà Nẵng, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Tiền Giang. Samsung, LG và các nhà thầu phụ của họ tại Bắc Ninh và Bắc Giang cùng với nhà máy của Intel tại TP.HCM cũng là nhà cung ứng linh kiện cho các dây chuyền lắp ráp của Apple tại Việt Nam. Từ tháng 8 này, Apple đang làm việc với Luxshare và Foxconn để sản xuất thử nghiệm đồng hồ Apple Watch và laptop MacBook tại Việt Nam. Hãng cũng đàm phán với hai nhà thầu về dây chuyền sản xuất loa thông minh HomePod tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên các sản phẩm này được sản xuất bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
  • Từ nay đến năm 2035, Công ty Amkor Technology (Hàn Quốc) sẽ đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh 1.6 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C. Được biết, Công ty Amkor Technology, Inc là một trong những nhà cung cấp dịch vụ thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn thuê ngoài lớn nhất thế giới có trụ sở chính tại Hoa Kỳ. Được thành lập vào năm 1968, Công ty Amkor Technology, Inc đi tiên phong trong lĩnh vực gia công bao bì và thử nghiệm vi mạch và hiện là đối tác sản xuất chiến lược cho các công ty bán dẫn, xưởng đúc và OEM điện tử hàng đầu thế giới.
  • Gần đây nhất, Công ty Intel Products Việt Nam (IPV, thuộc Tập đoàn Intel, Mỹ) đã nhận được Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh dự án với vốn đầu tư tăng thêm 475 triệu USD để xây dựng cơ sở sản xuất thử nghiệm và lắp ráp chip hiện đại nhất tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP); nâng tổng số vốn đầu tư của Intel vào Việt Nam đến thời điểm hiện tại lên tới 1.5 tỷ USD. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex (SEHC) vừa được chấp nhận chuyển đổi từ doanh nghiệp công nghệ cao sang doanh nghiệp chế xuất đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phụ trợ trong chuỗi cung ứng của Samsung, đặc biệt là doanh nghiệp ngành bán dẫn, đem lại giá trị thặng dư tốt hơn. Hai khu công nghiệp Bắc Ninh và Thái Nguyên có thể tái cấu trúc để vừa sản xuất smartphone và chất bán dẫn theo nhu cầu thị trường mà không tốn nhiều tiền đầu tư.
Việt Nam và cơ hội tham gia chuỗi sản xuất chip bán dẫn toàn cầu

Intel và Samsung sẽ sản xuất mạch bán dẫn tại Việt Nam

  • Theo TechRadar, Qualcomm chính thức mở cửa trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) tại thành phố Hà Nội, Việt Nam kể từ 2004 và sau đó là tại TP.HCM năm 2014. Đây cũng là cơ sở R&D đầu tiên của Qualcomm trên toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Cơ sở này sẽ được sử dụng để phát triển các công nghệ di động mới và cung cấp dịch vụ thử nghiệm cho các đối tác sản xuất trong nước như VinSmart, BKAV và Viettel. Trung tâm nghiên cứu bao gồm 3 phòng thí nghiệm có công năng khác nhau. Một phòng thí nghiệm tần số vô tuyến (Radio Frequency) để kiểm tra chip vô tuyến, đánh giá thiết kế và hiệu chuẩn. Một phòng thí nghiệm để kiểm tra mức tiêu thụ năng lượng và hiệu suất (PPT). Phòng cuối cùng được sử dụng để thử nghiệm, kiểm tra, đánh giá các bộ cảm biến hình ảnh (ISP) và nhận diện dấu vân tay ảo.
  • Ngày 16/8/2022, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho đơn vị này được tham gia nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu. Đề xuất của Viettel được đưa trong bối cảnh tình trạng thiếu chip trên toàn cầu thời gian qua ảnh hưởng trầm trọng tới nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Nhiều quốc gia trên thế giới hiện cũng đã thúc đẩy sản xuất chip vì an ninh quốc gia. Hiện tại, không nhiều tập đoàn trên thế giới tham gia vào ngành công nghiệp sản xuất chip. Hiện 3 nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới gồm: TSMC, Samsung và Intel. Sự gia tăng các thiết bị điện tử và ngành công nghiệp ô tô phát triển cùng với đại dịch COVID-19 là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thiếu hụt chip. Ngày 15/10/2022, tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) ra mắt Tổng công ty Sản xuất thiết bị Viettel (Viettel Manufacturing Corporation – VMC), đánh dấu chuyển dịch chiến lược của Viettel tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị toàn cầu.
  • Ngày 26/8, đại diện Công ty Synopsys và SHTP ký bản ghi nhớ để Synopsys hỗ trợ đào tạo tài năng thiết kế vi mạch tại Việt Nam. Theo biên bản ghi nhớ được ký kết, Synopsys sẽ hỗ trợ SHTP thành lập Trung tâm thiết kế chip thông qua chương trình tài trợ phần mềm. Bên cạnh đó, để cung cấp nguồn nhân lực thiết kế vi mạch cho các doanh nghiệp, Synopsys sẽ cung cấp chương trình giảng dạy và chương trình đào tạo giảng viên cho SHTP. Về phía SHTP sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để thiết lập trung tâm thiết kế chip. Sự hợp tác này giúp Trung tâm thiết kế chip của SHTP được hưởng lợi từ công nghệ thiết kế chip của Synopsys. Từ đó, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam. Các giảng viên và sinh viên chuyên ngành điện – điện tử, công nghệ thông tin của 3 trường đại học thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM gồm Đại học Bách khoa, Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Công nghệ thông tin sẽ tham gia chương trình đào tạo, tập huấn tại Trung tâm thiết kế chip mới được đặt ở Khu công nghiệp cao nằm ở Thủ Đức, TP.HCM. sự hợp tác này sẽ giúp Việt Nam giải quyết được bài toán thiết hụt nhân tài công nghệ toàn cầu. Hơn nữa, Trung tâm thiết kế vi mạch điện tử SHPT cũng sẽ hưởng lợi từ công nghệ thiết kế đẳng cấp thế giới của công ty Synopsys bằng cách đào tạo nguồn nhân lực cho ngành vi mạch, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
  • FPT Semiconductor, một công ty thuộc tập đoàn công nghệ FPT Việt Nam, vào ngày 28/9 cho ra mắt dòng chip bán dẫn đầu tiên được dùng cho các thiết bị y tế. Mục tiêu của FPT là nhắm đến cung cấp ra thị trường thế giới 25 triệu chip vào năm 2023. Các thị trường chính mà FPT nhắm đến là Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc và Hoa Kỳ. Chip bán dẫn của FPT trong thời gian tới được nói sẽ sử dụng cho mọi thứ kể cả hàng điện tử tiêu dùng cho đến thiết bị không gian. Dòng chip bán dẫn tích hợp (IC – Integrated Circuit) được các kỹ sư của FPT Semiconductor trực tiếp thiết kế và đặt ra cấu trúc, hướng đến phục vụ cho các ngành công nghiệp, sản phẩm cụ thể. Thiết kế hoàn thiện tại Việt Nam được chuyển tới nhà máy đặt tại Hàn Quốc để sản xuất và đóng gói. Khách hàng đầu tiên và hiện là đối tác chiến lược của doanh nghiệp cùng phối hợp để phân phối các sản phẩm chip của FPT Semiconductor ở các thị trường Úc, Trung Quốc … Không chỉ đưa sản phẩm đến thị trường nước ngoài, FPT Semiconductor định hướng tập trung triển khai, cung cấp chip “Make in Vietnam” đến các tập đoàn trong nước, nhằm phát triển bền vững và góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất các thiết bị cho người dùng tại Việt Nam, trong giai đoạn 2023 – 2025. Trong hai năm tiếp theo, FPT Semiconductor dự kiến cung ứng ra thị trường toàn cầu 25 triệu đơn vị chip. Đồng thời, doanh nghiệp đặt kế hoạch đưa ra thị trường thêm 7 dòng chip khác nhau trong năm 2023, phục vụ cho hàng loạt lĩnh vực công nghệ, viễn thông, IoT, thiết bị chiếu sáng, thiết bị thông minh, công nghệ trên ô tô, năng lượng, điện tử điện lạnh. Trong bối cảnh đến năm 2024, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam được dự báo sẽ vượt giá trị 6.16 tỷ USD (theo báo cáo từ Technavio), FPT Semiconductor đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp chip thương hiệu Việt cho chính các công ty, tập đoàn ở trong nước.  FPT trở thành Công ty CNTT-VT lớn nhất trong khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam với gần 37,180 Cán bộ Nhân viên, trong đó có 24,068 kỹ sư CNTT, lập trình viên, chuyên gia công nghệ; hệ thống 46 chi nhánh, văn phòng tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Việt Nam. FPT cũng là doanh nghiệp dẫn đầu trong các lĩnh vực: Xuất khẩu phần mềm, Tích hợp hệ thống; Phát triển phần mềm; Dịch vụ CNTT.
Lộ diện hình ảnh con Chip IoT Y tế đầu tiên “Made in Vietnam” của FPT
9 con chips FPT IoT Y tế – Ảnh : Social media page of CaoBao Do
  • Tiếp theo FPT, VinFast vào cuối tháng 9/2022 đang bước vào ngành công nghiệp bán dẫn thế giới trong bối cảnh toàn cầu đang thiếu hụt bộ phận quan trọng này trong sản xuất ô tô và điện tử. VinFast, nhà sản xuất xe điện toàn cầu đầu tiên của Việt Nam và Renesas Electronics của Nhật Bản, nhà cung cấp giải pháp bán dẫn tiên tiến hàng đầu, đã công bố rằng bộ đôi này đang mở rộng thỏa thuận hợp tác để bao gồm phát triển công nghệ ô tô cho xe điện và cung cấp các thành phần hệ thống. Việc ký kết hợp tác chiến lược đã diễn ra tại nhà máy của VinFast ở thành phố Hải Phòng của Việt Nam vào đầu tháng này. Theo thỏa thuận, Renesas sẽ cung cấp cho VinFast các sản phẩm như hệ thống trên chip (SoC), bộ vi điều khiển, chất bán dẫn điện và tương tự. Renesas cũng sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để hỗ trợ VinFast phát triển các ứng dụng ô tô và dịch vụ di chuyển trong tương lai. SoC là một mạch tích hợp tích hợp hầu hết hoặc tất cả các thành phần của máy tính hoặc các hệ thống điện tử khác. “Mối quan hệ hợp tác mới này với Renesas sẽ giúp VinFast tiếp cận với cả công nghệ bán dẫn tiên tiến trong xe cũng như kiến ​​thức chuyên môn về hệ thống cấp cao, với mục đích đẩy nhanh quá trình phát triển xe điện an toàn và tinh vi cho thị trường toàn cầu,” Phó Giám đốc Lê Thị Thu Thủy cho biết. Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Tổng Giám đốc toàn cầu của VinFast cho biết trong thông cáo chung của bộ đôi. VinFast và Renesas trước đây đã từng hợp tác phát triển hệ thống thông tin giải trí trên ô tô. SoC của Renesas, nền tảng phần cứng R-Car và các sản phẩm tương tự đã được triển khai trên các mẫu xe điện VF8 và VF9 EV mới của VinFast, hiện đã được sử dụng tại Việt Nam và sẽ được giao cho người mua ở Canada, Mỹ và Châu Âu vào tháng 12 này.
  • Việt Nam đã là nơi đặt nhà máy của các nhà sản xuất chip khổng lồ như Samsung và Intel. Amkor Technology Inc. có trụ sở tại Hoa Kỳ, nhà cung cấp dịch vụ thử nghiệm và đóng gói sản phẩm bán dẫn toàn cầu, cho biết họ đang đầu tư tới 1.6 tỷ USD cho đến năm 2035 để xây dựng một cơ sở hiện đại nhất tại tỉnh Bắc Ninh, miền bắc Việt Nam như một cơ sở quan trọng, một phần của mạng lưới toàn cầu của tập đoàn Mỹ.
  • Việt Nam xuất cảng quặng đất hiếm tuyển luyện sang Nam Hàn sau chuyến công du của ông Chủ Tịch Nước CSVN Nguyễn Xuân Phúc đến Seoul vào đầu tháng 12/2022. VNExpress cho hay dại diện công ty Đất Hiếm Việt Nam (VTRE) đã “ký kết hợp tác khai thác xuất khẩu đất hiếm” với “Công ty kim loại ASM&KSM và chính quyền tỉnh Chungcheongbuk-do, Nam Hàn”.

KẾT LUẬN

Thật sự công nghiệp bán dẫn không phải thuần túy là sự tranh đua công nghệ cao mà là trò chơi của các nước lớn như Hoa Kỳ và Trung Quốc và các nước liên hệ như Liên Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN như Việt Nam. Thế giới đã chứng kiến ​​sự thiếu hụt chip đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực. Các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đang đẩy mạnh sản xuất chip vì an ninh quốc gia. Hiện tại, không nhiều tập đoàn trên thế giới tham gia vào ngành công nghiệp sản xuất chip. Hiện 3 nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới gồm: TSMC, Samsung và Intel. Sự gia tăng các thiết bị điện tử và ngành công nghiệp ô tô phát triển cùng với đại dịch COVID-19 là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thiếu hụt chip.

Hoa Kỳ nắm vững những kỹ thuật tiên tiến nhưng sản xuất tại Hoa Kỳ thì giá nhân công đắc đỏ nhất thế giới. Thỉnh thoảng, Hoa Kỳ cũng yêu cầu các quốc gia Đồng Minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan thiết lập 1, 2 nhà tại Mỹ để xoa dịu dư luận trong nước. Trung Quốc từ trước cho đến bây giờ không bao giờ thay đổi. Làm hết mọi cách để đánh cắp công nghệ rồi bán cho thế giới. Giai đoạn đó đã qua. Vào ngày 15/3/2022, tập đoàn Intel đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy khổng lồ trị giá 17 tỷ Euro (18.7 tỷ USD) sản xuất chất bán dẫn tiên tiến tại Ý. Họ bổ sung thêm các nhà máy mới ở Arizona và Ohio mà tập đoàn đã công bố trong 6 tháng qua.

Samsung, Intel, Amkor Technology và các công ty khác đang đổ hàng tỷ USD vào ngành công nghiệp chip của Việt Nam, theo một bài viết đăng trên diễn đàn chính sách quốc tế East Asia Forum mới đây. Trong khi cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang thì Việt Nam nổi lên như một quốc gia sẵn sàng thay thế Trung Quốc để sản xuất chip bán dẫn. Thực tế Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành nước sản xuất, cung cấp cho toàn cầu chip bán dẫn, năm 1979 Việt Nam đã làm được con chip bán dẫn đầu tiên, đáng tiếc do Liên Xô sụp đổ nên Việt Nam không thể tiếp tục chế tạo chip bán dẫn. Tuy nhiên với lợi thế nằm gần Thâm Quyến và có lực lượng sinh viên theo học ngành bán dẫn rất đông cũng đủ để Việt Nam có thể bứt phá trong tương lai.

Ngày 16/8, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho đơn vị này được tham gia nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu. Đề xuất của Viettel được đưa trong bối cảnh tình trạng thiếu chip trên toàn cầu thời gian qua ảnh hưởng trầm trọng tới nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Viettel đang cố gắng để trở thành một mắc xích trong ngành công nghiệp bán dẫn. FPT Semiconductor, một công ty thuộc tập đoàn công nghệ FPT Việt Nam, vào ngày 28/9 cho ra mắt dòng chip bán dẫn đầu tiên được dùng cho các thiết bị y tế. Mục tiêu của FPT là nhắm đến cung cấp ra thị trường thế giới 25 triệu chip vào năm 2023. Với sự tham gia của Vinfast thì 3 tập đoàn công nghệ cao của Việt Nam đều nhảy vào lãnh vực bán dẫn cùng với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan và Liên Âu. Trước đó, theo báo cáo từ Technavio, đến năm 2024, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam được dự báo vượt giá trị 6.16 tỷ USD.

THAM KHẢO

  1. Bài viết “Kỳ vọng Samsung sản xuất bán dẫn ở Việt Nam, giống như đã làm với công nghiệp điện tử” đăng trên mạng Đầu tư Online ngày 23/10/2020.
  2. Bài viết “Trong cơn suy thoái của thị trường toàn cầu, Việt Nam vươn lên vị trí thứ hai thế giới về smartphone” Thứ 3, 28/06/2022 | 15:10
  3. Liệu Mỹ có thể vượt Đài Loan về sản xuất chip điện tử?” đăng trên mạng Sputnik Vietnam ngày 14/4/2021.
  4. Bài viết “Những câu chuyện ít biết về TSMC – trung tâm của cuộc chạy đua công nghệ bán dẫn toàn cầu” đăng trên mạng ICT News ngày 13/10/2021.
  5. Bài viết “Cuộc chiến chip trên toàn cầu sẽ ngày càng trở nên tồi tệ: Mỹ, châu Âu muốn tự lực, Trung Quốc muốn vươn lên và châu Á không muốn bị lãng quên” đăng trên mạng GenK ngày 13/10/2021.
  6. Bài viết “Samsung Electronics trong cuộc đua về công nghệ chất bán dẫn” đăng trên mạng Vietnam Plus ngày 30/6/2022.
  7. Bài viết “Liên minh bán dẫn Mỹ – Nhật – Hàn – Đài: Cơn ác mộng với Trung Quốc? đăng trên mạng Vietnam Plus ngày 1/8/2022.
  8. Bài viết “Việt Nam thay chân Trung Quốc đón đầu tư chất bán dẫn Hàn Quốc và Mỹ” đăng trên mạng RFI ngày 29/8/2022.
  9. Đằng sau những con số nhà cung ứng, sản phẩm công nghệ của Apple tại Việt Nam” đăng trên mạng Kinh Tế Sài Gòn ngày 18/8/2022.
  10. Bài viết “Cỗ máy 150 triệu USD thống trị ngành bán dẫn toàn cầu” đăng trên mạng VNE ngày 22/11/2021.
  11. Bài viết “Hàn Quốc tìm sách lược giữ “bạn hàng” Trung Quốc, trấn an đồng minh Mỹ” đăng trên mạng RFI ngày 26/8/2022.
  12. Bài viết “Liên minh bán dẫn Mỹ – Nhật – Hàn – Đài: Cơn ác mộng với Trung Quốc?” đăng trên mạng RFI ngày 1/8/2022.
  13. Bài viết “Việt Nam và cơ hội tham gia chuỗi sản xuất chip bán dẫn toàn cầu” đăng trên mạng Vietnam.VN ngày 24/9/2022.
  14. Bài viết “FPT ‘trình làng’ chip Make in Vietnam, tham chiến thị trường 6.16 tỷ USD” đăng trên mạng Vietnam Finance ngày 28/9/2022.
  15. Bài viết “Ba tháng, 700 bước và hành trình để tạo ra chip vi mạch” đăng trên mạng Thông tin & Truyền thông ngày 30/9/2022.
  16. Bài viết “Lộ diện hình ảnh con Chip IoT Y tế đầu tiên “Made in Vietnam” của FPT” đăng trên mạng Cafef.VN ngày 1/11/2022.
  17. Bài viết “FPT, VinFast join global chip supply chain” by Nguyen Tuong September 27, 2022.
  18. Bài viết “Các ‘ông lớn’ công nghệ đổ hàng tỉ USD vào ngành chip ở Việt Nam” đăng trên mạng Tuổi Trẻ Online ngày 17/11/2022.
  19. Bài viết “TSMC công bố đầu tư 40 tỷ USD vào Mỹ, Washington thắng lớn trong cuộc cạnh tranh về chất bán dẫn” đăng trên mạng Tuổi Trẻ Online ngày 14/12/2022.
  20. Bài viết “Trung Quốc vẫn đứng bên rìa cuộc chiến bán dẫn toàn cầu” đăng trên mạng RFI ngày 15/12/2022.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *