Sầu riêng Việt Nam

195 (lượt xem) |

TỔNG QUÁT

Chi Sầu riêng (tiếng Anh: Durian) là một chi thực vật thuộc họ Cẩm quỳ (Malvaceae), mặc dù một số nhà phân loại học đặt Durio vào một họ riêng biệt, Durionaceae, được biết đến rộng rãi tại Đông Nam Á. Sầu riêng là một cây Graviola có nguồn gốc nhiệt đới. Trong WordWeb, một từ điển máy tính, đã cho ra ý nghĩa: “Trái cây khổng lồ có nguồn gốc từ Đông Nam Á” có “mùi như Địa ngục và nếm như Thiên đường” (Smells like Hell and Tastes like Heaven).

Cây sầu riêng

Quả sầu riêng được nhiều người ở Đông Nam Á xem như là “vua của các loại trái cây”. Nó có đặc điểm là kích thước lớn, mùi mạnh, và nhiều gai nhọn bao quanh vỏ. Quả có thể đạt 30 cm (12 in) chiều dài và 15 cm (6 in) đường kính, thường nặng một đến ba kg (2 đến 7 lbs). Tùy thuộc vào từng loài mà quả có hình dáng từ thuôn đến tròn, màu vỏ từ xanh lục đến nâu, màu thịt quả từ vàng nhạt đến đỏ.

Thịt quả có thể ăn được và tỏa ra một mùi đặc trưng, nặng và nồng, ngay cả khi vỏ quả còn nguyên. Một số người thấy sầu riêng có một mùi thơm ngọt ngào dễ chịu, nhưng một số khác lại không chịu nổi và khó chịu với cái mùi này. Mùi hương của sầu riêng tạo nên những phản ứng từ mê mẫn cho đến kinh tởm mãnh liệt, và được mô tả như mùi hành tây thối, nhựa thông hoặc nước cống. Do mùi của sầu riêng ám rất lâu cho nên nó bị cấm mang vào một số khách sạn và phương tiện giao thông công cộng ở Đông Nam Á.

Sầu riêng có nguồn gốc từ Đông Nam Á, được thế giới phương Tây biết đến khoảng 600 năm. Vào thế kỷ XIX, nhà tự nhiên học người Anh Alfred Russel Wallace đã mô tả thịt của nó như là “một món trứng sữa nồng hương vị hảo hạng hạnh nhân”. Có thể ăn thịt quả ở các độ chín khác nhau, và được sử dụng để tạo hương vị cho nhiều loại món ngọt và món mặn trong ẩm thực Đông Nam Á. Hạt của sầu riêng cũng có thể ăn được sau khi nấu chín. Có 30 loài Durio được xác định, ít nhất 9 loài trong số đó có quả ăn được. Durio zibethinus là loài duy nhất có mặt trên thị trường quốc tế: các loài khác được bán tại các khu vực địa phương của chúng. Có hàng trăm giống sầu riêng; nhiều khách hàng chỉ thích những giống nhất định được bán giá cao trên thị trường. Ở Việt Nam, sầu riêng là một trong những loại quả có giá trị kinh tế hơn hẳn so với nhiều loại cây ăn quả khác. Cây sầu riêng trên 10 năm tuổi có thể cho sản lượng khoảng 60 – 80 quả/năm. Thông thường, mỗi cây sầu riêng Ri6 có khoảng 150 trái/năm, đạt năng suất trung bình từ 25 đến 30 tấn. Ri6 cũng là giống sầu riêng có tuổi thọ trung bình cao, từ 20 đến 30 năm. Loại cây này có khả năng thích nghi với nhiều loại địa hình, khí hậu và thời tiết khác nhau.

Tuy nhiên, trong chi Durio chỉ có một loài là Durio zibethinus là phổ biến nhất. Trong thế kỷ XX ở Việt Nam được biết tới 2 giống “sầu riêng mỡ” có lớp cơm màu trắng xám như mỡ và “sầu riêng đường” có lớp cơm màu vàng như đường mía. Theo thời gian, hoặc nhờ khám phá, hoặc nhờ gây giống, hiện nay sầu riêng (Durio zibethinus) có độ 70 giống (cultivar), trong đó giống “sầu riêng đường không hạt “có triển vọng và được giới tiêu thụ ưa chuộng hơn hết, phân loài này được gây giống đặc biệt ở Thái Lan và Việt Nam: múi ngọt, không có hạt hoặc hạt bị tiêu giảm.

Cây sầu riêng có thể cao tới 40 m. Lá luôn xanh, đối xứng hình êlip đến hình thuôn dài từ 10 – 18 cm. Hoa nở từng chùm từ 3 – 30 trên cành lớn và thân, mỗi hoa có đài hoa và 5 (ít khi 4 hay 6) cánh hoa. Trái sầu riêng chín sau 3 tháng sau khi thụ phấn. Trái có thể dài tới 40 cm và đường kính 30 cm, nặng từ 1 đến 7 kg. Trái có thể mọc trên thân cây cành. Sầu riêng có thể có trái sau khi trồng 4 tới 5 năm. Màu của trái có thể từ xanh sang nâu, hình dạng thuôn đến tròn. Bên ngoài có lớp vỏ cứng bao với gai nhọn, và mùi nồng đặc trưng tỏa từ thịt bên trong. Nhiều người xem đó là thơm, nhưng có người cho đó là thối. Cả hai kết quả phẩm bình, tuy mâu thuẫn nhưng đều có lý. Trong trái sầu riêng chín, theo các chuyên gia hóa học, có hơn 100 chất, trong đó có một số thuộc ête (ether) thơm, và một số ête thối, có thành phần lưu huỳnh. Thơm hay thối là kết quả của khứu giác cá nhân: tiếp nhận ête thơm trước tiên, hay tiếp nhận ête thối trước tiên mà thôi.

Một đặc điểm nữa của trái sầu riêng là trái chín chỉ rơi (rụng) vào một thời điểm nhất định trong ngày: trái rơi (rụng) nhiều nhất vào lúc giữa đêm (từ 0 tới 1 giờ) và một số ít vào giữa trưa (12 tới 13 giờ), những giờ khác không có trái rơi (rụng). Nhờ đó con người tránh được tai nạn. Trái sầu riêng có nhiều “múi”, mỗi múi có 1 đến 3 hạt. Phần ăn được là phần thịt (cơm) bao quanh hạt cứng. Hạt có kích cỡ như hạt mít, có thể ăn được nếu được nướng, chiên hay luộc.

Trái sầu riêng

Tổng khối lượng xuất khẩu sầu riêng của thế giới được dự đoán sẽ tăng 350,000 tấn mỗi năm trong 5 năm tới, so với mức chỉ 130,000 tấn mỗi năm trong thập niên trước. Các chuyên viên nhận định xuất khẩu sầu riêng của thế giới do đó được dự báo sẽ tăng 135% lên 1.8 triệu tấn vào năm 2025.

Hiện tại, Thái Lan đứng thứ hai sau Indonesia, quốc gia có sản lượng sầu riêng lớn nhất thế giới với 1.2 triệu tấn mỗi năm. Để có sự so sánh, diện tích đất trồng sầu riêng của Thái Lan đã tăng vọt từ 96,000 ha năm 2012 lên 152,000 ha vào năm 2019, theo Văn phòng Kinh tế Nông nghiệp Thái Lan. Cơ quan này cũng dự báo, sản lượng sầu riêng có thể đạt 1.4 triệu tấn trong năm 2019, tăng 17% so với năm 2018. Thái Lan đang trên đà trở thành nước sản xuất sầu riêng lớn nhất thế giới trong vòng 5 năm tới. Theo ông Aat, sản lượng sầu riêng trung bình hàng năm của Thái Lan trong giai đoạn 2021-2025 được dự báo là 2 triệu tấn, tăng gần gấp đôi so với mức 1.11 triệu tấn năm ngoái. Đó sẽ là sản lượng sầu riêng lớn nhất thế giới.

Sản lượng sầu riêng tăng đột biến này là kết quả của việc mở rộng diện tích trồng sầu riêng ở miền Nam và miền Đông Bắc. Miền Nam có diện tích trồng sầu riêng tăng trưởng cao nhất (300%), tiếp theo là vùng Đông Bắc. Tuy nhiên, các nước láng giềng của Thái Lan cũng đang mở rộng diện tích trồng sầu riêng. Sản lượng sầu riêng ở Malaysia trong những năm gần đây đã tăng 42%, trong khi Indonesia, Philippines và Việt Nam có sản lượng sầu riêng tăng lần lượt là 32%, 40% và 20%. Do đó, Thái Lan hiện được dự báo sẽ bị giảm thị phần xuất khẩu sầu riêng từ khoảng 80% năm ngoái xuống còn khoảng 57% vào năm 2025.

SẦU RIÊNG TẠI VIỆT NAM

Khó mà có thể so sánh chất lượng sầu riêng ở mỗi vùng, bởi điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng và cách gieo cấy hoàn toàn khác biệt.

Phân bố bản địa của sầu riêng     Phân bố ngoại nhập của sầu riêng

Chúng ta chỉ có thể liệt kê một số đặc điểm của các loại sầu riêng ở Việt Nam dựa trên nhiều tiêu chí như hương vị, hình thức trái, năng suất và giá thành. Theo số liệu của Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến năm 2021 cả nước có khoảng 100,000 ha diện tích trồng sầu riêng, sản lượng 700 ngàn tấn/năm, tập trung chủ yếu ở vùng Tiền Giang, Long An, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước, Lâm Đồng … Một số vùng đã phát triển sản lượng lên đến hàng trăm tấn/năm. Phục vụ nhu cầu thưởng thức của người dân và đông lạnh xuất khẩu ra các nước khác. Được trồng tại Đắk Lắk năm 2018, tổng diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh khoảng 15,100 ha sản lượng 170 ngàn tấn/năm. Riêng huyện Krông Pắc, diện tích trồng sầu riêng khoảng 4,000 ha, sản lượng 45 – 50 ngàn tấn/năm. Trong đó 600 ha đạt tiêu chuẩn VietGap, 1,200 ha được cấp mã vùng trồng, huyện đang đề xuất cấp mã vùng trồng thêm 1,200 ha. Bên cạnh đó, Krông Pắc có 7 mã cơ sở đóng gói, phấn đấu đến cuối năm 2022 đạt ít nhất 30 mã cơ sở đóng gói nhằm phục vụ tốt nhất cho xuất khẩu chính ngạch.

Nơi trồng sầu riêng hạt lép ngon ở Việt Nam không đâu bằng các tỉnh miền Tây (Cái Mơn, Bến Tre, Tiền Giang). Vùng cao Đắk Lắk với khí hậu ôn hoà, đất đỏ bazan màu mỡ, quanh năm tươi tốt. Người dân Đắk Lắk sớm biết áp dụng kỹ thuật nông nghiệp vào trồng trọt và phát triển các giống sầu riêng năng suất cao. Ngoài các giống sầu bản địa, sầu riêng Ri6, sầu riêng Cái Mơn, sầu riêng Monthong Thái trồng tại Daklak cũng cho chất lượng trái ngon và sản lượng tốt.

Với điều kiện đất phù sa màu mỡ, các giống sầu riêng “cơm vàng hạt lép” như sầu riêng Ri6, sầu riêng Cái Mơn, sầu riêng Monthong Thái,… luôn cho trái có vị ngọt đậm đà, cơm vàng tươi bắt mắt, mùi thơm nồng, trái lớn từ 4 – 6 kg.

CÁC LOẠI SẦU RIÊNG TẠI VIỆT NAM

Sầu riêng Musang King: Sầu riêng Musang King có nguồn gốc từ Malaysia, hiện đang làm mưa làm gió trên thị trường của toàn thế giới và được chào đón tại thị trường Việt Nam. Đây là giống sầu riêng mang hương thơm đặc biệt và tạo cho người ăn cảm giác khó quên nhất. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu kĩ hơn về giống sầu riêng Musang này nhé.

Cây sầu riêng Musang King hay còn được gọi với tên gọi khác là Mao Shan Wang, Cat Mountain King. Đây là giống cây trồng có nguồn gốc và xuất xứ từ bang Sabah Malaysia và nó được mệnh danh là giống sầu riêng ngon nhất của đất nước này. Giống cây này đã được đăng ký công nhận vào năm 1993 theo luật bảo vệ cây giống của Malaysia và có mã là D197.

Cây mẹ được phát hiện đầu tiên tại khu vực gần hang Musang ở Kelantan và được phát hiện bởi người dân có tên là Wee Chong Beng. Cây sầu riêng mang những đặc tính vô cùng nổi bật về sản phẩm như cơm có màu vàng nghệ, có vị ngọt và hương thơm đậm đà, hạt lép dẹt. Khi thưởng thức sẽ mang đến một cảm giác vô cùng đã miệng vì cắn vào sâu nhưng vẫn không đụng hạt.

Đặc điểm nổi bật của giống sầu riêng Musan King này đó chính là cơm có màu vàng đậm của nghệ, rất mịn và có những sợi thịt cơm liền kế chắc chắn với nhau. Nó mang một hương thơm vô cùng đặc trưng, không có hương vị nồng, đắng như một số giống sầu riêng thông thường khác. Lúc thưởng thức chúng ta sẽ cảm nhận được hương vị đậm đà của múi sầu riêng, phần thịt thơm, cơm dày mà hạt lại lép, không tròn.

Trái sầu riêng Musang King khi chín sẽ tự rụng xuống, khác hẳn với giống sầu riêng Dona hay giống sầu riêng Thái Lan cần phải cắt thẳng từ cây. Trái có hình bầu dục, phần vỏ và cuống có màu xanh đậm. Gai sầu riêng lớn và khoảng cách giữa các gai là xa nhau. Khi quan sát tổng thể về hình dạng của gai chúng ta có thể thấy nó trông giống như hình dáng của kim tự tháp thu nhỏ. Đây cũng chính là điểm khác biệt so với một số giống sầu riêng khác, vì sầu riêng thông thường sẽ có gai dạng hình nón.

Sầu riêng Musang King

Sầu riêng Ri6 từ Campuchia và sầu riêng Monthong từ Thái Lan: Đây đều là giống nhập ngoại từ nước ngoài, sau đó được người dân phát triển và canh tác phổ biến. Trong đó, sầu riêng Monthong có nguồn gốc từ Thái Lan còn sầu riêng Ri6 được du nhập từ Campuchia. Cả 2 đều là đều là loại sầu riêng cơm vàng, hạt lép với hương vị hấp dẫn. Chính vì thế, không chỉ người tiêu dùng Việt mà nhiều nước trên thế giới đều yêu thích thậm chí nghiện món ăn độc đáo này. Múi có hình thoi, to và tròn, cuống rất dày, vỏ sầu riêng màu xanh trông rất đẹp mắt thường trồng tại vùng đất phù sa ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Khi lựa, bạn nên để ý đến những cái gai, gai của Ri6 rất dày, to nhưng lại khá thưa. Sầu riêng Thái lại có hình dạng giống quả trứng, tức là một đầu to và một đầu nhỏ.

Sầu riêng Monthong và Ri6

Sầu riêng Cái Mơn: Tương truyền, giống sầu riêng này do một thầy nho họ Lưu dạy học ở Cái Mơn mang từ Campuchia về trồng ở mảnh đất xứ dừa vào những năm 1910 và đặt tên là sầu riêng Sữa Bò. Trải qua hơn 100 năm, giống sầu riêng của ông Lưu ngày nào đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng – sầu riêng Cái Mơn. Quả sầu riêng Cái Mơn không lớn, chỉ trung bình 1 – 2 kg, vỏ mỏng màu xanh ngắt, thưa gai. Cơm có màu vàng nhạt như màu mỡ gà bọc quanh hạt lép, có mùi thơm đặc trưng, cơm càng dày vị càng ngọt, càng béo đậm đà.

Sầu riêng Cái Mơn – đặc sản làm rạng danh xứ dừa. (Nguồn: internet)

Sầu riêng chuồng bò: Là giống sầu riêng nội địa bị lãng quên đã lâu, gần đây lại “trỗi dậy” mạnh mẽ, được trồng nhiều ở miền tây nam bộ , tên gọi “chuồng bò” bắt nguồn từ việc cây sầu riêng đầu được một người nông dân phát hiện mọc gần chuồng nuôi bò. Dù tên không đẹp, sầu riêng chuồng bò lại được yêu thích bởi những múi sầu riêng mềm tan trong miệng béo ngậy có màu vàng nhạt, ngọt vừa và béo ngậy hơn hẳn những loại sầu riêng khác. Có quả nhỏ hơn loại Ri6, hơi bầu, vỏ quả mỏng màu xanh, gai to. Khác với sầu riêng Ri 6, sầu riêng chuồng bò có quả nhỏ chỉ khoảng từ 1kg đến 2kgmà thôi, quả hơi bầu,vỏ mỏng màu xanh, gai to. Cơm sầu riêng có màu vàng nhạt và mềm như chao nhão, có vị ngọt tương đối, không quá gắt nhưng béo ngậy hơn hẳn các giống sầu riêng phổ biến khác. Khi ăn xong, người dùng có thể luộc hạt của sầu riêng để ăn.

Sầu riêng Chuồng bò

Sầu riêng Musang King ruột đỏ: Ngay từ lúc bắt đầu xuất hiện trên thị trường, giống sầu riêng Musang King ruột đỏ cũng đã tạo nên những cơn sốt. Bởi người tiêu dùng chỉ quen thuộc với hình ảnh sầu riêng có màu vàng đặc trưng. Do đó họ cảm thấy vô cùng ngạc nhiên khi thấy được hình ảnh sầu riêng ruột đỏ xuất hiện. Thậm chí có nhiều người còn cho rằng đây chính là những hình ảnh đã được qua chỉnh sửa. Tuy nhiên trên thực tế đây lại là dòng sầu riêng có thật và được xuất xứ từ Malaysia. Sầu riêng Malaysia ruột đỏ hay còn được người ta gọi với tên gọi khác là sầu riêng Sukang. Giống sầu riêng này mang hương vị đậm đà, phần cơm thịt hơi khô, nhưng hạt nhỏ và có múi mỏng. Khi quả còn xanh sẽ có màu xanh, lúc chín nó sẽ ngả sang màu vàng của lúa chín. Lúc này thịt quả cũng dần chuyển sang màu đỏ và mang hương thơm vô cùng nồng nàn. Nếu quan sát thấy vỏ có dấu hiệu bị nứt ra tức là trái của nó cũng đã chín.

Sầu riêng ruột đỏ khi chúng ta ăn sẽ có vị ngọt vừa phải và mang hương thơm vô cùng đậm đà gần giống như hương vị rượu lên men. Những múi sầu riêng khô ráo và nó không có vị béo như những giống khác mà sẽ có vị ngọt vừa phải. Tuy nhiên hương vị của nó khá nồng và được xếp vào giống sầu riêng có mùi đậm nhất của các giống sầu riêng trên thế giới. Chính điều này đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng nhưng lại không được tiêu thụ rộng rãi về số lượng như giống sầu riêng cơ vàng.

Tính đến thời điểm hiện tại đây vẫn là giống sầu riêng khá hiếm và thường chỉ được bày bán tại các chợ Malaysia và Thái Lan. Ở nước ta, loại sầu riêng này được nhập về với số lượng rất hiếm, do đó không ai có thể nắm được giá cụ thể của loại sầu riêng này là bao nhiêu.

Sầu riêng ruột đỏ có nguồn gốc ở Malaysia. Khác với mùi vị truyền thống của các loại sầu riêng thường thấy, loại này có mùi vị giống như socola đen đậm đặc pha trộn thêm vị béo. Tuy nhiên, cũng có người cảm nhận sầu riêng ruột đỏ có vị như rượu vang lên men. Một số khác thì cho rằng chúng vừa ngọt, bùi, béo và đăng đắng.

Sầu riêng Của Hoàng Anh Gia Lai: Được biết đến với hành trình 1 cây – 1 con cho những năm tiếp theo, mà cụ thể là trồng cây chuối và nuôi heo, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán HAG) mới đây tiết lộ đã và đang hoàn thiện khoảng 1,000 ha sầu riêng, dự kiến thu hoạch từ năm 2023. Việc trồng sầu riêng và bơ từng được bầu Đức đề cập đến từ năm 2018, tại Đại hội cổ đông thường niên của CTCP Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico).

Theo chia sẻ của ông Đức, hiện tại HAGL đang trồng hơn 200 ha sầu riêng tại Việt Nam và gần 800 ha tại Lào, trong đó có hơn 300 ha được dành để trồng sầu riêng giống Musang King. Được biết, Musang King mới được các nông dân trồng ở Việt Nam khoảng 2 năm gần đây tại khu vực Tây Nguyên, Đồng Bằng Sông Cửu Long và là một trong những dòng được ưa chuộng hiện nay.

Sầu riêng Musang King của HAGL tại Tây Nguyên

Mùa thu hoạch của sầu riêng Musang King Việt Nam là từ tháng 7 – tháng 9, 2 tháng chậm hơn ĐBSCL. Tại thời điểm tháng 5/2022 (trái mùa) sầu riêng Musang King được các cửa hàng trái cây bán đến tay người tiêu dùng với giá 650,000 – 800,000 VNĐ/kg (chưa tách vỏ). Sản phẩm đã tách vỏ sẵn thậm chí có giá hàng triệu đồng và liên tục cháy hàng. Theo một số chia sẻ của các nông dân trên báo chí, giá thu mua tại vườn đối với loại trái cây này dao động từ 250,000 – 290,000 VNĐ/kg. Trong 200ha sầu riêng tại Việt Nam, HAGL đã có có 60ha đang vào kỳ thu hoạch lứa đầu. Khoảng 20 nhân công chính đang chăm sóc cho 60ha sầu riêng này. Một trái sầu riêng tại đây nặng trung bình 3.5 kg.

Chia sẻ với chúng tôi, đại diện HAGL cho biết dự kiến tháng 8 sẽ bắt đầu bán lứa đầu ra thị trường, sản lượng khoảng 100 tấn với giá 70,000 VNĐ/kg. Ước tính, sầu riêng sẽ mang về khoảng 7 tỷ đồng đầu tiên cho HAGL trong quý 3/2022. Sầu riêng HAGL sẽ tiêu thụ chính ở thị trường Trung Quốc và thương lái tự hái tại vườn. Theo kế hoạch, sẽ tiêu thụ và ghi nhận doanh thu từ năm 2023.

“Sầu riêng nông dân trồng chỉ cần bán giá 25,000 VNĐ/kg là có lãi. Riêng HAGL, mảng sầu riêng có biến phí là 5,000 VNĐ, tính cả chi phí đất đai … thì giá vốn sầu riêng là 10,000 VNĐ/kg. Với giá bán dao động từ 70,000 – 90,000 VNĐ, biên lãi trái này cực kỳ cao”, bầu Đức nói.

Cùng với mức giá cạnh tranh, bầu Đức khẳng định: “So với miền Tây, sầu riêng trồng ở những khu vực của Công ty sẽ ngon hơn nhờ trồng trên đất đỏ, ở vùng cao nên không bị úng nước và khí hậu cũng tốt hơn cho cây”. Đó là kinh nghiệm sau 10 năm lăn lộn để “hiểu được cây gì có giá trị, cây gì không có giá trị” mà ông Đức tự hào.

Giá cả:

  • Giá sầu riêng chuồng bò dao động từ khoảng 80,000 – 100,000 đồng/kg (3.3 – 4.2 USD).
  • Hiện giá sầu riêng Ri6 trên thị trường rơi vào khoảng 100,000 – 115,000 đồng/kg (4.2 – 4.8 USD).
  • Giá sầu riêng ruột đỏ cũng khá là cao, khoảng từ 200,000 – 300,000 đồng/kg (8.4 – 12.5 USD).
  • Vì được mệnh danh là vua của các loại sầu riêng Munsang King nên giá của nó cũng không hề rẻ. Giá bán lẻ sầu riêng đã tách, vĩ 400 g khoảng 500,000đ (20.8 USD), 1 kg tầm khoảng 1 triệu – 1.6 triệu (41.7 – 66.7 USD).
  • Tại các siêu thị Nhật Bản, hầu hết các loại trái cây đều đắt tiền. Sầu riêng được bán với giá 10 ngàn yên (75 USD). Có vẻ như nhiều người Nhật chưa bao giờ ăn sầu riêng. Giá cao như vậy thì ăn không nổi, nên nó trở thành mặt hàng xa xỉ.

Giá 1 trái sầu riêng tại Nhật Bản 9,800 Yen (70 USD)

Cách bảo quản sầu riêng chuẩn để xuất khẩu: Bảo quản hoa quả nhiệt đới trong quá trình vận chuyển đường dài là một bài toán không hề đơn giản. Với những loại trái cây như sầu riêng, chúng rất dễ bị hỏng khi được vận chuyển đi xa, nếu không được bảo quản trong môi trường lý tưởng và căn thời gian vận chuyển phù hợp. Về cơ bản, các doanh nghiệp sẽ sử dụng các phương pháp dưới đây nhằm duy trì độ tươi của trái sầu riêng.

Để đóng gói sầu riêng xuất khẩu người ta sẽ sử dụng nhiều loại bao bì khác như bao tải hoặc thùng carton. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp, các doanh nghiệp sẽ ưu tiên sử dụng thùng carton. Loại thùng này cần đảm bảo các đặc điểm và tiêu chí như sau:

Sầu riêng thường được xuất khẩu theo dạng tách múi và cấp đông …

… hoặc nguyên quả sầu riêng

  • Thùng carton sử dụng chất liệu giấy bìa cứng từ 3 – 7 lớp sóng. Số lớp sóng phụ thuộc vào lựa chọn và cách đóng gói của từng doanh nghiệp. Tuy nhiên để đảm bảo độ bền của thùng carton, đặc biệt hơn khi đựng sầu riêng, hầu hết doanh nghiệp sẽ dùng giấy carton 5 lớp sóng.
  • Thùng carton được thiết kế với các lỗ thông khí ở hai bên hoặc trên nắp đậy. Lỗ thông khí sẽ giúp trái cây không bị hấp hơi và ngăn ngừa khí ethylene. Loại khí này sẽ khiến trái cây chín nhanh hơn. Ngoài ra còn có phần lỗ để đặt tay khi khuân vác hoặc vận chuyển.
  • Thùng carton in offset 4 màu cho chất lượng nội dung hoàn hảo. Bên cạnh đó thùng sẽ được gia công phủ UV và cán màng bóng PE. Điều này giúp tăng độ bền, tính chống thấm nước của thùng. Đồng thời những thông tin được in trên bao bì, sẽ giúp việc phân loại sản phẩm trở nên dễ dàng hơn, đây cũng là phương thức in được thị trường khó tính chấp nhận
  • Tùy theo thị trường xuất khẩu mà công nghệ in sẽ được quyết định, nếu xuất khẩu sang Trung quốc các yêu cầu về in không quá khắc khe, có thể in Flexo thùng carton để tiết kiệm chi phí.

XUẤT KHẨU SẦU RIÊNG SANG TRUNG QUỐC

Trung Quốc cũng đã nhiều lần thử canh tác sầu riêng ở Vân Nam, Quảng Tây, Hải Nam mà chưa thành công. Tuy vậy, họ không bỏ cuộc. Chủ tịch một công ty trồng sầu riêng tại Hải Nam nói trên tờ Nikkei tháng trước rằng, khí hậu đảo Hải Nam khác với Đông Nam Á và việc trồng sầu riêng trên quy mô lớn không hề dễ dàng. Dù vậy, họ có thể sản xuất các sản phẩm giai đoạn đầu để thương mại hóa trong hai năm tới. Trung Quốc cũng đang thảo luận với Campuchia và Philippines về việc nhập khẩu sầu riêng. Hồi đầu tháng 7, chương trình thử nghiệm nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Campuchia đã được khởi động với lô hàng 50 tấn đầu tiên.

Sầu riêng là một trong những nông sản nổi tiếng của đất nước ta. Loại trái cây này được trồng chủ yếu ở miền Tây và Đông Nam Bộ. Trong vòng một thập kỷ vừa qua, diện tích trồng sầu riêng tại nước ta ngày càng được mở rộng. Diện tích trồng trọt đạt 47,300 ha và sản lượng sầu riêng đã nhanh chóng cán mốc 500,000 tấn/ năm. Đắk Lắk có diện tích sầu riêng lớn thứ 2 cả nước (sau Tiền Giang), ước sản lượng thu hoạch năm 2022 là 170,000 tấn và ước sản lượng đến năm 2025 là trên 300,000 tấn. Mặc dù sản lượng cao nhưng thị trường nội địa chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu tiêu thụ. Do vậy hầu hết sầu riêng được trồng tại nước ta sẽ được xuất khẩu sang nước ngoài. Thực trạng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam vô cùng khả quan. Sầu riêng Việt Nam đã xuất hiện tại hầu hết các quốc gia phát triển như Mỹ, EU, Australia.

Trung Quốc là một trong số ít thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, với kim ngạch nhập khẩu hàng năm 4 tỷ USD. Năm 2021, nước này đã nhập hơn 822,000 tấn sầu riêng với tổng kim ngạch lên tới 4.2 tỷ USD, tăng gấp 8 lần chỉ trong vòng 5 năm, so với mức 550 triệu USD của năm 2017. Sáu tháng đầu năm 2022, lượng nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh 60%.

Thái Lan chiếm 94% sầu riêng xuất khẩu qua Trung Quốc

Thái Lan: Không chỉ tại Tân Phát Địa, khu chợ đầu mối có quy mô giao dịch lớn nhất Bắc Kinh, thậm chí cả châu Á, mà trên cả nước Trung Quốc, nói đến sầu riêng người ta nghĩ ngay đến Thái Lan hay Malaysia, trong đó có tới khoảng hơn 90% nhập khẩu từ Thái Lan. Theo Bộ Hợp tác Nông nghiệp Thái Lan, 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sầu riêng của nước này sang Trung Quốc đã vượt 500,000 tấn, lập kỷ lục mới từ trước tới nay. Diện tích đất trồng sầu riêng của Thái Lan đã tăng vọt từ 96,000 ha năm 2012 lên 152,000 ha vào năm 2019, theo Văn phòng Kinh tế Nông nghiệp Thái Lan. Cơ quan này cũng dự báo, sản lượng sầu riêng có thể đạt 1.4 triệu tấn trong năm 2022, tăng 17% so với năm trước. Chỉ trong nửa đầu năm 2022, họ bán sang Trung Quốc 670,000 tấn sầu riêng, mang về 72 tỷ baht (hơn 1.9 tỷ USD). Người Trung Quốc vẫn thích ăn sầu riêng tươi hơn nên hàng Thái phổ biến nhất, vì Musang King của Malaysia chủ yếu là tách muối cấp đông và thuộc phân khúc khác, tương đối cao cấp. Người Thái quản lý chất lượng rất kỹ, nông trại nào sản xuất sầu riêng sai quy chuẩn có thể bị xử phạt, thậm chí là truy tố.

Truyền thông Thái Lan dẫn thông tin, trước kia Trung Quốc chỉ chấp nhận sầu riêng nước này nhập khẩu chính ngạch. Nay, việc sầu riêng Việt Nam thâm nhập thành công thị trường Trung Quốc khiến nhiều chuyên gia nông nghiệp Thái Lan lo lắng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến người trồng sầu riêng ở “xứ chùa Vàng”. Báo chí Thái Lan cũng nhận định, sầu riêng của Việt Nam có giá cạnh tranh hơn hẳn so với các đối thủ trong khu vực. Chưa kể, thời gian và quãng đường vận chuyển tới Trung Quốc ngắn hơn chắc chắn sẽ giúp sầu riêng Việt chiếm ưu thế so với hàng Thái. Cuộc đua trong thời gian tới sẽ càng sôi động khi Lào, Campuchia và Philippines cũng đang nhắm đến thị trường Trung Quốc, theo Bangkok Post.

Việt Nam cần học tập mô hình của Thái Lan. Tại xứ sở Chùa Vàng, kiềng ba chân giữa doanh nghiệp xuất khẩu – nông dân – doanh nghiệp vận tải, được thiết lập vững chắc. Mặt khác, Thái Lan có chế tài rất khắt khe với hành vi gian dối, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đó là chưa kể hàng nhập từ Thái, một hộc sầu riêng có 4 múi là khá phổ biến, trong khi hàng Việt chủ yếu một hộc 3 múi nên cũng là một phần lý do giá sầu riêng nước này tại Trung Quốc có thể cao gấp đôi của Việt Nam. Theo ông Thắng, giá rẻ có thể coi là một lợi thế nhưng không phải lâu dài, vì không thể bán rẻ mãi.

Theo ông Nguyên, sau khi nhận được thông tin sầu riêng Việt xuất khẩu chính ngạch, các nước đối thủ đã có những động thái “lạ”. Chẳng hạn, Thái Lan kiểm tra gắt gao hơn sản phẩm của nước này. Những lô hàng dù xuất phát từ các cơ sở có mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu nhưng khi đến biên giới, hải quan nước này kiểm tra lần nữa (về chất lượng). Nếu không đảm bảo chất lượng, họ sẵn sàng hủy bỏ hoặc yêu cầu hàng trở lại, tuyệt đối không cho xuất sang để đảm bảo uy tín thương hiệu sầu riêng. Đặc biệt, Thái Lan đưa các chuyên gia nông nghiệp đi xuống từng nhà vườn, những địa phương trồng sầu riêng để hướng dẫn cho nông dân; kiểm tra chất lượng của sầu riêng ngay tại vườn. Nước này còn xử lý rất nghiêm các trường hợp giả mạo, gian lận mã số vùng trồng, đưa những hành vi vi phạm vào trong luật.

Malaysia: Người dân Trung Quốc đang ráo riết săn lùng một sản phẩm cao cấp của Malaysia là sầu riêng “Musang King”, còn được mệnh danh là “Hermes của sầu riêng” tại nước này. Nổi bật nhất phải kể đến hãng Pagoda, hệ thống bán lẻ trái cây tươi hàng đầu Trung Quốc vừa chính thức tuyên bố độc quyền kinh doanh các loại sầu riêng Musang King, gắn với thương hiệu “sầu riêng Hermès” nhập khẩu từ Malaysia.

Hiện Pagoda đang sở hữu mạng lưới 4,500 cửa hàng bán trái cây tươi (bao gồm cả kênh bán lẻ trực tuyến) phủ khắp các tỉnh thành ở Trung Quốc. Theo thông báo mới của chính phủ Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 30/5/2020, nước này sẽ chính thức mở cửa đối với mặt hàng sầu riêng đông lạnh của Malaysia để phục vụ nhu cầu tăng mạnh trong nước.

Đại sứ Malaysia tại Trung Quốc, Raja Dato’ Nushirwan Zainal Abidin cho biết ông rất kỳ vọng sầu riêng Musang King sẽ có chỗ đứng tốt trên thị trường Trung Quốc. Hiện kim ngạch xuất khẩu trái cây của Malaysia sang thị trường khổng lồ này mới đạt chưa đầy 100 triệu USD vào năm ngoái, trong đó mặt hàng sầu riêng chiếm tỷ trọng không đáng kể. Trước đó, chính phủ Malaysia cũng khuyến khích nông dân trong nước mở rộng diện tích trồng sầu riêng chất lượng cao để tăng sản lượng, dự kiến sẽ tăng từ 5 đến 10 lần hiện nay vào năm 2025.

Việt Nam: Cho đến thời điểm hiện tại Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sầu riêng quan trọng nhất của nước ta. Hầu hết sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc đều dưới dạng đã được tách múi và cấp đông. Thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn thứ hai của nước ta là Úc. Tại đây, chúng ta xuất khẩu sầu riêng dưới dạng để nguyên quả hoặc tách múi sẵn. Vấn đề quan trọng nhất là bài toán xây dựng thương hiệu và từng bước cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan và Malaysia tại thị trường Trung Quốc. Trong đó, Thái Lan là nhà cung cấp chính. Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành nước xuất khẩu sầu riêng tươi lớn thứ hai vào Trung Quốc, sau Thái Lan, nhờ đó ngành trồng sầu riêng sẽ có nhiều dư địa để phát triển hơn.

Sau hơn 4 năm đàm phán và trải qua nhiều quy trình kiểm tra chặt chẽ với tiêu chí ngặt nghèo thì ngày 19/9/2022, thị trường Trung Quốc chính thức mở cửa đón trái sầu riêng tươi VN xuất khẩu chính ngạch. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết trong đợt đầu tiên đánh giá, Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt 51 mã số vùng trồng và 26 mã số cơ sở đóng gói với diện tích 1,500 ha (chiếm 18.3% diện tích sầu riêng cho thu hoạch của tỉnh). Trong đợt đầu tiên, hơn 100 tấn sầu riêng được các doanh nghiệp  thu mua, đóng gói tại Đắk Lắk được thông quan nhanh chóng.

Tổng diện tích sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 3,000 ha, chỉ chiếm khoảng 3% so với tổng diện tích sầu riêng cả nước là 100,000 ha. Theo số liệu của Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến năm 2021 cả nước có 84,800 ha diện tích trồng sầu riêng, sản lượng 700 ngàn tấn/năm, tập trung chủ yếu ở vùng Tiền Giang, Long An, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước, Lâm Đồng. Diện tích này rất nhỏ bé với với nhu cầu sản lượng của thị trường Trung Quốc mà các DN VN đã có hợp đồng, khoảng 1.3 triệu tấn/năm. Theo đó, vấn đề kiểm soát mã số vùng trồng, cơ sở sản xuất cho các lô hàng sầu riêng xuất khẩu sẽ là một thách thức. Mới đây, cơ quan kiểm dịch thực vật tại Lạng Sơn đã ghi nhận một số mã số vùng trồng vườn mới chỉ có quả non hoặc chưa ra quả nhưng đã có sầu riêng đưa lên biên giới.

Sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc 3 tháng cuối 2022: Sầu riêng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh với Thái Lan hay Malaysia. Đầu tiên là cự ly gần, thứ hai là chất lượng tốt. Tôi khẳng định rằng giá cả xấp xỉ với Thái Lan và Malaysia, con số cụ thể hiện chưa thể tiết lộ do các yếu tố thương mại”. Với giá bán như hiện nay, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sầu riêng sẽ là ngành hàng hứa hẹn xuất khẩu tỷ USD cho Việt Nam trong tương lai. Từ trung tuần tháng 9/2022, theo Cục bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng lên từng ngày, thị trường trong nước cũng trở nên khá sôi động. Tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, giá sầu riêng hiện được mua vào từ 70 đến 80 nghìn đồng/kg. Theo các doanh nghiệp có được mức giá trên là nhờ hiệu ứng tích cực từ việc sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Và từ trung tuần tháng 9 vừa qua theo Cục bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng lên từng ngày, thị trường trong nước cũng trở nên khá sôi động.

Trước đó, Việt Nam đã đề xuất Trung Quốc 126 vùng trồng và 44 cơ sở đóng gói sầu riêng được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng chính ngạch được hai nước ký kết vào trung tuần tháng 7/2022. Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt 76 mã số vùng trồng và 25 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào nước này. Việt Nam hiện có gần 3,000 ha sầu riêng chính thức được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Riêng với sầu riêng, dự kiến diện tích cũng như sản lượng được phép xuất khẩu sẽ còn tăng lên trong thời gian tới. Tuy nhiên, cơ hội chỉ thật sự được tận dụng khi chúng ta tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác. Ngày 17/9, UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo nghị định thư ký kết giữ Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Xuất khẩu chính ngạch sầu riêng VN sang Trung Quốc tăng 4,000% trong tháng 10/2022 so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch mặt hàng này cả năm 2022 có thể lên đến 300 triệu đô la Mỹ. Đây là số thống kê do Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Việt Nam công bố hôm 21/12.

Truyền thông Nhà nước dẫn lời ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, rằng từ nửa cuối tháng 9 đến hết tháng 11, sau khi ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, số lượng đã đạt hơn 20 ngàn tấn và dự kiến đến hết tháng 12 được khoảng 30 ngàn tấn. Trong năm 2021 kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 180 triệu USD. Hiện giá sầu riêng trong nước cũng tăng gấp 3 lần sau khi có nghị định thư. Vào ngày 23/12/2022, Bộ NN-PTNT Việt Nam thông báo Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa chấp thuận thêm 32 mã số vùng trồng và 5 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đủ đáp ứng yêu cầu của Nghị định thư, được phép xuất khẩu sầu riêng dạng quả tươi sang thị trường Hoa Lục.

Để cạnh tranh với Thái Lan và Malaysia, còn nhiều việc phải làm từ giống đến kỹ thuật canh tác, thu hoạch, bảo quản”, ông nói. Cuộc đua trong thời gian tới sẽ càng sôi động khi Lào, Campuchia và Philippines cũng đang nhắm đến thị trường Trung Quốc, theo Bangkok Post. Nhìn chung, theo các nhà kinh doanh, trái cây tươi vẫn luôn là hướng đi hút khách, nhưng kèm với nó sẽ là rủi ro về giá cả và mùa vụ. Do đó, để có một bước đệm nhằm vừa tự chủ động sản lượng để duy trì mức giá bán tốt, vừa có thể đa dạng hóa thị trường, phòng rủi ro thì phải nâng cao năng lực sau thu hoạch (bảo quản, chế biến sâu).

Có thể xem Quyết định số 417 của Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030” là một giải pháp giúp khắc phục những điểm yếu của nông sản Việt. Câu chuyện còn lại là đề án sẽ hiện thực hóa đến đâu. Công ty Vạn Xuân Phát cho biết hiện cũng đã tự chủ động chuẩn bị. Họ vừa bắt tay hợp tác Vinamit với tham vọng chế biến sâu 20-30% sản lượng sầu riêng thu được từ đây đến 2023. Nhà máy của Vinamit tại Khu công nghiệp Ea Đar, huyện Ea Kar, Đăk Lăk sẽ đảm nhận việc này. “Chiến lược của chúng tôi là phần nào tươi đạt chuẩn sẽ xuất tươi, phần nào không đáp ứng thì chế biến sâu. Thái Lan họ cũng làm rất tốt việc chế biến sâu, thành các món như súp sầu riêng và nhiều sản phẩm khác. Giá cả sầu riêng Thái ổn định vì họ không vội vàng theo vụ mùa. Khi có vấn đề (sản lượng hay chất lượng) với quả tươi, họ chuyển thành những sản phẩm chế biến sâu”, ông Thắng nói.

Xây dựng thương hiệu Sầu riêng Việt Nam tại Trung Quốc: Những ngày gần đây, giá sầu riêng tại các nhà vườn đang được thu mua với giá cao kỷ lục từ 150,000 – 220,000 đồng/kg. Mức giá này cao gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân khiến giá sầu riêng đang tăng nóng từng ngày được biết do nhu cầu phía Trung Quốc tăng mạnh. Theo đó, thương lái trong nước cũng liên tục tăng giá để gom đủ hàng. Trung Quốc hiện đứng thứ 3 thế giới về tiêu thụ sầu riêng, với 19% tổng sản lượng tiêu thụ sầu riêng mỗi năm – sau Indonesia (40%) và Malaysia (24%).

Tại Việt Nam, một thống kê cho thấy năm 2022 kim ngạch xuất khẩu sầu riêng nước ta đạt gần 400 triệu USD, riêng xuất sang Trung Quốc ước đạt 300 triệu USD.

Mới đây, Trung Quốc đã ký nghị định thư cho phép xuất khẩu sầu riêng chính ngạch qua nước này. Điều này mở ra cơ hội lớn cho trái sầu riêng Việt Nam và người trồng nói chung. Trong đó, có Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) của bầu Đức. Hiện, bầu Đức đang trồng khoảng 1.000 ha sầu riêng, gồm 200 ha tại Việt Nam và gần 800 ha tại Lào (trong năm 2022 có trồng thêm), với hai giống chủ lực là sầu riêng Monthong (Thái Lan) và Musaking (Malaysia).

Theo đánh giá, Trung Quốc là nước đứng thứ 3 thế giới về tiêu thụ sầu riêng. Hiện tổng diện tích sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc ở nước ta khoảng 3,000 ha, tức chỉ chiếm khoảng 3% so với tổng diện tích trồng sầu riêng cả nước. Diện tích này rất nhỏ, so với nhu cầu sản lượng của thị trường Trung Quốc mà các doanh nghiệp Việt Nam đã có hợp đồng là khoảng 1.3 triệu tấn/năm. Trình bày tại Hội nghị “Triển khai xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc” ngày 12/9/2022 tại Bộ NN-PTNT, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, tổng diện tích của 51 vùng trồng sầu riêng vừa được Trung Quốc cấp mã số là khoảng 3,000 ha, chiếm khoảng 3,52% tổng diện tích sầu riêng toàn quốc. Nếu tính cả 49 vùng trồng đang hoàn thiện hồ sơ (khoảng 2.750 ha), diện tích sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu chiếm chưa tới 7% trong tổng số hơn 85,000 ha của cả nước. Trong 15 tỉnh có diện tích sầu riêng hơn 1,000 ha, 3 tỉnh có diện tích và sản lượng lớn nhất lần lượt là Tiền Giang, Đắk Lắk và Lâm Đồng. Tây Nguyên và ĐBSCL cũng được xem là hai thủ phủ sầu riêng của Việt Nam, với diện tích trồng đều vượt 16,000 ha. Với nhu cầu xuất khẩu khoảng 1.3 triệu tấn sầu riêng mỗi năm, bà Hương đánh giá, dư địa cho quả sầu riêng là rất lớn. Vấn đề là chúng ta cần chuẩn hóa từ quy trình canh tác, chăm sóc, đến thu hoạch, bảo quản và xuất khẩu. Tính đến đầu năm 2013, Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) cho biết, sau 2 lần kiểm tra trực tuyến vườn trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng tươi của Việt Nam, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt cho 246 mã số vùng trồng và 97 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngoài ra, 36 mã số vùng trồng và 18 mã cơ sở đóng gói được Tổng cục Hải quan Trung Quốc khuyến cáo cần có giải pháp khắc phục và bổ sung hồ sơ để họ xem xét phê duyệt trong đợt tiếp theo. Thống kê từ Hiệp hội rau quả VN, mỗi năm Trung Quốc nhập khoảng bốn tỷ USD sầu riêng, 90% nhập từ Thái Lan còn lại nhập từ Malaysia và Myanmar dưới dạng cấp đông. Sầu riêng Việt Nam dù chỉ mới xuất khẩu chính thức từ tháng 9/2022 nhưng Trung Quốc đã nhập khẩu đạt giá trị khoảng 400 triệu USD. Do đó, ông Nguyên dự đoán, năm 2023 khả năng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang thị trường này có cơ hội đạt trên 1 tỉ USD.

Diện tích 85,000 ha trồng sầu riêng

KẾT LUẬN

Trong vòng 10 năm trở lại đây, diện tích trồng sầu riêng ở nước ta gia tăng nhanh chóng. Nếu như trước kia, sầu riêng được trồng chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một vài nơi ở Đông Nam bộ, thì hiện nay, loại cây này đang có sự gia tăng diện tích mạnh mẽ tại Tây Nguyên. Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2021, sản lượng sầu riêng cả nước ước đạt 642,600 tấn, tăng 15% so với năm 2020. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sầu riêng dưới dạng múi đã tách vỏ và được cấp đông. Gần đây, Việt Nam bắt đầu xuất cảng sầu riêng tươi toàn trái sang Trung Quốc.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam nhưng chủ yếu là xuất tiểu ngạch. Kể từ ngày 11/7/2022, sầu riêng của Việt Nam được xuất chính ngạch qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc. Đến nay, sầu riêng Việt Nam đang ngày càng thể hiện vị trí thống lĩnh trên thị trường lớn nhất châu Đại Dương – Australia.

Theo Cục Xúc tiến thương mại, khảo sát qua một vòng các siêu thị và cửa hàng thực phẩm tại thành phố Sydney, bang New South Wales không khó để có thể bắt gặp sầu riêng Ri6 Việt Nam được bày bán trên các kệ hàng bắt mắt nhất. Từ chỗ là một sản phẩm ít người biết tới, cho đến nay sầu riêng Việt Nam đã trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ nhất trên thị trường Australia, tạo lập được nhiều thương hiệu đặc trưng, có sức lan tỏa cao, khẳng định là loại “quả vua” trong các dòng sầu riêng bày bán ở thị trường này.

Tại Australia, sầu riêng đông lạnh cả quả, đông lạnh nguyên múi hoặc múi tách hạt đang là mặt hàng được người tiêu dùng ưa chuộng. Tiềm năng xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Australia là rất lớn. Người gốc Á tại Australia thưởng thức sầu riêng đông lạnh quanh năm. Người gốc Tây phương cũng bắt đầu trải nghiệm do các chiến lược quảng bá sầu riêng của nhiều quốc gia gây hiếu kỳ.

Theo dự báo của các chuyên gia, quy mô thị trường trái sầu riêng toàn cầu sẽ đạt 28.6 tỷ USD vào năm 2025 và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 7.2% trong giai đoạn năm 2019 – 2025. Sự tăng trưởng của thị trường trái cây sầu riêng được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng về ẩm thực, cùng với sự mở rộng của ngành du lịch.

Để nắm bắt cơ hội này, cùng với việc tìm kiếm thị trường mới thì cần chú trọng việc xây dựng thương hiệu cho trái sầu riêng Việt Nam. Việc tham gia Phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm sầu riêng Việt Nam chính là cơ hội tốt để doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng tìm hiểu sâu về thị trường, từ đó tăng cường xuất khẩu loại trái cây này.

THAM KHẢO

  1. Chi sầu riêng – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
  2. Bài viết “Top sầu riêng ngon nhất thế giới, được yêu thích tại Việt Nam” đăng trên mạng Foodmap ngày 22/04/2022
  3. Bài viết “Bầu Đức khoe 1.000 ha sầu riêng sắp thu hoạch: Giá vốn 10.000 đồng, giá bán thấp nhất 70.000 đồng/kg” đăng trên mạng SOHA ngày 2/8/2022.
  4. Bài viết “Bầu Đức thu hoạch sầu riêng” đăng trên mạng SOHA ngày 3/9/2022.

*****

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *