Hành trình 25 năm của gạo ST25

122 (lượt xem) |

Trong những ngày cuối năm 2019, người dân Sóc Trăng vui mừng với việc hạt gạo ST 25 do nhóm nhà khoa học của tỉnh lai tạo, phát triển đã được công nhận là “Gạo ngon nhất thế giới 2019” tại Hội nghị Thương mại Gạo thế giới lần thứ 11 tại Manila (Philippines). Thành công hạt gạo Việt vươn đến đỉnh cao thế giới là sự hỗ trợ của chính phủ cùng sự miệt mài nghiên cứu lai tạo của các nhà khoa học. Tuy nhiên, đằng sau thành công ấy còn là một hành trình để giữ vững thương hiệu, bảo vệ nguồn giống lúa quý giá sau hơn 25 năm tìm tòi, lao động …

ST là tên viết tắt của chữ Sóc Trăng. Trước khi có giống lúa ST25 ra đời thì hàng chục năm trước, nông dân cả nước đã biết đến những giống lúa ST3, ST5, ST10, ST19, ST20 … Những dòng ST cứ thế nối tiếp nhau ra đời là một câu chuyện dài của kỹ sư Hồ Quang Cua, người con của quê hương Sóc Trăng cùng các cộng sự tích cực là tiến sỹ Trần Tấn Phương, thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Hương đã không quản ngày đêm miệt mài sáng tạo, lao động.

Theo ông Hồ Quang Cua, dòng lúa thơm ST đầu tiên ra đời từ sự tình cờ sau chuyến thăm đồng vào một buổi sáng mùa Đông năm 1996 khi đang ngắm nghía những hạt lúa no tròn trên thửa ruộng. Ông phát hiện có những cây lúa lạ, gốc màu tím, hạt thon dài rất đẹp. Lội ngay xuống ruộng, mân mê những bông lúa lạ, mắt ông sáng lên như người tìm được vật quý bởi đó là những cá thể đột biến đầu tiên.

American firms reportedly register Vietnam’s ST25 rice, once world’s best, for trademark protection in US

American firms reportedly register Vietnam’s ST25 rice, once world’s best, for trademark protection in US – Thursday, April 22, 2021

Từ đây, một công trình lai tạo, nhân giống với hàng loạt giống lúa thơm mang tên ST được ra đời. Từ sự phát hiện tình cờ ấy, trên 1,000 cá thể đột biến đầu tiên được ông Cua thu thập và sau đó tiến hành trồng thử nghiệm rồi cho lai tạo theo nhiều cách khác nhau để chọn những cá thể vượt trội nhất đưa vào sản xuất. Công việc lai tạo không hề đơn giản vì thiếu nhiều trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ, nhất là tiêu chuẩn về giống lúa thơm của Việt Nam lúc này vẫn chưa có.

Ông cho biết: “Lúc mới bước vào lai tạo, thiếu nhiều thứ lắm, nhưng cái gì tự chế được thì mình chế, cái gì chưa có thì “mượn tạm” của người khác. Trong tạo giống lúa, nếu thiếu các tiêu chí về giống cũng như người đi biển thiếu la bàn. Bởi vậy chúng tôi “mượn tạm” tiêu chí lúa thơm BE. 2541 của Thái Lan để thực hiện”. Sau này, một cộng sự của ông Cua là tiến sỹ Trần Tấn Phương (nay là Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Sóc Trăng) phát minh ra phương pháp đánh giá mùi thơm rất nhanh chóng và hiệu quả. Thông qua tiêu chí mùi thơm, ông Cua cùng các cộng sự loại được những giống lúa không đạt chuẩn nhanh hơn, thuận lợi cho lai tạo giống lúa thơm những dòng tiếp theo.

Cánh đồng ST25 tại Sóc Trăng

Gạo thơm ST25 được nghiên cứu lai tạo từ năm 2008. Đến năm 2016, ST25 bắt đầu nổi tiếng và được bình chọn là gạo đạt chuẩn hạt dài, trắng trong, không bạc bụng, khi nấu cơm dẻo thơm, khi để nguội cơm vẫn ngon, không bị cứng. Đặc biệt, do có hàm lượng đạm cao nên loại gạo này phù hợp với người mắc bệnh đái tháo đường, cả người già và trẻ em.

Việc được vinh danh đứng đầu thế giới đã khẳng định vị thế chất lượng gạo Việt Nam không thua kém gì các nước khác. Thậm chí có nhiều ưu điểm hơn như: năng suất cao hơn, chống chịu với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, canh tác được nhiều vụ trong năm. Gạo ST25 đã “đóng dấu” được tên tuổi của mình trong lòng các nhà khoa học, nhà nhập khẩu và các đầu bếp nổi tiếng thế giới, nhưng để trở thành một thương hiệu gạo Việt Nam mạnh trên thị trường thế giới vẫn còn nhiều việc phải làm…

Bảo vệ thương hiệu gạo ST24 và ST25: Quản lý thị trường vào cuộc | Thị  trường | Vietnam+ (VietnamPlus)

Gạo ST 25 có hạt gạo dài, trắng trong

Giống lúa thơm ST25 đưa ra thế giới: Những giống lúa thơm ST được lai tạo cho năng suất cao, có tính chống chịu ngoại cảnh khá tốt so với những giống lúa đang trồng phổ biến. Đặc biệt, lúa thích hợp với vùng đất lúa – tôm như cứng cây, thẳng, kháng bệnh, không cần bón phân nhiều, năng suất cao có thể đạt 6 tấn/ha, giá bán cao, chịu mặn, thích nghi tốt với biến đổi khí hậu … Tuy là giống lúa thơm, nhưng giống ST24, ST25 lại khá ngắn ngày, trung bình 95 -100 ngày, trong khi lúa thơm Thái là dạng lúa mùa dài ngày hơn mà năng suất chỉ đạt trung bình 1.7 tấn/ha. Nên canh tác một năm hai vụ, sản lượng lúa thơm ST của Việt Nam trên cùng một đơn vị diện tích có thể cao hơn gấp 5 đến 6 lần giống lúa thơm các nước.

Cũng cần nói thêm, lúa – tôm là mô hình sản xuất “thuận thiên” mang lại hiệu quả bền vững. Mùa nắng, sau khi thu hoạch lúa xong, nông dân cho nước mặn vào pha với nước ngọt còn lại để nuôi tôm sú, nuôi cua, nuôi cá … Khi đến mùa mưa, độ mặn giảm, nông dân cải tạo đất, trồng lúa kết hợp thả nuôi tôm càng xanh. Thực hiện hình thức canh tác này, mỗi ha cho năng suất tôm nuôi từ 400 – 500kg, lúa từ 5.5 – 6 tấn, mang lại lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ha.

Ngoài việc khảo nghiệm, đưa ra nhân rộng, được nông dân chấp nhận, thị trường ưa chuộng, kỹ sư Hồ Quang Cua còn thường xuyên đem hạt gạo ST tham gia những cuộc thi “Gạo ngon,” “Cơm nào ngon hơn,” “Cơm ngon thương hiệu Việt” … tại các cuộc triển lãm, hội chợ trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá cho lúa thơm ST và những giống lúa ST như: ST19, ST24.

Trong xu hướng nâng cao chất lượng gạo đặc sản Sóc Trăng để xây dựng thương hiệu, nhóm nghiên cứu đã lập trình những tổ hợp lai gồm nhiều đời bố mẹ có gene thơm, tạo ra những phẩm chất rất đặc biệt, xen lẫn mùi thơm dứa nên người tiêu dùng sẽ cảm nhận được hương vị khác của lúa thơm Sóc Trăng.

Trở thành loại gạo ngon nhất thế giới: Hai năm trước, gạo ST24 của Sóc Trăng lọt vào Top 3 “Gạo ngon nhất thế giới” tại Hội nghị quốc tế lần thứ 9 về thương mại gạo tổ chức tại Macau (Trung Quốc). Tại Hội nghị Thương mại Gạo thế giới lần thứ 11 tại Manila diễn ra từ ngày 10-13/11/2019, Hiệp hội Lương thực Việt Nam chọn 2 loại gạo ST24 và ST25 của ông Cua và các cộng sự tham dự. Theo ông Cua, ngoài việc nộp 2 túi gạo, mỗi túi 2 kg kèm bảng mô tả 200 chữ, ông còn ghi tỉ lệ nước, gạo bao nhiêu là phù hợp để nấu cơm ngon. Ban giám khảo là những đầu bếp chuyên nghiệp, đẳng cấp trên thế giới. Ngoài yếu tố chất lượng, Ban giám khảo còn cho điểm hình thức.

Cúp gạo ngon nhất thế giới 2019

Cúp gạo ngon nhất thế giới 2019

Kết quả là cả 2 loại gạo ST 24 và ST 25 đều lọt vào tốp đầu thế giới, nhưng Ban giám khảo chọn ST25 để trao giải nhất. “Thành tích này là của tập thể; trong đó, vai trò của tiến sỹ Phương và thạc sỹ Hương là rất quan trọng” – “cha đẻ” của những dòng lúa ST và giống lúa ST25 khiêm tốn cho biết.

DIỆN TÍCH TRỒNG ST25 TẠI VIỆT NAM

Đến nay, những giống lúa này đã được sản xuất rộng rãi trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số địa phương khác trong cả nước. Lúa được sản xuất theo quy trình sạch và chế biến gạo theo dây chuyền hiện đại, công nghệ của Thụy Sĩ, với mục tiêu “3 không” là không hàm lượng cadimi, aflatoxin; không dư lượng thuốc trừ sâu, diệt cỏ và không dùng hóa chất tạo mùi. Việc được công nhận là giống lúa/gạo ngon nhất thế giới, ST 25 đã tạo sức hút mạnh mẽ trên thị trường trong nước với nhiều mức giá, phổ biến ở mức từ 20,000 – 28,000 đồng/kg (.83 -1.17 USD) nhưng cũng không có để bán. Đến thời điểm này cơn sốt gạo ST25 vẫn chưa hạ nhiệt, thậm chí nhiều người còn tìm mua loại gạo này làm quà Tết khiến cho gạo ST 25 trở nên sốt hàng và xuất hiện loại gạo ‘nhái’ ST25. Hiện người tiêu dùng tại TP.HCM đang rất hoang mang và khó phân biệt gạo ST25 thật hay giả. Bởi chỉ cần ra chợ truyền thống hoặc tìm mua gạo ST25 trên các trên mạng Internet đều thấy rao bán gạo ST 25 với nhiều loại bao bì và giá khác nhau. Có một số trang web còn đẩy giá gạo ST 25 lên mức từ 35,000 – 45,000 đồng/kg, cao hơn gạo ST25 chính thống từ 8,000 – 20,000 đồng/kg.

Ở Sóc Trăng, vùng trồng lúa thơm đặc sản ST vụ đông xuân 2021 – 2022 thu hoạch sớm né hạn – mặn cuối vụ trước Tết Nhâm Dần. Vào thời điểm gạo Tết bán chạy hàng nên giá lúa ST25 cao đỉnh điểm 7,400 – 7,800 đồng/kg, cao hơn 1,000 đồng kg so với một vài giống lúa thơm chất lượng cao khác. Trong khi lúa Đài Thơm 8 cùng lúc thu hoạch có giá 6.500 đồng/kg. Lúa ST25 thu hoạch sớm trước Tết đạt năng suất bình quân 5.5 – 6 tấn/ha. Trong nhóm các giống lúa thơm đặc sản của tỉnh Sóc Trăng trong vụ đông xuân 2021 – 2022, các giống ST24, ST25 chiếm trên 25% diện tích. Riêng vùng lúa – tôm duy trì sản xuất  ổn định 6,000 – 7,000 ha/vụ. Theo Sở NN-PTNT Sóc Trăng, năm 2021 tỉnh Sóc Trăng có diện tích gieo trồng lúa trên 327,000 ha, sản lượng trên 2 triệu tấn. Trong đó sản lượng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao 1.53 triệu tấn, chiếm 74.3% tổng sản lượng. Riêng lúa đặc sản, lúa thơm các loại trên 1.1 triệu tấn. Trong năm có trên 130 lượt doanh nghiệp và thương lái tham gia liên kết tiêu thụ trên 61,900 ha, tăng hơn 25,100 ha so cùng kỳ.

Hiện nay, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có khoảng 10 nghìn ha lúa ST25 được gieo trồng. ST25 là giống lúa thơm có chất lượng cao, thích hợp cho vùng ÐBSCL, nhất là các vùng lúa tôm, vùng đất hơi lợ. Qua đánh giá, lúa này nếu trồng ở ÐBSCL có năng suất từ 4 đến 5 tấn/ha, cá biệt một số nơi đạt năng suất 6 tấn/ha. Hiện nay, gạo ST25 được thị trường ưa chuộng và bán được giá khá cao so với các loại gạo khác, do vậy việc gieo trồng giống này ở vùng ÐBSCL được đánh giá là hiệu quả.

Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho rằng, “thời gian qua (nhất là sau khi giống lúa ST25 đoạt giải nhất tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới 2019) đã có hiện tượng ở miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Hồng đưa giống lúa này vào sản xuất thử nghiệm trong phạm vi của đơn vị, doanh nghiệp. Tình trạng này là chưa phù hợp quy định của Luật Trồng trọt, vì giống ST25 chưa được tiến hành khảo nghiệm và cấp quyết định lưu hành tại các vùng khác ngoài khu vực ÐBSCL. Do vậy, việc một số cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp tự đưa giống lúa ST25 ra trồng thử tại một số vùng khác (ngoài vùng ÐBSCL) ở ruộng của gia đình, doanh nghiệp thì nguy cơ có thể xảy ra rủi ro. Mặt khác, nếu kinh doanh buôn bán giống khi chưa được thực hiện khảo nghiệm và cấp quyết định lưu hành là trái với Luật Trồng trọt.

Cũng theo ông Nguyễn Như Cường, nếu đơn vị, doanh nghiệp có chiến lược muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, phân phối giống ST25 ra ngoài vùng ÐBSCL thì phải được sự đồng ý của tác giả giống và cần tiến hành quá trình đánh giá, khảo nghiệm tại các vùng khác, ngoài vùng ÐBSCL. Trên cơ sở những kết quả khảo nghiệm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về giá trị canh tác, giá trị sử dụng, Cục Trồng trọt cấp quyết định công nhận lưu hành tại các vùng đó. Như vậy, nếu giống ST25 muốn được cấp quyết định lưu hành, trồng, sản xuất, kinh doanh ở các vùng khác ngoài vùng ÐBSCL thì phải tiến hành khảo nghiệm, đến khi có kết quả khảo nghiệm thì sẽ được cấp quyết định lưu hành.

ST25 trồng đại trà tại các địa phương khác:

Bắt đầu từ 2020, tại nhiều địa phương miền Bắc, doanh nghiệp đã đưa giống lúa này trồng thử nghiệm. Trong đó, vụ đông xuân 2020 – 2021, Hội Nông dân huyện Ðan Phượng (Hà Nội) phối hợp một số doanh nghiệp trồng khảo nghiệm giống lúa ST25 tại xã Thọ An với diện tích 1,800 m². Kết quả bước đầu cho thấy, lúa có tỷ lệ nảy mầm cao, chịu rét và sinh trưởng, phát triển tốt. Tương tự như tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình), sau ba vụ trồng thử nghiệm đến nay trên địa bàn đã có hơn 50 ha trồng lúa ST25.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, ST25 là giống phù hợp điều kiện thổ nhưỡng nơi đây, khả năng chống chịu sâu bệnh khá. Tỉnh Thái Bình cũng trồng khảo nghiệm lúa ST25 được hai vụ. Sau hai vụ khảo nghiệm năng suất lúa đạt từ 50 đến 60 tạ/ha. Lúa ST25 được trồng ở đây có hạt thon dài, mầu vàng sáng, gạo trắng trong, cơm mềm dẻo, thơm ngon. Cũng tại huyện Ðầm Hà (Quảng Ninh) vụ đông xuân 2020 – 2021, triển khai trồng khảo nghiệm 1 ha lúa ST25 ở xã Tân Bình. Qua đánh giá, lúa cho năng suất, chất lượng cao ổn định, thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương …

Với mục tiêu giúp nông dân nắm bắt, tiếp cận thành tựu khoa học – kỹ thuật, thâm canh các giống lúa mới chất lượng cao, vụ mùa năm 2021 Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Nông Cống – Thanh Hóa đã triển khai mô hình thí điểm sản xuất giống lúa mới ST25. Đây là giống lúa thuần có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, thích ứng rộng, thời gian sinh trưởng 115 ngày, trồng được 2 vụ trong năm. Đặc biệt, ST25 là 1 trong 3 loại gạo ngon nhất thế giới. Năm 2021, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Trung Chính trồng thử nghiệm với diện tích 5 ha.

Hiệu quả bước đầu của giống lúa ST25 tại huyện Nông Cống

ST25 tại Nông Cống – Thanh Hóa

Sau thời gian triển khai mô hình trong vụ mùa 2021, giống lúa ST25 sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ nảy mầm đạt trên 95%, chiều cao cây 100 – 105 cm; cây gọn, thân cứng, chống đổ ngã, đẻ nhánh khoẻ, tỷ lệ bông hữu hiệu và hạt chắc cao; hạt gạo thon dài, trắng, cơm dẻo, mềm, thơm ngon.

Giống lúa ST25 có khả năng kháng bệnh đạo ôn tốt cũng như chịu sự tác động của thời tiết ở địa phương. Trong quá trình canh tác, mô hình sử dụng hoàn toàn chế phẩm vi sinh, không dùng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, tuy năng suất không cao như canh tác trên diện tích gieo cấy lúa thông thường, nhưng sản phẩm lúa gạo thu được có chất lượng và giá trị cao hơn.

Trong vụ trồng thử nghiệm này, năng suất trung bình lúa ST25 đạt 7 tấn/ha. Giá thu được ký hợp đồng liên kết là hơn 12,000 đồng/kg, hiệu quả hơn so với diện tích cấy các giống lúa thuần cũ. Qua đó cho thấy giống lúa ST 25 hiệu quả kinh tế hơn so với các giống lúa thuần cũ hơn 10 triệu đồng/ha. Sau khi thành công từ mô hình thí điểm canh tác 5 ha giống lúa ST25, vụ đông xuân 2022 HTX Dịch vụ nông nghiệp Trung Chính đã nhân rộng mô hình lên 15 ha. Việc thí điểm giống lúa mới ST25 thành công sẽ góp phần thay thế một số giống lúa địa phương có năng suất và chất lượng thấp, khả năng chống chịu sâu bệnh kém và hiệu quả kinh tế không cao.

Từ thành công của mô hình thí điểm giống lúa ST25, một số địa phương trên địa bàn huyện Nông Cống sẽ nhân rộng trong các vụ mùa tới.

Gạo ST25 và đăng ký bảo hộ thương hiệu: Việc bảo hộ giống lúa ST25, thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ, giống lúa có tên ST25 đã được cấp Bằng bảo hộ số 21.VN.2020 theo Quyết định số 45/QĐ-TT-VPBH ngày 06/03/2020 của Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Chủ bằng bảo hộ là Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí và tác giả giống lúa là các ông/bà: Hồ Quang Cua, Trần Tấn Phương, Nguyễn Thị Thu Hương. Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, ST25 không thể được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền tại Việt Nam cũng như Hoa Kỳ cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Trên trang USPTO đã hiển thị việc doanh nghiệp Hồ Quang Trí đã làm thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25 – Ảnh chụp màn hình.

Về việc bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm gạo nói chung và gạo ST25 nói riêng, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, gạo là sản phẩm chế biến từ sản phẩm sau thu hoạch (thóc) từ cây lúa. Trong trường hợp Công ty Hồ Quang Trí bán giống lúa ST25 cho nông dân trồng, thì sau khi thu hoạch lúa, xay xát ra gạo thương phẩm đều phải sử dụng tên là “gạo ST25”. Các doanh nghiệp thu mua thóc là sản phẩm thu hoạch từ lúa được gieo trồng từ hạt lúa giống ST25 để xay xát và sau đó bán gạo ra thị trường thì cũng đều phải gọi đó là gạo ST25. Điều đó có nghĩa ST25 là tên của loại gạo – là sản phẩm chế biến từ thóc thu hoạch được từ giống lúa ST25.

ST25 là tên gọi chung của một loại sản phẩm nên bất kỳ ai kinh doanh sản phẩm (gạo) cũng đều phải sử dụng đúng tên gọi đó. Điểm b, khoản 2 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định tên gọi thông thường của hàng hóa bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến sẽ bị coi là không có khả năng phân biệt và không được đăng ký làm nhãn hiệu. Điều đó có nghĩa là trong trường hợp cụ thể này, bất kỳ ai (kể cả Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí) cũng không thể được bảo hộ độc quyền dấu hiệu ST25 cho sản phẩm gạo.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đặc cách giống lúa thơm ST 25: Năm 2010, Sở đã đăng ký nhãn hiệu gạo thơm ST cho 2 nhóm sản phẩm và hiện nay nhãn hiệu gạo thơm đã được giao cho doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí sử dụng theo quy định. Những năm gần đây, giống lúa ST ngày càng được nông dân nhân rộng; trong đó giống ST25 hàng năm được gieo cấy hơn 10,000 ha. Với thương hiệu được vinh danh lần này, sắp tới tỉnh sẽ quy hoạch vùng trồng lúa ST, chú trọng nhân rộng mô hình lúa hữu cơ ST24, ST25 ở các địa phương có ưu thế như ở địa bàn thị xã Ngã Năm, huyện Thạnh Trị và vùng tôm – lúa huyện Mỹ Xuyên. Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ sản xuất và xúc tiến thương mại đối với gạo ST24, ST25 để đưa gạo thơm Sóc Trăng ngày càng vươn xa. Một tin vui với nhóm tác giả lai tạo giống ST 25 và người nông dân Sóc Trăng là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã ký Quyết định số 5052/QĐ-BNN-TT công nhận đặc cách giống lúa thơm ST25 do nhóm tác giả kỹ sư Hồ Quang Cua, tiến sỹ Trần Tấn Phương và Thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Hương nghiên cứu, chọn tạo.

Mục tiêu cuối cùng là nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam: ST 25 đạt giải nhất trở thành gạo ngon nhất thế giới mới chỉ là bước khởi đầu cho chiến lược dài hơi là nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Do đó, chuyện của hạt gạo ST bây giờ không còn là của riêng nhóm nghiên cứu, hay của tỉnh Sóc Trăng, mà là câu chuyện của cả ngành lúa gạo Việt Nam, nếu muốn hạt gạo ST nói riêng đi xa hơn, được người tiêu dùng chấp nhận, có giá trị cao trên thị trường xuất khẩu lúa gạo thế giới.

Lúa ST25 vào mùa thu hoạch

Cơ hội vươn tầm thế giới: Trong chuyến làm việc tại Sóc Trăng mới đây, ghi nhận thành tích của nhóm lai tạo giống lúa ST25, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã tặng Bằng khen cho kỹ sư Hồ Quang Cua và các cộng sự. Bộ trưởng cũng hoan nghênh Sóc Trăng đã biến nguy cơ biến đổi khí hậu thành cơ hội. Theo Bộ trưởng, mô hình lúa – tôm Sóc Trăng đang triển khai là mô hình bền vững và hiệu quả nên tỉnh cần tập trung xây dựng thương hiệu lúa thơm Sóc Trăng, sớm hoàn thiện lại Đề án lúa đặc sản; trong đó xác định vùng chuyên sản xuất hai giống lúa ST24 và ST25.

Sóc Trăng cần coi mô hình tôm – lúa là sản phẩm chuyên biệt của địa phương. Xây dựng thương hiệu tôm, thương hiệu gạo (sản phẩm kép) từ mô hình tôm – lúa … Sự kiện giống lúa ST 25 đạt giải “gạo ngon nhất thế giới” là niềm tự hào của gạo Việt, là điều kiện, mở ra một cơ hội rất lớn cho gạo chất lượng cao của Việt Nam nói chung và của tỉnh Sóc Trăng nói riêng vươn tầm thế giới.

Giống lúa ST 25 cần được phát triển, nhân rộng: Sóc Trăng xác định giống lúa ST25 cần được phát triển, nhân rộng ở tất cả các vùng có đủ điều kiện trồng, không riêng ở Sóc Trăng. Đồng thời, gạo ST25 cần được mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Trước mắt, tỉnh chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường tăng cường chống gian lận thương mại; sớm quy hoạch vùng trồng, vùng sản xuất giống, vùng sản xuất lúa gạo thương phẩm… Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm, năm 2019, diện tích sản xuất lúa đặc sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đạt 177,000 ha, sản lượng lúa đặc sản ước đạt trên 1 triệu tấn, tăng trên 20% so với mục tiêu của Đề án phát triển sản xuất lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2012 – 2020.

GẠO ST25 XÂM NHẬP THỊ TRƯỜNG NGOẠI QUỐC

Trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo ST25 của Việt Nam tiếp tục có bước tăng trưởng đột phá với khối lượng lên đến gần 5,200 tấn, giá trị thu về 5.1 triệu USD, tăng mạnh 82,8% về lượng và tăng gấp đôi về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, chỉ sau 5 tháng đầu năm xuất khẩu gạo ST25 đã gần bằng cả năm ngoái. Không chỉ tăng về khối lượng, giá xuất khẩu gạo ST25 cũng đang ở mức rất cao. Bình quân 5 tháng đầu năm nay đạt 1,064 USD/tấn, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước và gấp đôi so với giá xuất khẩu gạo trắng thông thường.

Đặc biệt, gạo ST25 của Việt Nam hiện lọt Top đầu về giá bán của thế giới, cao hơn mức giá xuất khẩu trung bình 983 USD/tấn của gạo Basmati của Ấn Độ và chỉ thấp hơn mức giá 1,083 USD/tấn của gạo Thái Hom Mali.

Giá xuất khẩu bình quân gạo ST25 của Việt Nam so với Thái Lan và Ấn Độ (USD/tấn)

  Basmati Ấn Độ Thai Hommali ST25 Việt Nam
5 tháng năm 2021 853 1,230 942
5 tháng năm 2022 983 1,083 1,064

Hiện nay, mặc dù gạo ST25 mới chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, khoảng 0.4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam nhưng với chất lượng và thương hiệu đã được công nhận, đây sẽ là sản phẩm chủ lực để hạt gạo Việt thâm nhập vào phân khúc thị trường cao cấp trên thế giới.  

Chinh phục nhiều thị trường khó tính: Dù mới được đưa vào xuất khẩu trong vài năm trở lại đây nhưng gạo ST25 của Việt Nam đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia, Canada … Trong 4 tháng đầu năm 2022, tổng khối lượng gạo ST24 đã xuất khẩu đi các thị trường đạt 12,700 tấn, tăng 513.2% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn với gạo ST25, 4 tháng đầu năm đã xuất khẩu được 2,300 tấn, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ xuất khẩu đạt 5 tấn và tăng gần gấp đôi so với cả năm 2020 (1,200 tấn). Có đến 98% lượng gạo ST25 được xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong 5 tháng đầu năm nay.

  • Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất với 3,370 tấn trong 5 tháng/2022, tăng 36.1% so với cùng kỳ và chiếm hơn 70% tỷ trọng. Những năm gần đây nhu cầu đối với gạo đặc sản tại Mỹ ở mức cao do dân số người Mỹ gốc châu Á đang tăng nhanh. Gạo ST25 hiện được niêm yết với giá gần 30 USD cho 1 bao hơn 11 kg. 
  • Đáng chú ý, xuất khẩu gạo ST25 sang Đức tăng tới 45 lần so với cùng kỳ, đạt 875 tấn. Qua đó đưa thị trường này lên vị trí thứ hai về tiêu thụ gạo ST25 của Việt Nam với tỷ trọng chiếm 19%.
  • Tương tự, xuất khẩu gạo ST25 tới Australia tăng 10 lần, đạt 187 tấn.
  • Sang Canada tăng gấp 3 lần, lên mức 64 tấn …
  • Bên cạnh đó, một số thị trường mới mà gạo ST25 đã đặt chân đến như: Nhật Bản (100 tấn), Singapore (28 tấn) …

Thị trường Nhật Bản: Đúng ngày 2/9/2022, những cán bộ của Văn phòng Nội các Nhật Bản vui vẻ thưởng thức món cơm chiên được chế biến từ cơm nấu từ gạo ST25 – “gạo ngon nhất thế giới” đến từ Việt Nam. Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Tạ Đức Minh, tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết đây là thành quả trong suốt 1 năm, các doanh nghiệp cũng như các cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại Nhật Bản nỗ lực tìm đường và hoàn thiện sản phẩm theo yêu cầu của đối tác.

Thành công từ câu chuyện quả vải khi tiếp cận thị trường thông qua cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, đã dùng đặc sản Việt Nam trở thành “món quà” làm đầu câu chuyện. Hạt gạo cũng vào thị trường Nhật Bản bằng sự dung dị, gần gũi như thế.

“Chúng tôi làm theo cách tiếp cận của người Nhật, đưa sản phẩm tới những người bạn, những đơn vị có tầm ảnh hưởng trong xã hội. Quả vải tươi được tặng cho những người bạn Nhật Bản và khi trải nghiệm sản phẩm có chất lượng, những người bạn ấy sẽ giúp quảng bá sản phẩm cho chúng ta” – ông Minh chia sẻ. Hạt gạo thì có chặng đường gian nan hơn nhiều bởi tại Nhật Bản, gạo được nhập khẩu qua hình thức đấu thầu chính phủ. Gạo Việt Nam lại từng bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép nên không được các công ty Nhật đưa vào danh sách tham gia đấu thầu nữa. Vì vậy, gạo Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nhật từ đó đến nay chủ yếu qua đường phi mậu dịch với số lượng không đáng kể và chủ yếu dùng làm chế biến thực phẩm như bánh, làm tương miso…

Do gạo là mặt hàng nhạy cảm mà Nhật Bản muốn bảo hộ và đưa ra khỏi danh sách đàm phán cắt giảm thuế quan trong các FTA, nên gạo Việt Nam muốn xuất sang Nhật không được hưởng ưu đãi đặc biệt nào. Bởi vậy, khi ST25 vào thị trường gạo của Nhật Bản, với thương hiệu riêng, rồi phục vụ trong Văn phòng Nội các Nhật Bản, là một hành trình rất gian nan nhưng theo ông Minh là đáng tự hào.

Cũng theo ông Tạ Đức Minh, để gạo ST25 vào được thị trường, phân phối trực tiếp qua các kênh bán lẻ, sử dụng làm nguyên liệu trong các cơ quan, đơn vị tại Nhậ … phải vượt qua được 600 tiêu chí kỹ thuật, kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm. Đến tháng 6/2022, Tập đoàn Tân Long mới chính thức công bố việc xuất khẩu thành công lô gạo ST25 có thương hiệu gạo A An vào Nhật Bản. Ngay sau đó, ST25 được Công ty Nikkokutrust – một doanh nghiệp chuyên cung cấp suất ăn cho các trường học, bệnh viện, cơ quan công sở tại Nhật – sử dụng vào thực đơn chế biến món ăn. Với chất lượng hạt gạo có độ dẻo thơm và vị đậm ngọt tự nhiên, cơm được nấu từ gạo ST25 nhanh chóng được chế biến và kết hợp nhiều món phù hợp với văn hóa ẩm thực của người Nhật. Nhờ vậy, “bữa trưa đặc biệt” với hạt gạo ST25 của Việt Nam được các cán bộ của Văn phòng Nội các Nhật Bản đón nhận trong sự hồ hởi, vui vẻ.

Ông Minh nói danh tiếng “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019” đã giúp ST25 trở nên nổi tiếng hơn, nhưng để vào được thị trường thì phải minh chứng được chất lượng và giữ vững được vị thế. Bởi vậy, quan điểm trong phát triển thương hiệu gạo ST25 ở thị trường Nhật là sẽ “đi chậm mà chắc”, chỉ duy trì một đơn vị uy tín để phân phối sản phẩm là Công ty Spice House.

Văn phòng Nội các Nhật Bản dùng gạo ST25 cho 'bữa trưa đặc biệt' ngày 2.9 -  YouTube

Buổi ăn trưa tại văn phòng nội các Nhật với gạo Việt ST25

Thị trường Hoa Kỳ: Ở Hoa Kỳ, tiềm năng về gạo rất lớn. Theo thống kê của Mỹ, có hơn 20 triệu người châu Á và trên 100 triệu người gốc Hispanic (người Mexico, Nam Mỹ), họ ăn gạo rất nhiều”, ông Tony Trần, đại diện Công ty Great Wealth, Mỹ, cho biết. Nhận thức được nhu cầu của thị trường với các sản phẩm gạo chất lượng cao, Công ty Great Wealth là doanh nghiệp đầu tiên nhập khẩu chính ngạch gạo ST25 của Việt Nam để phân phối tại Mỹ. Hiện nay, mỗi tháng doanh nghiệp này đang nhập khẩu khoảng 1,000 tấn gạo ST25 từ trong nước. Quá trình chế biến cũng như đóng gói bao bì đều được thực hiện hoàn toàn ở Việt Nam.

Gạo ST25 đứng vững tại thị trường Mỹ - Ảnh 1.

Gạo ST25 của công ty Great Wealth tại Mỹ

Thị trường Úc: Chiều ngày 8/9, ông Hồ Quang Cua “cha đẻ” gạo ST25, cho biết, trước đó Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí cũng đã xuất khẩu 2 container Gạo Ông Cua ST25 vào Úc và nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng.

Thị trường Anh Quốc: Theo ông Nam, Gạo Ông Cua ST25 tiến vào thị trường Anh là một minh chứng cho việc khẳng định chất lượng và vị thế gạo Việt Nam trên thương trường thế giới. Đặc biệt, sau khi Hiệp định thương mại tự do Anh – Việt (UKVFTA) chính thức có hiệu lực vào tháng 5/2021 là động lực thúc đẩy tăng trưởng thương mại nhanh chóng giữa hai thị trường.

Thị trường Pháp Quốc: Gạo Việt Nam của tập đoàn Lộc Trời mang thương hiệu “Cơm Vietnam Rice” đã chính thức lên kệ 2 hệ thống siêu thị với hơn 800 đại siêu thị trên toàn nước Pháp.

Gạo Việt Nam lần đầu tiên lên kệ siêu thị E. Leclerc tại Pháp với sự hiện diện của ông Philipp Roesler, nguyên Phó Thủ tướng Đức 

KẾT LUẬN

Thông tin gạo ST25 bị một số doanh nghiệp tại Mỹ nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ đang gây xôn xao trên dư luận. Dù còn nhiều tranh cãi chung quanh việc liệu doanh nghiệp này (DN) có được phép đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền cho gạo ST25 hay không, song câu chuyện này đang tiếp tục gióng lên một hồi chuông cảnh báo về những bất cập trong xây dựng thương hiệu nông sản tại Việt Nam.

Đối với các DN, cần quan tâm đến một số giải pháp gồm nâng cao nhận thức về xây dựng và phát triển thương hiệu cho nông sản xuất khẩu. Đồng thời, đầu tư cho máy móc, trang thiết bị hiện đại kết hợp với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thêm giá trị cho hàng nông sản. Ngoài ra, đầu tư cho nghiên cứu thị trường nhằm tạo ra sản phẩm phù hợp. Xây dựng các quy chuẩn cho sản phẩm nhằm bảo đảm về tính minh bạch của quy trình sản xuất, từ đó tạo tấm “giấy thông hành” cần thiết cho hàng nông sản. Tiếp theo, chủ động quảng bá thương hiệu nông sản của DN ra thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, với các thương hiệu mới khi xâm nhập bất cứ một thị trường nào cũng đều gặp phải rất nhiều khó khăn. Do đó, các thương hiệu mới có thể liên kết với các thương hiệu đã có tên tuổi nhằm tận dụng sự hỗ trợ về vốn, công nghệ, kỹ thuật để thâm nhập và nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của mình.

Về phía cơ quan chức năng, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho biết: “Bộ Công thương không thể hỗ trợ trực tiếp nhưng có thể tư vấn, đồng hành cùng nhà sản xuất đăng ký nhãn hiệu và bảo vệ thương hiệu không chỉ cho gạo ST25 mà cho cả các thương hiệu sản phẩm khác của Việt Nam”.

THAM KHẢO

  1. Bài viết “Hành trình ST25 trở trành ‘gạo ngon nhất thế giới” đăng trên mạng zing News ngày 11/5/2021.
  2. Bài viết “Hành trình Gạo Ông Cua ST25 đi Nhật, Anh” đăng trên mạng Lao Động ngày 9/9/2022.
  3. Bài viết “Gạo ST25 và bài học xây dựng, bảo vệ thương hiệu” đăng trên mạng Nhân Dân ngày 24/4/2021.
  4. Bài viết “Giống lúa ST25 kỹ thuật canh tác & phòng trừ sâu bệnh” đăng trên mạng Nhân Dân ngày 22/6/2022.
  5. Bài viết “Gạo ST25 đứng vững tại thị trường Mỹ” đăng trên mạng VTV News ngày 22/5/2021.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *